习近平真面目: 挂山羊头卖狗肉

Xã hội chủ nghĩa Trung Quốc: Mô hình
lừa đảo

Tú Anh

clip_image002

Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Karl Marx tại Đại Lễ Đường Nhân Dân, Bắc Kinh, ngày 04/05/2018. Reuters

Theo Giáo sư Mác-xít Gérard Dumesnil và cũng là Giám đốc nghiên cứu chủ nghĩa Mác thuộc Trung Tâm Nghiên cứu Quốc Gia Pháp cho rằng «xã hội chủ nghĩa theo mô hình Trung Quốc», nôm na là một thủ đoạn «treo đầu dê bán thịt chó» mà chính bản thân ông và nhiều nhà trí thức Mác-xít Tây phương cũng bị gạt.

RFI tiếng Việt giới thiệu một số trích đoạn trong bài phỏng vấn do đồng nghiệp RFI ban Hoa ngữ thực hiện.

Bẫy lừa trí thức

RFI : Năm nay 76 tuổi, Giáo sư Gérard Dumesnil hiện vẫn hoạt động trong phong trào ATTAC, một tổ chức vì hoạt động của xã hội công dân vận động đánh thuế chuyển ngân, có mặt tại 38 quốc gia. Thông thạo tiếng Quan thoại, chuyên gia chủ nghĩa Mác có một thời gian hợp tác với đại học Trung Quốc và được trọng vọng cộng tác với một số tạp chí chuyên đề kinh tế - chính trị và tiếp xúc với nhiều đồng nghiệp Trung Quốc. Vì sao thất vọng? Ông chia sẻ kinh nghiệm.

Gérard Dumesnil : Bắt đầu từ thập niên 2000, cho đến 2010 thì lần đầu tôi được mời giảng dạy trong một tháng tại Đại học Phúc Đán (Fudan) ở Thượng Hải. Sau đó, tôi được mời tham dự các cuộc hội thảo, trao đổi kiến thức…

Tháng dạy học ở Phúc Đán, với sinh viên bậc Tiến sĩ triết học, diễn ra rất tốt đẹp. Tuy nhiên, các cuộc hội thảo mà tôi được tham dự, phải nói là rất thất vọng. Thứ nhất là vì tình hình chính trị hiện nay ở Trung Quốc. Thứ hai, theo nhãn quan chính trị của chế độ hiện nay đối với chủ nghĩa Mác, thì một nhà nghiên cứu Mác-xít như tôi là kẻ đáng ngờ, không đáng tin cậy. Do vậy, một thời gian sau, tôi ngưng cộng tác, không đi Trung Quốc nữa.

RFI : Trong một chương trình của đài phát thanh văn hóa France Culture, cùng với đồng nghiệp Pháp Dominique Levy, Giáo sư Gérard Dumesnil có than phiền là bị phía Trung Quốc gài bẫy, đánh lừa. Đánh lừa như thế nào và với dụng ý gì ?

Gérard Dumesnil : Vâng, tôi bị họ lừa. Bởi vì lúc đầu tôi không thể nghĩ ra mưu mô của Trung Quốc. Bước thứ nhất, người của họ tiếp xúc với tôi một cách lịch sự, ca tụng các công trình nghiên cứu của tôi.

Để không làm mất thời giờ, tôi xin nêu hai trường hợp cụ thể là hai tạp chí Anh ngữ do những người Trung Quốc tự xưng là «Mác-xít» chủ biên dành cho giới độc giả trình độ hàn lâm, đại học. Hai tạp chí đó là World Review of Political EconomyInternatinal Critical Forum, cả hai đều bằng tiếng Anh. Họ mời tôi cộng tác viết bài nhất là chủ đề về «lợi ích rút ra từ những tác phẩm của Karl Marx» để tìm hiểu thế giới ngày nay. Đó cũng là chủ đề của số báo đầu tiên mà tôi viết một cách tận tâm.

Sau khi tạp chí được phát hành thì tôi thấy được đòn lừa của họ: Những bài đăng trong tạp chí, và các tác giả, được giới thiệu là «công cuộc tiếp nối tiến trình quá độ lên xã hội chủ nghĩa» theo mô hình Trung Quốc. Khẳng định như vậy là trái với ý tôi. Bản thân tôi, theo chủ nghĩa Mác, chưa bao giờ tôi tin rằng Trung Quốc đang xây dựng một chế độ xã hội chủ nghĩa.

Chưa hết, sau đó họ giăng một chiếc bẫy khác. Khi được mời tham gia, đóng góp tham luận các cuộc hội thảo. Một lần tôi được giải thưởng, phần thưởng «hạng nhì». Còn «giải nhất» được trao cho một ông giáo sư gì đó và được giới thiệu là «lý thuyết gia số một của chủ nghĩa xã hội theo mô hình Trung Quốc».

Tôi hiểu ra là người ta lừa tôi tham gia một phong trào có chỉ đạo, có ngân sách dồi dào để tổ chức các cuộc hội thảo đó đây trên khắp thế giới, núp dưới danh nghĩa trao đổi về chủ nghĩa Mác. Nhiều đồng nghiệp của tôi ở châu Âu, châu Mỹ cũng đã tham gia một cách hứng khởi bởi vì họ nghĩ rằng chủ nghĩa Mác chưa hết thời. Có ngờ đâu, chúng tôi bị lừa phục vụ một chiến lược chính trị có tài trợ dồi dào, để biện minh, quảng cáo cho cái gọi là «Chủ nghĩa Mác theo mô hình Trung Quốc» mà tôi không tin. Do vậy, tôi nghĩ rằng tốt hơn là không nên chơi với Trung Quốc.

Nói xuôi, làm ngược

RFI : Vì sao chủ nghĩa xã hội mang nét đặc thù Trung Quốc mà Bắc Kinh quảng cáo lại không thể gọi là có liên quan đến chủ nghĩa Mác? Đâu là điểm khác biệt cốt lõi giữa mô hình Trung Quốc và Mác-xít?

Gérard Dumesnil : Bởi vì những lý thuyết của Đặng Tiểu Bình, theo đó, Trung Quốc sẽ phát triển các lực lượng sản xuất phối hợp với tư bản chủ nghĩa lúc khởi đầu. Sau đó, Trung Quốc sẽ đạt được vị trí của một quốc gia phát triển, như Mác dự báo, điều kiện tiến lên xã hội chủ nghĩa.

Tôi cho đây là thuyết trò hề của Đặng Tiểu Bình. Bởi vì Trung Quốc hiện nay đang hình thành, đúng hơn là có một thành phần đang tự chuyển biến thành một giai cấp thống trị «phức hợp»: sản xuất theo phương pháp tư bản nhưng do đảng quản trị. Chính những kẻ nắm đặc quyền là những kẻ làm giàu kinh khủng rõ rệt nhất. Do vậy, tôi không tin là đến một lúc nào đó, có thể đảo ngược tiến trình «đặc quyền tóm thu đặc lợi» để lợi nhuận được chia đều, xây dựng xã hội công bằng như Karl Marx chủ trương.

Chính sách hiện nay của chế độ Trung Quốc đã dẫn đến tình trạng là nếu muốn thực hiện xã hội chủ nghĩa theo chủ trương Mác-xít thì phải có một cuộc cách mạng bạo lực dữ dội (lật đổ giai cấp thống trị).

Không có trường phái Mác-xít tại Trung Quốc

RFI: Đầu tháng 05/2018, chính quyền Trung Quốc tổ chức trọng thể 200 năm ngày sinh của ông tổ chủ nghĩa cộng sản. Trong dịp này, ông Tập Cận Bình khẳng định là Trung Quốc luôn «giương cao ngọn cờ chủ nghĩa Mác» mà «người giữ đền» là Đảng Cộng sản Trung Quốc. Thế mà, sau khi triệt hạ được các đối thủ tiềm tàng, «tư tưởng» của Chủ tịch Trung Quốc được ghi vào cương lĩnh của Đảng Cộng sản và Hiến pháp. Chưa hết, cố vấn của Chủ tịch Tập Cận Bình là Vương Hỗ Ninh, cũng xuất thân từ Đại học Phúc Đán, tuyên bố «tư tưởng Tập Cận Bình là chủ nghĩa Mác của thế kỷ 21».

Có đúng vậy hay không và vì sao Bắc Kinh chi thật nhiều tiền để nghiên cứu Mác-xít?

Gérard Dumesnil : Đối với tôi, đó là tuyên bố lừa đảo. Thế nào là xã hội chủ nghĩa theo Karl Marx? Là xóa bỏ bất công, ít ra là xoa dịu được sức ép của giai cấp bóc lột. Trung Quốc của Tập Cận Bình không đi theo con đường này. Tập Cận Bình lặp đi lặp lại cái gọi là chủ nghĩa xã hội đặc thù Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Tôi cũng không nghĩ là có một trường phái Mác-xít tại Trung Quốc với thực tâm cập nhật hóa, canh tân học thuyết của Karl Marx. Trái lại là đằng khác, chính quyền Trung Quốc chi ra những món tiền lớn để tuyên truyền, để lý giải cho đường lối chính trị hiện nay. Trong khi đó, tại Trung Quốc, không có một nỗ lực, một sáng kiến nào từ giới triết gia, kinh tế gia hay sử gia để canh tân tư tưởng của Mác. Những điều họ phát biểu trong các cuộc hội thảo nghe qua rất thảm hại. Thật là đáng tiếc cho Trung Quốc.

Nhân chứng sống: Sinh viên Trung Quốc

Những phân tích trên đây của chuyên gia «Mác-xít» Pháp về sự khác biệt giữa lời nói và hành động của chế độ Trung Quốc. Quan điểm của giáo sư Gérard Dumesnil phần nào được thực chứng: Bắc Kinh trấn áp mọi sáng kiến thực hành tư tưởng Mác vào đời sống.

Từ hai tháng nay, hơn 70 sinh viên Trung Quốc được đào tạo về chủ nghĩa Mác đã bị công an câu lưu, là những nhân chứng sống. Ngày 24/09, tại Đại học Quảng Đông, 60 sinh viên bị bắt. Từ ngày 09 đến ngày 13/11, công an bắt thêm hơn một chục sinh viên mới tốt nghiệp cũng ở Quảng Đông và Vũ Hán. Cho đến nay, khoảng 30 người còn bị giam hoặc bị quản chế tại gia. Tội của những người trẻ này là lập hội thực hiện lý tưởng Mát-xít, giúp đỡ giai cấp công nhân tổ chức công đoàn bảo vệ quyền lợi người lao động.

G.D.

Nguồn: http://vi.rfi.fr/chau-a/20181129-xa-hoi-chu-nghia-trung-quoc-mo-hinh-lua-dao?fbclid=IwAR2yZtB79Tf1UGZVudnTq8FV2R7tPIOWsGt_DX5-EvrXhtGcTv3dcU4cx_s

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn