Gió đã xoay chiều: Thổ Nhĩ Kỳ muốn gia nhập BRICS và chỉ trích phương Tây

Đỗ Kim Thêm

Ảnh: WU HONG/AFP via Getty Images

Bối cảnh

Đến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh của khối BRICS tại thành phố Kazan, Nga, từ ngày 23 đến 24/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan công khai bày tỏ mong muốn trở thành thành viên của khối BRICS và được Tổng thống Vladimir Putin quan tâm đặc biệt. Tại sao? Erdogan mong đợi gì trong cuộc hội kiến này và những hậu quả địa chính trị và kinh tế nào có thể xảy ra? 

Nguyên nhân

Ngay sau Đệ nhị thế chiến, Thổ Nhĩ Kỳ hướng về một tương lai an bình và thịnh vượng, tin tưởng rằng sẽ mở rộng quan hệ với các đối tác phương Tây và được các nước hùng mạnh phân chia quyền lực. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ quyết định làm thành viên sáng lập của khối Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) và đã hội nhập thành công trong các chương trình phòng thủ chung.

Để tiếp tục hưởng được những thành tựu kinh tế trong khuôn khổ phát triển thị trường chung châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ cũng xin tham gia Liên minh Châu Âu. Vì nhiều lý do khác nhau mà nguyện vọng này cho đến nay vẫn không có kết quả.

Đứng trước một thế giới đang phân hoá đa cực, gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn chia sẻ mục tiêu hợp tác với khối BRICS vì nhận ra rằng có thể đạt được nhiu lợi thế. 

Khi tận dụng được mọi cơ hội, Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng sẽ trở thành một trung tâm phát triển cho khu vực và toàn cầu.

Khối BRICS là một nhóm các nước ban đầu gồm có Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Sau đó, các nước Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng lần lượt tham gia. 

Về mặt chính trị, khối BRICS do Nga và Trung Quốc dẫn đầu, thái độ chung là phản đối sự thống trị của phương Tây, điển hình là G7, một tập hợp 7 nền kinh tế công nghiệp phát triển hàng đầu do Mỹ lãnh đạo.

Hiện nay, nền kinh tế trong nước đang gặp nhiều khó khăn, nhất là vì tình trạng lạm phát cao độ, nên Thổ Nhĩ Kỳ muốn tìm các biện pháp vực dậy. 

Thổ Nhĩ Kỳ với diện tích 783.562 km2 và 85 triệu dân, nằm ở ranh giới giữa Tây và Đông, có nền kinh tế đa dạng; các ngành công nghiệp chính bao gồm ô tô, điện tử, dệt may, xây dựng, thép, khai thác mỏ và chế biến thực phẩm.

Với tiềm năng này, Thổ Nhĩ Kỳ được các thành viên của khối BRICS quan tâm vì cho rằng có thể hưởng nhiều lợi thế giao thương. Chiến lược nổi bật nhất hiện nay của Thổ Nhĩ Kỳ là tìm cách cung cấp các thiết bị quân sự được yêu chuộng như máy bay không người lái.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng hy vọng là nền kinh tế các nước Iran, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ai Cập sẽ đóng một vai trò quan trọng trong khuôn khổ hợp tác của khối BRICS, tạo ra một chuyển biến tích cực cho sự phát triển của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn thâm nhập các thị trường Trung Quốc dễ dàng hơn và đồng thời cũng tạo ra các điều kiện thu hút đầu tư dành cho các dự án của Trung Quốc. 

Thổ Nhĩ Kỳ nhận thức rằng Nga là nhà cung cấp năng lượng chính  việc Nga đảm bảo lượng nhập khẩu dầu khí là có tầm  quan trọng cho tương lai Thổ Nhĩ Kỳ.

Lợi điểm của BRICS 

Lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của khối NATO, xin gia nhập khối BRICS, nên Putin tỏ ra quan tâm đặc biệt, vì cho là triển vọng này làm cho việc xích lại gần Nga quan trọng hơn về mặt địa chính trị.

Để biện minh cho việc Nga xâm lược Ukraine, Putin luôn xem khối NATO là một thế lực thù địch đang đe doạ thường trực sự vẹn toàn lãnh thổ của Nga. Trong mọi trường hợp, nếu quan điểm của Ankara và Moscow gần gũi nhau hơn, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không còn chống lại Nga triệt để, thí dụ như không tham gia lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây. Tuy nhiên, hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang hỗ trợ quân sự cho Ukraine. 

Thổ Nhĩ Kỳ chống phương Tây 

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Kazan, Nga, Putin đã yêu cầu Ngoại trưởng Lavrov soạn thảo các điều kiện chính để cho các quốc gia xin gia nhập. 

Trong một diễn văn truyền hình vào mùa hè năm 2024, Ngoại trưởng Lavrov cho rằng một thành viên toàn diện của khối BRICS phải cùng chia sẻ những giá trị chung và hiện nay vấn đề bảo vệ cho Ukraine không phải là những giá trị cao quý mà Liên Âu nên theo đuổi. Thảo luận về những giá trị tương phản này làm cho Thổ Nhĩ Kỳ lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. 

Trước đây, khi Thổ Nhĩ Kỳ xin gia nhập Liên Âu, thì Liên Âu cũng yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ cùng theo đuổi các giá trị chung về pháp quyn, nhân quyền và điều chỉnh chính sách đối ngoại cho phù hợp. Như vậy phương Tây có nên lo lắng tương tự như vậy không? 

Nhìn chung, Ankara đang tiếp tục tự coi mình là một chủ thể thuộc về châu Âu. Nhưng trong thời gian gần đây, tình hình thế giới biến động khôn lường, khiến cho Thổ Nhĩ Kỳ chủ trương là phải đa dạng hóa chính sách đối ngoại và tìm cách rời xa mọi ràng buộc chính trị với Mỹ. 

Trong chiến tranh Ukraine, Mỹ và Nga chống đối nhau qua các phương cách hỗ trợ cho Ukraine, nhưng cả hai vẫn tiếp tục giao thương. Dựa theo những kinh nghiệm này, Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn áp dụng tương tự đối với khối BRICS. 

Phương Tây nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ 

Khối BRICS do Nga và Trung Quốc  lãnh đạo, thường nhân danh là các quốc gia Nam bán cầu, mà thực ra là một công cụ để cho Nga và Trung Quốc  chống đối sự thống trị của phương Tây, tìm cách tạo áp lực, nhất là Mỹ, phải nhượng bộ. 

Nằm trong chiều hướng này, Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị một chính sách mới để đối phó với một thế giới đang thay đổi, tạm gọi là hậu phương Tây, có nghĩa là, Hoa Kỳ không còn đảm nhận vai trò quyết định cho vận mệnh thế giới tự do và sự thống nhất xuyên Đại Tây Dương. 

Từ lâu, Thổ Nhĩ Kỳ không còn hợp tác chặt ch với phương Tây, không nhận vũ khí, máy bay chiến đấu F-35, và đầu tư mới. Đó là lý do tại sao Thổ Nhĩ Kỳ muốn tham gia vào khối BRICS. Quyết định này cũng sẽ làm cho phương Tây và khối NATO gặp nhiều khó khăn, ít nhất là về mặt hình thức. 

Thực ra, thế giới quan hiện nay của Thổ Nhĩ Kỳ có những đặc điểm song hành. Một mặt, Thổ Nhĩ Kỳ vừa muốn tiếp tục giao thương với châu Âu và Mỹ và hợp tác an ninh với khối NATO, nhưng đồng thời, mặt khác, cùng đứng chung với Trung Quốc và Nga để chỉ trích phương Tây về các tham vọng giành quyền bá chủ thiên hạ. 

Theo nhiều ước lượng, Ankara sẽ khó thành công trong việc theo đuổi hai phương sách này, vì không thể so sánh với vị thế chiến lược mà Ấn Độ đang có.

Quy mô và thực lực của khối BRICS 

Các thành viên đầu tiên của khối BRICS là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, cộng chung có hơn 3,5 tỷ người, nghĩa là chiếm khoảng 40% dân số thế giới. 

Về mặt kinh tế, trong 20 năm qua các nước mới nổi này đã bắt kịp trào lưu phát triển công nghiệp, nhất là Trung Quốc (nền kinh tế đứng hàng thứ hai) và Ấn Độ (thứ năm). Hơn 30% sản lượng kinh tế toàn cầu xuất phát từ các nước trong khối BRICS. 

Dự đoán chung là nền kinh tế của khối BRICS sẽ sản xuất ổn định và gia tăng thu nhập, thuận lợi này có được là nhờ Nga, nhà cung cấp khí đốt lớn nhất, bảo đảm cung cấp năng lượng. Gần đây, các nhà cung cấp dầu khí khác là Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng lần lượt gia nhập, nghĩa là, về mặt cung ứng, càng bảo đảm được nhiều hơn.

Tuy nhiên, về mặt thể chế chính trị, vấn đề sẽ phức tạp hơn. Ấn Độ theo thể chế dân chủ trong khi Nga và Trung Quốc theo hệ thống độc đảng chuyên quyền, các nước khác cũng có các nhóm xung đột nhau vì lợi ích kinh tế. 

Điểm yếu nhất của khối BRICS là về mặt hệ thống tiền tệ. Để cho một nền thương mại chung được hoạt động ổn định trong lâu dài, khối BRICS cần thoả thuận một loại tiền tệ lưu hành chung để thanh toán. 

Hiện nay, các nước trong khối hoàn toàn phụ thuộc vào việc lưu hành đồng đô la Mỹ và nhất là không có một thị trường vốn hoạt động chung, trong khi đồng rúp và đồng nhân dân tệ đều không thể đảm nhiệm chức năng thanh toán này. 

Putin muốn “phi đô la hóa” bằng hệ thống thanh toán nội bộ có tên Bridge, nhưng không được các nước ủng hộ, nhất là Trung Quốc không muốn mất khả năng thâm nhập thị trường tài chính phương Tây.

Triển vọng của BRICS 

Putin chắc chắn sẽ sử dụng thành quả của hội nghị thượng đỉnh năm nay để chứng minh cho cộng đồng thế giới biết rằng Nga không bị cô lập như các chính phủ phương Tây cáo buộc khi tiến hành cuộc chiến xâm lăng Ukraine.

Putin còn hy vọng là sẽ mở rộng khối BRICS để phô trương thanh thế khi cho biết là có 30 quốc đang muốn gia nhập và một số quốc gia đã được mời tham dự lần này, nhưng thực tế cũng không thể đạt được.

Sau khi nhận lời mời, Argentina từ chối tham gia và Ả Rập Xê Út chưa quyết định. Thái độ miễn cưỡng của Vương quốc này được giải thích là việc liên minh quốc phòng với Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò then chốt và bền chặt hơn nếu cơ hội bình thường hóa quan hệ với Israel đạt được. Còn Saudi cũng không thể xác định được lợi ích cụ thể nào khi tham gia. 

Dù khối BRICS phô trương các hình ảnh đoàn kết qua các phương tiện truyền thông, nhưng cũng không đem lại một ý nghĩa thực chất nào vì không nêu rõ được một sự thay đổi cấu trúc đáng kể. Thực ra, khối BRICS đã làm điều ngược lại. 

Do chiến cuộc Ukraine diễn biến khốc liệt và triển vọng hoà đàm đầy bất trắc, nên giới lãnh đạo phương Tây đang có khuynh hướng chung là theo tinh thần dân tộc và ngay trong nội bộ khối BRICS càng có nhiều bất đồng; do đó, việc điều hành và hợp tác chung thậm chí còn kém hiệu quả hơn trước đây. 

Như vậy, việc gia tăng số lượng thành viên, nếu có xảy ra, cũng không phải là yếu tố quyết định; lập luận là khối BRICS đang chiếm ưu thế đa số trên toàn cầu cũng không thể thuyết phục được công luận. 

Những giải pháp cần kíp hiện nay cho các thách thức mang tầm vóc quốc tế là ủng hộ tự do giao thương, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm. 

Khối BRICS luôn tỏ ra chống phương Tây quyết liệt, nhưng cho đến nay, chưa thể hiện một hành động tập thể nào để ứng phó trước tình hình. Biểu tượng chống đối không mang lại một lợi ích cụ thể cho các thành viên và các nơi khác trên thế giới. Đây là trở ngại chính. 

Việc ra mắt Ngân hàng Phát triển Mới (New Development Bank) ban đầu được gọi là Ngân hàng BRICS là một bước tiến tích cực; nhưng tổ chức này chưa đề ra việc tài trợ nào cho các mục tiêu chung. Do đó, khối BRICS  không đủ thực lực để giải quyết các thách thức hiện nay, mà ngay G7 cũng thế.

Tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh năm 2024 của khối BRICS không đề ra được một giải pháp nào để thay thế cho việc sử dụng đồng đô la Mỹ, một hệ thống tiền tệ đang hoạt động toàn cầu. Trung Quốc vẫn còn đang tận dụng các lợi điểm khi giao dịch bằng đồng đô la Mỹ nên việc mở tài khoản vốn để hoạt động trong thị trường tài chính chung, như Putin hy vọng, sẽ không xảy ra.

Về mặt lý thuyết, trong khuôn khổ của khối BRICS, Trung Quốc và Ấn Độ đồng ý hợp tác kinh tế và tránh né công kích lẫn nhau, nhưng hợp tác toàn diện là một chuyện dài không đoạn kết mà lý do chính là vì hai nước vẫn còn nhiều tranh chấp lâu đời về lãnh thổ mà các cuộc giao tranh dọc theo biên giới Himalaya chưa thể giải quyết.  

Cũng tương tự như vậy,  bang giao song phương giữa Ai Cập và Ethiopia hay giữa Ả Rập Xê Út và Iran còn vô số các bất hoà do lịch sử để lại và cũng không thể hoà giải chính trị.

Về mặt dân số, Ai Cập, Ethiopia và Iran là các nền kinh tế mới nổi lớn nhất, nhưng khó có thể năng động; Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống nhất, tuy giàu có hơn nhiều so với những nền kinh tế khác, nhưng là một quốc gia rất nhỏ về quy mô. Mexico và Indonesia cũng khó đứng vào vị thế nền kinh tế hàng đầu. 

Lần này, Việt Nam được mời tham gia hội nghị và chưa công khai bày tỏ mong muốn trở thành thành viên như Thái Lan, Myanmar và Malaysia. Đây là một quyết định khôn ngoan, Việt Nam cũng nên ý thức rằng không để bị ràng buộc chính trị với Nga và Trung Quốc nhiều hơn nữa trong khuôn khổ hợp tác này.

Ngay cả khi BRICS có thiện chí mở rộng hợp tác với Bangladesh, Nigeria, Pakistan, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và Việt Nam, nếu việc tham gia này có số thành viên gia tăng, thì cũng sẽ không mang lại những thành tựu đột phá nào khi so với các hội nghị thượng đỉnh khác lớn hơn. 

Kết luận

Cuối cùng, câu trả lời câu trả lời hầu như đã rõ. Thay đổi trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ không mang tại một tác hại nào nghiêm trọng trong sinh hoạt quốc tế. 

Không có một chính sách chung về phát triển giao thương như WTO, không có chủ trương hội nhập thị trường và thống nhất tiền tệ như EU, không có liên minh quân sự như NATO, khối BRICS chưa thể xác định được một mục tiêu cụ thể nào để theo đuổi. 

Do đó, khối các nước G20 vẫn là một cơ chế hợp tác quốc tế phù hợp và hiệu quả hơn là BRICS cho chủ thuyết đa phương hiện nay.

Đ. K. T.

Bài liên quan: 

Khối BRICS có vai trò nào trong nền kinh tế toàn cầu?

Sự mở rộng sai lầm của khối BRICS

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn