Nguyên Sa
Không thể dùng các báo cáo nhân quyền để truy tố một nhà hoạt động. Cũng không thể làm một việc rất xấu hổ cho LHQ là bầu những nhà nước giỏi xoen xoét đầu lưỡi mấy chữ “nhân quyền” vào Hội đồng Nhân quyền.
Bauxite Việt Nam
Phạm Đoan Trang. Ảnh: Adam Bemma/ Al Jazeera. Cáo trạng: Facebook Phạm Đoan Trang. Bìa sách: Green Trees.
Ngày 29/10/2021, nhóm chuyên gia nhân quyền độc lập của Liên Hiệp Quốc (LHQ) lên tiếng bác bỏ chứng cứ mà chính quyền Việt Nam dùng để buộc tội Phạm Đoan Trang “tuyên truyền chống nhà nước” [1].
Nhóm chuyên gia nhận định gì?
• Nhóm chuyên gia phản đối việc chính quyền Việt Nam dùng các báo cáo tư liệu về tình hình nhân quyền để truy tố một nhà hoạt động.
• Họ đề cập cụ thể đến ba bản báo cáo được nhắc đến trong cáo trạng vụ án Phạm Đoan Trang, gồm: (1) báo cáo về thảm họa môi trường biển năm 2016, (2) báo cáo về luật tôn giáo năm 2016 và (3) báo cáo chung về tình hình nhân quyền Việt Nam [2].
• Họ khẳng định rằng chia sẻ báo cáo và cung cấp lời chứng là phương thức liên lạc thông thường với LHQ, và là một trong những cách mà các chuyên gia nhân quyền thu thập dữ kiện.
• Theo các chuyên gia, việc làm của chính quyền Việt Nam sẽ “gia tăng không khí sợ hãi ở Việt Nam, dẫn tới tình trạng tự kiểm duyệt và cản trở những người khác hợp tác với Liên Hiệp Quốc”.
Nhóm chuyên gia nhân quyền này là ai?
Nhóm này gồm có tám người là chuyên gia độc lập và báo cáo viên đặc biệt của LHQ:
• Bà Irene Khan, Báo cáo viên Đặc biệt về quyền tự do quan điểm và biểu đạt;
• Bà Mary Lawlor, Báo cáo viên Đặc biệt về tình trạng của những người bảo vệ nhân quyền;
• Bà Tlaleng Mofokeng, Báo cáo viên Đặc biệt về quyền được đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần.
• Năm thành viên của Nhóm Công tác về Bắt giữ Tùy tiện: Bà Elina Steinerte (Trưởng Nhóm công tác), TS. Miriam Estrada-Castillo (Phó Trưởng Nhóm công tác), bà Leigh Toomey, ông Mumba Malila và bà Priya Gopalan.
Họ còn nói gì khác nữa?
• Nhóm chuyên gia tái khẳng định sự phản đối của họ đối với điều 88 của Bộ Luật Hình sự 1999 (điều 117 của Bộ Luật Hình sự 2015) về tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Họ nói rằng điều luật này “được định nghĩa một cách mơ hồ và vi phạm các chuẩn mực nhân quyền quốc tế”.
• Nhóm chuyên gia nhấn mạnh việc Phạm Đoan Trang đã bị bắt giữ tùy tiện, không được gặp luật sư và gia đình, cũng không được chăm sóc y tế trong suốt hơn một năm trong trại tạm giam.
• Họ thúc giục chính quyền trả tự do cho Đoan Trang ngay lập tức và vô điều kiện, đồng thời cung cấp cho cô các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần thiết.
Bối cảnh:
• Tuyên bố trên của nhóm chuyên gia được đưa ra bốn ngày sau khi Nhóm Công tác về Giam giữ Tùy tiện của Hội đồng Nhân quyền kết luận rằng việc chính quyền bắt giữ Phạm Đoan Trang là tùy tiện và vi phạm nhân quyền. Đọc tóm tắt quan điểm chính thức của Nhóm Công tác tại đây và bài giải thích tầm quan trọng của tuyên bố này tại đây. [3] [4]
• Phạm Đoan Trang bị bắt ngày 7/10/2020 và bị giam giữ từ đó đến nay. Phiên tòa xử cô dự kiến diễn ra ngày 4/11/2021, nhưng hồi tuần trước, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội bất ngờ thông báo hoãn phiên tòa vì lý do các kiểm sát viên tham gia vụ án có tiếp xúc với người nghi nhiễm COVID-19. Thời điểm tổ chức lại phiên tòa chưa được công bố.
Cùng thời điểm này, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính có chuyến làm việc quan trọng tại châu Âu. Theo lịch trình, ông sẽ tham dự Hội nghị COP26 của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, đồng thời thăm và làm việc tại Anh và Pháp. [5]
Chú thích:
1. OHCHR | Viet Nam: release writer held on “propaganda” charges – UN experts. (2021, October 29). OHCHR. https://www.ohchr.org/EN/NewsEvents/Pages/DisplayNews.aspx?NewsID=27734&LangID=E
2. Trịnh Hữu Long. (2021, October 18). Tóm tắt cáo trạng vụ án Phạm Đoan Trang. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/10/toan-van-cao-trang-vu-an-pham-doan-trang/
3. Yên Khắc Chính. (2021, October 28). Nhóm làm việc của Liên Hiệp Quốc: Cần trả tự do ngay lập tức cho Phạm Đoan Trang. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/10/nhom-lam-viec-cua-lien-hiep-quoc-can-tra-tu-do-ngay-lap-tuc-cho-pham-doan-trang/
4. Nguyễn Quốc Tấn Trung. (2021, October 29). Vụ bắt nhà báo Phạm Đoan Trang: “Phán quyết” của Nhóm Công tác Liên Hiệp Quốc có giá trị gì? Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/10/vu-bat-nha-bao-pham-doan-trang-phan-quyet-cua-nhom-cong-tac-lien-hiep-quoc-co-gia-tri-gi/
5. Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường tham dự Hội nghị COP26 và thăm làm việc tại Anh, Pháp. (2021, October 31). Tuổi Trẻ Online. https://tuoitre.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-len-duong-tham-du-hoi-nghi-cop26-va-tham-lam-viec-tai-anh-phap-20211031080805008.htm
N.S.
Nguồn: Luật Khoa