Chính trị, Tôn giáo và Cù Huy Hà Vũ

Huy Đức

Chính quyền có thể là đã lo lắng về một đám đông có thể xuất hiện khi đưa Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ ra tòa nên đã triển khai một lực lượng cảnh sát hùng hậu ngay trong ngày tòa xử. Nếu cứ để ông Cù Huy Hà Vũ nghênh ngang bên ngoài, có lẽ ông khó lòng tập hợp được sự quan tâm của quần chúng tới mức dấy lên sự sợ hãi cho chính quyền. Nếu để ông Cù Huy Hà Vũ tự do ngôn luận, có lẽ ông khó lòng thu hút được sự chú ý của giới bloggers, báo chí và khó lòng trở thành một nhân vật được đề cập trong một bài feature của tờ New York Times. Nếu để ông Cù Huy Hà Vũ tự do kiện tụng có lẽ người dân sẽ thấy Chính quyền tự tin và mạnh mẽ. Và có lẽ, nếu thả ngay ông Cù Huy Hà Vũ sau cái hôm ở khách sạn, hình ảnh một người đàn ông 50s bụng phệ sẽ được nhớ lâu hơn, và khó có thể bị thay thế bởi hình ảnh một Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ, comple, cavat, trán rộng, đầu ngửng cao, ngạo nghễ đi giữa hai hàng cảnh sát.

Trong một nhà nước toàn trị, chính quyền có đủ quyền lực để làm bất cứ điều gì. Nhưng không phải cứ toàn trị thì không cần cân nhắc chính trị khi hành xử quyền hành vốn không bị ai giới hạn. Bức ảnh Linh mục Nguyễn Văn Lý bị bịt mồm trong phiên tòa diễn ra ngày 30-3-2007 mang tính biểu tượng có lẽ không kém bức ảnh tướng Loan dí súng vào đầu bắn một tù binh hồi Mậu Thân. Trong lần đến Mỹ, khi trả lời phỏng vấn đài CNN, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết giải thích, khi ấy Linh mục Nguyễn Văn Lý đã lăng mạ Tòa. Nghe nói ông Lý còn định đạp đổ cả vành móng ngựa.

Cũng như những phiên tòa cùng loại, thường thì chính quyền chỉ muốn nó diễn ra đúng kịch bản, chứ ít khi để nó diễn ra tự nhiên. Phiên tòa sẽ chính trị hơn, chính quyền sẽ được lợi hơn nếu hình ảnh cha Lý - thay vì dùng lý lẽ lại dùng những lời lẽ không thích hợp ở một nơi tôn nghiêm - được phát đi trên truyền thông đại chúng. Hôm đó, nếu như các nhà báo được vào phòng xử án thì họ sẽ phải ngồi sau lưng cha Lý và đã không thể chụp bức ảnh cha Lý bị bịt mồm. Vì quá cẩn thận để các nhà báo quan sát phiên xử qua truyền hình nên bức ảnh chụp gián tiếp đã trở thành một công cụ tố cáo mạnh hơn trăm nghìn bài báo khác.

Không chỉ với “các nhà dân chủ”, cách hành xử cứng nhắc trong vụ Nhà thờ Tam Tòa hồi tháng 7-2009, cũng đã tự nhiên đặt chính quyền trước một xung đột với các Giáo dân. Tháp chuông bị bom - một chứng tích chiến tranh có giá trị bảo tồn - và tài sản của Nhà thờ là hai mối quan hệ khác nhau. Không chỉ có Giáo hội, nhiều người dân từng nuôi giấu những người cộng sản cũng đã phải dở khóc dở cười khi nhà của họ được xếp vào hàng di tích - Họ không còn dễ dàng đem bán, đem sửa nhà mình.

Không phải con cái trở thành nhân vật lịch sử thì cha mẹ không còn được xoa đầu. Quyền hành chánh của Nhà nước và quyền dân sự của các tổ chức công dân là hai phạm trù khác nhau. Nếu quyền về tài sản của tổ chức, công dân không được tôn trọng thì xung đột là điều không tránh khỏi. Giáo hội chắc chắn cũng nhận thức được sức thu hút của cái tháp chuông bị đánh bom để bảo tồn và khai thác sự quan tâm của du khách. Nếu như để cho họ quản lý di tích ấy theo luật Bảo tồn và xây lên bên cạnh một Nhà thờ để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng thì không những Nhà nước-Giáo hội có thể hữu hảo với nhau mà bà con lương-giáo cũng không việc chi phải tiếng chì, tiếng bấc.

Xét từ góc độ lợi ích của chính quyền, vụ bắt bớ Cù Huy Hà Vũ mất nhiều hơn được. Nếu cứ để cho ông Vũ kiện cáo, phát biểu trên internet hoặc trên đài nước ngoài, thì dân chúng trong nước cũng chỉ quan sát rồi cười còn những người chống cộng ở bên ngoài cũng không biết lấy cớ gì mà chống. Bắt Cù Huy Hà Vũ, không những giúp ông ấy kiến tạo hình ảnh của một người hùng mà chính quyền tự nhiên phải đối phó với sự chỉ trích của quốc tế, đối phó với những mối lo ở quốc nội, một cách nhọc công không cần thiết.

Điều đáng chú ý là Công giáo đã khai thác không giấu giếm những sự kiện như thế này. Nhiều bloggers, nhiều “nhà dân chủ”, sau những ngày bị bắt, sau khi mãn hạn tù, đã theo Đạo để tìm sự chở che của Chúa. Trên mạng cũng bắt đầu thấy hình ảnh bà Dương Hà xuất hiện ở Nhà thờ. Giáo xứ Thái Hà còn tổ chức đốt nến cầu nguyện cho Cù Huy Hà Vũ. Để người dân tự do tín ngưỡng và tôn giáo trở thành một lực lượng giúp kiến tạo nền tảng đạo đức thì xã hội sẽ thêm an bình. Để tôn giáo trở thành một lực lượng chính trị thì hậu quả về lâu dài là không lường được. 

H.Đ.     

Nguồn: facebook.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn