Biển Đông: Trung Quốc nổi giận với luật mới của Philippines, Việt Nam ảnh hưởng gì?

BBC 

14 tháng 11 2024

Trung Quốc hôm 11/11 đã tái khẳng định đường phân định lãnh hải xung quanh bãi cạn Scarborough đang tranh chấp. Tuyên bố được Bắc Kinh đưa ra chỉ hai ngày sau khi Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. ban hành hai đạo luật củng cố chủ quyền của Manila ở Biển Đông.

Nguồn hình ảnh: Getty Images/ BBC.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu đại sứ Philippines tại Bắc Kinh để “truyền tải thông điệp phản đối một cách nghiêm túc” của nước này đối với hai đạo luật trên.

Bắc Kinh cho rằng đây là hành động “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ và các quyền trên biển của Trung Quốc”.

Trả lời BBC, Tiến sĩ Chung Chí Đông, chuyên gia về các vấn đề Biển Đông từ viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng (thuộc Bộ Quốc phòng Đài Loan), nói rằng các nước đang dùng cuộc chiến pháp lý để giải quyết bất ổn ở Biển Đông.

Theo ông, trước đây Trung Quốc chưa xác định đường cơ sở lãnh hải cho các đảo và rạn san hô ở Biển Đông, nhưng năm nay Bắc Kinh đã thực hiện việc phân định ranh giới lớn đầu tiên, một phần để đáp lại hai đạo luật được Manila công bố mới đây.

“Trong tương lai, Trung Quốc có thể công bố thêm đường cơ sở lãnh hải cho các đảo ở Biển Đông. Đây là một xu hướng cần chú ý,” ông Chung Chí Đông nhận định.

Hai đạo luật của Philippines

Tổng thống Philippines Ferdinand Marco Jr ngày 8/11 đã ký ban hành hai đạo luật xác định các quyền hàng hải của quốc gia này và thiết lập các tuyến đường biển và đường hàng không cố định dành cho tàu thuyền và phương tiện nước ngoài.

Đạo luật thứ nhất có tên Luật Các Khu vực Biển (Maritime Zones Act), định rõ lãnh thổ quốc gia trên biển của Philippines, cũng như những khu vực bên ngoài mà Manila được hưởng các quyền được có trên biển, theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Các khu vực này bao gồm một số vùng biển đang xảy ra tranh chấp với Trung Quốc - quốc gia đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn Biển Đông, bao gồm các khu vực gần bờ biển Philippines và bác bỏ phán quyết quốc tế khẳng định rằng tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với vùng biển này không có cơ sở pháp lý.

Đạo luật thứ hai có tên Luật Các Tuyến đường Biển của quần đảo (Archipelagic Sea Lanes Act), cho phép tổng thống Philippines thiết lập các tuyến hàng hải và hàng không cho tàu thuyền, máy bay và các phương tiện nước ngoài có thể đi qua mà “không gây tổn hại đến an ninh quốc gia của Philippines”.

Đạo luật này cũng chính thức hóa thuật ngữ ưa thích của chính quyền Philippines đối với khu vực tranh chấp: Manila gọi một khu vực Biển Đông nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ là “Biển Tây Philippines”, xóa từ "Trung Quốc" khỏi khu vực này (Biển Đông có tên tiếng Anh là South China Sea, dịch theo nghĩa đen là "Biển Nam Trung Hoa").

Từ Mỹ, cựu đại tá Raymond Powell, Giám đốc Dự án SeaLight thuộc Đại học Standford, nói với BBC News Tiếng Việt rằng các luật mới của Philippines không mở rộng các yêu sách của Philippines mà thay vào đó đưa các quyền hợp pháp hiện có của họ theo UNCLOS 1982 vào luật pháp Philippines.

Ông cũng cho rằng bất kỳ tác động nào từ luật mới của Manila đối với căng thẳng trên Biển Đông có thể sẽ không đáng kể, ngoại trừ khi chúng hợp pháp hóa các yêu sách trước đây của Philippines.

Tiến sĩ Chung Chí Đông cho rằng Philippines hy vọng nhân cơ hội này để kiểm tra xem liệu chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump có tiếp tục ủng hộ lập trường của Philippines chống lại Trung Quốc hay không.

“Cá nhân tôi tin rằng Manila đã chuẩn bị cho điều này trước cuộc bầu cử Mỹ và công bố các luật liên quan vào thời điểm này. Trước đó, sự ủng hộ của chính quyền Biden dành cho Manila là rất vững chắc và điều này lẽ ra phải được thông báo ngắn gọn với Nhà Trắng”, ông nói với BBC.

Giám đốc Raymond Powell lại cho rằng những luật mới của Philippines không liên quan đến kết quả của cuộc bầu cử Mỹ.

“Những luật này đã được chuẩn bị trong nhiều tháng, từ lâu trước khi biết ai sẽ là tổng thống Mỹ vào năm 2025", ông Powell đánh giá.

Các quan chức của Manila khẳng định các biện pháp này không nhằm mục đích mở rộng lãnh thổ trên biển, nhưng các nhà quan sát cảnh báo rằng các tàu thuyền nước ngoài có thể sớm phải đối mặt với "căng thẳng" khi phải thích nghi với các tuyến đường biển mới được Manila xác định.

"Chúng tôi dự đoán sẽ có những căng thẳng vì hoạt động vận tải biển quốc tế sẽ phải điều chỉnh các tuyến đường của họ", Đô đốc Ronnie Gil Gavan, người đứng đầu Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines, phát biểu trên tờ South China Morning Post.

Hôm 7/11, ông Gavan cũng nói với các chỉ huy lực lượng bảo vệ bờ biển của Indonesia, Malaysia và Nhật Bản tại Đối thoại Manila về Biển Đông rằng phía Philippines "sẽ đóng vai trò to lớn trong việc thực thi các luật này".

"Philippines là một quốc gia quần đảo với 7.641 hòn đảo và chúng tôi có rất nhiều tuyến đường thường được sử dụng cho mục đích hàng hải quốc tế", ông nói.

"Chúng tôi dự đoán rằng luật này sẽ gây ra những căng thẳng khi các [tập đoàn] vận tải biển quốc tế hoặc toàn cầu sẽ phải điều chỉnh các tuyến đường của họ theo các tuyến đường cụ thể do luật này quy định".

Jonathan Malaya, trợ lý tổng giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines, cho biết trước đây tàu thuyền nước ngoài có thể “đi lại bất cứ đâu” trong vùng biển của Philippines, do không có tuyến đường biển chỉ định, nhưng giờ đây phải tuân thủ quy định.

Philippines chưa công bố công khai hai văn bản luật nói trên, nhưng ông Malaya cho biết rằng các luật này sẽ có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày công bố, nhưng phần lớn sẽ phải chờ đến khi "các quy tắc và quy định" được công bố.

Phản ứng của Trung Quốc

Trung Quốc đã “lên án mạnh mẽ” bước đi của Philippines. Bắc Kinh cho rằng đây là hành động “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ và các quyền trên biển của Trung Quốc”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu đại sứ Philippines tại Bắc Kinh để “truyền tải thông điệp phản đối một cách nghiêm túc” của nước này về hai luật trên.

Đến ngày 10/11, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công bố tọa độ địa lý cho các đường cơ sở xung quanh bãi cạn Scarborough.

"Đây là bước đi tự nhiên của chính phủ Trung Quốc nhằm tăng cường quản lý hàng hải hợp pháp và phù hợp với luật pháp quốc tế và các thông lệ chung", tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu.

Tiến sĩ Chung Chí Đông lưu ý rằng Trung Quốc đã ban hành luật về lãnh hải ngay từ năm 1992.

“Điều này có nghĩa là việc Trung Quốc thiết lập các đường cơ sở tại Bãi cạn Scarborough không phải ngẫu nhiên mà đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và chỉ được công bố vào thời điểm thích hợp. Động thái này nhấn mạnh cuộc chiến pháp lý giữa Trung Quốc và Philippines về tranh chấp chủ quyền”, ông lý giải.

Ông cũng cho rằng Bắc Kinh có thể sẽ công bố thêm các đường cơ sở lãnh hải cho các đảo ở Biển Đông trong tương lai.

Chụp lại hình ảnh: Cả Philippines và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough, Trung Quốc gọi là Hoàng Nham Đảo, còn Philippines gọi là PanatagNguồn hình ảnh: Getty Images

Bãi cạn Scarborough cách bờ tây Philippines 240 km và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 900 km.

Trung Quốc đã chiếm bãi cạn này vào năm 2012 và kể từ đó đã hạn chế quyền tiếp cận của ngư dân Philippines tại đây.

Một phán quyết năm 2016 của tòa án trọng tài quốc tế đã chỉ ra rằng hầu hết các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là không hợp lệ nhưng Bắc Kinh từ chối tuân thủ phán quyết đó.

Cũng trong ngày 10/11, Bộ Tài nguyên thiên nhiên và Bộ Nội vụ Trung Quốc đã cùng công bố tên chuẩn của 64 đảo và rạn san hô ở Biển Đông.

Các tên chuẩn được công bố trước đó vào năm 1983 và 2020 liên quan đến một số đảo và rạn san hô ở Biển Đông vẫn có hiệu lực, như đã nêu trong một tuyên bố trên trang web chính thức của Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc.

Thời báo Hoàn Cầu cho hay Trung Quốc sẽ tiếp tục cập nhật danh sách để phù hợp với những thay đổi và “nhu cầu bảo vệ lợi ích” của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Chụp lại hình ảnh: Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tuyên bố: "Nếu Philippines thực hiện bất kỳ động thái xâm phạm hoặc khiêu khích nào ở Biển Đông dựa trên các luật này, chúng tôi sẽ kiên quyết đáp trả"Nguồn hình ảnh: Getty Images

Ảnh hưởng gì đến Việt Nam?

Trong ASEAN, Philippines đang là nước cứng rắn nhất đối với Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông và cũng đang thắt chặt quan hệ đồng minh hiệp ước với Mỹ.

Cựu đại tá Raymond Powell nói rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc Philippines phản kháng Trung Quốc.

"Hà Nội và Manila từ lâu đã có chung quan điểm chống lại các hành vi hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Cả hai đều phải đối mặt với cùng một kẻ thù và cả hai đều được hưởng lợi từ thiện chí phản kháng của bên kia”, ông lý giải.

Trong khi đó, ông Chung Chí Đông nói thêm rằng Trung Quốc cũng nhân cơ hội này để thử phản ứng từ chính quyền sắp tới của ông Trump.

Chuyên gia Đài Loan nhấn mạnh khi ông Trump chuẩn bị nhậm chức tổng thống Mỹ lần hai, cần phải theo dõi xem ông có tiếp tục đứng về phía Philippines, đặc biệt dưới ảnh hưởng của Marco Rubio (người dự kiến trở thành ngoại trưởng trong chính quyền Trump) và những người cứng rắn với Trung Quốc.

“Donald Trump luôn tôn trọng ý kiến của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng, đồng thời có thể thay đổi định vị là đối thủ cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc trong tương lai”, Tiến sĩ Chung Chí Đông nhận định.

Tuy vậy, chuyên gia từ viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Đài Loan cũng chia sẻ góc nhìn cá nhân rằng quan điểm của Mỹ về chủ quyền Biển Đông dự kiến sẽ không thay đổi về cơ bản.

Về Việt Nam, ông Chung từng trả lời BBC News Tiếng Trung vào tháng 8/2024 rằng Hà Nội hy vọng về mặt chiến lược rằng Mỹ sẽ kiềm chế Trung Quốc, trong khi cũng chờ đợi Bắc Kinh chống lại Washington.

“Nói cách khác, Hà Nội hy vọng sẽ sử dụng Mỹ và Trung Quốc để đạt được lợi ích từ các tranh chấp".

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng Việt Nam nên hiểu rằng Bắc Kinh không thể nhượng bộ về các vấn đề chủ quyền, dù họ đang bận rộn giải quyết các tranh chấp với Philippines nên không nhắm đến Việt Nam.

“Đừng quên rằng Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh quân sự như thế nào để chiếm quần đảo Hoàng Sa”,ông kết luận.

  • Lữ Gia Hùng từ BBC News Tiếng Trung tường thuật bổ sung

Nguồn: BBC Tiếng Việt