Trung Quốc lũng đoạn Lào bằng bẫy nợ, Hán hóa Tây Tạng

Thụy My 

Chủ nợ Bắc Kinh dùng đất Lào làm bàn đạp

Một đoàn tàu từ Lào đến ga Ngọc Khê (Yuxi) tỉnh Vân Nam (Yunnan), Trung Quốc ngày 03/12/2021.  AP - Hu Chao

Le Monde có bài điều tra công phu với tựa đề «Lào: Bóng đen Trung Quốc». Báo cáo của Lowy Institute hồi tháng Tư cảnh báo về tín dụng Trung Quốc trong khuôn khổ Con đường Tơ lụa mới. Bắc Kinh đã buộc chặt Lào vào bẫy nợ, và hiện đang nắm trong tay 50% nợ nước ngoài của Lào, cao hơn cả Sri Lanka (9%), quốc gia đã phải giao cảng Hambantota cho Trung Quốc để gán nợ.

Nhờ đó Bắc Kinh có thể lũng đoạn Lào, đất nước có vị trí chiến lược giữa Việt Nam và Thái Lan – hai cường quốc khu vực, đồng thời có lối vào Cam Bốt – đồng minh chính của Trung Quốc trong số các nước nằm dọc sông Mêkông. Hai nhà phân tích Tita Sanglee và Khang Vũ trên The Diplomat cho rằng Thái Lan và Việt Nam cần có sự đồng thuận chiến lược để chống lại ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở các nước kế cận.

Cũng như những nơi khác, việc xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng tại những vùng nằm dưới sự kiểm soát của mình giúp Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng mà không cần căn cứ quân sự ở nước ngoài. Chiến lược này có thể thấy rõ hồi tháng 7/2024, trong cuộc tập trận chung được đặt tên là «Lá chắn hữu nghị». Quân đội Trung Quốc đã thử nghiệm đưa 300 binh sĩ bằng xe lửa đến ga Phonhong ở cách Vientiane 70 kilomet về phía bắc, cùng với các xe thiết giáp và nhiều loại vũ khí.

Điện, xe lửa, hàng không: Những lĩnh vực chiến lược lọt vào tay Trung Quốc 

Về nợ công, Trung Quốc cho Lào vay với lãi suất gần tương đương thị trường, tính theo đô la. Thế nên tiền trả lãi chiếm 1,1% GDP của Lào năm 2023 đã lên đến 3,2% năm 2024, theo Ngân hàng Thế giới, bằng phân nửa chi tiêu công cả nước, sau khi đồng kip mất giá. Lowy Institute cho biết, Lào phải cõng số nợ lớn vì 35 dự án Trung Quốc kể từ 2010, gần 6 t đô la tín dụng đầu tư vào thủy điện.

Với sự xuất hiện của Trung Quốc, công ty điện lực công của Lào bị lỗ nặng, năm 2020 phải nhượng lại 90% các chi nhánh quản lý điện cao thế cho China Southern Power Grid trong 20 năm. Từ đó đến nay, công ty Trung Quốc hưởng trọn lợi tức từ việc truyền tải điện.

Đường xe lửa nối Lào với Trung Quốc trị giá 6 t đô la nhưng phần của chính phủ Lào vô cùng nhỏ. Nói cách khác, Trung Quốc quản lý tuyến đường này trong 70 năm. Do nợ ngập đến cổ, đầu tư cho giáo dục và y tế của Lào chỉ chiếm 11,3% GDP. Số lượng xe tải chở sầu riêng, chuối, khoai mì qua Trung Quốc tăng cao làm đường sá thêm nhiều ổ gà. Tập đoàn Trung Quốc Comac mua lại 51% cổ phần công ty hàng không quốc gia Lao Airlines.

Hóa rồng hay thành nô lệ?

Đảng Pathet Lao, lãnh đạo nước này từ 1975 ít dung thứ cho những tiếng nói phản biện; nhưng trong kỳ họp tháng Sáu, nữ dân biểu Valy Vetsaphong đã phản đối việc bán tài sản chiến lược như Lao Airlines.  Ngoài các kênh chính thức, những chỉ trích rất hiếm hoi, nhất là sau khi «Jack» Anousa Luangsuphom bị mưu sát tại Vientiane tháng 4/2023. Blogger 25 tuổi này có trang Facebook kêu gọi «Vì sự sống còn của Lào, để không trở thành nô lệ của Trung Quốc».

Bắc Kinh có được hình ảnh ngày càng tích cực tại Lào, trong đó có phần đóng góp của nhật báo tiếng Anh China Daily, in tại nhà in quốc gia của Lào và được phát miễn phí. Giới nhà giàu mới đi xe BYD, mua điện thoại di động Honor, và cho con cái kết hôn với người Hoa để bảo đảm tương lai. Viện Khổng Tử thu hút đông đảo sinh viên. Boten, thành phố biên giới trước đây nổi tiếng vì các casino của mafia, trở thành đặc khu kinh tế chuyên về dịch vụ và logistic, với những tòa tháp cao 20-30 tầng; những nhân viên mặc đồng phục mang chữ «Jing Cha» (cảnh sát) chạy mô tô tuần tra; phân nửa số cảnh sát tại đây là người từ Hoa lục đến.

Từ lâu lệ thuộc vào ông anh Cộng sản Việt Nam và láng giềng Thái Lan, nay Lào mơ thành con rồng nhỏ châu Á nhờ Trung Quốc, đặc khu kinh tế Saysettha muốn thành Thâm Quyến mới. Trong khi pin mặt trời Trung Quốc sản xuất ở Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Cam Bốt phải chịu thuế quan cao của Mỹ, nay xuất hiện loại «made in Laos». Tuy nhiên tình trạng này khó thể kéo dài vì Washington có thể ra tay tiếp.

Kế tục Đạt Lai Lạt Ma: Tín ngưỡng và địa chính trị 

Vẫn tại châu Á, được quan tâm nhiều nhất là hồ sơ Tây Tạng. Le Figaro  Libération cùng nói về việc Đạt Lai Lạt Ma duy trì tình trạng nghi hoặc về vấn đề kế tục, để đối phó với chiến lược của Trung Quốc cộng sản. Nhà lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng được cho là sẽ có những tuyên bố vào ngày 02/07, trước sinh nhật 90 tuổi.

Dịp sinh nhật năm nay được Bắc Kinh lẫn Washington và New Delhi đặc biệt chú ý. Tại Dharamsala, thủ đô Tây Tạng lưu vong, người ta lại càng lo lắng trước tương lai không còn người lãnh đạo tinh thần nổi tiếng thế giới. Đạt Lai Lạt Ma nói rằng có thể sống đến 123 tuổi, nhưng buổi hoàng hôn của vĩ nhân cuối cùng thuộc thế kỷ 20 vẫn ám ảnh. Hồi tháng Ba, ngài khẳng định Đạt Lai Lạt Ma mới sẽ sinh ra trong «thế giới tự do», ngoài tầm với của Trung Quốc độc tài.

Sau bảy thập niên xuôi ngược trên toàn cầu, vận động cho phi bạo lực và kêu gọi thỏa hiệp với nhiều chính phủ Bắc Kinh liên tiếp, Đạt Lai Lạt Ma không giấu được nỗi thất vọng. Từ Mao Trạch Đông đến Tập Cận Bình, «họ không có tai để nghe, chỉ có miệng để nói», ngài viết. Cho dù không đòi độc lập, chỉ muốn có được quyền tự quyết một cách ôn hòa, dưới mắt của Bộ Chính trị Trung Quốc vẫn là đòi hỏi quá đáng.

Đạt Lai Lạt Ma là mối liên hệ sống động giữa Tây Tạng – bị quân Trung Quốc xâm lược năm 1950 – với thế giới bên ngoài. Nguy cơ một khoảng trống chính trị mà Trung Quốc dễ dàng lợi dụng, khiến Đạt Lai Lạt Ma có thể thay đổi tục lệ xưa nay về việc tái sinh. Theo truyền thống, một trẻ em được các Lạt Ma chỉ định trong hai năm sau khi Đạt Lai Lạt Ma từ trần, rồi được đào tạo chu đáo gần hai thập niên trong một tu viện cho đến tuổi trưởng thành. Nhưng như vậy là quá dài, trong thời đại kết nối toàn cầu, cần phải chạy đua với thời gian.

Một triệu thiếu niên Tây Tạng đang bị Trung Quốc tẩy não

Senam Tsering, một người chủ trương độc lập cho biết: «Người Tây Tạng không bao giờ chấp nhận một Đạt Lai Lạt Ma do Trung Quốc lựa chọn. Vẫn còn những thanh niên Tây Tạng muốn chiến đấu». Tây Tạng có sống sót sau khi giải Nobel hòa bình của mình qua đời? Đạt Lai Lạt Ma càng yếu đi, tương lai của dân tộc ông càng mong manh, trước quá trình Hán hóa ồ ạt của Tập Cận Bình.

Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc, gần một triệu thiếu niên Tây Tạng từ 6 đến 18 tuổi bị buộc phải vào các trường nội trú của Nhà nước, phải học tiếng quan thoại, ngôn ngữ và tín ngưỡng của cha ông bị gác sang một bên, học chủ nghĩa Mác-Lênin, phải vâng lời Đảng Cộng sản Trung Quốc. Một sự đồng hóa dần dần và có hệ thống. Đặc phái viên của Le Figaro mô tả tại Dharamsala, ngôi trường được Đạt Lai Lạt Ma bảo trợ để duy trì di sản của «Tây Tạng tự do», năm ngoái chỉ còn ba học sinh. Hồi năm 2023 vẫn còn 15 em, còn sau vụ nổi dậy ở Lhassa năm 2008 có đến hàng ngàn học sinh.

Những bước chân lẻ loi vang lên trong hành lang vắng vẻ của ngôi trường được dựng trên sườn núi nhờ viện trợ phương Tây, đang bị đe dọa cắt giảm do chính sách «Nước Mỹ trước hết» của Donald Trump. Nền văn hóa Tây Tạng dần bị diệt trừ trong lặng lẽ. Nạn diệt chủng văn hóa đang được tiến hành, 90% tu viện Tây Tạng bị phá hủy, trong khi các camera giám sát từng góc nhỏ của đường phố Lhassa.

T.M.

Nguồn: RFI Tiếng Việt

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn