Câu chuyện giáo dục phi chính thống (*)

Thái Hạo

Mấy ngày nay câu chuyện lùm xùm và bê bối xảy ra ở Làng Háo Hức (“mô hình trại trải nghiệm với chuỗi hoạt động giáo dục gắn với thiên nhiên dành cho các bạn 5-13 tuổi, với mục tiêu giúp con trưởng thành cùng thiên nhiên”), làm tôi nhớ lại.

5 năm trước, lúc mới về quê, mang theo những trăn trở về giáo dục và muốn làm chút gì cho trẻ em quanh đây, tôi cũng dự định thực hiện một mô hình “giáo dục xanh” phi lợi nhuận, ở đó coi trọng trải nghiệm, đọc sách, tương tác, gần gũi với thiên nhiên… Tôi muốn trẻ em nơi mình ở không còn suốt ngày dán mắt vào điện thoại, các em biết đọc sách, biết đặt câu hỏi, biết chất vấn, tôi muốn thấy những đứa trẻ tự tin và khỏe mạnh đứng trình bày một bài hùng biện trước các bạn, muốn được đọc những bài viết hồn nhiên dễ thương không văn mẫu, muốn nghe những cuộc tranh luận sôi nổi, muốn thấy các em trồng rau, chăm sóc các con vật, muốn thấy các em tràn trề năng lượng sống…

Tôi đã bắt tay làm, ban đầu là dựng mấy căn nhà lá nhỏ xinh dưới tán cây xanh, cải tạo hồ nước, tìm kiếm sách vở phù hợp (để làm thư viện), .v.v.. Nhưng một phần là nguồn lực tài chính không đủ, phần quan trọng hơn là tôi rất hiểu một điều rằng, làm giáo dục là điều muôn vàn khó khăn. Việc xây dựng được một cơ sở vật chất dù đã không dễ nhưng cũng mới chỉ là cái xác nếu không được chạy bằng một “phần mềm” giáo dục với triết lý và thao tác khoa học nhuần nhuyễn mà ở đó người thầy không những am hiểu mà phải đầy trải nghiệm thực tế. Làm một lớp học thêm để tiếp tục cái quy trình nhồi nhét học thi, thi học thì tất nhiên tôi hoàn toàn không có nhu cầu, vì thế, tôi tạm ngưng, dành thời gian để tìm hiểu các lý thuyết và các mô hình giáo dục khả dĩ trên thế giới.

Từ đó, tôi cũng ghé nơi này nơi kia chỗ các mô hình giáo dục phi chính thống khác nhau đang vận hành. Nam Bắc đều có. Có những nơi khá tiếng tăm, nhưng đi sâu hơn, thì thất vọng, vì đằng sau những tuyên ngôn tốt đẹp, tôi gặp cả những thực chất vị lợi; đằng sau những PR, những quảng cáo, những hào nhoáng nhân danh trẻ em và cộng đồng, tôi nhìn thấy cái bóng của đồng tiền đổ xuống…

Quay về với mơ ước của mình, nhìn sâu vào bên trong để thấy mình có gì và có thể làm được gì, tôi tạm cất đi những dự định đã từng nung nấu. Thế mà 5 năm đã trôi qua…

Hôm nay có người ở xa về, gặp nhau, tôi hỏi về một mô hình giáo dục cộng đồng gần nơi họ sống mà xưa tôi từng ghé qua và rất có thiện cảm. Câu trả lời nhận được là “Làm du lịch và xin tài trợ thôi. Bình thường trẻ em qua chơi thì lạnh nhạt và xua đuổi, nhưng trước khi có một đoàn khách nước ngoài nào đó tới thì bắt đầu đi đến từng nhà trong xóm để mời các cháu, cốt sao cho đông để thể hiện rằng đang hoạt động “vì cộng đồng”. Và vì thế, xin được nhiều tài trợ lắm…

Khi giáo dục nhà trường đang khủng hoảng thì cũng là lúc các trường tư, các mô hình phi chính thống mọc lên. Trong số đó, tôi tin không ít nơi thật sự đang hành động vì trẻ em, vì tương lai xã hội, họ đã phải trải qua nhiều gian nan và đang tạo ra những hạt giống tốt đẹp, thúc đẩy cho sự tiến bộ. Nhưng cũng có không ít người “biến nguy thành cơ”, dán nhãn giáo dục cao đẹp nhưng động cơ chính là kiếm tiền.

Có lẽ chưa bao giờ những “trại hè”, những “lớp học xanh”, những “hoạt động trải nghiệm”… lại thu hút phụ huynh mạnh như bây giờ, vì thiếu sân chơi cho trẻ, vì áp lực học hành thi cử, vì sự lệch lạc trong phát triển và vì khao khát những điều tốt đẹp cho con cái. Nhưng nếu không tìm hiểu kỹ mà ném con vào những nơi vụ lợi thì tiền mất tật mang, vô tình tạo thêm cho các em những gánh nặng và di chứng.

Theo tôi, nhà nước cần hết sức khuyến khích và có các chính sách thiết thực cho các mô hình giáo dục tư phát triển ngày một phong phú, đa dạng, nhưng một mặt cũng cần có sự quản lý mang tính trách nhiệm cao, không thể để giáo dục và người yếu thế bị lợi dụng một cách tràn lan; phải thấy rằng, chính môi trường xã hội không an toàn và giáo dục nhà trường còn nhiều khuyết điểm là nguyên nhân gốc rễ cho những sự lợi dụng ấy, từ đó từng bước cải thiện các nền tảng cơ bản. Giáo dục công phải thay đổi đầu tiên, đủ trường, đủ lớp, đủ sân chơi, đủ các hoạt động thể chất và tinh thần; giáo dục cũng phải chuyển mạnh từ nhồi nhét kiến thức để thi cử sang tổ chức hoạt động học nhằm phát triển toàn diện. Trụ sở dôi dư rất nhiều sau sáp nhập, hãy dành chúng cho các hoạt động cộng đồng và giáo dục, tránh lãng phí hoặc bị sử dụng vào các mục đích không trong sáng… Tóm lại, làm sao để trẻ em và sự phát triển lành mạnh của trẻ em phải được đặt lên trên tất cả, vì tương lai của chính các em và cũng là của xã hội.

Thôi, chắc nhà nước biết cả, nói nữa lại thêm rườm lời.

Sau những ngày nắng như đổ lửa, chiều nay trời nổi cơn dông, mây đen kéo đến, gió rú lên từng hồi, cây cối ngả nghiêng, bụi đất mù mịt. Nhưng sau một hồi hăm dọa đổ mưa thì giờ im ắng rồi, không được một giọt. Tảng lờ như chưa từng có chuyện gì. Lại nghĩ tới cái dự định năm xưa. Trời đất mà còn thế, huống chi thằng mình…

T.H.

(*) Tựa do BVN đặt

Trao đổi thêm:

Trần Đức Tôn Huyền

Thầy ơi, đúng tâm trạng của mình luôn.

Mình là một giáo viên trái ngành chuyển qua, cũng vì thấy những bất cập, những yếu điểm trong GD nên mới bước sang tìm hiểu về GD rồi cũng cùng vài người bạn tâm huyết, cố gắng tạo nên một không gian thật xanh cho bọn trẻ, thế nhưng, "lực bất tòng tâm" vì nhiều lý do nên đành khép lại. Sau này, cũng thấy nhiều nhóm dựng nên những mô hình hay hay, mình đi tìm hiểu nhưng đều thấy đằng sau nó đầy những khuất tất dù rằng phía trước nó rất long lanh....

Kiet Nguyen Hoang

Trước đây có Hướng đạo sinh.

Nguyễn Thanh Vân

Tôi đọc xong rồi ưu tư. Tại sao bây giờ giáo dục cho thiếu niên khó vậy? Tôi nghĩ có vài yếu tố khác thời của tôi (năm nay tôi 67 tuổi và sống ở miền nam):

- Internet và điện thoại di động;

- Sự lo lắng và chăm sóc con của phụ huynh;

- Áp lực dư luận xã hội dựa trên các mạng xã hội;

- Các hội, đoàn lại thiên về lý thuyết chính trị mà không có các minh họa thực tế cụ thể, xa rời hiện thực của cuộc sống. Hồi tôi 12 tuổi, tôi bắt đầu tham gia phong trào Hướng đạo, các bạn khác có thể là Gia đình Phật tử, Hùng tâm dũng chí, Vui ca vươn lên… Các buổi sinh hoạt vào sáng Chủ nhật rất nhẹ nhàng và bổ ích. Đến giờ phút này, tôi vẫn tự hào vì mình đã sống một đời sống trung thực, tháo vát, vì lợi ích của tha nhân. Cũng may là phong trào Hướng đạo nay đã được phục hồi nhưng chưa mạnh lắm. Kiến thức tôi học được trong 4 năm sinh hoạt Hướng đạo đủ cho tôi sống tốt vì gia đình và xã hội cho đến bây giờ.

Andrea Hoa Pham

Những cái to lớn thì còn chờ lâu. Có lẽ dễ thực hiện nhất cho chính quyền là tổ chức các chương trình vui chơi mùa hè ở những thư viện công cộng của thành phố, và những trụ sở sắp bỏ trống. Vì tư nhân thì nếu có được vài trại hè thực chất vì trẻ em học sinh, thì đã quý rồi và hi vọng từ từ mở rộng thôi, với một tay giúp đỡ của những nhóm phụ huynh có lòng. Hoặc các ông bà nội ngoại giờ về hưu mà còn khỏe trẻ bớt thì giờ chơi bời để làm thiện nguyện những chuyện này cũng tốt.

Nguồn: FB Thái Hạo

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn