Nghĩa của “quan họ” như một làn điệu dân ca Việt Nam

Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ

Điều trở nên khó nghĩ là chính ở phát hiện mới của tác giả trong bản chỉnh sửa gửi đến lần thứ hai này: Bổ sung cho bài viết, Cù Huy Hà Vũ đã phát hiện ra 3 chữ quan họ hiện diện trong bài Văn tế Trường Lưu nhị nữ của Nguyễn Du. 3 chữ quan họ tìm thấy ở đây rất quý về phương diện văn liệu ngôn ngữ học, nhưng vô tình lại là bằng chứng phản bác luận điểm của người viết về chữ “quan” với nghĩa “nón thúng quai thao”, bởi vì nội hàm "quan họ" của Nguyễn Du trong bài văn tế rõ ràng chỉ mang nghĩa là một phường hát, chứ không liên quan gì đến "nón thúng quai thao" cả. Vậy thì lẽ đâu tính thống nhất của tiếng Việt dù là tiếng Nôm cổ đi nữa, lại cho phép thuật ngữ “quan họ” được dùng mỗi nơi một khác, mỗi miền một khác?

Nguyễn Huệ Chi

“Quan họ” là một làn điệu dân ca nổi tiếng của vùng Kinh Bắc thuộc châu thổ sông Hồng, nay là các tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, với 49 làng hát. Đây là hình thức hát giao duyên giữa các cặp nam, gọi là “liền anh”, và nữ, gọi là “liền chị”, không nhạc đệm Năm 2009, “Quan họ” được UNESCO công nhận là một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điều này đã rõ.

“Quan họ” chỉ tồn tại và phát triển trong cộng đồng dân tộc Kinh, tức người Việt. Điều này cũng đã rõ.

Cũng lại rõ rằng trang phục của các “liền anh” là áo the, khăn xếp (khăn vấn) đội đầu, còn các “liền chị” thì mặc áo tứ thân, chít khăn mỏ quạ và đội “nón thúng quai thao”, thường được gọi tắt là “nón quai thao”. Nhất là đặc trưng trang phục sau của “liền chị” đã đi vào ca dao với “Chưa chồng nón thúng quai thao/Chồng rồi nón rách, quai nào thì quai”, “Ai làm chiếc nón quai thao/Để anh thương nhớ ra vào khôn nguôi”…

Hát “Quan họ” ngày nay

Thế nhưng, “Quan họ” nghĩa chính xác là gì thì xem ra người đời vẫn loay hoay. Trong bài viết này, tôi sẽ dẫn lại một số lý giải từ nhiều góc nhìn của giới nghiên cứu, đồng thời đưa ra quan điểm cá nhân về nghĩa của thuật ngữ này nhằm góp phần làm sáng tỏ thêm giá trị đặc biệt của “Quan họ” trong định hình bản sắc văn hóa Việt Nam.

Góc nhìn của một số nhà nghiên cứu

Wikipedia ghi:

“Ý nghĩa của từ "Quan họ" thường được tách thành hai từ rồi lý giải nghĩa đen về mặt từ nguyên của "quan" và của "họ". Điều này dẫn đến những kiến giải về "Quan họ" xuất phát từ "âm nhạc cung đình", hay gắn với sự tích một ông quan khi đi qua vùng Kinh Bắc  đã ngây ngất bởi tiếng hát của liền anh liền chị ở đó và đã dừng bước để thưởng thức ("họ"). Tuy nhiên cách lý giải này đã bỏ qua những thành tố của không gian sinh hoạt văn hóa quan họ như hình thức sinh hoạt (nghi thức các phường kết họ khiến anh hai, chị hai suốt đời chỉ là bạn, không thể kết thành duyên vợ chồng), diễn xướng, cách thức tổ chức và giao lưu, lối sử dụng từ ngữ đối nhau về nghĩa và thanh điệu trong sinh hoạt văn hóa đối đáp dân gian.

Một số quan điểm khác cho rằng Quan họ bắt nguồn từ các nghi lễ tôn giáo dân gian mang yếu tố phồn thực, chứ không phải từ âm nhạc cung đình. Một số ý kiến lại nhận định rằng quá trình hình thành và phát triển của Quan họ bắt đầu từ nghi lễ tôn giáo dân gian, qua cung đình rồi lại quay về với dân gian.

Ngoài ra, cũng có nhận định rằng “Quan họ” là sự phản ánh "quan hệ" giữa một nhóm những người yêu thích làn điệu dân ca này của vùng Kinh Bắc.

Nhóm tác giả sách “Dân ca Quan họ Bắc Ninh” (1) cho biết:

“Ông Tập ở Viêm Xá (Võ Giàng) cho biết: Cách nay 12 đời có hai người làm quan thị vệ trong triều, một người quê ở Diềm, một người quê ở Bịu. Hiện nay ở Diềm còn di tích lăng mộ, ở Bịu không còn. Hồi còn quan hai người có chơi với nhau, đến khi về hưu thì giao ước kết bạn đi lại, nếu ở làng ai có vui như cưới xin, khao lão thì mời cả hai họ về dự. Thời đó nhân dân vẫn có hát Đúm, nhưng từ khi hai họ này kết bạn thì người ta đem những câu hát Đúm vào để ca hát trong những ngày vui đó. Từ đó lưu truyền tục lệ này. Cứ hội Diềm tháng 8, hội Bịu tháng 1, người ta lại tụ họp, ngồi chung quanh một ngọn đèn lớn để ca hát và Quan họ do đó sinh tên (hai họ nhà quan hát với nhau) và từ đấy gọi ‘Quan họ’ thay thế cho hát Đúm”.

Trong bài “Hát Quan họ - Giải thích nguồn gốc từ kí ức bản quán” (2), Nguyễn Hùng Vĩ viết:

“Chúng tôi đã khảo hai chữ quan họ trong thư tịch cổ và so sánh với hai chữ quan hộ cũng trong thư tịch cổ Trung Hoa - mà từ điển đã giải nghĩa dựa trên ngữ liệu từ đời Kim đến đời Tống - và thể hiện nó trong bài viết Hai chữ quan họ trong thư tịch cổ. Bài viết lần đầu tiên trong lịch sử nghiên cứu dân ca này đưa ra những chứng cứ văn bản rõ ràng và không thể phản bác. Ta thấy ở đây, hai chữ quan họ (Việt) cũng như hai chữ quan hộ (Hán) đều có nghĩa chỉ nhà quan cùng di duệ, quyến thuộc, kẻ ăn người ở phục dịch cho nhà quan. Và bởi vậy, hát Quan họ là tiếng hát của họ, hát ở cửa quan, phục vụ cho giao tiếp và thưởng thức của quan viên (nghĩa gốc là những người làm việc quan, việc công).”

Trong bài “Một số ý kiến về nguồn gốc dân ca quan họ” (3), Trần Hùng Viện trích dẫn nhiều lý giải khác nhau mà Tô Ngọc Thanh đã tổng hợp:

- “Quan họ” là tiếng hát giữa hai họ nhà quan ở Bắc Ninh kết bạn với nhau. Đó là họ nhà quan vùng Bịu (Hoài Thị, Bịu Sim huyện Tiên Du cũ) và họ nhà quan vùng Diềm (Viêm Xá, huyện Yên Phong). Theo một truyền thuyết, Trạng Bịu, tức Nguyễn Ðăng Ðạo, đỗ trạng nguyên khoa 1684, người Hoài Thượng, huyện Tiên Du, đặt ra cách hát “Quan họ”.

- Một cách lý giải khác cho rằng “Quan họ” là tiếng hát của quan viên hai họ nhà trai và nhà gái.

- Chúa Trịnh Sâm đi du xuân, thấy một người con gái cắt cỏ trên núi. Tiếng hát hay đến nỗi quan quân phải “họ” (dừng lại) để nghe. Rồi chúa vời về cung. Dân gian cho là tiếng hát kia tạo nên sự may mắn, hạnh phúc nên đua nhau hát, nên tiếng hát lan rộng, ngày càng bầy đặt ra nhiều, trở thành lối hát gọi là hát Quan họ.

- Theo một sự tích dân gian, Chúa Trịnh Sâm đi du xuân, thấy một người con gái cắt cỏ trên núi đang hát. Tiếng hát hay đến nỗi quan quân phải “họ” (dừng lại) để nghe. Sau đó, chúa vời cô gái về cung. Dân gian tin rằng tiếng hát kia mang lại may mắn, hạnh phúc nên đua nhau hát theo, dần hình thành một lối hát gọi là “Quan họ”.

- Một lý giải khác lại cho rằng “Quan họ” là sự kết nghĩa giữa hai làng.

Các “liền chị” hát “Quan họ” ngày nay đội nón thúng với quai là một dải lụa.

Trần Hùng Viện còn dẫn quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu khác:

- Theo Vũ Ngọc Phan, mỗi khi vua Lý Công Uẩn (974 –1028) về thăm quê ở châu Cổ Pháp, những người trong họ Lý, gọi là “quan viên họ Lý”, sẽ đến và hát những câu dân ca để mừng nhà vua. Từ đó, dân gian gọi những bài hát này là “Quan họ”.

- Lê Thị Nhâm Tuyết cho rằng từ “quan” không phải là từ Hán - Việt vay mượn, mà đã có từ thời Hùng Vương trong từ kép “quan lang” có nghĩa “người đàn ông”. Còn từ “họ” chỉ một cộng đồng có quan hệ huyết thống, mang ý nghĩa xã hội, và qua thời gian trở thành các làng. Do những lý do lịch sử, những cộng đồng này tách ra thành nhiều cộng đồng mới, và những người đàn ông trong họ (quan họ) sẽ dẫn người họ mình về làng gốc để hát và chơi theo tục lệ. Từ đó, lối hát này được gọi là “Quan họ”.

- Đặng Thị Lan thì cho rằng từ “quan” có nghĩa là bề trên, là bậc tối thượng, và người dân hát những bài hát này để cảm tạ các vị thần thánh đã giúp cho họ bình yên, ấm no, hạnh phúc. Còn từ “họ” là cộng đồng được gắn kết theo một quy ước. Trong quá trình giao lưu văn hóa và tín ngưỡng, những người trong cộng đồng đã nảy sinh tình cảm yêu đương, nhưng mối quan hệ này phải tuân theo một chế tài do người đứng đầu cộng đồng quy định. Tóm lại, “Quan họ” là tiếng hát cầu bình an, may mắn và hạnh phúc cho cộng đồng.

Bản thân Trần Hùng Viện cũng đưa ra một lý giải theo đó “quan” có nghĩa là bề trên, một bậc tối thượng, và người dân hát những bài hát ấy để tạ ơn các vị thần thánh đã giúp họ có được bình yên, ấm no và hạnh phúc. Vẫn theo nhà nghiên cứu này, “họ” là một cộng đồng theo một quy ước chung do người đứng đầu quy định.

Kiến giải của tôi

Về phần mình, tôi hiểu nghĩa của “Quan họ” khác với tất cả các ý kiến đã nêu trên. Phương pháp tôi sử dụng là tìm “Quan họ” trong thư tịch cổ, đồng thời tìm hiểu từ nguyên của thuật ngữ này. Công cụ tôi sử dụng cho việc nghiên cứu này là các từ điển tiếng Việt, đặc biệt là các từ điển cổ xưa nhất. Lẽ tất nhiên, mỗi từ có thể có nhiều nghĩa, và công việc của tôi là chọn ra nghĩa phù hợp nhất để giải quyết vấn đề.

Cho đến nay, các nhà nghiên cứu và bản thân tôi chưa tìm thấy cụm từ “quan họ” trong thư tịch cổ ngoài bài “Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ” của đại thi hào Nguyễn Du (1766–1820), được đăng trên Wikisource. Trong bài này, cụm từ “quan họ” xuất hiện ở ba câu:

Câu 15:

Nhất lịch sự là quân phường ngoài Chế, những vất ra túi thuốc bông đào;

Đội thế thần thì quan họ trong làng, cũng mang tới cân ngà quả đá.

Wikisource chú thích: Phường Chế: Phường buôn ở làng Chế dưới chân núi Hồng Lĩnh bên bờ sông Lam (chú của Hoàng Xuân Hãn). Cân ngà quả đá: Cái gậy (bằng cái ngà voi) và cục đá nhưng tác giả thêm chữ ngà và quả cho có vẻ. Câu này ý nói: Khách hàng xứ thì sang trọng, lịch thiệp còn trai làng thì cậy thế nên chơi cục.

Câu 25:

Quây ngoài sân thì trong làng chín mười ả, ả ví, ả hát, ả kéo sợi, ả đưa thoi, lại có ả bưng trầu tận miệng, mỹ nữ như hoa;

Léo lên giường thì quan họ năm bảy ông, ông nói, ông cười, ông ngâm thơ, ông đọc truyện, lại có ông đắp áo trùm đầu, cao bằng mãn toạ.

Câu 82:

Vì quan họ nên chúng ta mộ đức, bạn hữu quen còn được bao nhiêu;

Vào trong làng hỏi đôi ả Sạ Uy, lứa tác cũ hãy còn bao nả?

Trong cả ba câu trên, Nguyễn Du sử dụng cụm từ “quan họ” để chỉ đám đàn ông ở Trường Lưu, một làng thuộc xã Trường Lộc (nay là xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc), tỉnh Hà Tĩnh. Làng này nổi tiếng với các làn điệu dân ca gọi là “ví, dặm”, có giai điệu, lời ca, và hình thức trình diễn khác nhiều với “Quan họ” xứ Kinh Bắc. Vì vậy, dùng “quan họ” trong “Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ” để giải nghĩa cho làn điệu dân ca xứ Kinh Bắc là hoàn toàn không phù hợp, chẳng khác nào “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia” như một thành ngữ đã nói.

Vậy, để giải quyết vấn đề, tôi chỉ còn cách dựa vào phân tích từ nguyên của cụm từ “Quan họ”. Cách tiếp cận này không chỉ giúp làm sáng tỏ cách hiểu và ý nghĩa gốc của thuật ngữ mà còn cung cấp cơ sở vững chắc để rút ra kết luận chính xác nhất về nguồn gốc và bản chất của “Quan họ” trong ngữ cảnh văn hóa dân gian Việt Nam.

Để bắt đầu, không thể không bàn về tác động của tiếng Hán đối với sự phát triển của tiếng Việt.

Từ khoảng thế kỷ 2 TCN đến thế kỷ 10, Việt Nam bị đặt dưới sự đô hộ của các triều đại phong kiến Trung Hoa. Trong hơn một nghìn năm này, nhằm đồng hóa người Việt, chính quyền đô hộ đã áp đặt hệ thống hành chính, luật pháp và giáo dục sử dụng chữ Hán, đồng thời lan truyền văn hóa Trung Hoa thông qua văn học, Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo. Tuy nhiên, tự hào với bản sắc dân tộc của mình, người Việt đã kháng cự thành công sự đồng hóa này bằng nhiều cách, trong đó có việc đọc chữ Hán bằng ngữ âm của người Việt, gọi là từ Hán – Việt.

Ví dụ, các chữ Hán như 本 (bản), 役 (dịch), 鞋 (hài), 法 (pháp), 鏡 (kính), 婦 (phụ), 書 (thư) được đọc theo cách Hán – Việt. Không những thế, người Việt còn Việt hóa nhiều từ Hán – Việt bằng cách biến đổi ngữ âm cho phù hợp với tiếng nói bản địa, từ đó biến chúng thành các từ thuần Việt. Vẫn lấy các ví dụ trên, ta có: “vốn” (bản), “việc” (dịch), “giày” (hài), “phép” (pháp), “gương” (kính), “vợ” (phụ), “sách” (thư). Việc Việt hóa này không chỉ phản ánh nỗ lực bảo tồn bản sắc dân tộc mà còn thể hiện sự sáng tạo và linh hoạt của người Việt trong việc tiếp thu và biến đổi các yếu tố ngôn ngữ nước ngoài.

Bên cạnh đó, vẫn luôn nhằm bảo tồn bản sắc dân tộc, người Việt đã lợi dụng chữ Hán để sáng tạo ra hệ thống chữ viết riêng, gọi là chữ Nôm (tức Nam). Tên gọi này bắt nguồn từ cách người Việt tự nhận mình là “người phương Nam” (Nam), khác biệt với “người phương Bắc”, tức người Trung Hoa.

Chữ Nôm ban đầu hình thành bằng cách sử dụng một chữ Hán có âm tương tự để biểu thị một từ Việt. Ví dụ, chữ 這 (giá, nghĩa là "cái này") được dùng để biểu thị từ “gió.” Tiếp theo, người Việt đặt liền nhau hai chữ Hán – một chữ gợi ý nghĩa và một chữ gợi âm - để biểu thị một từ Việt cổ. Ví dụ: chữ 大 (đại), nghĩa là "to," "lớn", kết hợp với chữ 瞿 (cù, có âm gần với “cồ”) để biểu thị từ “cồ” trong tiếng Việt cổ, cũng có nghĩa “to”, “lớn”. Ví dụ: quốc hiệu Việt Cồ thời Đinh Tiên Hoàng được viết là 大瞿越 (4). Sau cùng, các chữ ghép này được đơn giản hóa thành một chữ duy nhất. Chẳng hạn, chữ 蹎 (chân) được cấu thành từ chữ 足 (túc, nghĩa là "chân") và chữ 真 (chân, trong “chân thành”, đồng âm với “chân” trong “chân tay”). Ngoài ra, chữ Nôm cũng vay mượn trực tiếp chữ Hán cả về cách viết lẫn ý nghĩa. Ví dụ: các từ “luân lý” (仑, 伦, 侖, 倫), “luân phiên” (輪) vẫn giữ nguyên từ gốc chữ Hán.

Tóm lại, việc sáng tạo chữ Nôm phản ánh nỗ lực bền bỉ của người Việt trong việc tiếp nhận và biến đổi các yếu tố ngôn ngữ Hán để phù hợp với đặc điểm ngữ âm, tư duy ngôn ngữ và văn hóa bản địa. Quá trình này không chỉ là sự tiếp biến văn hóa mà còn thể hiện tinh thần sáng tạo và quyết tâm bảo tồn bản sắc dân tộc, góp phần quan trọng vào sự phát triển của tiếng Việt.

Vì lý do đã rõ, những công cụ đầu tiên mà tôi sử dụng để tìm từ nguyên của “Quan họ” là từ điển chữ Nôm và từ điển Hán – Việt.

Trong Từ điển Hán Nôm (5), từ “họ” trong chữ Nôm được biểu thị bằng 5 chữ: 户, 𢩜, 𣱆, 𪭘, 𬇋, tất cả đều mang nghĩa “dòng họ,” “họ hàng,” hoặc “họ tên.” Tuy nhiên, “họ” không xuất hiện trong phần Hán – Việt của từ điển này, điều đó cho thấy “họ” là một từ Việt cổ hoặc thuần Việt, không có nguồn gốc trực tiếp từ tiếng Hán.

Mặc dù vậy, chữ Nôm – do chưa được hoàn thiện thành một hệ thống ngữ âm và ngữ nghĩa bao quát – chưa thể phản ánh đầy đủ các nghĩa phong phú của từ Việt cổ, trong đó có “họ.” Thực tế này được chứng minh rõ ràng qua các từ điển tiếng Việt do các nhà truyền giáo phương Tây biên soạn, mà quyển đầu tiên xuất hiện từ thế kỷ 17. Những từ điển này, được viết bằng chữ La-tinh, là một trong những nỗ lực đầu tiên nhằm hệ thống hóa và ghi nhận ngôn ngữ tiếng Việt một cách toàn diện hơn, đặc biệt trong việc truyền tải các nghĩa mở rộng của các từ Việt cổ.

Trong Từ điển Việt – Bồ – La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) của Alexandre de Rhodes, xuất bản năm 1651, “họ” được định nghĩa là “congregation” (một nhóm người thực hành cùng đức tin hoặc một tổ chức, đoàn thể có mục đích chung). Tương tự, Nam Việt Dương Hiệp Tự Vị (Dictionarium Anamitico-Latinum) của Pigneaux và Taberd, xuất bản năm 1838, cũng dịch “họ” là “congregation”.

Các từ điển sau này tiếp tục ghi nhận nghĩa của “họ” với sắc thái gần giống:

- Từ điển An Nam – Pha Lang Sa (Dictionnaire Annamite-Français) của J.M.J., xuất bản năm 1877, dịch “họ” là “société” và “association” (hội, nhóm).

- Tiểu từ điển Việt – Pháp (Petit dictionnaire Annamite-Français) của Genibrel, xuất bản năm 1906, cũng định nghĩa “họ” là “société”, “congregation”, và “association” (hội, nhóm).

- Việt Nam Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, in năm 1931, định nghĩa “họ” là “một bọn nhiều người chung nhau góp tiền để mua bán hay ăn uống với nhau.” Hiểu rộng ra, “họ” là “nhóm người có chung mục đích hoạt động hoặc sở thích.”

- Dictionnaire vietnamien – chinois – français của Eugene Gouin, in năm 1957, dịch “họ” là “Association”, “société”, “tontine”. “Tontine” là hình thức tiết kiệm chung và cho vay luân phiên. Ví dụ: “cầm một bát họ.”

Từ các tài liệu này, nghĩa “hội, nhóm” của “họ” trở nên rõ ràng, và nó có nét tương đồng với từ “phường.” Theo nghĩa cổ, “phường” là “tổ chức của những người cùng nghề hoặc chung sở thích, mục đích.” Trong lĩnh vực nghệ thuật, ta có thể thấy các cụm từ như:

- “Phường tuồng” (tổ chức của những người hát tuồng).

- “Phường xoan” (tổ chức của những người hát xoan, làn điệu cổ ở Phú Thọ).

- “Ví phường vải” (lối hát của tổ chức những người dệt vải ở Nghệ - Tĩnh).

- “Giáo phường” (tổ chức ca, múa, nhạc do chính quyền phong kiến lập nên)(6).

Thậm chí, một văn bản pháp quy hiện hành còn đồng nhất “họ” với “phường.” Nghị định số 144/2006/NĐ-CP ngày 27/11/2006 của Chính phủ quy định tại Điều 1: “Nghị định này quy định về hình thức họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ), quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của những người tham gia họ.” (7)

Từ đây, có thể suy ra rằng từ “họ” trong “Quan họ” mang nghĩa “tổ chức” hay “phường” của những người hát, và điều này liên quan đến thành tố “quan.” Vấn đề cốt yếu còn lại là xác định nghĩa chính xác của từ “quan” trong cụm từ “Quan họ.”

Vẫn trong phần chữ Nôm của Từ điển Hán Nôm đã dẫn, “quan” có nhiều nghĩa, bao gồm: quan ải (关, 関, 𬮦), y quan (冠), quan lại (官), áo quan (棺), thông quan (瘝 - đau ốm, khổ sở), quan sát (覌, 觀, 观), quan tiền (貫), và quan quả (鰥, 𩹌).

Đáng chú ý, tất cả các nghĩa này đều được ghi nhận trong phần Hán – Việt của từ điển ở mục tra cứu “quan.” Điều này chứng tỏ rằng, trong hệ thống chữ Nôm, “quan” là một từ gốc Hán – Việt, được tiếp thu từ tiếng Hán và giữ nguyên các ý nghĩa vốn có trong quá trình Việt hóa.

Về phần “quan” trong Hán – Việt, từ này còn có nhiều nghĩa khác, trong đó “dây thao (tơ) xanh,” hay rút gọn, “dây thao” (綸, đọc là “luân”). Với nghĩa này, “quan” đồng nhất với “luân,” cũng là một từ Hán – Việt và có cùng gốc chữ 綸. Ví dụ, “quan cân” và “luân cân” (綸巾) đều có nghĩa “khăn xếp bằng dây thao xanh.”

Đến đây, một câu hỏi nảy sinh: tại sao không dùng “luân”, vốn là âm gốc của 綸 để diễn giải từ Hán này, mà lại dùng “quan” có âm khác với âm gốc? Theo tôi, lý do nằm ở sự tồn tại trong hệ thống chữ Nôm của hai chữ 綸 và 纶, đều đọc là “luân” nhưng mang nghĩa “giải lụa đen”. Việc sử dụng “quan” với nghĩa “dây thao (tơ) xanh” nhằm tránh nhầm lẫn với “luân” mang nghĩa “giải lụa đen.”

Định nghĩa này ngay lập tức khiến tôi liên tưởng tới “nón thúng quai thao”, – một phần trang phục đặc trưng của các cô gái hát Quan họ, mà tôi đã đề cập ở phần đầu bài viết.

Nón thúng (còn gọi là nón ba tầm hay nón thượng) là một loại nón có bề mặt phẳng, được lợp bằng lá gồi hoặc lá cọ. Nón có đường kính lớn, khoảng 70–80 cm, với thành cao 10–12 cm. Điểm nổi bật của nón là một vành tròn ở giữa, được gọi là “khua”, làm bằng những sợi tre nhỏ chuốt bóng được khâu lại với nhau bằng chỉ tơ, thiết kế vừa vặn với đỉnh đầu. Nơi sản xuất nổi tiếng nhất là làng Chuông, nay thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

.

Nón thúng dùng trong sinh hoạt ngày thường. Ảnh chụp đầu thế kỷ 20

Nón được sử dụng trong đời sống hàng ngày thường có quai bện bằng những lạt tre ôm sát cằm. Tuy nhiên, khi đi lễ, hội, chùa chiến hay những lúc vui chơi thì người ta dùng nón có quai bện bằng dây tơ, gọi là “thao” (từ Hán – Việt bắt nguồn từ các chữ Hán 絛, 縚, 縧 hoặc 绦, đều có nghĩa “dây bằng sợi tơ”).

Quai thao gồm vài ba dây tơ bện lại với nhau (gọi là quai kép), dài đến 3 thước (1,2 m). Nhiều đoạn trên quai được thắt thành các họa tiết vừa đẹp mắt vừa làm cho dây thêm chắc chắn, thả võng xuống đến thắt lưng. Người đội nón dùng hai tay giữ quai để nón không rơi và tạo thăng bằng cho nón. Chính cách giữ quai nón này kết hợp với hai quả cù ở hai đầu quai, được tết công phu cũng bằng tơ, rủ xuống thành tua dài tới 25 cm, tạo vẻ duyên dáng, khoan thai, sang trọng cho người đội nón. Điều này giải thích vì sao “nón thúng quai thao” trở thành trang phục đặc trưng dành riêng cho phụ nữ..

Thông thường, các cô gái dùng quai thao màu trắng ngà hay xanh, còn phụ nữ đã lập gia đình thường ưa màu tím hoặc đen. Do được chế tạo cầu kì nên trên thực tế, quai thao còn đắt hơn cả chiếc nón mà nó là phụ kiện. Tóm lại, “nón thúng quai thao” được coi là ẩn dụ của vẻ đẹp của người con gái Bắc Bộ. Ngày nay, các cô hát “quan họ” vẫn đội nón thúng, nhưng với quai ôm sát cằm được làm bằng một dải lụa, giống chức năng của quai bện bằng lạt tre thuở xưa. Để nói “quai thao” mà các phường hát “Quan họ” ngày nay lấy làm phụ kiện cho nón thúng đã không còn nguyên bản.

Một phụ nữ đội nón thúng quai thao xanh ở Hà Nội. Ảnh chụp màu đầu thế kỷ 20

Một phụ nữ đội nón thúng quai thao ở Hải Phòng. Ảnh chụp đầu thế kỷ 20

Một đám cưới nhà khá giả đội nón thúng quai thao. Ảnh chụp đầu thế kỷ 20.

Điều đáng lưu ý là làng Chuông không làm “quai thao”. Phụ kiện này của nón thúng là đặc sản của làng Triều Khúc, tổng Thanh Oai, cùng tỉnh Hà Đông (nay thuộc xã Tân Triều, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Làng này nổi tiếng với các sản phẩm bằng tơ lụa làm phụ kiện cho trang phục đặc biệt cho phụ nữ Bắc Bộ xưa, như áo the, quạt the, nái (yếm, bao thắt lưng) và các sản phẩm nhuộm như áo, yếm, váy, thắt lưng. Hay nói đúng hơn, chỉ Triều Khúc mới làm hàng thao, trong đó có quai thao, điều này giải thích vì sao làng này còn có tên Đơ Thao (làng làm “thao” thuộc tỉnh Đơ, tên cũ của Hà Nội và Hà Đông).

Ngược lại, “quai thao” được làm ra chỉ để cho nón thúng sản xuất tại làng Chuông. Chả thế, hai sản phẩm thủ công truyền thống nổi tiếng này tồn tại như một cặp trong câu ca dao “Nón Chuông, khua lụa, quai thao làng Đơ.”

Về nguồn gốc của nghề làm quai thao thì có chuyện ông Vũ Đức Úy thời Lê – Trịnh (cuối thế kỷ XVIII) được triều đình cử làm Phó sứ sang Trung Quốc, nơi ông đã học được nghề dệt thao. Sau khi về nước, ông đã dạy dân làng Triều Khúc dệt thao. Năm 1924, dân làng đã xây nhà thờ tổ nghề dệt thao bên cạnh chùa Hương Vân để tôn vinh ông.

Cũng cần nhắc đến phố Hàng Thao ở thành phố Nam Định, một trung tâm văn hóa, chính trị, tôn giáo và thương mại lớn từ đầu thế kỷ XIII. Đây từng là nơi chuyên sản xuất và buôn bán các sản phẩm làm từ thao, bao gồm quai thao. Tuy nhiên, với sự kiện ông Vũ Đức Úy, nghề làm thao ở Nam Định chắc chắn xuất hiện sau làng Triều Khúc.

Từ những phân tích trên, với “họ” mang nghĩa “phường” và “quan” mang nghĩa “dây thao,” tôi, Cù Huy Hà Vũ, đi đến kết luận rằng “Quan họ” có nghĩa “Phường hát với trang phục nón quai thao.” Cũng như vậy, “Quan họ” là một tổ hợp của từ Việt cổ “họ” và từ Hán – Việt “quan”, điều này thể hiện rõ nét sự giao thoa ngôn ngữ và văn hóa trong dòng chảy lịch sử Việt Nam.

Nhân đây, tôi cũng đề nghị rằng, để bảo tồn và phát huy đúng cách giá trị văn hóa đặc sắc của “Quan họ,” cần khôi phục “nón quai thao” truyền thống, với quai được làm bằng các dây tơ bện lại, dài đủ thả võng đến thắt lưng, cùng với hai quả cù cũng bằng tơ rủ xuống ở hai đầu quai. Điều này cũng sẽ tăng cường giá trị nhận diện và tôn vinh truyền thống nghệ thuật dân gian Việt Nam trên cả phương diện quốc gia và quốc tế.

Kết luận

“Quan họ” – hiểu theo nghĩa "Phường hát với trang phục nón quai thao" – là một hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc của những người yêu thích các làn điệu dân ca và trang phục truyền thống vùng Kinh Bắc. Đây là sự hòa quyện độc đáo giữa nghệ thuật âm nhạc, phong tục tập quán và ngôn ngữ dân gian. Cách hiểu này không chỉ mở ra những góc nhìn mới về ngôn ngữ và văn hóa dân gian mà còn giúp chúng ta cảm nhận sâu sắc hơn không gian văn hóa đặc trưng của vùng Bắc bộ cũng như bản sắc văn hóa phong phú và đa dạng của dân tộc Việt Nam.

Hơn thế nữa, “Quan họ” giúp ta hiểu rõ hơn sự gắn kết cộng đồng và qua đó, tình yêu sâu đậm đối với quê hương và đất nước, và tính nhân văn trong các làn điệu dân ca Việt Nam.

Tóm lại, “Quan họ” không chỉ là một loại hình nghệ thuật diễn xướng đặc sắc mà còn là biểu tượng sống động của sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và hiện đại. Với tư cách là một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, “Quan họ” mang lại niềm tự hào lớn lao về bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời là lời nhắc nhở người Việt Nam về tinh thần đoàn kết cộng đồng, về sự sẻ chia và đồng lòng, cũng như trách nhiệm bảo tồn và phát triển các tinh hoa văn hóa truyền thống cho muôn đời sau.

Hy vọng với việc làm sáng tỏ nghĩa của thuật ngữ “Quan họ”, bài viết này sẽ góp phần làm sâu sắc thêm sự độc đáo của làn điệu truyền thống này như một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.và qua đó làm nổi bật hơn nữa bản sắc của dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế.

Chú thích

1. Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Viêm và Tú Ngọc, Nhà xuất bản Văn Hóa, 1962.

2. Một số ý kiến về nguồn gốc dân ca quan họ, Nguyễn Hùng Vĩ, repository.vnu.edu.vn

3. Một số ý kiến về nguồn gốc dân ca quan họ”, Trần Hùng Viện, 14/7/2015, Nội san Trường Đại học sư phạm nghệ thuật trung ương.

4. Quốc hiệu thời Đinh Tiên Hoàng là “Việt Cồ”, không phải “Đại Cồ Việt”, Nghiên cứu lịch sử, 17/1/2024

5. Từ điển Hán Nôm, https://hvdic.thivien.net/nom

6. Triều đình Gia Long (1802 - 1820) lập Viện giáo phường. Tổ chức này lấy những con gái, con trai từ 20 tuổi trở xuống (gọi là đào nương, quản giáp) và tổ chức thành nhiều đội, mỗi đội 50 người để mua vui khi có yến tiệc, hoặc để ca nhạc mỗi khi tế thái miếu. “Giáo phường” về sau còn được gọi là “phường hát”.

7. Nghị định số 144/2006/NĐ-CP ngày 27/11/2006 của Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

C.H.H.V.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn