Nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thuý Hạnh mãn hạn tù và những uẩn khúc chưa sáng tỏ

LSĐặng Đình Mạnh

14.10.2024 

(VNTB) – Tuy bà Thúy Hạnh có mức án tuyên nhẹ nhất, nhưng tính chất bất công của tội danh không thay đổi vì hành vi của bà cùng tất cả những người bị cáo buộc tội này đều không phải là tội phạm để phải chịu hình phạt tù đày.

Ngày 6 Tháng Mười 2024, nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thúy Hạnh đã được chế độ Cộng sản trả tự do về nhà sau khi đã mãn hạn tù 3 năm 6 tháng tù giam. Bà bị bắt giữ vào ngày 07 Tháng Tư 2021 với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước…” theo điều 117 Bộ luật Hình sự.

Ngay khi về đến nhà tại Hà Nội, bà đã đăng tải trên trang mạng xã hội Facebook vài dòng thông tin về sức khỏe, cùng lời cảm ơn mọi người đã quan tâm đến trường hợp của bà. Trong đó, ngoài căn bệnh trầm cảm, thì công chúng không khỏi ngỡ ngàng khi bà thông tin cả về căn bệnh ung thư đầy hiểm nghèo mà bà đang phải đối diện.

Trước đó, ngày 31 Tháng Bảy 2024, bà bị đưa ra xét xử tại Tòa án Thành phố Hà Nội một cách đầy lặng lẽ và chóng vánh. Thậm chí, đến cả các luật sư của bà cũng không hề được tòa án thông báo gì về phiên xử,và truyền thông trong nước cũng giữ thái độ im lặng đầy bất thường về một vụ xử án chính trị.

Danh tính bà Nguyễn Thúy Hạnh không hề xa lạ gì đối với những người đã từng quan tâm đến diễn biến thời cuộc trong nhiều năm trở lại đây, và lại càng trở nên nổi tiếng hơn khi gắn liền với Quỹ 50K do bà sáng lập và điều hành, một quỹ công khai quyên góp vật chất từ công chúng trong và ngoài nước để trợ giúp cho các gia đình tù nhân lương tâm Việt Nam.

Bài viết của bà Thúy Hạnh đăng tải trên trang mạng xã hội, đã thu hút hàng vài nghìn lượt bày tỏ cảm xúc, cùng với hàng trăm lời bình luận có nội dung chúc mừng, thăm hỏi sức khỏe cùng những lời cầu chúc tốt đẹp.

Tuy vậy, cùng với sự vui mừng mà công chúng dành cho bà, thì vẫn còn tồn tại khá nhiều uẩn khúc liên quan đến vụ án của bà vốn chưa từng được công khai. Mà có lẽ, chính người trong cuộc còn sẽ phải giữ kín đáo về nó vì lý do an ninh cho chính mình.

Theo đó, chúng ta chỉ có thể giải thích về chúng bằng sự xét đoán qua các thông lệ đã từng có từ trước cho đến nay, trong nền tư pháp đấy tính chất tùy tiện ở Việt Nam mà thôi.

Như, bà Thúy Hạnh đã bị xét xử theo tội danh gì? Xét xử vào lúc nào? Hình phạt đã tuyên như thế nào? Xét xử kín hoặc công khai mà truyền thông không đưa tin? Có luật sư tham gia hay không? Số tiền còn lại trong Quỹ 50K và đặc biệt, khoản tiền hơn 571 triệu đồng mà công chúng phúng điếu tang lễ cụ Lê Đình Kình đã được xử lý như thế nào?

Những điều đã biết:

– Về tội danh: Theo thông tin không chính thức mà chúng tôi được biết, thì bà Thúy Hạnh bị khởi tố hình sự, bắt giữ, cáo buộc và xét xử theo tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo khoản 1, điều 117 Bộ luật Hình sự. Hình phạt theo quy định khoản 1 có mức khởi điểm là 5 năm tù giam và cao nhất là 12 năm tù giam (Tham khảo thêm, mức hình phạt cao nhất tại khoản 2 có thể lên đến 20 năm tù giam).

– Về thời điểm xét xử: Phiên tòa xét xử vụ án của bà diễn ra lặng lẽ và hết sức chóng vánh trong buổi sáng ngày 31 Tháng Bảy 2024 tại trụ sở Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội.

– Về hình phạt: Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bà với mức án 3 năm 6 tháng tù giam, không có hình phạt bổ sung. Trong đó, thời gian bà bị điều trị bệnh trầm cảm bắt buộc được trừ vào thời gian thụ án. Bà được trả tự do sau khi đã mãn hạn tù giam chứ không được giảm án.

– Về thủ tục xét xử: Hệ thống truyền thông trong nước không đưa tin cũng như công chúng không có thông tin. Thế nhưng, chính thức thì phiên tòa xét xử bà là một phiên tòa công khai.

– Về luật sư: Đã có một số luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho bà. Tuy vậy, họ đã không được tòa án thông báo lịch xét xử. Vì lẽ, chính bà Thúy Hạnh đã từ chối nhận luật sư bào chữa trước đó.

Những điều chưa rõ:

Bao gồm số tiền còn lại trong Quỹ 50K và đặc biệt, khoản tiền hơn nửa tỷ đồng mà công chúng phúng điếu tang lễ cụ Lê Đình Kình đã bị chế độ ra quyết định xử lý như thế nào?

Trong đó, chúng ta có thể đánh giá một cách tổng quan như sau:

Về tội danh: Có thể khẳng định, một người bị cáo buộc với tội danh theo điều 117 là hoàn toàn bất công. Ít nhất vì 2 lẽ:

– Vì hành vi: Đối với các quốc gia văn minh, các hành vi “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước”[*] như điều 117 Bộ luật Hình sự quy định chỉ có ý nghĩa biểu đạt chính kiến chính trị. Điều đó là quyền tự do của công dân. Chúng không phải là hành vi tội phạm để có thể phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.

– Vì hình phạt: Đã không phải là tội phạm, mà chế độ còn quy định hình phạt quá hà khắc, trong đó, mức khởi điểm hình phạt đã là 5 năm tù giam. Mức cao nhất lên đến 20 năm tù giam chỉ vì “Tuyên truyền”?!

Do hình phạt theo tội danh theo điều 117 rất nặng, nên bà Thúy Hạnh chỉ bị tuyên mức án 3 năm 6 tháng tù, không bị quản chế sẽ rất dễ bị đánh giá là rất nhẹ, do mức án dưới khung hình phạt. Đồng thời, cũng rất nhẹ so với những người từng bị cáo buộc cùng tội danh này, như: ông Phạm Chí Dũng 15 năm tù, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, Nguyễn Năng Tĩnh 11 năm tù, Trịnh Bá Phương, Đỗ Nam Trung 10 năm tù, Phạm Đoan Trang 9 năm tù, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư 8 năm tù… Tất cả đều phải kèm theo hình phạt bổ sung là án quản chế tại địa phương sau khi mãn hạn tù từ 3 đến 5 năm.

Tuy bà Thúy Hạnh có mức án tuyên nhẹ nhất, nhưng tính chất bất công của tội danh không thay đổi. Vì hành vi của bà cùng tất cả những người bị cáo buộc tội này đều không phải là tội phạm để phải chịu hình phạt tù đày.

Về việc phiên tòa xét xử lặng lẽ, không được thông tin

Trong hầu hết phiên tòa chính trị, truyền thông luôn luôn tham gia đưa tin để định hướng, tuyên truyền trong công chúng về hình ảnh “xấu xa” của tội phạm chính trị, nhằm mục đích “giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung”. Thế nhưng, vụ án xét xử bà Thúy Hạnh đã bị an ninh che khuất đến mức không có một dòng thông tin nào được truyền thông công khai là có lý do!

Lý do chỉ có một: Che dấu thông tin đáng xấu hổ về vụ án.

Về việc từ chối luật sư: Đối với những vụ án chính trị, Cơ quan An ninh Điều tra luôn luôn được chế độ Cộng sản “bảo kê” về quá trình điều tra vụ án. Điều này khiến cho các điều tra viên thường chủ quan, điều tra qua quýt, chứng cứ lỏng lẻo, đầy sơ hở… Thường là suy đoán chủ quan theo nguyên tắc rất vô pháp: “Đã bắt là có tội”.

Cho nên, chỉ cần một cậu luật sư trẻ trung, vừa “ra ràng” là đủ soi và phủ nhận hồ sơ điều tra vụ án. Vì thế, Cơ quan An ninh Điều tra luôn luôn dị ứng với việc có luật sư tham gia vụ án chính trị.

Giải pháp của họ là dụ dỗ, thuyết phục nghi can từ chối luật sư để được hưởng mức hình phạt nhẹ. Trong hoàn cảnh thiếu hiểu biết về pháp luật, luôn bị đe dọa, muốn thoát khỏi lao tù sớm… thì thường sẽ có “thỏa hiệp” với nhau.

Việc bà Thúy Hạnh phải từ chối luật sư và để phiên tòa xét xử mình diễn ra một cách lặng lẽ đã có thể là kết quả của sự thỏa hiệp đó.

Vấn đề còn lại là số tiền còn lại trong Quỹ 50K và đặc biệt, khoản tiền 571 triệu đồng phúng điếu tang lễ cụ Lê Đình Kình

Về bản chất pháp lý, cả 2 khoản tiền trên đều không thuộc sở hữu của bà Thúy Hạnh, mà nó là các khoản ký thác của công chúng nhờ bà ấy chuyển giúp đến các gia đình tù nhân lương tâm và cụ bà Dư Thị Thành (người phối ngẫu hợp pháp của ông cụ Lê Đình Kình, dân oan Đồng Tâm, người bị công an cộng sản bắn thẳng ngực).

Việc ký thác tiền và nhận ký thác tiền đều hoàn toàn tự nguyện. Hai bên thực hiện giao dịch một cách hợp pháp qua hệ thống ngân hàng. Mục đích ký thác cũng không thuộc các điều cấm của pháp luật. Thế nên, chế độ cộng sản không có tư cách lẫn thẩm quyền gì để tịch thu 2 khoản tiền ấy cả.

Thời điểm phong tỏa tài khoản lưu giữ tiền phúng điếu tang lễ cụ Lê Đình Kình vào thượng tuần Tháng Tư 2021, chế độ cộng sản đã cho rằng chúng là khoản tiền tài trợ khủng bố. Nhưng đến nay, đã không có bất kỳ hành vi khủng bố nào được xác định cả. Cho thấy việc phong tỏa tài khoản trước đây là vô căn cứ. Cần phải hoàn trả lại 2 khoản tiền nêu trên cùng với lãi phát sinh cho đến nay để bà Thúy Hạnh hoàn tất việc được công chúng ký thác.

Song song đó, với tư cách là người nhận ký thác, có lẽ bà Thúy Hạnh cũng nên sớm có câu giải thích về số phận của 2 khoản tiền ấy cho những người đã tin cậy, khi ký thác tiền cho bà nhờ chuyển giúp. Điều này hoàn toàn chính đáng và chẳng thể là lý do để lực lượng an ninh trách cứ sau khi bà đã minh bạch về chúng.

--- 

[*] Khái niệm “Nhà nước” trong chế độ cộng sản bị lạm dụng như một quốc gia. Trong thực tế, người đấu tranh chống lại chính quyền độc tài hoặc đảng cộng sản độc tài chứ không chống lại quốc gia mà mình là công dân.

DC, ngày 07 Tháng Mười 2024

Đ.Đ.M.

Nguồn: FB Manh Dang

 

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn