Người 5 lần được làm phiên dịch cho Chủ tịch Hồ Chí Minh (*)

Chúng tôi cho đăng lại bài này trên Bauxite Việt Nam để bạn đọc bốn phương hiểu thêm về người Trợ lý Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, và là Thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ 1960. Hiện trong số tay ông còn lưu một nhật lệnh viết tay của Đại tướng ngày 6-5-1954 ngay giữa chiến trường.
Chúng tôi cho đăng lại bài này còn vì một lẽ có phần riêng tư: Đại tá Hoàng Minh Phương vốn thuộc dòng họ Nguyễn Đức lục chi mà GS Nguyễn Huệ Chi hiện là tộc trưởng. Trong những ngày qua, cũng như các vị lão thành cách mạng và nhiều bạn bè khác, những lời động viên, thăm hỏi của Đại tá Hoàng Minh Phương là một trong những tiếng nói đã giúp GS Nguyễn Huệ Chi vững vàng trên quan điểm yêu nước của trang mạng chúng ta.
Về ông Hoàng Minh Phương còn có điều không mấy người biết:  là một vị Thư ký lâu năm của Đại tướng, từng được tín nhiệm 5 lần làm phiên dịch cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, thành tích chỉ huy trên chiến trường chống Mỹ và chiến trường Campuchia đều đủ cả, hơn nữa lại là người có học vấn cao, với nhiều luận văn quân sự đáng nể phục, vậy mà tính từ khi đeo lon Trung tá năm 1958 đến khi về hưu năm 1989, sau 30 năm, ông chỉ được lên có ... 2 cấp, lại nữa, vốn đã nằm trong danh sách phong Giáo sự quân sự học đợt 1, thế rồi rốt cục vẫn không phong, thế có đáng gọi là “kỳ” hay không?
Bauxite Việt Nam

Đại tá Hoàng Minh Phương - nguyên Trưởng phòng Ngoại vụ Bộ Quốc phòng, nguyên Phó tư lệnh – Tham mưu trưởng Quân đoàn 4 – là 1 trong 24 lưu học sinh đầu tiên của nước VNDCCH được cử sang Trung Quốc học tập, đầu năm 1949. Ông có vinh dự được phiên dịch 5 lần cho Hồ Chủ tịch khi Người làm việc với lãnh đạo Đảng, Chính phủ Trung Quốc.


Lần đầu gặp Bác

      
Ông Hoàng Minh Phương nhận quân hàm Ttrung tá vào năm 1958, đợt xây dựng quân đội lên chính quy, hiện đại    
Tháng 11/1945, là thành viên Hướng Đạo sinh Nghệ Tĩnh ra Hà Nội dự họp mặt Hướng Đạo sinh toàn quốc, lần đầu tiên Hoàng Minh Phương gặp Bác. Được nghe Bác nói chuyện và lời dặn: “Tôn chỉ của Hướng Đạo là PHỤNG SỰ TỔ QUỐC, nay Nam bộ của Tổ quốc ta đang bị quân thù dày xéo, là “trai thời loạn” các chú phải hăng hái xung phong giết giặc cứu nước!” thôi thúc chàng trai trẻ ấy xung phong vào bộ đội.

Cuối năm 1948, ông được gọi về Việt Bắc học Hoa văn và bồi dưỡng những kiến thức lí luận cơ bản. “Thầy dạy tiếng Hoa là ông Văn Trang, Đảng viên CS Trung Quốc. Giáo viên chính trị là các cán bộ Trung ương Đảng. Tháng 4/1949, 2 “thượng cấp Hoàng Quốc Việt và Lê Văn Lương tiễn đoàn lên đường. Mỗi thành viên được phát 4 bánh thuốc phiện để trên đường đổi ra tiền Đông Dương hoặc tiền Quốc Dân đảng làm lộ phí” – ông nhớ lại.



Tháng 11 năm ấy, đoàn mới tới Bắc Kinh và vào học tại Trường Đảng Trung ương do ông Lưu Thiếu Kỳ là Hiệu trưởng. Sau đó mới chia về các học viện.

Lần đầu phiên dịch

Tháng 8/1950, đang học ông được gọi về nước làm trợ lí cho Võ Đại tướng ở Bộ Tổng tư lệnh.

Tháng 9/1950, trong Chiến dịch Biên giới, Sở Chỉ huy tiền phương đặt tại làng Tả Phầy Tử, huyện Quảng Uyên, phía Bắc tỉnh Cao Bằng. Ông được giao nhiệm vụ đi đón gặp Bác từ Chiến khu Việt Bắc lên.

Chiều 10/9/1950, Bác bắt tay ngay vào làm việc, thông qua phương án tác chiến. Sau đó, mỗi khi Người cùng Đại tướng làm việc với ông Trần Canh sang giúp chỉ đạo chiến dịch, ông nhận nhiệm vụ phiên dịch.

Chiều 12/9, Bác gặp riêng ông Phương nghe báo cáo về tình hình học tập của cán bộ ta ở Trung Quốc. Nghe xong Bác nói: “Chú sẽ đi với Đoàn cố vấn... Sau mấy chục năm chiến tranh, nay Cách mạng Trung Quốc thành công, đáng ra các đồng chí ấy có quyền nghỉ ngơi để hưởng thành quả cách mạng và đoàn tụ gia đình. Song vì tinh thần quốc tế vô sản cao cả, các đồng chí sang giúp ta, không quản gian lao, nguy hiểm. Chú phải nói cho cán bộ ta biết rõ điều đó mà cố gắng học hỏi và quan tâm săn sóc. Trước mắt, chú có nhiệm vụ dẫn 1 đoàn về Thanh Hóa giúp Đại đoàn 304...”.

Kỷ niệm những lần tiếp theo

Năm 1956, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai sang thăm Việt Nam. Bác tiếp Thủ tướng tại Phủ Chủ tịch. Ông Hoàng Minh Phương được giao nhiệm vụ phiên dịch.

      
Bác chụp với các cán bộ chủ chốt dự Hội nghị quân sự trong Chiến dịch Biên giới (6/1950) tại nhà ông Lã Văn Ho, xã Quốc Phong, Quảng Hòa, Cao Bằng. Cạnh Bác bên trái là Võ Đại tướng, ông Trần Độ. Ông Phương ngồi dựa vào cột nhà, ngoài cùng bên trái.    
 
Bác chụp với các cán bộ chủ chốt dự Hội nghị quân sự trong Chiến dịch Biên giới (6/1950) 
tại nhà ông Lã Văn Ho, xã Quốc Phong, Quảng Hòa, Cao Bằng. Cạnh Bác 
bên trái là Võ Đại tướng, ông Trần Độ. Ông Phương ngồi dựa vào cột nhà, ngoài cùng bên trái.     

Mùa hè 1959, lần thứ 3, ông được theo Bác dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng ta sang tham khảo ý kiến của Đảng CS Trung Quốc về Đường lối cách mạng miền Nam. Ông nhớ như in: “Khi trao đổi với Mao Chủ tịch và Đoàn đại biểu Trung Quốc, có những nhận thức, quan điểm chưa thống nhất, Bác bảo lưu ý kiến của mình nhưng cũng thông cảm với Bạn.

Nghe giới thiệu về Nghị quyết 15 của ta, Bạn khuyên nên trường kì mai phục, đợi khi Trung Quốc trở thành một [quốc gia] hùng cường, phe XHCN mạnh hơn hẳn phe đế quốc, khi ấy hẵng tính đến việc giải phóng miền Nam”.

Sau cuộc hội đàm, Bác tranh thủ trao đổi nội bộ: “Ta phải thông cảm với các đồng chí Trung Quốc. Nước CHND Trung Hoa ra đời chưa được 1 năm, chưa kịp xây dựng đất nước thì phải tiến hành 3 năm “kháng Mỹ viện Triều”, thương vong hơn 1 triệu mà không giúp thống nhất được Triều Tiên.
Đối với VN, Bạn lo ta đánh mà Ngụy Sài Gòn thua, Mỹ đưa quân vào xâm lược thì Trung Quốc phải đưa hàng triệu quân sang giúp Việt Nam chống Mỹ... Do vậy, ta phải đánh thế nào để giải phóng được miền Nam mà Bạn không phải đưa quân sang chi viện, không tổn hao xương máu của nhân dân Trung Quốc”.

Năm 1962 là lần thứ 4, ông Phương được theo Bác sang trao đổi về “Bản kiến nghị 25 điểm về Đường lối chung của phong trào Cộng sản quốc tế”.

Lần cuối phiên dịch cho Bác

Năm 1963 có cuộc Hội đàm 4 Đảng (Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Indonesia) tại Quảng Châu. Khi đó Bác đã 73, tóc đã bạc, da đã mồi nhưng sáng nào cũng dậy sớm, tập leo núi ở khu an dưỡng Tùng Hóa. Bác leo núi thành thạo, rất nhanh làm cánh trẻ không theo kịp.

Một tối, Bạn tổ chức biểu diễn văn nghệ chào mừng. Khi đêm diễn kết thúc, để cảm ơn Đoàn nghệ thuật, Bác không bước theo từng bậc mà chống tay nhảy vọt lên sân khấu để tặng hoa và bánh kẹo cho diễn viên.

Thấy động tác đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ngồi cạnh liền hỏi: “Phương có biết vì sao Bác lại nhảy như vậy không?”. Không chờ trả lời, Đại tướng giải thích: “Bác muốn chứng tỏ rằng mình vẫn khỏe, còn phục vụ cách mạng được nhiều năm nữa, mọi người đừng lo lắng gì về sức khỏe của Bác!”.

Ít ngày sau trên đường đi họp về, Bác bỗng nói với ông Phương: “Qua mấy lần đi với Bác, chú dịch như vậy là tốt đấy, dịch đúng, đủ và rõ ý, nhưng có khuyết điểm là “trơ cơ” (这 个 )  nhiều quá. Phải cố gắng bớt “trơ cơ” đi nhé!”. Đúng lúc ấy có đoàn thiếu nhi đi học về, Bác đùa: “Chú Phương này, “trơ cơ... trơ cơ” thiếu nhi này... “trơ cơ” đông quá...”.

... Tháng 5/1969, ông Hoàng Minh Phương từ Mặt trận Khe Sanh về Hà Nội dự Hội nghị cán bộ toàn quân. Ngày đó Bác đã yếu lắm, không đến dự hội nghị đuợc. Các đại biểu được bố trí lên Phủ Chủ tịch thăm Người.

Hôm ấy, Bác mặc bộ quần áo lụa bà ba, màu mỡ gà được Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Võ Đại tướng dìu 2 bên đi vào hội trường. Cả hội trường vỗ tay chào đón Bác. Kỉ niệm những lần gặp Bác bỗng sống lại trong ông...

Không ngờ đây là lần cuối gặp Người!
Trần Kiến Quốc
Nguồn: Bee.net.vn
* Đầu đề do Bauxite Việt Nam đặt lại.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn