Người Việt Nam hiện vô địch về bỏ trốn và ăn cắp tại Nhật Bản, vì sao?

Kim Văn Chinh 

Thật là nhục nhã cho những ai có tinh thần dân tộc!

Tuy nhiên, vấn đề cũng cần nhìn từ hai phía.

Hiện người Việt đúng là đông nhất làm việc tại Nhật Bản (chủ yếu theo dạng được gọi là tu nghiệp sinh) – hơn 200.000 em. 

Tu nghiệp sinh thực chất là xuất khẩu lao động nhưng bị phía Nhật ràng buộc bởi bộ luật tu nghiệp sinh rất bất lợi cho người lao động (xem bài dưới).

Chưa hết, Chính phủ Nhật cũng không đủ năng lực loại bỏ sự maphia hóa, lạm dụng các chỉ tiêu nhận tu nghiệp sinh để các công ty cung ứng nhân lực Nhật liên kết với công ty cung ứng VN trục lợi trên lưng người lao động (thu phí XKLĐ quá cao – 100 đến 150 triệu/ xuất đi 3 năm). Dẫn đến tình trạng các em sang Nhật gặp khó khăn về việc làm, về tiền công bị lm dụng trả thấp hơn thị trường, về tỷ giá đồng Yên, áp lực trả nợ ở nhà lãi suất cao… buộc các em phải trốn ra làm việc tự do lương cao hơn, nhiều em bế tắc đi ăn cắp quen dần thành nghề…

Hãy đọc bài trên BBC do tôi tổng hợp: 

Việt Nam vô địch về số tu nghiệp sinh 'biến mất' (Bỏ trốn) tại Nhật Bản

Nhật Bản đã ghi nhận số tu nghiệp sinh "biến mất" tăng kỷ lục trong năm 2023, trong đó Việt Nam chiếm hơn 50%.

Theo số liệu từ chính phủ Nhật Bản, trong hơn 9.700 tu nghiệp sinh lao động nước ngoài "biến mất" khỏi nơi làm việc tính trong năm 2023 thì có 5.481 người Việt Nam, tiếp theo là Myanmar với 1.765 người, Trung Quốc với 816 người và Campuchia là 694 người.

Xét về ngành nghề thì số lao động biến mất nhiều nhất là trong lĩnh vực xây dựng, xếp tiếp theo là nông nghiệp, chế biến thực phẩm, cơ khí ép kim loại.

Theo Tổng cục Quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú Nhật Bản, số lao động nước ngoài bỏ khỏi nơi làm việc đã tăng thêm 747 người trong năm 2023 so với năm 2022, tỷ lệ là cứ 50 người thì có một người bỏ trốn.

Vì sao phải bỏ trốn?

Theo thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam), trong bảy tháng đầu năm 2024, Việt Nam có hơn 45.000 lao động tới Nhật Bản làm việc.

Tại thời điểm cuối năm 2023, có khoảng 203.000 tu nghiệp sinh Việt Nam làm việc ở Nhật Bản – đứng đầu về số lượng so với tu nghiệp sinh các nước khác tới Nhật Bản làm việc, theo Nikkei Asia.

Năm 2023, có 1.608 người Việt bị bắt ở Nhật Bản, chiếm khoảng 28% tổng số người nước ngoài bị bắt giữ và là con số cao nhất tính từ năm 2019, báo Asahi Shimbun dẫn thông tin từ Cơ quan Cảnh sát Quốc gia (Nhật Bản) cho biết.

Các chuyên gia nhận định với đài NHK rằng các tu nghiệp sinh đã quyết định bỏ trốn vì không có sự lựa chọn nào khác, sau khi gặp các vấn đề tại nơi làm việc.

Theo chương trình hiện tại thì các tu nghiệp sinh không thể chuyển chỗ làm, trừ những trường hợp rất cấp bách.

Tổng cục Quản lý Xuất nhập cảnh và Lưu trú Nhật Bản cho biết các tu nghiệp sinh có thể chuyển công ty nếu bị bạo hành hoặc xâm hại, hoặc nếu công ty của họ hoặc tổ chức giám sát vi phạm pháp luật nghiêm trọng, theo NHK.

Cơ quan này còn cho biết nếu có tu nghiệp sinh bị chủ lao động ngược đãi thì các tu nghiệp sinh đồng hương cũng được phép chuyển nơi làm việc.

Hiện tại các tu nghiệp sinh không được phép làm việc kiếm tiền trong thời gian chờ giải quyết thủ tục chuyển sang chỗ làm mới.

Trong thời gian qua, đã xảy ra những vụ bạo hành lao động nhằm vào các tu nghiệp sinh Việt Nam tại Nhật Bản.

Một bài viết trên báo Mainichi vào tháng 10/2023 có nội dung kể về câu chuyện của Nguyen (không phải tên thật), một tu nghiệp sinh Việt Nam phải làm việc trên giàn giáo tại những công trình nhà cao tầng từ lúc hơn 5 giờ sáng đến tối mịt, sau đó còn bị bắt nạt, bị đánh gãy xương sườn... và đã tiến hành kiện công ty của mình.

Hồi tháng 4/2023, BBC News Tiếng Việt đã trao đổi với ba tu nghiệp sinh Việt Nam tại Nhật Bản để hiểu về những góc tối của chương trình này và những trường hợp vươn lên thành công nhờ nghị lực.

Lẩn trốn cảnh sát khi đi trên phố, không được phép ngã bệnh, làm những việc người Nhật "không thèm làm" là tình cảnh của một số lao động bất hợp pháp Việt Nam tại Nhật Bản khi họ kể lại với BBC.

Các chuyên gia cho rằng gánh nặng nợ nần từ những khoản vay để trả phí môi giới khiến nhiều tu nghiệp sinh Việt Nam tại Nhật Bản phạm tội, chẳng hạn ăn cắp.

Những yêu cầu đối với các tu nghiệp sinh muốn thay đổi chỗ làm dự kiến sẽ được nới lỏng vào năm 2027 khi Nhật Bản có một chương trình mới.

Theo đó, Tổng cục Quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú Nhật Bản dự kiến sẽ cho phép các tu nghiệp sinh có thể làm việc lên đến 28 giờ mỗi tuần trong quá trình chờ chuyển sang chỗ làm mới.

Về thủ tục giấy tờ cũng sẽ bao gồm các ngôn ngữ mẹ đẻ để cho các tu nghiệp sinh có thể nắm chắc thông tin.

Trước đó, chính phủ Nhật Bản, hồi tháng 2, đã chính thức quyết định loại bỏ chương trình tu nghiệp sinh nước ngoài hiện tại, được xem là một bước chuyển biến đáng kể của Nhật Bản trong vấn đề thu hút lao động nước ngoài.

Thay vào đó sẽ có một hệ thống mới cho phép lao động nước ngoài có thể lưu trú dài hạn.

Hệ thống này có mục tiêu thu hút những lao động nước ngoài có trình độ và kỹ năng nhất định đến Nhật Bản trong vòng ba năm.

Hệ thống mới này cũng cho phép người lao động chuyển sang nơi làm khác trong cùng lĩnh vực, sau một thời gian nhất định. Đây là điểm khác biệt so với chương trình cũ, vốn tập trung vào việc chuyển giao kỹ năng công nghệ cho quốc gia đang phát triển.

Với chương trình mới, trọng tâm là đảm bảo và phát triển nguồn lao động ở nước ngoài, giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động tại Nhật Bản, vốn đang trở nên trầm trọng thêm do tình trạng dân số già.

Thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản: “Tôi gửi tiền ăn trộm về cho gia đình” (!)

Các chuyên gia cho rằng gánh nặng nợ nần từ những khoản vay để trả phí môi giới khiến nhiều thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản phạm tội.

Cuối tháng Bảy, một người Việt Nam (32 tuổi) đã bị bắt giữ tại tỉnh Fukuoka (Nhật Bản) do bị nghi ngờ đã nhiều lần ăn trộm tài sản tại những ngôi nhà bỏ hoang.

Báo Asahi Shimbun hôm 28/8 dẫn thông tin từ cảnh sát tỉnh cho biết người đàn ông này đến Nhật Bản vào tháng 5/2015 với tư cách là thực tập sinh kỹ thuật và làm thợ hàn ở tỉnh Nagasaki.

Tuy nhiên, sau khi bị khiển trách về thái độ làm việc, anh ta lo sợ sẽ bị đưa về Việt Nam nên đã trốn ra ngoài tự tìm việc.

“Tôi bắt đầu phạm tội trộm cắp vào khoảng tháng 3/2023, chủ yếu ở tỉnh Fukuoka, sau khi được một người quen người Việt Nam khuyến khích”, cảnh sát dẫn lời người đàn ông.

“Tôi đã kiếm tiền bằng ăn trộm và gửi số tiền ăn trộm được về cho gia đình ở Việt Nam”.

Theo điều tra viên, người đàn ông này trước khi đi sang Nhật đã vay hơn 1 triệu Yen (hơn 170 triệu VND) để trả phí cho một công ty đưa anh ta đến Nhật Bản, nhưng sau đó không thể trả được khoản nợ.

Năm 2023, có 1.608 người Việt bị bắt ở Nhật Bản, chiếm khoảng 28% tổng số người nước ngoài bị bắt giữ và là con số cao nhất tính từ năm 2019, báo Asahi Shimbun dẫn thông tin từ Cơ quan Cảnh sát Quốc gia (Nhật Bản).

Một khảo sát của Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh Nhật Bản, được thực hiện trên 2.100 thực tập sinh trong khoảng thời gian từ tháng 12/2021 tới tháng 4/2022, cho thấy hơn một nửa số thực tập sinh nước ngoài đã vay trung bình 540.000 Yen (khoảng hơn 97 triệu VND vào thời điểm tháng 4/2022) để đến Nhật Bản.

Trong số đó, khoảng 80% đến từ Việt Nam và Campuchia.

Có 20% số người tham gia khảo sát cho biết mức lương ở Nhật Bản thấp hơn họ tưởng. Khảo sát này cũng cho thấy rằng nhiều thực tập sinh đã trốn ra ngoài là để tìm việc khác cao lương hơn để có tiền trả nợ.

Từ cuộc khảo sát, Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh Nhật Bản cũng cho rằng thực tập sinh sang Nhật Bản đang phải chịu mức chi phí "không công bằng".

Ảnh hưởng khi đồng Yen sụt giá

Việc tỷ giá Yen/VND xuống thấp cũng khiến thực tập sinh khó trả nợ hơn. Cuối tháng 3/2022, giá 1 Yen nhật xuống dưới mức 190 đồng và vẫn chưa quay lại mức này cho tới nay. Có những thời điểm trong tháng 7/2024, 1 Yen chỉ đổi được 157 - 160 VND. Hiện tại, 1 Yen đổi được 172 VND.

Hôm 28/6, Nhật Bản vừa thay quan chức phụ trách ngoại hối khi đồng Yen giảm xuống mức 161,27 Yen đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 12/1986. Thời điểm đó, nhiều lao động Việt Nam tại Nhật Bản nói với BBC họ đang “lao đao” do đồng Yen xuống giá trong thời gian dài.

Trong bài viết ngày 23/8/2023 trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Nghệ An, việc đồng Yen rớt giá “khiến người lao động ở Nghệ An đi ba năm lo không đủ tiền trả nợ”.

Bài viết nói rằng nhiều người lao động ở Nhật nhận lương xong cũng không dám quy đổi tiền để gửi về cho gia đình do tính ra bị “lỗ nặng”. Nhiều người lựa chọn phương án “giữ tiền” chờ đợi đồng Yen hồi phục lại mới đổi.

Theo bài viết ngày 29/8 trên Nikkei Asia, nhiều người Việt nói rằng tỷ giá Yen/VND suy giảm khiến họ không còn muốn tới Nhật Bản làm việc.

“Do đồng Yen yếu, thu nhập thực tế đã giảm, chúng tôi gặp khó khăn trong việc thu hút lao động trừ khi chúng tôi tìm tới các vùng nông thôn”, Khanh Ly, một nhân viên tại một trung tâm môi giới thực tập sinh qua Nhật Bản ở Hà Nội, nói.

Người phát ngôn của các chính quyền địa phương Nhật Bản cũng đồng tình với quan điểm này, theo Nikkei Asia.

Ba năm mới được đổi chỗ làm

Theo luật hiện tại ở Nhật, trong vòng ba năm đầu tiên, thực tập sinh không được chuyển chỗ làm khỏi công ty tiếp nhận ban đầu.

Việc này khiến nhiều người bất mãn với môi trường làm việc, giờ làm, mức lương… chỉ có ba lựa chọn: tiếp tục làm việc, đi về Việt Nam hoặc trốn ra ngoài.

Theo bài viết ngày 19/6 trên Nikkei Asia, nhiều thực tập sinh Việt Nam e ngại không dám lên tiếng khi bị người sử dụng lao động quấy rối tình dục, hoặc ngược đãi theo cách khác, do sợ sẽ mất việc.

Quay lại khảo sát nói trên của Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh Nhật Bản, một số nguyên nhân khiến thực tập sinh trốn ra ngoài bao gồm: ngược đãi bằng lời, bạo lực và không trả lương

Vào tháng 12/2023, Chính phủ Nhật Bản và Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền từng bất đồng về việc rút ngắn thời gian cho phép thực tập sinh chuyển việc.

Trong khi chính phủ nước này đề xuất thời gian một năm, LDP phản đối “một sự thay đổi lớn như vậy” và cho rằng thực tập sinh phải làm ít nhất hai năm mới được chuyển chỗ làm, báo Japan News đưa tin.

Đề xuất trên được đưa ra sau khi có những chỉ trích cho rằng việc buộc thực tập sinh nước ngoài phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt trong nhiều năm là một trong những lý do khiến nhiều người bỏ trốn khỏi nơi làm việc và mất tích.

Vào tháng Sáu, Tham Nghị viện (cơ quan tương đương Thượng viện) đã thông qua Luật Kiểm soát Di trú và Nhận diện Người tị nạn sửa đổi.

Luật này bãi bỏ hệ thống thực tập sinh đặc định và thiết lập một hệ thống mới nhằm thu hút và bồi dưỡng người lao động nước ngoài, theo báo Asahi Shimbun.

Theo luật này, thực tập sinh có thể đổi chỗ làm sau một hoặc hai năm làm việc tại công ty tiếp nhận ban đầu.

Tuy nhiên, ông Shinichiro Nakashima từ Hiệp hội Kumusutaka về Sống chung với Người Di cư, một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ người ngoại quốc sinh sống ở Nhật Bản, đã chỉ trích luật mới, cho rằng "đây chỉ là một sự mở rộng của hệ thống cũ”.

Theo ông Nakashima, chính phủ Nhật Bản cần có những chính sách lâu dài hỗ trợ việc cư trú tại Nhật Bản.

Người Việt xuất khẩu lao động tại Nhật

Theo thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam), trong ba tháng đầu năm 2024, Việt Nam có hơn 23.000 lao động tới Nhật Bản làm việc.

Tại thời điểm cuối năm 2023, có khoảng 203.000 thực tập sinh Việt Nam làm việc ở Nhật Bản – lượng thực tập sinh nước ngoài lớn nhất ở quốc gia châu Á, theo Nikkei Asia.

Từ năm 2019 đến năm 2023, tốc độ tăng trưởng của nguồn thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản là 12%, được đánh giá là đang “chững lại”. Để so sánh, con số này ở Indonesia là 56%, Nepal là 23%, Philippines là 10%.

Vào tháng Sáu, Nikkei Asia đưa tin rằng chương trình thực tập sinh hiện thời của Nhật Bản đã bị chỉ trích khi mà thực tập sinh Việt Nam phải vay một số tiền lớn để có thể sang làm việc. Trung bình, một người phải trả hơn 112 triệu đồng để các công ty môi giới giúp qua Nhật Bản làm việc.

Nikkei Asia dẫn nguồn tin cho biết Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ hợp tác với chính phủ Việt Nam và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) để giảm gánh nặng tài chính cho những người học việc đi Nhật Bản.

Nguồn tin này cho biết JICA, chính phủ Việt Nam, ILO và các bên khác sẽ sớm ký một thỏa thuận thành lập sáng kiến Tuyển dụng Công bằng và Đạo đức Việt Nam-Nhật Bản (VJ-FERI).

VJ-FERI dự kiến sẽ được áp dụng vào mùa thu năm nay.

Theo đó, JICA và các đối tác sẽ tạo ra một cơ chế yêu cầu nhà sử dụng lao động Nhật Bản sẽ cần trả hơn 50% số phí tuyển dụng mà thực tập sinh Việt Nam phải trả cho các công ty môi giới.

Hiện tại, Nhật Bản đang dần mất ưu thế tuyển dụng lao động nước ngoài trước các quốc gia khác, chẳng hạn Hàn Quốc.

Lương trung bình của lao động không có kỹ năng ở Hàn Quốc đã tăng lên mức tương đương hơn 46 triệu VND/tháng, so với hơn 36 triệu VND/tháng ở Nhật Bản.

K.V.C.

Nguồn: FB Kim Van Chinh

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn