Để Sài Gòn vào kỷ nguyên mới Phần 4

Lê Học Lãnh Vân

KINH TẾ TƯ NHÂN VÀ KINH TẾ NHÀ NƯỚC

Việt Nam, qua nghị quyết số 68-NQ/TW của ban chấp hành trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, đã nhìn nhận “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”. Trong quan điểm chỉ đạo đó, “kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân giữ vai trò nòng cốt”.

Bài viết này cho rằng cần một sự tách bạch minh bạch về vai trò, vị trí trong nền kinh tế quốc gia sao cho ba nền kinh tế nói trên vừa giữ vai trò nòng cốt vừa không dẫm chân và/hay chèn ép lẫn nhau. Nghĩa là sự phát triển của ba nền kinh tế đó cộng hưởng đẩy quốc gia cất cánh chứ không làm chậm đà phát triển so với tiềm năng.

Việc phát triển kinh tế Việt Nam đang được tổ chức ngày càng theo hướng kinh tế thị trường phương Tây vì giao thương với phương Tây mang tớ lợi ích kinh tế quốc gia lớn nhất, và không chỉ lợi ích về kinh tế. Theo phương Tây, kinh tế nhà nước chịu trách nhiệm các mặt chính như sau:

1) Đảm nhiệm các ngành kinh tế mà tư nhân không muốn tham gia vì lợi nhuận thấp (như vận tải công cộng) hay vì đòi hỏi vốn quá lớn hoặc kích thước kinh doanh quá lớn (hãng hàng không).

2) Kinh doanh liên quan tới an ninh quốc gia như công nghiệp quốc phòng, vũ trụ...

3) Giữ độc quyền tài nguyên chủ chốt (đất hiếm, dầu hỏa...)

4) Trong trường hợp rất khẩn cấp do quốc hội quyết định, tạm thời đảm đương vài mặt kinh doanh để bảo vệ an ninh kinh tế quốc gia...

Tóm lại, kinh tế nhà nước phụ trách việc lớn của quốc gia, vì mục tiêu an ninh, quốc phòng và kinh tế quốc gia chứ không vì sinh lợi. Nền kinh tế nhà nước có mục tiêu và vai trò cao cả là làm tròn trách nhiệm của chính phủ đối với quốc dân, giữ môi trường ổn định và lành mạnh cho dân chúng phát triển kinh doanh, làm ăn sinh sống, no ấm. Trong vai trò đó, nền kinh tế nhà nước lấy việc phát triển kinh tế tư nhân làm mục tiêu chứ không nên cạnh tranh với kinh tế tư nhân.

Do đó, các lãnh vực nào kinh doanh tư nhân làm tốt, và có thể phát triển mạnh, nhà nước cần tạo điều kiện để họ tự do phát triển. Từ nền tảng vô số công ty nhỏ và vừa, các doanh nhân tài giỏi sẽ phát triển thành những tập đoàn tư nhân lớn mạnh. Nền kinh tế nhà nước không nên thành lập công ty quốc doanh trong các lãnh vực này vì sự cạnh tranh đương nhiên sẽ đè bẹp kinh tế tư nhân. Công ty quốc doanh thuộc nền kinh tế nhà nước, có thế lực tài chánh lớn, có quan hệ thân cận với hệ thống hành chánh công, kể cả hệ thống làm ra luật pháp và chính sách. Trong hoàn cảnh như vậy, nền kinh tế tư nhân thực sự, kinh tế phụ trợ gặp muôn vàn khó khăn trong sự cạnh tranh giữa con chuột với con sư tử! Đó là chưa kể tới các "sân sau" phá hỏng tính thị trường của nền kinh tế.

Phải chăng đây mới là một trong những việc quan trọng nhất, thực tế nhất để “Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định, an toàn, dễ thực thi, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế, bảo đảm khả năng cạnh tranh khu vực, toàn cầu”?

L.H.L.V.

Nguồn: FB Lvan Le

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn