Cuộc chiến ý tưởng của Trung Quốc ở Biển Đông

James Borton và Sherry Chen, “China’s war of ideas in the South China Sea,” Nikkei Asia, 18/07/2025

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Bắc Kinh đang sử dụng các viện nghiên cứu để hợp pháp hóa yêu sách hàng hải và định hình nhận thức toàn cầu.

Trong lúc các cuộc tuần tra hải quân và việc xây dựng đảo nhân tạo thường xuyên chiếm sóng tin tức về Biển Đông, Trung Quốc đang triển khai một chiến dịch khác, lặng lẽ hơn – một chiến dịch không diễn ra trên biển, mà trong các phòng hội thảo, cuộc họp chính sách, và đối thoại học thuật. Đi đầu trong chiến dịch này là các viện nghiên cứu Trung Quốc do nhà nước hậu thuẫn, những đơn vị đang dần định hình câu chuyện xoay quanh tham vọng hàng hải của Bắc Kinh.

Các tổ chức như Viện Chiến lược Quốc gia (Grandview Institution), Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc (CIIS), Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia (NISCSS), Trung tâm Nghiên cứu Hoa Dương về Quản trị Đại dương và Hợp tác Hàng hải, và Viện Charhar không chỉ đơn thuần là những đơn vị quan sát chính sách đối ngoại của Trung Quốc, mà còn là những người tham gia vào việc xây dựng, định hình, và truyền bá chính sách này. Nhiệm vụ của họ là trình bày các yêu sách hàng hải của Trung Quốc theo cách có cơ sở pháp lý, có căn cứ lịch sử, và có tính ổn định cơ bản.

Khác với các viện nghiên cứu phương Tây, vốn thường hoạt động như những nhà phê bình chính sách độc lập, các viện nghiên cứu chính sách đối ngoại của Trung Quốc hoạt động như những cánh tay nối dài của nhà nước. Các tổ chức như CIIS do Bộ Ngoại giao trực tiếp điều hành, trong khi NISCSS hoạt động dưới sự giám sát của chính quyền tỉnh và lực lượng hải cảnh. Ngay cả những đơn vị được cho là độc lập như Viện Chiến lược Quốc gia và Trung tâm Nghiên cứu Hoa Dương cũng duy trì quan hệ chặt chẽ với các cơ quan tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc và các nhà tài trợ được nhà nước hậu thuẫn, thường xuyên tiếp đón các quan chức cấp cao tại các diễn đàn cấp cao.

Cùng nhau, các tổ chức này tạo nên cái mà người ta có thể gọi là “bộ máy truyền thông chiến lược,” có nhiệm vụ biến sự quyết đoán trên biển của Trung Quốc thành sự kiềm chế, và sự phản kháng của nước ngoài thành sự can thiệp gây bất ổn.

Một trong những nền tảng chính cho nỗ lực này là ngoại giao Kênh II – các cuộc đối thoại bán chính thức với các học giả và cựu quan chức nước ngoài. Những cuộc tiếp xúc này dù không chính thức và không ràng buộc, nhưng chúng phục vụ một mục đích quan trọng: định hình cách khán giả nước ngoài hiểu về chính sách hàng hải của Trung Quốc trước khi chúng được chính thức hóa ở cấp nhà nước.

Viện Chiến lược Quốc gia đặc biệt tích cực trong lĩnh vực này. Họ đã đồng tổ chức các cuộc đối thoại với Trung tâm Trung Quốc Paul Tsai của Trường Luật Yale và tham gia các diễn đàn hàng hải khu vực cùng với các học giả của Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ. Trong những sự kiện này, các chuyên gia Trung Quốc như Lưu Hiểu Bá, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hàng hải tại Viện Chiến lược Quốc gia, đã trình bày các diễn giải pháp lý về lập trường của Trung Quốc, được diễn đạt cẩn thận bằng ngôn ngữ trung lập. Ví dụ, tại Đối thoại Manila năm 2024, Lưu đã mô tả các đường cơ sở mới xung quanh Bãi cạn Scarborough là “sự pháp điển hóa của thực tiễn lâu đời” – tránh sử dụng các thuật ngữ như “bành trướng” hay “quân sự hóa.”

NISCSS cũng hoạt động tương tự. Tại một diễn đàn năm 2022, họ đã đưa ra các lập luận pháp lý liên quan đến Bãi Cỏ Mây, thử nghiệm xem các chuyên gia Mỹ và Đông Nam Á sẽ phản ứng như thế nào. Những cuộc đối thoại như vậy không chỉ nhằm mục đích thuyết phục – mà còn là không gian diễn tập cho hoạt động ngoại giao chính thức của Trung Quốc, cho phép các luận điểm thảo luận được tinh chỉnh trong thời gian thực.

Trong khi Viện Chiến lược Quốc gia giải quyết các tranh chấp hàng hải một cách trực diện thông qua các vấn đề pháp lý và chính sách, Viện Charhar lại chọn một cách tiếp cận âm thầm nhưng mạnh mẽ hơn. Họ gói gọn các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông trong ngôn ngữ của văn hóa, hòa hợp, và chống chủ nghĩa thực dân, tái định hình các động thái địa chính trị thành một phần của một hành trình văn minh dài.

Charhar hoàn toàn tránh né giọng điệu của tòa án. Thay vào đó, họ tái định hình cuộc trò chuyện bằng cách mô tả hoạt động xây dựng quân sự là “quản lý hàng hải,” và các yêu sách chủ quyền là biểu hiện của tính chính đáng lịch sử. Các học giả cấp cao của viện này mô tả việc Trung Quốc xây dựng đảo không phải là hành động phô trương sức mạnh, mà là “sự phòng thủ cần thiết.”

Cách tiếp cận này – đôi khi được gọi là “thăng hoa chiến lược” (“strategic sublimation”) – có hiệu quả trong việc vô hiệu hóa những lời chỉ trích mà không cần phải trực tiếp đối đầu. Bằng cách thay thế ngôn ngữ địa chính trị bằng ngôn ngữ văn hóa và phát triển, Charhar đã làm mờ ranh giới giữa ngoại giao và kể chuyện.

Bất chấp giọng điệu học thuật và thái độ tham gia lịch sự của họ, các viện nghiên cứu Trung Quốc đang ngày càng bị các đối tác nước ngoài nhìn nhận  theo cách thận trọng hơn. Nhiều chuyên gia phương Tây và Đông Nam Á từng tham gia các cuộc đối thoại Kênh II nhận thấy một điểm chung: các lập trường được kiểm duyệt chặt chẽ sẽ được trình bày dưới dạng phân tích trung lập, nhưng ít cởi mở với các quan điểm đối lập, và nhìn chung không sẵn lòng thừa nhận sự mơ hồ về mặt pháp lý.

Tiến sĩ Pooja Bhatt, một chuyên gia về luật hàng hải, cảnh báo rằng các tổ chức này đang “hợp thức hóa… thông tin sai lệch” và tạo ra tính chính danh giả mạo cho các tuyên bố của Bắc Kinh. Bà lưu ý “Tôi sẽ tin tưởng hơn vào quan điểm của các tổ chức này nếu họ cũng cung cấp quan điểm toàn cầu cho khán giả trong nước của họ nữa.”

Các học giả khác có quan điểm thực dụng hơn. Tiến sĩ Krista Wiegand, Giám đốc Trung tâm An ninh Quốc gia và Đối ngoại tại Đại học Tennessee, cho rằng các diễn đàn Kênh II vẫn hữu ích về mặt phân tích, ngay cả khi chúng thiếu sự cởi mở thực sự. Bà chia sẻ: “Tôi nghĩ việc duy trì các kênh liên lạc hiệu quả với các viện nghiên cứu Trung Quốc cho đối thoại Kênh 1.5 và Kênh 2 là hữu ích, nhưng cũng cần lưu ý rằng những gì được nói ra có thể đáng ngờ”.

Harrison Pretat của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) cũng đồng tình. Ông xem những cuộc đối thoại này không phải là những sự kiện định hình chính sách, mà là công cụ để đánh giá những thay đổi trong quan điểm nội bộ của Trung Quốc. “Chúng tôi cho rằng việc các học giả từ cả hai phía tham gia đối thoại là rất có giá trị, giúp hiểu rõ hơn về cách nhìn nhận của cộng đồng học thuật và chính sách ở Bắc Kinh và Washington về các vấn đề này”, ông nói.

Tuy nhiên, sự bất cân xứng này – sự cởi mở của những người tham gia nước ngoài so với tính kỷ luật trong thông điệp của phía Trung Quốc – đặt ra một vấn đề quan trọng: Liệu có thể diễn ra một cuộc đối thoại có ý nghĩa khi chỉ có một bên lắng nghe hay không?

Về cơ bản, việc Trung Quốc sử dụng các viện nghiên cứu ở Biển Đông không nhằm mục đích để thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, mà là để thiết lập các điều khoản của cuộc tranh luận. Các tổ chức này đóng vai trò như những người dẫn dắt câu chuyện, giúp Bắc Kinh định nghĩa các vùng biển tranh chấp không chỉ trên bản đồ, mà còn trong nhận thức quốc tế.

Họ thúc đẩy những gì có vẻ là đối thoại, nhưng thực chất chỉ là biểu diễn. Thông qua các báo cáo song ngữ, các hội thảo chuyên đề được sắp xếp kỹ lưỡng, và các hoạt động tiếp cận khu vực, họ xây dựng hình ảnh một Trung Quốc tuân thủ luật pháp và tìm kiếm sự ổn định. Hình ảnh này có thể làm dịu sự phản đối, đặc biệt là ở các quốc gia Đông Nam Á vốn e ngại cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung.

Nhưng chiến lược này cũng tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt đối với các nhà phân tích và chính phủ nước ngoài. Việc nhầm lẫn thông điệp được trau chuốt của Trung Quốc với sự ôn hòa chiến lược có thể dẫn đến những phản ứng chính sách sai lầm. Màn diễn về kiềm chế có thể che giấu quá trình chuẩn bị cho hành động quyết đoán hơn, và ổn định có thể là khúc dạo đầu cho bành trướng.

Ở Biển Đông, ý tưởng giờ đây đã trở thành công cụ quyền lực. Trung Quốc không chỉ xây dựng đường băng và triển khai hạm đội hải cảnh của mình, mà còn xây dựng một hệ thống tri thức và pháp lý để hỗ trợ các yêu sách của mình. Các viện nghiên cứu như CIIS, Charhar, và Grandview đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực này, vừa là vùng đệm vừa là công cụ khuếch đại chiến lược của Trung Quốc.

Ảnh hưởng của họ không nằm ở sự độc lập mà ở sự phối hợp. Họ không thiết lập chính sách hàng hải của Trung Quốc, nhưng họ định hình cách nó được nhìn nhận. Và trong một thế giới mà nhận thức có thể quyết định động lực ngoại giao, đó có thể là đóng góp mạnh mẽ nhất.

J.B. và S.C.

---

James Borton là nghiên cứu viên cấp cao không thường trú tại Viện Chính sách Đối ngoại Nghiên cứu Quốc tế Chiến lược Tiên tiến Johns Hopkins và là tác giả cuốn “Harvesting the Waves: How Blue Parks Shape Policy, Politics, and Peacebuilding in the South China Sea.” 

Sherry Chen hiện đang theo học chương trình cấp bằng kép tại Đại học Columbia và Sciences Po Paris, và là cộng tác viên nghiên cứu tại South China Sea NewsWire.

Nguồn bản dịchNghiencuuquocte.org

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn