Để nền nông nghiệp không 'mù mờ'

Thành Luân

Theo chuyên gia Vũ Trọng Khải, để nền nông nghiệp không "mù mờ" thì trước hết phải bắt đầu từ đội ngũ quản lý.

Chia sẻ với báo giới bên lề kỳ họp Quốc hội ngày 24/10, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp tục dùng từ "mù mờ" để nói về nền nông nghiệp Việt Nam.

"Chúng ta có nền sản xuất mù mờ, từ nuôi trồng, tiêu dùng đến trung tâm phân phối. Người nông dân mù mờ về nhu cầu thị trường, tiêu thị, sản lượng, quy chuẩn chất lượng. Việc nuôi trồng thường dựa vào thông tin loáng thoáng, truyền tai nhau. Người kinh doanh nông sản mù mờ về nơi sản xuất, khiến việc kết nối tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

Người tiêu dùng mù mờ về nguồn gốc xuất xứ, về an toàn vệ sinh thực phẩm. Các doanh nghiệp tiêu thụ mù mờ về sản lượng cho đến thời điểm thu hoạch. Còn cơ quan quản lý chuyên ngành các cấp cũng mù mờ về thông tin thời vụ, về nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Nhiều điểm mù gặp nhau nên rất khó dự báo", Bộ trưởng Hoan nói.

Đây không phải là lần đầu tiên Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói về sự "mù mờ" của nền nông nghiệp Việt Nam. Tại Hội nghị trực tuyến chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp diễn ra vào tháng 6 năm nay, vị tư lệnh ngành cũng đề cập đến thực trạng này và nhấn mạnh: "Một nền nông nghiệp mù mờ sẽ dẫn đến hệ quả phải giải cứu".

Chia sẻ với Đất Việt, chuyên gia độc lập về kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn - PGS.TS Vũ Trọng Khải đánh giá cao phát biểu của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan vì ông đã dám nói thật.

Theo ông Khải, với nền sản xuất nhỏ lẻ thì người nông dân mù mờ là đúng, không thể trách người nông dân được. Còn doanh nghiệp tiêu thụ để không mù mờ thì tiêu thụ trong nước phải biết thị trường trong nước, tiêu thụ nước ngoài phải biết thị trường nước ngoài. Riêng với cán bộ quản lý, vị chuyên gia cho rằng, nếu cứ ngồi phòng lạnh để ra chính sách thì mù mờ là đúng.

Cho rằng sự mù mờ không chỉ xảy ra ở riêng ngành nông nghiệp, PGS.TS Vũ Trọng Khải nhắc lại tình trạng "ngăn sông cấm chợ" xảy ra ở một số địa phương thời gian vừa qua và nêu rõ, việc dùng hàng rào ngăn cản sự đi lại của người dân và hàng hoá như vậy đã bộc lộ khiếm khuyết là vừa triệt tiêu kế sinh nhai của người dân, vừa không phòng chống dịch COVID-19 được như mong đợi.

"Phòng chống COVID-19 phải đảm bảo sinh mạng và sinh kế của người dân bằng lưu thông hàng hóa tự do có điều kiện. Chẳng hạn, phải tiêm chủng vaccine cho người lái xe, cho shipper, test COVID-19 cho họ trước khi họ di chuyển chứ không phải test dọc đường.

Tương tự, cần khôi phục các hoạt động của chợ dân sinh, kèm theo đó phải có vách ngăn, chống giọt bắn giữa người bán và người mua; tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân đã về quê trở lại nhà máy làm việc; khuyến khích các tổ chức xã hội thiện nguyện quyên góp giúp đỡ những người dân mất kế sinh nhai…", ông Khải nói.

Nhấn mạnh cần xác định rằng dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp và lâu dài, vị chuyên gia cho rằng phải tìm những giải pháp toàn diện để sống chung với dịch mà vẫn bảo đảm sinh mạng và kế sinh nhai của người dân. Đó là giải pháp tự do lưu thông hàng hoá vật phẩm, dịch vụ và sức lao động, tuân thủ các điều kiện và yêu cầu phòng chống dịch bệnh COVID-19, đồng thời thực hiện nhanh chóng, rộng rãi việc tiêm vaccine cộng 5K. Hệ thống quản lý hành chính nhà nước từ trung ương tới phường, xã vừa phải thống nhất hành động trong thực thi pháp luật, vừa phải nắm bắt thực tiễn và tiếp thu có chọn lọc sự phản biện xã hội của các chuyên gia và người dân, để điều chỉnh, hoàn thiện luật pháp phòng chống dịch COVID-19.

Trở lại với ngành nông nghiệp, PGS.TS Vũ Trọng Khải nhắc tới câu chuyện giá lợn hơi đang nóng trong những ngày qua làm ví dụ. Trong khi nguồn cung trong nước dư thừa, giá lợn hơi giảm nhưng giá thịt bán ra thị trường vẫn cao. Một lần nữa, vấn đề dự báo thị trường, điều tiết cung - cầu được đặt ra.

"Các trang trại chăn nuôi lớn là những người quyết định thị trường, chứ không phải là những người nông dân nuôi dăm bảy chục con lợn. Cần triệu tập những trang trại chăn nuôi lớn để nắm rõ tình hình, tìm hiểu khó khăn, vướng mắc của họ, việc gì Nhà nước giải quyết, việc gì trang trại phải tự lo, phân vai cho rõ ràng. Khi mỗi người đều làm đúng vai trò của mình thì sẽ không còn mù mờ", ông nói.

PGS.TS Vũ Trọng Khải cho rằng, nỗi khổ của Bộ trưởng Lê Minh Hoan là phải nắm một bộ máy "mù mờ", rất khó cải tổ. Cho nên, để thay đổi phải bắt đầu từ bộ máy quản lý, thay thế bằng những người không "mù mờ".

"Giao trách nhiệm thì phải giao quyền để tổ chức lại bộ máy, lựa chọn lại nhân sự. Đối với địa phương cũng vậy, cấp dưới không tuân thủ thì cấp trên có quyền cách chức, đình chỉ, hạ hồi phân giải. Nếu cấp trên sai thì từ chức, thậm chí bị xem xét xử lý hình sự.

Nông nghiệp là một bộ phận của nền kinh tế, đừng bắt nông nghiệp phải thay đổi trước. Khi nền kinh tế chưa thay đổi thì từng ngành rất khó thay đổi", vị chuyên gia nhấn mạnh.

T.L.

Nguồn: Đất Việt

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn