10 nhân vật chính trị Việt Nam năm 2017 do Luật khoa Tạp chí bình chọn

10 nhân vật chính trị Việt Nam năm 2017

LUẬT KHOA TẠP CHÍ

Mười nhân vật, mười lát cắt khác nhau của một năm đầy biến động của chính trị Việt Nam.

Tham nhũng giống như hòn tuyết, một khi đã lăn thì nó cứ lớn mãi ra. (Corruption is like a ball of snow, once it’s set a rolling it must increase)

— Nhà văn Anh Charles Caleb Colton (1780 – 1832)

1. Đoàn Ngọc Hải

clip_image002

Ảnh: Infonet

Phó Chủ tịch Quận 1 – TP. Hồ Chí Minh nổi lên từ sau Tết Nguyên đán khi phát động chiến dịch “giành lại vỉa hè” với tuyên bố “không lấy lại được vỉa hè, tôi cởi áo về vườn”.

Tháng cuối năm, thông tin về ông trên báo chí chỉ còn lại hai tin nổi bật: “Vắng bóng ông Đoàn Ngọc Hải, vỉa hè quận 1 biến thành chợ” và “Người đàn ông ở Hải Dương dọa dùng súng giết ông Đoàn Ngọc Hải”. Bản thân ông Hải vẫn đang tại nhiệm, chưa về vườn.

Đoàn Ngọc Hải là đại diện tiêu biểu cho một lối tư duy máy móc về pháp luật và thượng tôn pháp luật. Những văn bản về giao thông đường bộ được ông coi như một thanh thượng phương bảo kiếm, có thể dùng để sát phạt bất cứ hành vi vi phạm nào mà không cần cân nhắc đến tính hợp lý của văn bản và quy trình áp dụng, đến văn hoá kinh tế vỉa hè của một đất nước có trình độ phát triển thấp, và đến hiệu quả của việc thực thi pháp luật.

Dù thiện chí biến quận 1 thành Singapore của vị quận phó này hãy còn là nghi vấn, ông cũng đã nỗ lực dùng “liệu pháp sốc điện” cho một hệ thống chính quyền cơ sở uể oải gần như hoàn toàn tê liệt trước nạn tham nhũng, cửa quyền, thiếu trách nhiệm và cả hành vi lấn chiếm vỉa hè của người dân. Chiến dịch giành lại vỉa hè của ông không có gì khác hơn một kiểu phong trào đoàn thể, vốn có vòng đời ngắn và chỉ có thể ồn ào chừng nào người ta còn đủ sức gồng mình lên để làm.

Vị quận phó Đoàn Ngọc Hải cũng nổi lên được nhờ những hiệu ứng dân tuý mà có thể chính ông cũng chẳng nghĩ đến.

Ông đánh vào một vấn đề bức xúc sát sườn với quyền lợi trước mắt của phần đông người dân, đưa ra một lời hứa hẹn phi hiện thực và sử dụng một nguồn lực bất thường để thực hiện lời hứa của mình.

Ông phân chia giới tuyến giữa “người dân” và những người lấn chiếm vỉa hè. Ông lên án các lãnh đạo phường vô trách nhiệm, làm việc kém hiệu quả, một kiểu thông điệp chống chính trị dòng chính (anti-establishment) quen thuộc của các chính trị gia dân tuý vốn rất được lòng những người dân chán ghét chính quyền. Ông cũng rao bán được một thứ tình cảm chính trị mà rất nhiều người khao khát: một tay anh hùng có khả năng chuyển xoay thời cuộc trong chớp mắt.

Hiện tượng Đoàn Ngọc Hải hoà chung với làn sóng dân tuý đang nổi lên ở khắp nơi trong năm qua, từ Mỹ, Pháp, Hà Lan cho đến Philippines. Và cũng như thứ chính trị dân tuý đang làm đất nước Venezuela chết dần chết mòn, thứ ông Đoàn Ngọc Hải làm được cũng chỉ là khuấy tung một đám ao bèo trong cơn bế tắc của quần chúng chứ không giải quyết được bất cứ điều gì.

2. Nguyễn Đình Thục

clip_image004

Ảnh: Chưa rõ nguồn

Kể từ khi thảm hoạ môi trường Formosa nổ ra vào tháng 4/2016, linh mục Nguyễn Đình Thục, quản xứ giáo xứ Song Ngọc (Nghệ An) trở thành một trong những chỗ dựa cho cả một cộng đồng giáo dân.

Ông tổ chức các thánh lễ cầu nguyện, dẫn đầu đoàn giáo dân đi khởi kiện Formosa Hà Tĩnh, cầm loa động viên đoàn giáo dân bình tĩnh và ôn hoà trước các đợt hành hung của chính quyền, trong khi bản thân ông cũng bị hành hung tới chảy máu. Ông sang Đài Loan gặp gỡ nhà chức trách tháng 12/2016 và nhỡ một chuyến gặp gỡ với Quốc hội Úc khi bị cấm xuất cảnh đúng một năm sau.

Hứng chịu rất nhiều cáo buộc từ cả báo chí nhà nước lẫn các trang mạng về việc kích động, gây rối và liên kết với các tổ chức “phản động” (trong đó có Việt Tân), ông tuyên bố kiên trì đường lối ôn hoà và đối thoại.

Linh mục Nguyễn Đình Thục đứng giữa tâm điểm của rất nhiều xung đột chính trong xã hội. Là một lãnh đạo Công giáo trong một xã hội có truyền thống Nho giáo, ông là đại diện của một cộng đồng đã và đang là thiểu số, vốn là đối tượng bị nhắm đến của nhiều triều đại phong kiến trong lịch sử. Chính quyền hiện nay cũng không phải là ngoại lệ. Thứ mà chính quyền e ngại không gì khác ngoài một cộng đồng hàng triệu người cùng chia sẻ một hệ thống niềm tin và giá trị, độc lập với hệ thống niềm tin và giá trị của đảng cầm quyền.

Giờ đây, ông còn đứng trước một thế lực mới, một đại công ty có vốn đầu tư 11,6 tỷ USD, tổ hợp gang thép khép kín lớn nhất Đông Nam Á. Điều đáng nói là công chúng chưa bao giờ biết được họ gần gũi với chính quyền đến mức nào. Minh bạch là điều xa xỉ linh mục Nguyễn Đình Thục chưa bao giờ đòi hỏi được ở chính quyền.

3. Lê Đình Kình

clip_image006

Ảnh: Zing

Cùng bạc tóc, cùng là đảng viên (đảng Cộng sản) và cùng tuyên bố chống tham nhũng, ông Lê Đình Kình không giành được thắng lợi giòn giã như người đồng chí của mình, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trước tháng 4/2017, công chúng không biết Lê Đình Kình là ai. Vụ chính quyền huyện Mỹ Đức, Hà Nội xô xát và bắt giữ ông cụ 82 tuổi này vào ngày 15/4 đã thổi bùng làn sóng phản đối của người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, vốn đang có tranh chấp đất đai tại khu vực đồng Sênh.

Tất cả những diễn biến sau đó cho người ta thấy hình ảnh của một lãnh đạo cả về tinh thần lẫn quyết sách của những người nông dân Đồng Tâm. Ngoài trí tuệ minh mẫn và khả năng trình bày khúc chiết, ông Lê Đình Kình hội tụ nhiều yếu tố để trở thành người được tín nhiệm ở một làng nông thôn Bắc Bộ: cao tuổi, là đàn ông, đảng viên, và là cựu Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân, Bí thư Đảng uỷ xã những năm 1980.

Thân phận của những người nông dân cao tuổi như ông Kình gắn liền với những biến động cực lớn về mối quan hệ giữa con người với đất đai. Trong gần 20 năm đầu tiên của đời mình, ông chứng kiến ruộng đất nằm trong tay địa chủ. Đến khi cuộc Cải cách Ruộng đất diễn ra từ năm 1953, nông dân đột nhiên được sở hữu miếng đất của riêng mình. Nhưng chỉ năm năm sau, hầu hết ruộng đất lại được dồn vào các hợp tác xã. Đến những năm 1980 khi ông Kình làm lãnh đạo xã, hai chỉ thị 100 (1981) và 10 (1988) của đảng Cộng sản lại chia ruộng lại cho các hộ nông dân canh tác.

Giờ đây, khi đã ở tuổi gần đất xa trời, ông lại đối mặt với một vấn nạn khác: tham nhũng đất đai. Kẻ ông phải đối mặt, trớ trêu thay, lại chính là những đồng chí của ông. Bi kịch của ông, và có lẽ là cả thế hệ của ông, là đã dành cả đời phấn đấu và hy sinh xương máu để thay thế địa chủ và cường hào ác bá bằng một thể chế tự cho mình quá nhiều quyền hành trong việc định đoạt đất đai của người khác. Nói cách khác, ông vừa là nạn nhân, vừa là đồng phạm.

Như cách Vaclav Havel đã mô tả về xã hội Tiệp Khắc dưới chế độ cộng sản, “không ai trong chúng ta chỉ đơn thuần là nạn nhân cả, tất cả chúng ta đều là những kẻ góp phần tạo ra bộ máy đó”.

4. Nguyễn Thanh Lâm

clip_image008

Ảnh: Người Lao Động

Bức tranh ngôn luận năm 2017 không thể vắng bóng Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh – Truyền hình – Thông tin điện tử (Bộ Thông tin – Truyền thông).

Không phải là quan đầu ngành, nhưng về độ nổi bật, Nguyễn Thanh Lâm vượt xa sếp của mình là Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng như Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng.

Rất tích cực đăng đàn trên báo chí để cổ xuý cho việc kiểm soát ngôn luận trên Internet, cựu nhà báo Nguyễn Thanh Lâm liên tục tuyên bố về quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ Việt Nam và hai gã khổng lồ công nghệ Google và Facebook. Theo đó, hàng nghìn video trên Youtube (của Google) và hàng trăm tài khoản Facebook có nội dung bị cho là “xấu, độc”, “xuyên tạc”, “kích động”, “xúc phạm” lãnh đạo Đảng (cộng sản) và nhà nước đã bị gỡ bỏ theo yêu cầu của chính phủ.

Tài năng nổi bật của Nguyễn Thanh Lâm là may được một tấm áo ngôn từ mới cho thứ tư duy tuyên giáo mang đậm màu sắc gia trưởng cũ kỹ từ những năm 50-60, và nhờ vậy, giành thêm được sự ủng hộ từ chính những nạn nhân của chế độ kiểm duyệt. Đây là điều gần như không quan chức nào ngày nay làm được.

Trong một thể chế coi kiểm duyệt ngôn luận là một trong những công cụ cai trị chính, đây rõ ràng là một thành tích không tệ chút nào. Năm 2017, các chỉ số tự do ngôn luận của Việt Nam đều xếp cuối bảng xếp hạng cùng với Lào, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

5. Luật sư

clip_image010

Ảnh: Dân Trí

Không mang một cái tên người cụ thể nào, nhân vật nổi bật trong năm này là một cái nghề, nghề luật sư. 2017 là năm mà nghề luật sư bị tấn công trực diện vào hai nguyên tắc quan trọng bậc nhất của nó.

Thứ nhất, nguyên tắc bảo mật giữa luật sư và thân chủ bị Bộ luật Hình sự mới phá vỡ. Bộ luật Hình sự sửa đổi vào tháng 6/2017, có hiệu lực từ 1/1/2018, ép luật sư phải tố giác hành vi phạm tội của thân chủ trong các vụ án đặc biệt nghiêm trọng và vụ án an ninh quốc gia.

Nguyên tắc đặc quyền luật sư – thân chủ (attorney-client privilege) với tính bảo mật thông tin vốn được thừa nhận rộng rãi trên thế giới. Phá vỡ nguyên tắc này, luật sư và khách hàng không còn cơ sở để tin tưởng và hợp tác với nhau nữa. Cơ quan điều tra, truy tố, xét xử nhờ vậy càng dễ dàng tác nghiệp và lạm quyền hơn.

Thứ hai, nguyên tắc độc lập của nghề luật sư cũng bị tổn tại nghiêm trọng khi vào tháng 11, luật sư Võ An Đôn bị Đoàn Luật sư Phú Yên kỷ luật bằng cách xoá tên khỏi danh sách luật sư. Điều này đồng nghĩa với việc chấm dứt khả năng hành nghề luật sư tranh tụng của ông. Sự kiện này xảy ra chỉ vài ngày trước phiên toà chính trị của nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) mà luật sư Đôn lẽ ra sẽ là một trong những người bào chữa. Trước đó, vào năm 2014, liên ngành tư pháp Phú Yên đã gây sức ép để Đoàn Luật sư Phú Yên thực hiện việc này nhưng không thành.

Một nhát dao đâm vào nghề luật sư là một nhát dao đâm vào niềm tin vào công lý và thể chế pháp quyền. Điều đáng chú ý sau tất cả những nhát dao đó lại là phản ứng yếu ớt và thái độ chia rẽ của giới luật sư, khi không có nhiều nỗ lực đáng kể của họ trong việc bảo vệ những nguyên tắc nghề nghiệp của mình.

6. Trịnh Xuân Thanh

clip_image012

Ảnh: Chưa rõ nguồn

Năm 2017, không có gì đáng kinh ngạc hơn sự kiện Trịnh Xuân Thanh đột nhiên từ Đức về nước và “đầu thú” với cơ quan điều tra vào tháng 7.

Với một người đã dứt bỏ tư cách đảng viên (đảng cộng sản), công khai tuyên bố “không tin vào sự chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư” và đang xin tị nạn ở Đức, ít ai tin Trịnh Xuân Thanh có bất kỳ động cơ nào để về nước “đầu thú” như lời khẳng định của cơ quan điều tra Việt Nam.

Trong khi đó, các cơ quan công tố và ngoại giao Đức liên tục đưa ra cáo buộc rằng nhân viên tình báo và đại sứ quán Việt Nam tại Berlin đã tiến hành bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và bí mật đưa về Việt Nam. Một số cán bộ tình báo và ngoại giao Việt Nam tại Đức bị trục xuất, quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước nhanh chóng bị phía Đức đình chỉ.

Vụ án mang màu sắc Hollywood này nằm ngoài mọi dự báo giàu tính tưởng tượng nhất của bất kỳ ai, có lẽ chỉ trừ Trịnh Xuân Thanh (nếu ông thực sự chủ động về nước) hoặc chính phủ Việt Nam (nếu họ thực sự là người đứng sau vụ bắt cóc như phía Đức cáo buộc).

Gia đình và luật sư Việt Nam của Trịnh Xuân Thanh chưa từng lên tiếng trên báo chí hay bất kỳ phương tiện truyền thông nào khác. Cũng như mọi bị can, bị cáo khác trong chiến dịch “đốt lò” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, mọi thông tin trên báo chí nhà nước đều theo hướng bất lợi cho ông Thanh.

Không ai ở Việt Nam có cơ hội công khai chất vấn chính phủ Việt Nam về nghi án bắt cóc, về cuộc khủng hoảng ngoại giao với Đức hay về cáo buộc tham nhũng đối với Trịnh Xuân Thanh. Các cơ quan điều tra, ngoại giao và vị lãnh đạo thực tế của họ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, dường như đứng ngoài mọi sự kiểm soát và trách nhiệm giải trình.

Mọi thông tin cho đến nay có vẻ nghiêng về giả thuyết cơ quan tình báo Việt Nam thực sự đã bắt cóc và mang Trịnh Xuân Thanh từ Đức về Việt Nam. Nếu thực tế đúng là như vậy thì đây sẽ là một vụ án vô tiền khoáng hậu: lần đầu tiên hành vi bắt cóc công dân nhân danh công vụ của chính quyền Việt Nam sẽ bị soi xét bởi một nền tư pháp hạng nhất như của Đức.

7. Trương Hồ Phương Nga

clip_image013

Ảnh: Zing

Dường như mỗi ngày, người Việt Nam chúng ta đều cần một tin vui để khoả lấp cơn bế tắc triền miên trong gần như mọi vấn đề chính trị – xã hội. Cựu hoa hậu Trương Hồ Phương Nga đã mang lại một niềm vui như thế trong phiên toà của chính mình vào tháng 6.

Với tư cách là bị cáo trong một vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên tới 16,5 tỷ đồng, trong một xã hội dành nhiều định kiến cho những người đẹp có mối quan hệ với các đại gia, Phương Nga lẽ ra đã ở địa vị bất lợi trong mắt công chúng. Tuy nhiên, màn đối đáp ngang cơ của cô với đại diện Viện Kiểm sát và luật sư của bị hại Cao Toàn Mỹ đã lật ngược toàn bộ thế cờ.

Trong một nền tư pháp bị chính trị thao túng đến tận gốc rễ, một phiên toà hình sự công khai và tranh tụng bình đẳng không phải là thứ dễ tìm như củi nhóm lò. Việc báo chí và mạng xã hội tường thuật trực tiếp phiên toà đã cho Phương Nga một cơ hội bằng vàng để tranh thủ sự ủng hộ của dư luận.

Phương Nga đã không chỉ bảo vệ được mình và giành được lệnh tạm đình chỉ vụ án. Cô còn đi xa hơn thế rất nhiều khi gián tiếp dạy cho công chúng một trong những bài học quan trọng nhất mà một công dân cần học: địa vị ngang hàng của công dân trước chính quyền và quyền im lặng trước các cáo buộc phạm tội.

Không có bài giảng nào ở bất kỳ trường luật nào, hay bài báo nào của bất kỳ chuyên gia pháp lý nào giúp cho công chúng Việt Nam nhận thức được rõ ràng về nhân quyền và dân quyền của mình hơn lời đối đáp trước toà của Phương Nga.

Không ai biết được một công dân có khả năng làm những gì khi họ đã hiểu rõ quyền của mình. Nhân vật tiếp theo sẽ chứng minh điều đó một cách không thể thuyết phục hơn.

8. Tài xế Cai Lậy

clip_image015

Ảnh: Việt Nam Mới

Chưa khi nào trong lịch sử những đồng tiền 100, 200, 500 lại có giá trị cao đến thế. Với những ai theo dõi sát sao vụ tiền lẻ ở BOT Cai Lậy – Tiền Giang, đôi khi chỉ cần một vài cuộc mặc cả của tài xế đòi 100 đồng tiền thừa cũng đủ để BOT phải xả trạm nhiều giờ đồng hồ và thất thu hàng trăm triệu đồng tiền vé. Xa hơn thế, nó đẩy BOT Cai Lậy vào chỗ phải tạm dừng thu phí nhiều tháng trời và đặt ít nhất 8 trong số 88 trạm BOT trên toàn quốc trước một cuộc khủng hoảng mang tính sống còn.

Những người lái xe làm nên cuộc “cách mạng tiền lẻ” này đã thể hiện một tinh thần và chiến thuật phản kháng dân sự mẫu mực trước một vấn đề bất công trong xã hội: nạn thu phí trên đường công sản, mà bản chất là nạn mãi lộ có giấy phép. Bằng một nỗ lực tập thể, với sự sáng tạo và linh hoạt, mềm mỏng mà quyết liệt, họ đã tạo ra một phong trào sạch nước cản, không cho đối phương một cơ hội phản kháng thành công nào.

Phong trào phản kháng ở Cai Lậy thành công được một phần nhờ giải quyết được một bài toán cực khó: “bắt cóc” cả một tuyến đường huyết mạch làm con tin để mặc cả với chính quyền, đặt chính quyền trước một nguy cơ bất ổn thấy được ngay trước mắt, nhưng vẫn giành được sự ủng hộ rộng lớn và gần như tuyệt đối của xã hội. Các tài xế đã tìm được điểm cân bằng hoàn hảo để thuyết phục xã hội chấp nhận tình trạng lưu thông gián đoạn tạm thời ở Quốc lộ 1 để đổi lấy một lợi ích lớn hơn về dài hạn.

Những ai còn giữ tư duy “đấu tranh, tránh đâu”, “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, “con kiến mà kiện củ khoai” hẳn sẽ phải suy nghĩ lại sau cuộc “cách mạng tiền lẻ” này, rằng, nếu thực lòng muốn chống lại bất công, người ta sẽ luôn tìm ra cách. Bằng không, mọi lý lẽ dù hay ho đến đâu cũng chỉ là cách biện minh để né tránh và cam chịu.

9. Phan Kim Khánh

clip_image017

Ảnh: Chưa rõ nguồn

Khi bạn bè cấp tập ra trường và bắt đầu tìm việc làm, sinh viên Phan Kim Khánh đã lĩnh mác tội phạm chính trị với án tù lên đến sáu năm, cộng với bốn năm quản chế.

Khánh bị bắt và bị khởi tố theo Điều 88, Bộ luật Hình sự về tội tuyên truyền chống nhà nước vào tháng Ba và bị kết án vào tháng 10/2017. Ít ai ngờ được Chủ tịch Hội sinh viên Khoa Quan hệ Quốc tế của Đại học Thái Nguyên, MC nổi tiếng của trường và là thành viên của Sáng kiến Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (YSEALI) lại phải chấm dứt sự nghiệp học hành theo cách như vậy.

Khánh bị kết án vì đã lập và điều hành một số tờ báo mạng độc lập, trong đó có báo Tham Nhũng và Tuần Việt Nam. Cậu cũng bị cáo buộc vì liên kết với một số tổ chức “phản động hải ngoại” để chống phá chính quyền.

Trong một bài viết của mình, Khánh nói: “Tôi yêu chính trị. (…) Với tôi làm chính trị đơn giản là san cho con đường của các em nhỏ tới trường được dễ dàng, cho đất cày của bà con nông dân quê tôi được mềm, lúa cấy lên tươi tốt. Đơn giản là cho người với người sống yêu thương nhau...”

Cũng ở lứa tuổi đôi mươi như Khánh, một thanh niên An Nam tên là Nguyễn Tất Thành được cho là đã ra nước ngoài tìm đường cứu nước, còn Trần Phú đã là Tổng bí thư đầu tiên của đảng Cộng sản Đông Dương. Họ mở báo, họ lập hội, họ liên kết với nước ngoài. Không lý lẽ nào có thể giải thích được tại sao những con người này được vinh danh và tạc tượng, còn Phan Kim Khánh lại phải dành phân nửa tuổi trẻ của mình trong tù, như cách thực dân Pháp trước đây đã bỏ tù những người cộng sản?

Khánh chỉ là một trong số khoảng hơn 20 nhà báo độc lập, nhà hoạt động nhân quyền bị bắt và bị kết án trong năm 2017. Kể từ năm 2000 đến nay, đây là năm bị đàn áp khốc liệt nhất của phong trào dân chủ.

Bỏ tù những người như Khánh, đảng cầm quyền gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới toàn dân: họ đã, đang, và sẽ không khoan nhượng với bất kỳ ai hoài nghi về năng lực lãnh đạo và tính chính danh của họ.

10. Nguyễn Phú Trọng

clip_image018

Ảnh: AP

Mọi con đường đều dẫn đến… “Đảng ta”. Nhà lãnh đạo cao nhất của tổ chức “lãnh đạo nhà nước và xã hội” đương nhiên chiếm một vị trí trong danh sách này.

Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng là một người miền Bắc có nền tảng giáo dục nằm trọn vẹn trong mái trường xã hội chủ nghĩa của Việt Nam và Liên Xô. Trước khi trở thành Chủ tịch Quốc hội vào năm 2006, ông dành gần như toàn bộ sự nghiệp của mình cho công tác tư tưởng và lí luận.

Ông là người canh giữ linh hồn của đảng, và là người luôn tỏ ra đau đáu với sự tồn vong của đảng mình: “Nếu để suy thoái, hư hỏng mà mất Đảng, mất chế độ là mất tất cả, bao nhiêu thành quả cách mạng sẽ đổ xuống sông, xuống bể”.

Cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay đã được ông khởi động muộn nhất là vào tháng 1/2012, khi ông ký ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW, hay còn được gọi là Nghị quyết Trung ương 4 về “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Đến năm 2015, luật chơi có chút thay đổi căn bản: những ai “bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ” thì được miễn án tử hình, chuyển sang hình phạt chung thân. Một cửa sống mở ra cho tội phạm tham nhũng, có thể giúp cuộc chiến bớt căng thẳng hơn. Ý đồ thực sự đằng sau quy định mới này là điều khó đoán định được.

Những pha ghi bàn ngoạn mục của ông kể từ Đại hội 12 đến nay là gì mọi người đều đã rõ, nhưng đó có thực là cuộc chiến chống tham nhũng không?

Có thể nói mà không sợ sai, ông đã đưa vào lò những kẻ tham nhũng thực sự và bóc dần từng khối u mưng mủ mang tên “lợi ích nhóm”. Tuy nhiên, loại bỏ những kẻ tham nhũng không đồng nghĩa với việc loại bỏ cái cơ chế tham nhũng. Người ta có ít nhất hai nghi vấn dành cho ông Trọng.

Thứ nhất, bản thân ông có trong sạch như cách ông luôn tỏ ra ở bên ngoài hay không? Cho đến nay, ông Trọng chưa từng công khai tài sản và thu nhập của chính mình như yêu cầu trong Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 3/10/2017 của Ban Bí thư mà ông là một thành viên. Ông từng mô tả “tham nhũng như ngứa ghẻ”, vậy thì công chúng có nghi ngờ ông bị “lây bệnh ghẻ” cũng là một nghi ngờ chính đáng.

Thứ hai, công chúng mới chỉ thấy ông chống cá nhân tham nhũng, chứ chưa chống cái cơ chế đã đẻ ra tham nhũng. Nếu ông thực sự “vở sạch chữ đẹp” và thực lòng chống tham nhũng thì cái cơ chế chống tham nhũng của ông dựa dẫm hoàn toàn vào đạo đức của ông. Công cụ đức trị trên thực tế đã được ông sử dụng thuần thục trong hơn một nhiệm kỳ qua, mà tiêu biểu nhất là Nghị quyết số 04-NQ/TW về 27 biểu hiện suy thoái thuộc ba nhóm tư tưởng – chính trị, đạo đức-lối sống, và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Tuy nhiên, Việt Nam đã có quá nhiều kinh nghiệm đau thương với thể chế đức trị, vốn luôn dẫn đến độc tài và lạm quyền. Cái Việt Nam cần là một thể chế pháp trị/pháp quyền (rule of law), nơi ngay cả người đứng đầu nhà nước cũng phải bị bỏ tù nếu tham nhũng.

Tiếc thay, những cơ chế tối thiểu để chống được tham nhũng thì đã bị cho vào “danh sách đen” trong Nghị quyết số 04 kể trên: đa nguyên, đa đảng; tam quyền phân lập; xã hội dân sự; và phi chính trị hoá quân đội và công an. Mặc dù đây là những cơ chế không hoàn hảo, loài người vẫn chưa nghĩ ra cách nào tốt hơn.

Không chỉ có thế, những người lên tiếng chống tham nhũng như sinh viên Phan Kim Khánh lại bị tống vào tù với những bản án nặng nề.

Chừng ấy biểu hiện không cho phép bất kỳ ai tin rằng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thực lòng chống tham nhũng.

T.D.N.

Nguồn: https://www.luatkhoa.org/2017/12/10-nhan-vat-chinh-tri-viet-nam-nam-2017/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn