Thư gửi anh Bùi Công Tự nhân đọc bài „Kế sách bảo vệ chủ quyền của Philippines“

Nguyễn Việt

Anh Công Tự thân mến,

Tôi đã đọc kỹ bài „Kế sách bảo vệ chủ quyền của Philippines“ của anh trên Blog của anh Nguyễn Xuân Diện. Tôi nghĩ anh đã nêu khá rõ chính sách của nước bạn. Nhưng theo tôi, Việt Nam và Philippines bước vào cuộc xung đột Biển Đông từ hai hoàn cảnh lịch sử khác nhau, tồn tại trong hai thể chế chính trị hoàn toàn khác nhau nên sẽ có rất nhiều điều các bạn Phi làm được, nhưng chúng ta thì không.

- Về mặt lịch sử, địa lý, Việt Nam ở sát Trung Quốc, chịu hàng ngàn năm đô hộ của Trung Quốc, ảnh hưởng rất nhiều về văn hóa, tư tưởng (Nho, Lão, Mao, v.v.). Trong khoa học thì từ âm lịch, canh nông, trong văn hóa thì từ ngày tết lễ đến ngôn ngữ, văn học, chúng ta đều chịu ảnh hưởng của TQ. Điều này ở Philippines hoàn toàn khác hẳn.

- Trong vòng 60 năm gần đây, ảnh hưởng của Trung Quốc đến Việt nam thông qua các cuộc cách mạng vô sản và công cuộc xây dựng CNXH lại càng sâu sắc. Không có một biến động lớn nào của Việt Nam mà lại diễn ra không có sự có mặt của Trung Quốc. Từ Chỉnh huấn, Chỉnh phong, Giảm tô, Cải cách ruộng đất, Cải tạo Công Thương nghiệp, Chống Mỹ, v.v. đều có những „cố vấn bạn“ chỉ đạo. Trong suốt thời gian đó, Philippines lại là một pháo đài của phuơng Tây nhằm ngăn chặn thế cờ „Domino Cộng sản“ ở Á châu. Chỉ từng đó đã thấy rằng: Chúng ta, vốn quen học Trung văn, khó học theo nguời Phi giỏi Anh ngữ, theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.

Điều đó giải thích tại sao Philippines, một nước đang gặp khá nhiều vấn đề về quốc phòng và an ninh chính trị hơn ta (như phiến quân Hồi giáo ABU SAYYAF, Mặt trận ly khai MORO ở Mindanao, v.v.), vẫn có một chính sách rõ ràng đối với Trung Quốc. Vì muốn dựa vào dân và quốc tế nên các bạn Phi thực hiện đối sách Biển Đông khá minh bạch, cả về đối nội lẫn trên truờng quốc tế, không hề ú ớ, úp mở.

Song điều tôi nêu ở trên về quan hệ khăng khít giữa hai nuớc Việt - Trung trong suốt quá trình lịch sử dựng nước, không phải là các điểm yếu của dân tộc ta, lại càng không có nghĩa là chúng ta cứ phải nhân nhượng. Càng gần Trung Quốc, càng bị cái bóng khổng lồ đó đè, cha ông ta luôn có đối sách cứng rắn và khôn khéo, chắc chắn là khác hẳn Philippines. Chính nhờ vậy mà suốt mấy ngàn năm nay, biên cương của nước Nam Việt ta luôn là một cơn ác mộng cho các Mã Viện, Thoát Hoan, Vương Thông, Tôn Sỹ Nghị. Có nghĩa là trong vấn đề tranh chấp với Trung Quốc hiện nay, chúng ta chẳng thể học đuợc ai, ngoài của chính chúng ta.

Trên nhiều diễn đàn, đa số các tác giả đều nêu rõ: Mọi thắng lợi của nước Nam Việt trong cuộc đấu tranh sinh tồn chống lại phương Bắc đều dựa vào một nguyên tắc „Vun đắp lòng yêu nuớc của Dân, dựa vào Dân để lấy Chí nhân mà thắng Cường bạo“. Những triều đại đặt quyền lợi của tập đoàn mình lên trên dân tộc, như Hồ Quý Ly, nhà Hậu Lê và nhà Nguyễn đều dẫn đến cảnh mất nuớc, phải làm nô lệ cả vua lẫn tôi.

Các triều đại Nam Việt, khi đã thống nhất đuợc sức mạnh dân tộc, tuy với một lực lượng yếu hơn nhiều, vẫn đủ sức giáng cho kẻ khổng lồ phương Bắc những đòn khiếp đảm mà thông thường sau vài thế kỷ chúng mới dám bén mảng quay lại nhòm ngó nước ta:

- Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán năm 938

- Lý Thường Kiệt đại thắng quân Tống năm 1076

- Trần Hưng Đạo đại phá quân Nguyên năm 1230

- Lê Lợi, Nguyễn Trãi tiêu diệt quân Minh năm 1428

- Quang Trung đại phá quân Thanh năm 1782

Khoảng cách hàng trăm năm giữa các mốc lịch sử trên đây là thời gian mà „Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư“.

Đất nước chúng ta sau mấy chục năm chiến tranh liên miên, năm 1975 đã hoàn toàn thống nhất và lẽ ra dân tộc ta phải đuợc hưởng nền hòa bình bền vững. Sau ngày 30.4.1975 lẽ ra người Việt ta, dù ở bên này hay bên kia đều sẽ bỏ qua hận thù, cùng nhau nhặt mảnh bom, tháo gỡ mìn để xây dựng lại Tổ quốc. Song điều đó đã không xảy ra, thật đau xót! Biên giới của chúng ta lại bị xâm phạm, ở phía Tây Nam và cả phía Bắc. Khi đó, trong lòng dân tộc Việt vẫn có cái hố ngăn cách, giữa những nguời „Quốc gia“ thua trận và những nguời „Cách mạng“ thắng trận. Cho đến những ngày tháng 7 năm 2011 này, 36 năm sau cuộc chiến, tôi mới thấy rõ một nỗ lực từ trong lòng dân tộc đang tìm cách vượt mọi trở lực để xóa bỏ cái hố này. Tôi đã muốn rơi nước mắt khi thấy những nguời biểu tình yêu nước tại Hà Nội giơ những mảnh giấy vinh danh các chiến sỹ Việt Nam hy sinh vì tổ quốc tại Hoàng Sa, Trường Sa, đã thấy báo Thanh Niên, báo Đại Đoàn Kết nhắc đến các anh. Còn trước đó, mọi khát vọng về hòa giải dân tộc chỉ dừng lại ở những câu nói không được phổ biến của cố Thủ tuớng Võ Văn Kiệt: „Yêu nước cũng có hàng trăm cách yêu nước.... Nước Việt Nam này đâu phải chỉ của riêng những nguời cộng sản... Ngày 30.4 là ngày vui của hàng triệu nguời, song cũng là ngày buồn của hàng triệu nguời khác!“.

Khi Đặng Tiểu Bình xua quân xâm lăng Việt Nam năm 1979, nếu chúng ta đã không bị cái hố ngăn cách đó làm cho một nửa nước bị tê liệt vì bị cải tạo, vì lo vượt biên, làm cho nửa nước còn lại bị suy yếu vì phải đề phòng „thù trong“, thì tình thế khi đó đã khác. Khi đó với sức mạnh của cả một dân tộc đoàn kết, không hiềm thù lẫn nhau, Quân đội Nhân dân Việt Nam tinh nhuệ với kinh nghiệm của một cuộc chiến 30 năm, cộng với kiến thức và lòng yêu nuớc của các sỹ quan, binh sỹ miền Nam, sẽ đủ sức dạy ngược cho quân đội Trung Quốc một bài học khiếp đảm mà có lẽ, ngày hôm nay và vài trăm năm nữa, chúng ta sẽ không phải thì thầm với con cháu là: „Vì Trung Quốc nó mạnh, ta yếu, ta nghèo nên phải mềm con ạ!“.

Tôi nghĩ bài học của dân tộc ta là như vậy, chứ không phải chỉ là chơi với Mỹ hay với Nga với Nhật để giữ mình.

Kính anh,

N.V.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn