Dự án Bauxite Tân Rai – Bao giờ cho đến tháng Mười?

Lê Trung Thành

Từ đầu năm 2011 đến nay, không dưới 5 lần, những người quản lý dự án xây dựng Tổ hợp khai thác chế biến Bauxite Tân Rai – Lâm Đồng thông báo tổ hợp “chuẩn bị”, “sắp” đưa vào hoạt động.

Cái điệp khúc “các nhà thầu đã hoàn thành 98, 99% công việc lắp đặt máy móc, thiết bị” được nhiều cơ quan báo chí, thông tấn loan tin. Vậy mà cho đến tháng 6 – 2012, tổ hợp Tân Rai vẫn trong tình trạng… “hoàn tất”, và người ta đưa ra thêm một thông báo nữa, đó là, Tân Rai sẽ có sản phẩm đầu tiên ra lò vào… tháng 8 tới. Hy vọng đó lần cuối cùng, chứ không phải như tên bài báo này là “Bao giờ cho đến tháng Mười?”, copy tên một bộ phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh sản xuất từ những năm tám mươi của thế kỷ trước.

Những mẻ alumin chậm xuất hiện tất sẽ làm đổ bể kỳ vọng xuất khẩu mặt hàng mới toanh của TKV nửa cuối năm 2012 sang cho các bạn hang, mà chủ yếu là các công ty luyện nhôm của Trung Quốc. Nó cũng gây không ít khó khăn cho TKV, bởi dự án không thực hiện đúng tiến độ đã 2 năm có lẽ, tiền bạc tốn kém thêm, chi phí quản lý dự án tăng lên đồng nghĩa với sự sốt ruột của Bộ Công Thương, Chính phủ và của lãnh đạo địa phương… càng tăng theo.

Từ cuối năm 2011, đầu năm 2012, nhiều phái bộ kéo nhau đến công trường. Nào là Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, Thứ trưởng Công Thương Bùi Cách Tuyến… Đủ lời khen tặng, đủ lời dặn dò và thừa lời hứa hẹn… Nhưng rồi dự án vẫn chỉ ở mức… hoàn thành 99%!

Nhà thầu chính Chalieco – Trung Quốc chỉ có 24 tháng thi công và bàn giao cho TKV theo hợp đồng đã ký từ ngày 14-7-2008, nhưng họ cứ tà tà, từ từ, chẳng có gì phải vội vã. Các nhà thầu phụ khác cũng theo đó mà làm, đổ lỗi cho mưa nhiều, cho thời tiết không thuận lợi... Chậm đưa tổ hợp vào hoạt động lẽ ra TKV phải có thái độ nghiêm khắc, thậm chí xử phạt nhà thầu theo thông lệ, nhưng ở đây, người ta thấy TKV vẫn bình thản và hình như tiến độ càng chậm thì TKV… càng mừng?

Vì sao lại như vậy?

Đó là vì tuyến đường vận chuyển alumin về xuôi còn nhiều gian nan quá!

Ngày 23-12-2011, lễ khởi công dự án cải tạo, nâng cấp 123 km Quốc lộ 20 giai đoạn 1 theo hình thức BT được tổ chức rầm rộ tại Lâm Đồng. Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ VN đầu tư gần 4950 tỷ đồng giao cho Tổng công ty đầu tư và xây dựng Cửu Long (trước kia là Ban quản lý dự án Mỹ Thuận), công ty TNHH Đông Mê Kông và Tổng công ty xây lắp Dầu khí 1 thi công. Ngoài ra có gần 20 km từ cửa nhà máy Tân Rai ra tới ngã ba Lộc Sơn giáp với Quốc lộ 20 (gọi là Tỉnh lộ 725) cũng được sửa chữa lại. Những tưởng sau ngày lễ này các nhà thầu sẽ dồn dập đưa xe máy thiết bị tới công trường, nhưng rồi người ta chỉ thấy có 1, 2 đội của Tổng công ty xây lắp Dầu khí 1 làm một vài tháng rồi ngưng hẳn. Hỏi ra thì biết… hết tiền, nên công trường không thể hoạt động. Trên toàn tuyến Quốc lộ 20 không hề thấy bóng xe máy thiết bị nào. Họ giải thích rằng chưa có hồ sơ thiết kế! Đến mãi tháng 4, tháng 5 – 2012 phía dưới thị trấn Madagoui mới thấy ỳ xèo tiếng máy… Với kiểu cách này chắc phải vài ba năm nữa công trình mới hoàn tất.

Việc chậm đưa dự án vào khai thác sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến việc lưu thông của các phương tiện, gây khó khăn cho hoạt động du lịch của tỉnh Lâm Đồng và ảnh hưởng tới các đoàn xe của TKV chuyên chở nguyên vật liệu lên Tân Rai và chờ alumin về xuôi.

Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng rất nhiệt tình và quan tâm tới việc triển khai dự án, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cũng dành nhiều thời gian, công sức, tiền của để hỗ trợ cho hạng mục sửa chữa Tỉnh lộ 725. Tuy nhiên số vốn đầu tư quá lớn nên họ phải chờ TKV cấp vốn.

Trong hoàn cảnh dự án xây dựng Tổ hợp bauxite Tân Rai đã quá tốn kém, tổng mức đầu tư vượt quá mức duyệt ban đầu, nên không dễ dàng gì kiếm thêm tiền sửa đường vốn không được ghi trong kế hoạch. Bộ Công Thương, UBND Lâm Đồng và TKV thống nhất đề nghị Bộ Tài chính cho phép TKV vay vốn thi công và số tiền này được hạch toán vào hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty mẹ. Đây là giải pháp “tối ưu để có thể vay vốn ngân hàng dễ nhất, nhanh nhất”. Bàn bạc từ đầu năm, nhưng mãi tới ngày 17-5-2012 Bộ Tài chính mới gửi công văn số 6592 trình lên Thủ tướng với nội dung trên.

Tới ngày 7-6-2012, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải ký văn bản số 774/TTg-KTTH đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính cho phép “hạch toán, phân bổ vào chi phí sản xuất kinh doanh của công ty mẹ - TKV trong 5 năm”. Văn bản này chính thức hợp pháp hóa một khoản chi khổng lồ (khoảng 30 đến 35 triệu USD) lẽ ra phải tính vào tổng mức đầu tư dự án Tân Rai. Đó cũng là sự giải thoát trách nhiệm của những người lập và phê duyệt dự án đã không tính đến việc đầu tư xây dựng đường vận chuyển alumin.

Với văn bản này, tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai sẽ yên tâm hơn khi được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư hai tuyến Tỉnh lộ 725 và Tỉnh lộ 769. Tiến độ thi công sẽ nhanh hơn nhờ vốn liếng được giải quyết kịp thời, nhưng mùa mưa đang tới, không thể đốt cháy giai đoạn. Vì thế, nếu có tập trung chỉ đạo, giám sát chặt chẽ, nếu có các nhà thầu chuyên nghiệp thì qua năm 2013 mới hoàn thành.

Trên tuyến Quốc lộ 20 cũng tương tự như vậy. Nếu chia nhỏ cho mỗi nhà thầu 5-7 km thì tiến độ thi công tăng nhanh, nhưng dễ xảy ra tình trạng lãng phí xe máy thiết bị, thất thoát vật tư, tiền của và chất lượng không đồng nhất. Phương án nào cũng có thuận lợi và khó khăn, ảnh hưởng lớn đến việc quản lý và khai thác trong tương lai bởi chúng ta đã chứng kiến quá nhiều dự án làm vội vã, lơ là giám sát, nghiệm thu dễ dãi nên sau một vài năm con đường hư hại và lại tốn rất nhiều tiền của để sửa chữa.

***

Có một điều rất khó hiểu là, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý cho TKV vay vốn thi công hai tuyến đường Tỉnh lộ 725 và 769, tức là quyết tâm thực hiện phương án chở alumin từ Tân Rai – Bảo Lộc theo Quốc lộ 20 về cảng Gò Dầu. Tuyến đường này mặc nhiên trở thành tuyến đường tối ưu nhất trong bối cảnh TKV chưa xây dựng cảng Kê Gà (thuộc tỉnh Bình Thuận) và càng chưa thể có vốn hàng trăm triệu USD để làm tuyến đường mới nối Bảo Lộc với cảng Kê Gà. Vậy mà gần 10 ngày trước đây, ông lại ký văn bản gửi UBND tỉnh Bình Thuận và TKV so sánh các phương án vận chuyển alumin từ Tân Rai về Gò Dầu và từ Tân Rai về Tuy Phong, về Kê Gà? Ông cũng yêu cầu TKV gửi báo cáo cho Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30-9-2012 với nội dung này.

Chưa có đường, chưa có cảng, tất cả chỉ là mớ lý thuyết hỗn độn thì tỉnh Bình Thuận và TKV lấy cơ sở nào để so sánh?!

Ngược lại, nếu ông còn băn khoăn về tuyến đường TL725 – Bảo Lộc – QL 20 – TL769 – cảng Gò Dầu thì ông ra lệnh nhanh chóng tổ chức thi công với hàng ngàn tỷ đồng làm gì?

Người ta nhớ lại từ đầu năm 2011 đến nay, TKV và UBND Bình Thuận nhiều lần thông tin rằng cảng Kê Gà chuẩn bị khởi công với tổng số vốn hơn 1 tỷ USD. Nhưng rồi lần này qua lần khác chẳng thấy động tĩnh gì. Chỉ có 12 dự án du lịch đã và đang đầu tư ở khu vực Kê Gà chưa kiểm đếm xong, chưa đền bù thỏa đáng cũng chỉ tại nguyên nhân thiếu vốn mặc dù số tiền ước tính xấp xỉ 500 tỷ.

Hồi tháng 4-2012, nhân chuẩn bị kỷ niệm 37 năm giải phóng tỉnh Bình Thuận, người ta đã chuẩn bị một buổi lễ khởi công. Một tổ công tác đặc biệt do chính Chủ tịch tỉnh đứng đầu với nhiệm vụ giải tỏa trước ba dự án du lịch để thu hồi khoảng 5 ha làm khu vực tổ chức lễ khởi công xây dựng cảng Kê Gà.

Chuẩn bị khẩn trương như vậy nhưng rồi TKV im ắng và ông Tổng giám đốc TKV gửi cho tỉnh Bình Thuận một công văn báo hoãn và xin trả lời cụ thể, chi tiết hơn về dự án cảng Kê Gà trong tháng 5, tháng 6…

Hoãn đi, hoãn lại nhiều lần đồng nghĩa với việc dự án còn nhiều khiếm khuyết, cần phải chỉnh sửa và điều quan trọng nhất là phải chờ Thủ tướng chính phủ chính thức phê duyệt lại Qui hoạch thăm dò và khai thác bauxite, chế biến nhôm đến năm 2020 và có xét đến năm 2030.

Nếu Qui hoạch được phê duyệt chính thức không khác với nội dung của bản dự thảo mà Bộ Công Thương trình lên Thủ tướng thì sản lượng alumin hàng năm chỉ sản xuất khoảng 1,2 triệu tấn ở Tổ hợp Tân Rai và Tổ hợp Nhân Cơ (tỉnh Đắc Nông). Nếu tính cả 2 chiều thì khối lượng vận chuyển chỉ khỏang 3 triệu tấn/năm. Vậy thì xây dựng cảng Kê Gà chắc chắn không mang lại hiệu quả kinh tế, và con số lỗ của toàn dự án sẽ tăng rất lớn trong tương lai.

Sau nhiều lần trì hoãn, TKV đang hy vọng tới tháng 8 này Tổ hợp bauxite Tân Rai sẽ sản xuất ra những mẻ alumin đầu tiên thay vì tháng 6 vừa qua.

Nếu điệp khúc “tiến độ đã đạt 99%” còn tái diễn thì có thể là… tháng 10, tháng 11 không chừng!

Mong sao dư luận xã hội không phải nhắc tới câu “bao giờ cho đến…tháng 10” như tên một cuốn phim được nhiều nguời ưa thích!

L.T.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn