Tín hiệu lạc quan

Có thể vẫn còn cần thêm nhiều quy định siết chặt hơn nữa, nhưng chí ít, chúng ta đang thấy một luồng gió mới giữa chợ bẩn, nơi không chỉ mùi ôi thiu của hàng giả mà cả sự bất lực kéo dài đã quá lâu.

Suốt nhiều năm, người tiêu dùng Việt Nam sống trong một nỗi lo âm ỉ: ăn cơm hôm nay, không biết ngày mai vào viện. Họ không ngã quỵ vì đói, mà vì heo bệnh, gà thối, rau tắm hóa chất cho đến nước uống pha formol. Đó không còn là chuyện đồn đại mà là thực trạng được bóc trần trong hàng loạt vụ việc gây rúng động dư luận.

Từ thịt bò giả làm bằng hóa chất nhuộm đỏ ở Long An đến thịt heo có dòi được quay đều trong chảo dầu một cửa hàng đồ ăn sẵn ở TP.HCM. Từ hàng tấn thịt gà bốc mùi tuồn về chợ đầu mối đến cả hệ thống sản xuất mắm tôm từ phụ phẩm thối. Ma trận thực phẩm bẩn chưa bao giờ buông tha người tiêu dùng.

Dù có quy định xử phạt, dù có luật an toàn thực phẩm, nhưng thực tế cho thấy hình phạt quá nhẹ trong khi lợi nhuận quá lớn. Phạt hành chính vài triệu, tịch thu vài tạ hàng không thể so với hàng trăm triệu đồng mà các đường dây thực phẩm bẩn thu về mỗi ngày. Đã có lúc, chính người dân cay đắng chấp nhận rủi ro, tự nhủ "ăn gì giờ mà chẳng độc", vì không ai dám tin chắc thực phẩm ngoài kia là sạch.

Nhưng giờ đây, một chuyển động pháp lý quan trọng đã diễn ra. Từ ngày 1/7/2025, theo Luật số 86/2025/QH15 sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự, hành vi chế biến, buôn bán thực phẩm từ động vật chết do bệnh, do dịch, sử dụng chất cấm, hóa chất độc hại trong thực phẩm… chính thức bị xử lý hình sự, không còn dừng ở mức hành chính.

Cụ thể tại Điều 317, cá nhân vi phạm có thể bị phạt tù từ 2 đến 5 năm và phạt tiền từ 100 đến 400 triệu đồng. Với tổ chức, mức phạt có thể lên tới hàng chục tỷ đồng kèm theo đình chỉ hoạt động. Đây là lần đầu tiên luật pháp Việt Nam nhận diện rõ ràng rằng đầu độc thị trường thực phẩm là tội ác, chứ không phải “thiếu hiểu biết” hay “vi phạm nhẹ”.

Đây là cú đấm pháp lý trực diện vào những kẻ đang bất chấp sinh mạng cộng đồng để trục lợi. Nó là sự tiếp nối cần thiết sau quá nhiều vụ việc bị xử nhẹ, thậm chí bị bỏ qua vì "chưa gây hậu quả nghiêm trọng", một khái niệm mơ hồ từng được sử dụng như lá chắn che chắn cho tội phạm.

Không thể trông chờ đạo đức kinh doanh trong một thị trường nơi lợi nhuận được đặt trên đạo lý. Không thể chống thực phẩm bẩn bằng những lời kêu gọi "có tâm". Luật pháp phải là hàng rào cuối cùng. Và khi hàng rào ấy đã được dựng lên bằng thép pháp lý, những kẻ toan tính bán độc nuôi thân sẽ phải trả giá thích đáng.

Có thể vẫn còn cần thêm nhiều quy định siết chặt hơn nữa, nhưng chí ít, chúng ta đang thấy một luồng gió mới giữa chợ bẩn, nơi không chỉ mùi ôi thiu của hàng giả mà cả sự bất lực kéo dài đã quá lâu.

Nguồn: FB Chính trị Việt Nam

 

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn