Xây dựng cáp ngầm qua Biển Đông: cần đa phương hóa để tránh lệ thuộc Trung Quốc

RFA

2024.10.16

Việt Nam đang có kế hoạch lắp đặt các tuyến cáp ngầm qua Biển Đông bổ sung cho năm tuyến đang lão hóa. Đây không chỉ là vấn đề k thuật mà còn là một vấn đề địa chính trị và an ninh quốc gia. Quyết định của chính quyền Hà Nội đối với dự án này bị cho sẽ ảnh hưởng đến tương lai Việt Nam nhiều thế hệ tiếp theo. 



Logo của công ty cáp ngầm Trung Quốc HMN TechnologyReuters

Theo một nghiên cứu của Jonathon W. Penney ở Đại học Oxford, chính quyền các cường quốc có thể nghe lén, ngăn chặn thông tin trong việc quản lý đường cáp ngầm khi đường cáp ngầm nằm trong khả năng quản lý và can thiệp của họ. 

Tầm quan trọng của cáp ngầm tới an ninh quốc gia 

Theo nguồn tin của Reuters, hiện Việt Nam đang để ngỏ khả năng hợp tác với công ty Trung Quốc HMN Technologies. Trong trường hợp Việt Nam thuê một công ty Trung Quốc xây dựng tuyến cáp ngầm, về mặt kỹ thuật, Trung Quốc có thể can thiệp vào tuyến cáp này. 

Trao đổi với RFA, Giáo sư Carl Thayer ở Đại học New South Wales, Canberra, cho biết nếu Việt Nam thuê HMN Technologies, “đầu tiên, Trung Quốc sẽ có khả năng giám sát mọi lưu lượng thông tin đi qua mạng lưới này và khai thác mọi dữ liệu để phân tích Dữ liệu lớn, nhằm mục đích phát triển máy học và trí tuệ nhân tạo. Điều này có ý nghĩa quốc phòng trong khu vực”. Và nguy cơ thứ hai, quan trọng hơn, theo Giáo sư Carl Thayer là “Trung Quốc sẽ có khả năng làm gián đoạn lưu lượng trên các tuyến cáp ngầm dưới biển vào thời điểm khủng hoảng”.

Đồng tình với nhận xét của Giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở TP. HCM cho rằng các tuyến cáp ngầm qua Biển Đông rất quan trọng, bởi lẽ khoảng 90% lưu lượng thông tin mà con người truyền đi trong lĩnh vực viễn thông là qua mạng lưới cáp ngầm. Nếu như trước đây, cáp ngầm chủ yếu liên quan đến đường điện thoại thì bây giờ liên quan tới internet, tức là liên quan toàn diện đến các vấn đề kinh tế tài chính, quân sự, chính trị. Điều này đặc biệt quan trọng với Việt Nam khi HMN Technologies thực chất là “hậu thân” của Huawei, một tập đoàn lớn của Trung Quốc bị Hoa Kỳ ngăn chặn. Ông nói:

“Trong việc phát triển internet thì dẫn đến việc lớn là liên quan đến tranh chấp Biển Đông. Bản thân đáy Biển Đông có rất nhiều tuyến cáp ngầm lớn chạy qua. Hiện nay có bốn công ty lớn của Phương Tây của Mỹ, Nhật, Pháp chiếm khoảng 80% thị phần cáp ngầm internet dưới đáy biển. 

HMN Technologies là một công ty Trung Quốc mới xuất hiện. Tuy nhiên, họ không phải là mới mẻ gì. Tiền thân của công ty này chính là Huawei. Có lẽ vì Huawei bị phía Mỹ đặt vào tầm ngắm nên họ đổi tên. Theo thông tin chính thức thì HMN Technologies mua lại từ Huawei nhưng chúng ta có hiểu đó là một dạng thức “kim tiền thoát xác” để né tránh lệnh cấm của Mỹ”. 

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt nhấn mạnh hiện nay các hoạt động tài chính sử dụng internet để lưu chuyển thông tin đều qua cáp ngầm là chính, bởi hệ thống internet vệ tinh chưa thay thế được.  

“Trong bối cảnh thế giới phụ thuộc vào internet thì Việt Nam cũng vậy. Ngoài ra, Việt Nam đang muốn phát triển chính phủ điện tử. Ngoại trừ các văn bản mật hoặc tuyệt mật thì hầu hết các văn bản thông thường sẽ được truyền đi qua internet. Hiện nay quốc gia nào kiểm soát được các tuyến cáp ngầm sẽ rất quan trọng. Và đây trở thành địa bàn cho hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh nhau. 

Trong suốt thời gian vừa qua, hầu hết hạ tầng của các công ty Việt Nam như Vietel, ví dụ các cáp ngầm dưới lòng đất và các thiết bị viễn thông, đều từ Huawei. Gần đây Việt Nam cho biết là tốc độ internet bị chậm, thỉnh thoảng gặp trục trặc với cáp ngầm và cần bảo dưỡng.  

Trung Quốc là quốc gia đang muốn thể hiện sức mạnh và trong tranh chấp Biển Đông thì họ muốn kiểm soát các tuyến cáp ngầm đi qua Biển Đông. Bài báo mới đây trên Washington Post hôm 3 tháng Mười cho biết là có nhiều vụ Trung Quốc sử dụng tàu hải cảnh để quấy phá các tàu sửa chữa cáp ngầm của Việt trên biển và Việt Nam buộc phải đưa tàu hải quân ra bảo vệ. Những câu chuyện đó cho thấy vai trò của internet trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ trong việc giữ ảnh hưởng trên khu vực Biển Đông”.

Sản phẩm công nghệ của Trung Quốc thường được cho là có giá rẻ hơn các nước Phương Tây. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, lịch sử cho thấy cái giá phải trả cho sản phẩm có thể cao hơn nếu quan hệ chính trị giữa hai nước xấu đi. Ông dẫn lại trường hợp trong quá khứ, Việt Nam nhờ Trung Quốc phát triển hệ thống đường sắt, khi quan hệ xấu đi thì Trung Quốc tìm cách khống chế tuyến đường. Đối với Đài Loan, Trung Quốc từng cắt cáp ngầm của đảo Mã Tổ do Đài Loan quản lý khiến cho đảo Mã Tổ bị cô lập về thông tin khoảng sáu tháng. Ngoài ra, nhà nghiên cứu Hoàng Việt còn lưu ý Việt Nam và Trung Quốc hiện đối lập quan điểm về vấn đề Biển Đông, khi Việt Nam muốn sử dụng Luật biển Quốc tế (UNCLOS) còn Trung Quốc căn cứ vào đường chữ U vi phạm UNCLOS. 

“Trong trường hợp Việt Nam trao cho Trung Quốc toàn bộ các tuyến cáp ngầm thì Trung Quốc có thể kiểm soát các tuyến cáp ngầm internet đó. Họ có thể khống chế Việt Nam rất nhiều. Trong trường hợp xấu nhất thì họ có thể cắt các tuyến cáp ngầm đó. Nếu điều đó xảy ra thì Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng không có internet và bị cô lập với thế giới về mặt internet”. 

Cuối cùng, về mặt xu hướng phát triển công nghệ của Việt Nam, trao đổi với RFA, Giáo sư Carl Thayer cho rằng Việt Nam có nguy cơ sẽ thấy mình phụ thuộc vào công nghệ của Trung Quốc, bởi lẽ xu hướng chung của Hoa Kỳ hiện nay là tách công nghệ và thiết bị do Hoa Kỳ thiết kế và sản xuất khỏi các hệ thống của Trung Quốc. 

Mỹ giục Việt Nam không dùng cáp Internet dưới biển của Trung Quốc trong dự án mới

Trung Quốc đặt cáp ngầm ở khu vực quần đảo Hoàng Sa

Việt Nam đặt mục tiêu đưa vào sử dụng hai tuyến cáp biển và phủ sóng dịch vụ 5G vào cuối 2025

Khi thế giới chưa có quy chế quản lý cáp ngầm 

Trao đổi với RFA, Tiến sỹ Vũ Quang Việt, một cựu quan chức Liên Hiệp Quốc, chỉ ra một thực trạng là hiện nay Liên Hiệp Quốc chưa có một quy chế nào về quản lý cáp ngầm quốc tế. Thậm chí, về mặt kỹ thuật, hiện không tồn tại những "đường cáp quốc tế" nối liền toàn thế giới. Ngoài ra, hiện nay cũng không có quy chuẩn quốc tế về lắp đặt mạng lưới cáp ngầm, cũng không có thiết chế quốc tế kiểm soát mạng lưới cáp ngầm. Các công ty như Google, Amazon, Facebook, Microsoft,.. cũng làm đường cáp ngầm riêng riêng, nhằm nối các nước trên toàn thế giới. Google dự định xây dựng tuyến cáp ngầm riêng nối liền 13 trung tâm của họ trên toàn thế giới. 

Theo Tiến sỹ Vũ Quang Việt, chiến lược đúng đắn nhất của Việt Nam là căn cứ vào thực trạng không có tính thống nhất toàn cầu về mạng lưới cáp ngầm để quyết định chính sách cụ thể. Đường cáp đầu tiên trên thế giới kết nối nối Hoa Kỳ và Anh quốc. Mặt khác, Tiến sỹ Vũ Quang Việt cũng chỉ ra là ở khu vực Á châu, nhiều quốc gia cũng tự xây dựng các đường cáp ngầm nối các trạm giữa họ với nhau. 

Vì không có một "đường cáp quốc tế" nối liền thế giới và theo quy chuẩn và kiểm soát quốc tế nên chính sách của Việt Nam, theo Tiến sỹ Vũ Quang Việt, là đối với các tuyến cáp ngầm nối với Trung Quốc thì có thể hợp tác thẳng với Trung Quốc, nối từ trạm quốc gia của Việt Nam. Hai nước có thể thảo luận để lựa chọn công nghệ triển khai. Còn đối với các trạm khác, nối với các nước khác thì hợp tác thẳng với các nước đó, dùng công nghệ, vật tư và nhà thầu của họ nếu cần. 

Cuối cùng, trong nội bộ ASEAN, Tiến sỹ Vũ Quang Việt nhấn mạnh rằng các nước Đông Nam Á nên bàn đến việc thiết lập đường cáp ngầm chung trong khối. Từ đó, họ có thể nối mạng lưới cáp ngầm chung trong khối với đường cáp ngầm riêng của mình. Để xây dựng được đường cáp ngầm chung trong toàn khối, theo TS Việt, có lẽ cần một hiệp định khu vực với quy chuẩn kỹ thuật và sự kiểm soát của khu vực. 

Đồng tình với Tiến sỹ Vũ Quang Việt, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở TP. HCM cho biết Luật biển Quốc tế (UNCLOS) có quy chế về cáp ngầm nhưng thời mà UNCLOS ra đời (1982) thì chưa có internet, do đó, UNCLOS chỉ ra quy chế về việc lắp đặt. Còn các vấn đề về kiểm soát, an ninh quốc tế thì chưa được đặt ra. Trong bối cảnh đó, mỗi quốc gia phải tìm ra lựa chọn tốt nhất cho mình. 

Việt Nam do không đủ năng lực công nghệ làm cáp ngầm, phải tính đến cách lựa chọn đối tác. Theo ông Hoàng Việt, cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn lôi kéo, gây sức ép để đưa Việt Nam lại gần phía mình hơn, trong đó Mỹ mong muốn trong năm tuyến cáp ngầm thì có ba tuyến do các tập đoàn của Mỹ tham gia.  

Việt Nam cũng giống chính sách của ASEAN nói chung là không muốn chọn bên nhưng cuối cùng vẫn phải chọn lựa sao cho cân bằng quan hệ giữa hai đại cường quốc.  

“Có lẽ Việt Nam sẽ lựa chọn con đường thường làm  đa dạng hóa, đa phương hóa. Việt Nam sẽ không cho một mình Mỹ hay Trung Quốc mà cho cả các công ty của Nhật, Châu Âu cùng xây dựng tuyến cáp ngầm trên biển với các công ty Mỹ và Trung Quốc”  chuyên gia Hoàng Việt nhận định. 

Nguồn: RFA Tiếng Việt

 

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn