BBC
14 tháng 11 2024
Tối ngày 13/11, báo Gia Lai đăng tải bài viết và hình chụp lá đơn mà theo khẳng định của tờ báo này là của sư Minh Tuệ gửi cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai.
Chụp lại hình ảnh: Lá đơn đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc “xử lý những ai đưa thông tin về con lên mạng xã hội khi chưa được phép của con”. Nguồn hình ảnh: Nguyễn Tiến/Ảnh chụp màn hình báo Gia Lai.
Theo lá đơn, sư Minh Tuệ mong mọi người không tập trung đông người và không quay phim, chụp ảnh, đưa hình ảnh của ông lên mạng xã hội.
Lá đơn có đoạn:
“Để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, để đảm bảo cho việc khất thực tu học của con. Mong mọi người không tụ tập đông người làm mất trật tự an toàn giao thông, không quay phim, chụp ảnh và đưa hình ảnh của con lên mạng xã hội".
“Con” ở đây là cách sư Minh Tuệ thường xưng hô.
Đồng thời, ông đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc “xử lý những ai đưa thông tin về con lên mạng xã hội khi chưa được phép của con”.
Tác giả lá đơn nhấn mạnh rằng ông chỉ là một công dân bình thường, đang tu tập theo nhu cầu bản thân chứ “chưa phải là sư, thầy hay thần thánh hay là phật gì cả”.
Trong lá đơn, ông ký tên ba lần, đều với pháp danh “Minh Tuệ”.
‘Đi ngược lòng từ bi’
Sau khi “hiện tượng” sư Minh Tuệ nổi lên vào tháng 5/2024, hành tung và hành động của ông rất được cộng đồng mạng quan tâm.
Việc ông đột ngột dừng hành trình khất thực vào đầu tháng 6 và sau đó xuất hiện trên các cơ quan truyền thông nhà nước được nhiều người đánh giá là có sự can thiệp của chính quyền. Lần này cũng không phải ngoại lệ.
Vào sáng ngày 14/11, các cơ quan báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin về lá đơn được cho là do ông viết.
Một bài đăng trên tài khoản Facebook của VTV24 sau vài tiếng đồng hồ đã nhận được gần 20.000 lượt tương tác và hàng trăm bình luận.
Nhiều người đồng tình với nội dung lá đơn, cho rằng không nên làm phiền sư Minh Tuệ nữa.
Người dùng Nguyễn Nhuệ bình luận: “Một yêu cầu chính đáng”.
Tương tự, tài khoản Cao Đăng Thuần viết rằng “mình không ủng hộ, không phản đối Thích Minh Tuệ, tuy nhiên như ổng nói, để cho ổng yên”.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng trang Facebook chính thức của báo chí nhà nước tại Việt Nam thường có chế độ kiểm duyệt bình luận, chỉ cho phép hiển thị các bình luận mà ban biên tập muốn xuất hiện.
Ở các nơi khác trên mạng Facebook, các cuộc trao đổi đa chiều hơn, trong đó nhiều người đã đặt câu hỏi liệu lá đơn này có phải thực sự do sư Minh Tuệ viết hay không.
Một vài người chia sẻ những bức ảnh có bút tích được cho là của sư Minh Tuệ trước đây để so sánh với lá đơn do báo Gia Lai đăng tải. Họ cho rằng có sự khác nhau về nét chữ trong hai trường hợp.
BBC không thể độc lập xác minh đâu mới là chữ viết tay của sư Minh Tuệ.
Bàn về nội dung lá đơn, có hai yếu tố được người dùng mạng xã hội chú ý: lá thư được ký ba lần và từ “xử lý”.
Chụp lại hình ảnh: Lá đơn mà báo Gia Lai khẳng định là của sư Minh Tuệ. Nguồn hình ảnh: Ảnh chụp màn hình bài viết trên báo Gia Lai.
Trên trang cá nhân của mình, nhà báo Hà Tùng Long viết:
“Đọc lá đơn đề nghị của cư sĩ Minh Tuệ đang lan truyền trên mạng mà nảy số nhiều câu hỏi quá! Một lá đơn mà ký đến ba lần, trong khi ông Minh Tuệ trước từng làm bộ phận soạn thảo văn bản của xã, không lẽ không biết cách viết một cái đơn".
“Xét về nội dung, nếu lá đơn này đúng là ông tự thân viết ra thì có vẻ không đúng với tinh thần 'hạnh đầu đà', đoạn diệt sân si, buông trần ly dục, không bám chấp hình tướng, không dính mắc chuyện thế gian... mà cư sĩ Minh Tuệ đã thệ nguyện và đã chia sẻ trong quá trình dãi nắng dầm mưa khất thực Bắc Nam”.
Ở đây, ông Long đang nói tới việc sư Minh Tuệ yêu cầu cơ quan chức năng xử lý ai đưa thông tin của ông lên mạng xã hội khi chưa được ông cho phép.
Tương tự, tài khoản Nguyen Thanh Huy (tự giới thiệu là một giảng viên đại học) cũng nhắc tới hai chữ “xử lý” trong lá đơn.
“Qua nội dung lá đơn này thấy rằng nó đi ngược lại hoàn toàn với lòng từ bi của sư Minh Tuệ. Một người mà đã từng nói không muốn đọc Chú Đại Bi vì sợ ảnh hưởng đến ma quỷ thì sao có thể yêu cầu ‘xử lý’ con người được?".
“Ngoài ra, ông từng nhiều lần nói ai muốn quay muốn chụp miễn họ thấy vui, hạnh phúc là được. Đặc biệt, ông đâu có quan tâm đến mạng xã hội hay bất cứ ai phán xét gì về ông".
“Cuối cùng, điều quan trọng, với pháp tu của ông là ly trần, buông bỏ, đoạn diệt tham sân si thì làm sao có thể còn dính mắc vào những chuyện của thế tục? Còn nếu như ông viết theo ý chí của người khác thì còn gì là tinh thần vô úy mà ông đã sở đắc?".
Giá trị pháp lý của lá đơn
Nhiều người đặt câu hỏi về tính pháp lý của lá đơn khi nó được ký với pháp danh Minh Tuệ chứ không phải tên thật, tức Lê Anh Tú.
Ngày 14/11, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, nói với BBC News Tiếng Việt rằng việc ký bằng pháp danh vẫn có thể có giá trị pháp lý trong việc xác định ý chí.
“Nếu đúng là sư Minh Tuệ viết thì đó là ý chí của sư Minh Tuệ, thì nó vẫn có giá trị pháp lý. Còn khi có tranh chấp và làm việc chính thức với cơ quan chức năng thì chắc chắn phải căn cứ vào chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân”, ông nói.
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng cần phải xác định rõ giữa giá trị pháp lý trong việc xác định ý chí và giá trị pháp lý trong việc tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, khởi kiện.
"Khi tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, đề nghị, yêu cầu,... cơ quan nhà nước cần có căn cứ xác định chính xác người gửi đơn thông qua: Số định danh cá nhân (CCCD/CMND), Địa chỉ cụ thể, Thông tin liên hệ,…" ông nói.
Việc này phục vụ nhiều mục đích, gồm đảm bảo quyền và trách nhiệm của người khiếu nại, tránh tình trạng mạo danh, giả mạo...
Do đó, theo ông Sơn, một đơn thư chỉ có tên "Minh Tuệ" mà không có các thông tin định danh khác sẽ:
- Không đủ điều kiện để được tiếp nhận và xử lý.
- Không thể làm căn cứ để giải quyết vụ việc.
- Cần yêu cầu bổ sung thông tin định danh đầy đủ.
Nguồn: BBC Tiếng Việt