Dân tộc Hàn Quốc và bài học gửi cho Việt Nam

 Hoàng Dương

clip_image001Mặc dù Hàn Quốc đã thua nhưng họ đã chứng tỏ họ là một đối thủ rất khó chịu.
Ảnh: VNN

Trong bấy nhiêu lý do khiến cho dân tộc Hàn quốc hơn dân tộc chúng ta dễ đến một cái đầu mà tác giả đưa ra, hình như có một lý do quan trong nhất nhưng... nói đến là phạm húy. Cùng một dân tộc cả thôi song cứ so sánh Hàn Quốc với Bắc Triều Tiên khắc tìm ra ngay lời giải. Có điều, hãy để yên nó ở trong đầu.

Bauxite Việt Nam

Dẫu không thể đi tiếp ở World Cup 2010, nhưng đội tuyển Hàn Quốc đã để lại một ấn tượng vô cùng mạnh mẽ với những người hâm mộ. Trong những ngày này, nhiều người Việt Nam đã nói tới Hàn Quốc rất nhiều. Không phải chỉ nói tới bóng đá mà họ nói tới một dân tộc nghèo đói đã thăng hoa...
 
Mỗi khi nói tới Hàn Quốc, tôi thường nhớ đến nhà thơ Ko Un và luôn suy ngẫm về những bài thơ của ông. Một trong những bài thơ Thiền của Ko Un là bài Đức Phật:

Con đường ra đi là con đường trở thành nhà sư
Con đường trở về là con đường trở thành Đức Phật
Nhưng ngươi chỉ có thể trở về khi thực sự ra đi

Bài thơ với hình thức nói về con đường tu hành của một nhà sư, nhưng là nói về bản chất của cuộc sống. Sự ra đi kia chính là sự dấn thân của một con người cho lý tưởng sống. Và chỉ khi con người dấn thân một cách trong sáng, đầy khát vọng và không sợ hãi thì con người mới có thể đến được bến bờ mơ ước. Trong bài thơ Bản kinh Phật khắc trên gỗ, Ko Un cũng nói đến sự dấn thân của dân tộc Hàn Quốc. Bài thơ ấy nói rằng, nếu dân tộc Hàn Quốc không một lần dám trung thực về những sai lầm, về những kém cỏi của mình, nghĩa là nếu dân tộc Hàn Quốc không dám lột xác thì dân tộc Hàn Quốc sẽ chìm xuống nước hàng ngàn năm như Bản kinh Phật khắc trên gỗ đã chìm.

Và dân tộc Hàn Quốc trong lịch sử đã từng chìm xuống trong máu, trong nước mắt... để rồi đứng dậy. Tôi đã đến Hàn Quốc và im lặng đi qua những nơi mà hàng ngàn con người từng gục ngã vì đói rét, gục ngã vị bị bắn, gục ngã vì lầm lạc. Nhưng chỉ mấy chục năm sau những gục ngã và lầm lạc ấy, dân tộc Hàn Quốc đã đứng dậy và bước đi.

Chúng ta đang nói đến bóng đá Hàn Quốc. Đó chỉ là một ví dụ nhỏ bé về sự dấn thân của dân tộc này. Một dân tộc với số dân không đông, với những đe dọa của một cuộc chiến tranh thù địch có thể xảy ra bất cứ lúc nào, với những điều kiện khắc nghiệt... vậy mà họ đã trở thành một Hàn Quốc như bây giờ.

Mấy năm trước đây, một di tích văn hóa ở Seoul bị một kẻ điên khùng đốt cháy. Cả dân tộc Hàn Quốc đã nhói buốt trái tim vì mất mát ấy như một quốc tang. Còn chúng ta, dân tộc Việt Nam với 4.000 năm lịch sử và văn hóa, chúng ta đã có bao giờ thấy đau nhói trái tim khi biết bao di tích văn hóa đang bị xâm lấn và phá hoại không?

Tôi đã đến trước di tích văn hóa bị đốt cháy ấy. Một Giáo sư Hàn Quốc buồn bã nói với tôi về sự mất mát này. Tôi đã lắng nghe và thấy xấu hổ khi nghĩ về việc ứng xử của chúng ta với các di tích văn hóa. Có những ai đau đớn khi những di tích văn hóa của dân tộc mình đã và đang bị tàn phá dưới nhiều hình thức không? Có những ai đau đớn khi có những di tích lịch sử bị xóa đi với những lý do ngớ ngẩn và vô cảm không?

Không một ai có quyền nói rằng dân tộc Hàn Quốc có nhiều điều kiện thuận lợi hơn và thông minh hơn dân tộc Việt Nam chúng ta. Phải chăng ai đó trong chúng ta đã từng ngạo mạn chứ không phải là kiêu hãnh về bản thân mình. Thế nhưng, dân tộc Hàn Quốc đã làm được những điều mà trước những điều ấy của họ chúng ta xấu hổ.

Trong dòng máu của rất nhiều người Hàn Quốc có pha trộn dòng máu người Việt. Tại sao với nền văn hóa cứ cho là không lâu đời hơn chúng ta, với đất đai không nhiều tài nguyên khoáng sản hơn chúng ta, với chỉ số IQ không hơn chúng ta, với xương thịt con người không khác chúng ta... mà họ lại lớn mạnh hơn chúng ta về quá nhiều mặt?

Câu hỏi thật đơn giản mà thật xót xa. Và câu trả lời sẽ càng đau đớn hơn. Bởi họ thực sự dâng hiến cho dân tộc họ với lòng tự trọng cao nhất, với trách nhiệm cao nhất và với khát vọng chân chính. Bởi họ biết yêu từ một cái cây trên hè phố cho đến một hồ nước nhỏ ngoại ô, bởi họ tìm thấy những điều kỳ diệu trong mỗi con người và biết lắng nghe những điều kỳ diệu ấy, bởi nhiều người trong số họ biết kìm nén và tìm cách tiêu diệt lòng tham lam cá nhân vô độ để sống, lao động và sáng tạo cho lợi ích chung của dân tộc họ, bởi họ hiểu rằng thật xấu hổ khi chỉ biết ôm vào mình mọi đặc quyền đặc lợi còn người khác sống chết ra sao thì không cần biết.

Rất nhiều dân tộc trên thế giới đã gián tiếp gửi cho chúng ta những bài học. Liên Xô cũ đã gửi cho chúng ta một bài học, Trung Quốc đã gửi cho chúng ta một bài học, Thái Lan cũng đang gửi cho chúng ta một bài học... Và Hàn Quốc gửi cho chúng ta một bài học thật dễ học. Tại sao ta không mở những bài học này ra để học lấy một lần.

HD

Nguồn: Tuanvietnam

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn