Tái khởi động Đường sắt cao tốc là vi phạm Luật Đường sắt Việt Nam

TS Trần Đình Bá

Hội Kinh tế và vận tải ĐSVN

clip_image002

ĐS quốc gia khổ 1 mét đang ngày càng rệu rã lạc hậu và phá sản là trách nhiệm của Bộ GTVT và Tổng công ty ĐSVN – Ảnh : nguồn Internet.

Tác giả “Chiến lược ĐSVN”; tác giả luận án TS “Mở rộng để hiện đại ĐSVN”, đã được tặng giải thưởng quốc gia về hiến kế; đã từng đi thực tế nghiên cứu về mở rộng và hiện đại ĐS tại các nước Cam puchia, Lào, Singapore, Malayxia, Latvia, Nga, Extonia, Trung Quốc, Thái Lan.

Tại cuộc trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Hồ Nghĩa Dũng đã hùng hồn tuyên bố “Tái khởi động Đường sắt cao tốc là cần thiết và đúng luật”. Thực tế, việc nghiên cứu, thẩm định dự án Đường sắt cao tốc (ĐSCT) 56 tỷ USD cùng với việc tái khởi động lại dự án đó đã vi phạm nghiêm trọng luật Đường sắt (ĐS) Việt Nam.

Đường sắt là một loại hình giao thông cơ giới ra đời sớm nhất, ngay sau khi phát minh ra máy hơi nước, song cho đến nay nó không già mà vẫn đang là loại phương tiện giao thông hiện đại, tiên tiến nhất, an toàn nhất. Đánh giá sự văn minh của một quốc gia, người ta nhìn vào giao thông ĐS chứ không phải là hàng không hay gì khác. Với tầm quan trọng đặc biệt này, Việt Nam đã xây dựng Luật Đường sắt lần đầu tiên với 8 chương, 114 điều, đã được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005, và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2006 (http://vbqppl.mt.gov.vn/vanban_780.aspx).

Song thật đáng tiếc, ngay cả ngành chủ quản là Bộ GTVT, cùng các Bộ như Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Tổng công ty ĐSVN… đã liên tiếp phạm sai lầm khi lập dự án ĐSCT và tái khởi động dự án gây nhiều tranh luận, tốn khá nhiều giấy mực, lãng phí lớn ngân sách và kìm hãm tiềm lực quốc gia.

Trước hết cần hiểu về các loại đường sắt trên thế giới

Đường sắt có 3 loại chính, loại thứ nhất gọi là đường sắt quốc gia, đây là loại hình quan trọng nhất dùng để phát triển kinh tế, phúc lợi xã hội và quốc phòng an ninh, chở được nhiều hành khách đủ mọi tầng lớp từ người nghèo đến các vị nguyên thủ quốc gia; chở được hầu hết các loại nhiên liệu, nguyên liệu, hóa chất, xăng dầu, chất lỏng, cấu kiện sắt, thép bê tông nặng hàng chục đến hàng trăm tấn; các kiện hàng container, xe tăng, đại bác, dàn tên lửa phóng tàu con thoi hàng trăm tấn. Loại ĐS này chạy bằng than, dầu diezen, điện có chiều dài mạng lưới không hạn chế, hoạt động được trong mọi điều kiện thời tiết và trong cả điều kiện chiến tranh, được kết nối mạng quốc gia và quốc tế do nhà nước độc quyền quản lý và bảo vệ bí mật công nghệ một cách nghiêm ngặt để phục vụ cho phòng thủ quốc gia.

Loại thứ 2 là ĐS đô thị, chỉ chở hành khách và hàng hóa xách tay, chủ yếu chạy bằng điện năng, có tầm hoạt động vừa và nhỏ. ĐS đô thị có thể kết nối vào mạng ĐS quốc gia song rất hạn hữu vì không kinh tế và không an toàn do lệch pha nhau.

Loại thứ ba là đường sắt cao tốc – siêu tốc trên 300 km/h, có tầm hoạt động hiệu quả kinh tế dưới 500 km, chạy hoàn toàn bằng điện, chỉ chở được hành khách với hành lý theo người, không thể chở được hàng hóa và không thể kết nối với mạng quốc gia và quốc tế.

Do ba loại ĐS có tính năng về kỹ thật hoàn toàn khác nhau nên nó được điều hành bằng ba hệ thống riêng biệt. Ở Việt Nam, có 3200 km thuộc hệ thống ĐS quốc gia do Tổng công ty ĐSVN thay mặt nhà nước điều hành khai thác. Hệ thống ĐS đô thị chỉ có ở Thủ đô Hà Nội, song đã bị tháo dỡ và nay đang được xây dựng mới.

Việc lập dự án ĐSCT của bộ GTVT đã vi phạm nghiêm trọng Luật ĐSVN

Điều 20 chương 2 Luật ĐSVN ghi rõ: “Đường sắt quốc gia có khổ đường là 1435 milimét, 1000 milimét. Đường sắt đô thị có khổ đường 1435 milimét hoặc đường sắt một ray tự động dẫn hướng. Đường sắt chuyên dùng không kết nối vào đường sắt quốc gia do tổ chức, cá nhân đầu tư quyết định khổ đường theo nhu cầu sử dụng…”.

Toàn bộ 18 chương, 114 điều của Luật ĐSVN quy định cụ thể rõ ràng về sử dụng đất đai, hành lang an toàn, quản lý khai thác, bảo vệ an toàn, đảm bảo an ninh, thẩm tra thẩm định, quy định công lệnh chạy tàu, quy định kết nối mạng đường ray… cho đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị mà không hề có lấy một điều khoản nhỏ nào quy định cho ĐSCT, cho thấy luật ĐSVN chưa cho phép có mặt ĐSCT, vì đây là một loại hình giao thông chưa phù hợp với điều kiện kinh tế, địa hình, khí hậu, phân bố dân cư của Việt Nam. ĐSCT là một loại hình đặc biệt, có tốc độ cao, trên mặt đất được xếp vào nhóm “tốc độ tử thần”, được mệnh danh là “địa phi cơ”, nên vấn đề quản lý công nghệ cũng như quản lý điều hành, kiểm tra an ninh, công lệnh chạy tàu, ký kết chuyển giao công nghệ đa quốc gia, lập thẩm định dự án… phải có những điều khoản riêng biệt, cực kỳ nghiêm ngặt mà luật ĐSVN chưa thể kham nổi. Nếu đưa dự án ĐSCT vào khởi động, có xảy ra tranh chấp hợp đồng, hay tai nạn, sự cố trong thử nghiệm và vận hành... đều không có luật để dựa vào đó mà phân minh phán xử.

Tương lai khi nước ta có tiềm lực kinh tế và đủ mọi điều kiện để làm ĐSCT thì trước hết phải sửa đổi bổ sung luật ĐS với các điều khoản cho phép sự có thêm loại hình vận tải ĐSCT trong nước, giống như các nước muốn kéo dài thêm nhiệm kỳ của Tổng thống phải sửa đổi Hiến pháp, nếu không sẽ bị coi là vi hiến.

Việc Bộ GTVT hay Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Tổng Công ty ĐSVN mời gọi các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư ĐSCT bằng các khoản “vay ODA”, “viện trợ không hoàn lại”, “hỗ trợ ODA không hoàn lại” hay “tiếp nhận kỹ thuật”… về ĐSCT tại VN đều đã vi phạm luật ĐS và xem thường biểu quyết của Quốc hội.

Hệ thống ĐS quốc gia là vũ khí chiến lược phòng thủ được bảo vệ và bảo toàn nghiêm ngặt. Vậy mà Tổng Công ty ĐSVN cho các tư vấn nước ngoài “chặt khúc” ĐS quốc gia – tuyến Bắc Nam ra 2 đoạn ngắn là Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP HCM để lập dự án ĐSCT, để “dễ dàng thông qua QH” khác nào chặt bỏ tuyến ĐS quốc gia, vừa vi phạm luật ĐSVN và vi phạm luật về an ninh và phòng thủ quốc gia! Việc Bộ GTVT cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập và thẩm định dự án ĐSCT 56 tỷ USD, gần đây là trao Công hàm cho Đại sứ quán Nhật Bản tại VN đồng ý tiếp nhận công nghệ ĐSCT…là vi phạm Luật ĐSVN.

Tổng Công ty ĐSVN được Nhà nước giao quản lý mạng ĐS quốc gia, song đã để ĐS rệu rã tới mức tụt hậu, xảy ra rất nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng… lại đứng ra lập dự án ĐSCT 56 tỷ USD với tư cách là chủ đầu tư là bất cập vì không thể kham nổi một lúc quản lý cả hai mạng ĐS, lại ký hợp đồng với các nhóm chuyên gia Hàn Quốc, Nhật Bản… làm dự án, với những chi phí nghiên cứu hàng triệu USD, khi xảy ra tranh chấp hợp đồng thì lấy đâu ra luật để phán xử?

Bác dự án ĐSCT là sáng suốt và đúng luật vì Quốc hội là người lập pháp, thông qua, ban hành Luật ĐSVN, phê chuẩn công trình trọng điểm quốc gia và bảo vệ Luật ĐSVN. Còn nhớ, khi bàn về dự án ĐSCT 56 tỷ USD, Tiến sỹ Vương Đình Khánh – Chủ tịch danh dự Hội Kinh tế & Vận tải ĐSVN, nguyên Phó Tổng giám đốc tổng công ty ĐSVN đã gọi đây là “một dự án được lập với trình độ i- tờ, bỏ qua luật ĐS” và đó là một trong những tiến sỹ ĐS sáng suốt, có lương tâm dũng cảm lên tiếng bác dự án ĐSCT để bảo vệ luật ĐSVN.

Đã đến lúc phải “tỉnh giấc ĐSCT” để hiện đại hóa ĐS quốc gia

Tiêu chí “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” một lần nữa lại cảnh tỉnh các Bộ, ban ngành “hậu Vinashin và hậu ĐSCT”. Phải thấy rằng, bác dự án ĐSCT 56 tỷ USD Quốc hội đã cứu Chính phủ, cứu Bộ GTVT tránh khỏi vi phạm Luật ĐS, vừa tránh khỏi 10 thương vụ sẽ thua lỗ như “Vinashin”.

Là cơ quan làm tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ trong lĩnh vực GTVT và đường sắt, giúp Quốc hội soạn thảo luật ĐSVN nhưng Bộ GTVT đã vô tình vi phạm Luật ĐSVN khi tham vọng lao theo dự án ĐSCT, song điều may mắn là Nhân dân đã cứu rỗi để không phải trả giá quá đắt bằng gánh nợ quốc gia 56 tỷ USD.

Hệ thống ĐS quốc gia 3200 km là một tài sản khổng lồ trị giá trên 30 tỷ USD, và giá trị lịch sử, văn hóa, sức mạnh phòng thủ là vô giá, được luật pháp quan tâm bảo vệ bằng một bộ luật quan trọng mà trách nhiệm hành pháp thuộc về Bộ GTVT. Sự xuống cấp rệu rã của ĐS quốc gia hiện nay thể hiện sự lơ là, thiếu trách nhiệm của Bộ chủ quản đối với công trình trọng điểm quốc gia. Việc duy trì khổ ĐS lạc hậu 1 mét, thường xuyên xảy ra tai nạn lật tàu, gây thiệt hại về người và tài sản, để cho hàng ngàn đường bộ (dao chém) băng qua ĐS là vi phạm nghiêm trọng luật ĐS. Kiên cố hóa khổ ĐS 1 mét bằng 24.500 tỷ đồng để kéo dài sự lạc hậu của ĐS, khi không hỏi ý kiến Quốc hội là một điều đáng tiếc, và dự án này chắc chắn sẽ thất bại, để lại hậu quả “Tiền mất tật mang”. Tham vọng nghiên cứu nâng cấp ĐS quốc gia thành ĐSCT lại càng vi phạm luật ĐS và luật về An ninh và phòng thủ quốc gia.

Mở rộng và hiện đại ĐS quốc gia phải bằng tư duy tiến sỹ của người VN

Trước thực trạng quá tải và đại họa TNGT, Bộ GTVT lập diễn đàn kêu gọi toàn dân hiến kế, trong khi 1000 giáo sư, tiến sỹ Bộ GTVT ẩn danh, lại chờ chuyên gia nước ngoài làm giúp là một hiện thực đáng buồn.

Sáng kiến yêu nước, luận án TS “Mở rộng và hiện đại hóa ĐS quốc gia” đã được gửi đến Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia hiến kế với những luận chứng, luận cứ khoa học đảm bảo sẽ mở rộng toàn bộ 3200 km ĐS quốc gia mà không hề ngốn thêm đất đai, bảo vệ an toàn môi trường, không làm gián đoạn lưu thông của ĐS hiện tại, hoàn thành chỉ trong thời gian 2 đến 3 năm, hành trình Hà Nội – TP Hồ Chí Minh chỉ 12 đến 15 giờ, an toàn, với tổng mức đầu tư chỉ 120.000 tỷ VND! Đó là một dự án mang tính nhân đạo cao cả, mang văn hóa Việt Nam và là thiết thực của văn hóa giao thông, nhằm khai thông “động mạch chủ” để thăng bằng lại cán cân cung cầu, giảm hội chứng tắc nghẽn trong hệ thống tuần hoàn quốc gia, giảm thiểu hậu quả tai nạn giao thông, giải quyết nhanh chóng bài toán ùn tắc giao thông trong cả nước, đặc biệt cho Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh!

Không lẽ cả một dân tộc 85 triệu dân cần cù thông minh và sáng tạo lại bó tay trước một ĐS lạc hậu?! Bên cạnh ta, Trung quốc đã mở rộng thành công toàn bộ hệ thống 74.000 km ĐS quốc gia từ khổ 1 mét lên 1,435 m, Việt Nam ta chỉ có 3200 km ĐS mà Bộ trưởng GTVT lại cứ cho là “không thể mở rộng, nếu làm sẽ gián đoạn lưu thông ĐS trong 3 năm…” để phải cứ mời chuyên gia nước ngoài nghiên cứu ĐSCT mà không tin vào trí tuệ của nhân dân và các nhà khoa học đã thực sự hiến kế, là đi ngược văn hóa giao thông.

Đã đến lúc phải mở rộng để hiện đại hóa ĐS quốc gia bằng tư duy tiến sỹ, tư duy khoa học và lòng tự trọng của 1000 GS tiến sỹ ngành GTVT, để hoàn toàn làm chủ công nghệ ĐS quốc gia, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế, phúc lợi xã hội, đảm bảo cho quốc phòng và an ninh, chứ không thể “ôm cây đợi thỏ” từ các chuyên gia nước ngoài.

Chưa bao giờ khát vọng hiện đại hóa ĐS quốc gia mạnh như hôm nay, trong huyết quản của các Đại biểu Quốc hội, đến những cử tri, những người dân, những tướng lĩnh đã không tiếc thân mình bảo vệ từng cây cầu, từng mét ĐS, đến người chiến sỹ đang đứng canh gác trên những vị trí tiền tiêu Tổ quốc… bởi ĐS quốc gia đã gắn bó máu thịt với lịch sử phát triển của cả một dân tộc và của biết bao thế hệ người VN trong cả quá khứ hiện tại và tương lai.

Đã đến lúc toàn dân biết làm chủ ĐS quốc gia thông qua Quốc hội - người đại biểu cho quyền lợi của toàn dân, tập trung trí tuệ sức lực cho sự nghiệp vinh quang “Mở rộng và hiện đại hóa ĐS quốc gia”, hòa mạng quốc tế trên khổ ĐS 1,435 m theo đúng luật ĐSVN.

T.Đ.B.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn