Thời gian khảo nghiệm

Tương Lai

Bài đăng trên THẾ GIỚI MỚI ngày 18.6.2012, theo truyền thống, ngày Giỗ thường lấy ngày Âm lịch, vì thế, ngày Mồng Tám tháng Năm, năm Nhâm Thìn (nhằm ngày 26.6.2012) là ngày Giỗ lần thứ tư ông Sáu Dân, xin đưa lại bài viết ngày 11.6.2012.

Tương Lai

Dòng chảy của thời gian với những đợt sóng dồn dập các sự kiện, càng khơi rộng ra khoảng trống vắng từ sự ra đi đột ngột của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt bốn năm trước. Trước những diễn biến của thời cuộc trong bốn năm qua, càng ngẫm ra được sự thiếu vắng của con người ấy. Trong câu chuyện đời thường của bạn bè quanh chén trà bè bạn, một câu nói quen thuộc thường bật ra "Phải chi lúc này còn ông Sáu Dân". Câu nói thể hiện một bức xúc trong tâm trạng xã hội, càng làm nổi rõ lên một điều, khi tư tưởng và hình ảnh của một con người đã đi vào lòng dân thì không bao giờ chết cả. Ông vẫn sống trong lòng dân. Điều này mang tính quy luật

Vậy thì điều này có gì mới đâu mà phải bàn?

Thì chẳng phải hai từ nhân dân được đều đều rót vào tai mọi người, khô cổ bỏng họng rao giảng, cứ tưởng như những điều mới "phát hiện" và đem sử dụng như một liều thuốc kích thích khi cần đấy thôi! Ấy vậy mà điều có tính "thiên kinh, địa nghĩa" này đã có từ rất lâu, lâu lắm.

Từ thời Chiến quốc cách nay hơn hai ngàn năm, Mạnh Tử đã từng đưa dân lên trước cả "xã tắc" và "vua": "dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh". Chẳng những thế, nhà tư tưởng cổ đại được tôn là Á thánh của đạo Nho ấy đã giảng giải câu "ý dân là ý trời" bằng cách viện dẫn Thiên Thái Thệ trong Kinh Thư: "Trời không có mắt có tai, dân nhìn tức là trời nhìn, dân nghe tức là trời nghe" là nghĩa vậy. Ông từng vạch rõ cái tệ tham nhũng của kẻ cầm quyền, kết bè kéo cánh, sống xa hoa trụy lạc "bàn tiệc ê hề tới nỗi mắt không nhìn thấy hết được, tay không gắp hết được, miệng không nếm hết được" để rồi phẫn uất mắng vua Lương Huệ Vương: "Bếp vua có thịt béo, tàu ngựa vua có ngựa mập, mà dân thì có sắc đói, đồng ruộng la liệt những kẻ chết đói, như thế khác nào vua sai thú ăn thịt người. Loài thú ăn thịt lẫn nhau người ta còn ghét thay, nay làm cha mẹ dân, cai trị dân mà sai thú ăn thịt người thì có đáng làm cha mẹ dân không?". Vì thế, ông đòi hỏi: "Nhà cầm quyền không thể bỏ lỡ việc sinh nhai của dân... Thường tình của dân là có hằng sản thì mới có hằng tâm. Không có hằng tâm thì... chẳng cái gì là chẳng dám làm, đến khi phạm pháp thì người cầm quyền vin vào đó mà chém giết họ, như vậy không khác gì đặt lưới mà bẫy họ!". (Đằng Văn Công thượng)

Thì ra từ xa xưa, nhà tư tưởng cổ đại ấy đã khuyến cáo "nhà cầm quyền không thể bỏ lỡ việc sinh nhai của dân", cũng đã lên án chuyện dùng pháp luật như một thứ công cụ để "đặt lưới mà bẫy dân" để rồi tự tung tự tác, bảo kê, bao che cho nhau để ức hiếp, bóp nặn dân. Những điều này xem ra cũng khá gần với "hiện đại" rất sống động đấy chứ! Điều khác cơ bản nhất là chữ "dân" của Mạnh Tử là dành cho "thần dân", là phận "dân đen, con đỏ" cần được dạy dỗ, chở che bởi các đấng "cha mẹ dân". Chữ dân này được các nhà Nho của ta dẫn giải và vận dụng, tuy tiếp tục cái tinh thần truyền bá "dân tâm" nhưng rất kiêng kỵ "dân chủ".

Mạnh Tử cũng như các nhà nho tự nhận mình là thầy, là người đỡ đầu cho dân để phụng sự nhà vua tốt đặng làm cha mẹ dân. Mối quan tâm của họ đối với dân trong vị thế là "thần dân", là lòng nhân ái của bên trên ban phát xuống. Điều oái oăm là, chuyện này được lặp lại với những biến thái mới của thời hiện đại mà chúng ta đang sống. Nhân danh là người làm chủ xã hội mới, điều mà bao hy sinh xương máu của nhiều thế hệ Việt Nam qua cách mạng và kháng chiến rồi xây dựng CNXH mới có được, thì bóng dáng "thần dân" vẫn hiện ra trong cái áo khoác rộng cỡ của "người công dân". Cái "nhà nước của dân, do dân và vì dân" ngày ngày xuất hiện trên báo đài và trong những lời rao giảng thắm thiết, thì trong nhiều biến dạng, nơi này nơi khác, vẫn hiện ra là một nhà nước ứng xử với công dân như cách vua chúa ứng xử với "thần dân" trước đây.

Đáng lý phải là một nhà nước làm công bộc của dân thì dưới nhiều biểu hiện vẫn tỏ ra là "cha mẹ dân", ban phát ân huệ cho dân. Và rồi không hiếm những "thần dân" khi nhận đươc những "ân huệ" nhỏ nhoi thì đã vội thành thật "biết ơn", cho dù những ân huệ ấy không thấm vào đâu so với nghĩa vụ của nhà nước phải làm cho dân. Điều này như một liều thần dược kích thích và dung dưỡng cho sự thoái hóa của một bộ phận không nhỏ những người cầm quyền. Chính trạng thái tâm lý ấy là một biểu hiện rất rõ của "những gì đã cũ kỹ, hư hỏng" cần phải đấu tranh để tạo ra "những cái mới mẻ tốt tươi" mà Bác Hồ nói trong Di chúc. Bác chỉ rõ đó là một "cuộc chiến đấu khổng lồ[1]. Mà đúng là "khổng lồ" thật. Tính từ ngày Bác viết những dòng tiên tri ấy, một nửa thế kỷ đã trôi qua, bao nhiêu nước chảy qua cầu, "dân" đã được những gì và còn phải làm gì để giành cho mình quyền được thật sự làm chủ, để thật là dân theo đúng nghĩa mà Tuyên ngôn Độc lập đã trịnh trọng và kiêu hãnh tuyên bố với thế giới : Mỗi người dân Việt Nam đều có "những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".[2]

Hãy chỉ mở tờ báo Đại Đoàn Kết vừa ra ngày 12.6.2012, đọc bài của nhà báo lão thành Thái Duy về "Những người, những hộ đói kinh niên" với những con số, những dẫn chứng cụ thể sẽ nhận ra ngay lời cảnh báo của Bác Hồ. Chỉ riêng hình ảnh "năm phút trước tan ca, đứng lùi lại một chút để nhìn rõ hơn cái công xưởng nơi gần một trăm con người đang nhấp nhổm chờ còi mới thấy hết cái tiều tụy, kết quả của những tháng ngày đói ăn, khát uống, ở mất vệ sinh. Đàn ông, thanh niên ai cũng đều gầy gò trơ xương. Phụ nữ, những cô đang tuổi lớn và thời kỳ đẹp nhất của tuổi con gái thì ba vòng cứ phẳng lỳ, bà có tuổi thì bụng chướng to lên như đang mang thai...". Cạnh đó là con số 12.000 tỷ đồng mà Bộ GTVT đầu tư xây dựng trụ sở mới. Nếu với 3000 tỷ đồng có thể giải quyết chỗ ở cho 140.000 công nhân, thì tiền xây trụ sở có thể giải quyết chỗ ở cho nửa triệu công nhân, những người đang nhấp nhổm chờ tan ca vừa nói kia!

Rồi cũng trong ngày 12.6, mở tờ báo "Nông thôn Nông nghiệp", đọc mục "Tâm điểm và Bình luận" sẽ phát hoảng lên với con số 4 tỷ đồng chi cho lễ khởi công cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong! Tại diễn đàn Quốc hội đang họp, người ta đưa ra con số 5000 tỷ tiết kiệm được từ khối cơ quan, 13.000 tỷ tiết kiệm được từ các "quả đấm thép", tức là các tập đoàn kinh tế, thì thấm tháp gì so với những thất thoát trăm tỷ, ngàn tỷ chỉ ở một tập đoàn! Và rồi mười mấy ngàn tỷ này lại càng không thấm tháp gì so với 365.000 ha đất bị bỏ hoang hóa, cấp sai đối tượng, chuyển nhượng trái pháp luật, sử dụng sai mục đích, nhiều dự án bị "treo" xuyên thế kỷ của 10.796 tổ chức, cá nhân trên toàn quốc!

Chao ôi, chuyên xưa kia Mạnh Tử mắng Lương Huệ Vương "đặt lưới mà bẫy dân" cũng "thấm tháp gì" so với "những cái bẫy" thời hiện đại. Chuyện "bếp vua có thịt béo, tàu ngựa vua có ngựa mập, mà dân thì có sắc đói" cũng "thấm tháp gì" so với những điều vừa nêu! Nghĩ như vậy mới thấm thía được cái chữ "dân" trong tư duy và trong hành động của ông Sáu Dân cần phải được nhắc lại vào lúc này là cần thiết biết bao.

Xin được lấy lại ý của bài "Chỉ Một Chữ" từng viết trên báo Tết của THẾ GIỚI MỚI cách đây đã nửa năm, mượn cách diễn đạt của Lê Quý Đôn để nói về chữ DÂN khi nghĩ về ông Sáu Dân. Trong Lời nói cuối sách của cuốn Quần thư khảo biện viết năm 1757, nhà bác học Việt Nam thế kỷ 18 viết: "Kinh Dịch nói: "Biến động trong thiên hạ chính đáng chỉ có một [lý] thôi. Chí lý thay chữ "một". Lấy chữ "một" ấy mà xuyên suốt mọi việc thì dù bốn bể chín châu cách trở, ngàn xưa trăm đời xa xôi, mọi trao qua đổi lại, mọi xem xét đánh giá đều vẫn rõ ràng như bày ra trước mắt, rành rọt như trỏ bàn tay vậy"[3]. Từ cách diễn đạt ấy để nói đôi điều về ông Sáu Dân vào cái ngày ông đã tuyệt đối nằm xuống, để rồi hôm nay là ngày Giỗ lần thứ tư của ông, 11.6.2012.

Đúng là thời gian, theo quy luật khắc nghiệt của nó, sẽ xóa mờ đi tất cả; nhưng cũng còn một quy luật khác, mạnh mẽ không kém: có những điều, những con người mà thời gian, ngược lại, sẽ chỉ soi sáng thêm lên, vừa ngày càng rõ ràng, rỡ ràng, vừa như mãi còn bí ẩn. Như ngọn núi kia, càng đứng xa ra mới càng đo được hết tầm cao và chiều sâu.[4]

Trước những diễn biến của thời cuộc trong bốn năm qua, càng ngẫm ra được sự thiếu vắng của con người ấy. Trong câu chuyện đời thường của bạn bè quanh chén trà bè bạn, một câu nói quen thuộc thường bật ra "Phải chi lúc này còn ông Sáu Dân". Đó là một xót xa hay một lời khen tặng? E cả hai!

Thời gian là ân huệ trong sự nghiệt ngã. Quả thật, "càng đứng ra xa mới càng đo được hết tầm cao và chiều sâu" của con người ấy. Để rồi trong cái "tầm cao" và "chiều sâu" của người cần tiếp tục được khám phá ấy, nếu ngay bây giờ đây thì chỉ một [chữ] thôi như cách của Lê Quý Đôn "lấy chữ "một" ấy mà xuyên suốt mọi việc" thì đó chính là chữ "DÂN"! Chỉ có điều cần phải nói rõ: chữ "dân" trong tư tưởng và trái tim của Sáu Dân gắn làm một với "dân chủ".

Chính chữ ấy là chìa khóa để giải mã "hiện tượng Võ Văn Kiệt". Vì, nói đến dân tộc, trước hếtsau cùng là phải nói đến "dân". Nói đến sức mạnh đại đoàn kết dân tộc cũng chính là nói đến DÂN, là sự gắn bó, thông cảm, tin tưởng và khoan dung giữa những "người trong một nước phải thương nhau cùng" trong tự tình dân tộc vốn trầm tích trong tâm hồn Việt Nam, truyền thống Việt Nam. Nhờ chân thành lắng nghe ý chí và nguyện vọng của dân, ra sức mở rộng dân chủ để khởi động và phát huy đến mức cao nhất trí tuệ của dân, mà ông có được tầm nhìn vượt xa lên phía trước. Với tầm nhìn ấy, Sáu Dân thường đưa ra những ý tưởng mang tính đột phá có sức gợi mở lớn trên những vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối nội và đối ngoại. Mà “đột phá” được là vì biết tắm mình trong biển cả nhân dân, học được từ dân tính năng động sáng tạo để bồi đắp cho trí tuệ của mình, khiến cho trí óc không bị xơ cứng vì những công thức cũ kỹ cứng nhắc, những giáo điều ẩm mốc đã bị cuộc sống vượt qua. Đột phá được là nhờ thật sự tin dân, học dân, phát huy dân.

Xin gợi lên vài mẩu chuyện sống động của chuyên "tin", "học" và phát huy này chỉ riêng trên lĩnh vực báo chí nhân ngày 21.6 sắp đến. Chẳng hạn, nếu không có một bản lĩnh với tầm nhìn vượt lên phía trước của ông Sáu Dân chắc sẽ khó mà tờ Tin Sáng được tiếp tục hoạt động sau ngày 30.4.1975 bên cạnh những tờ báo "cách mạng". Phải chăng nhờ đó mà người Sài Gòn không thấy quá hụt hẫng trong món ăn tinh thần hàng ngày quen thuộc của mình. Riêng về số lượng của món ăn tinh thần không thể thiếu ấy của người Sài Gòn, thì tính đến đến ngày 2.9.1975, nghĩa là 7 tháng sau, 3 triệu dân Sài Gòn lúc ấy đã có hai tờ nhật báoba tờ tuần báo dành cho phụ nữ, thanh niên và công nhân. Có lẽ cũng phải kể thêm là đến năm 1981, khi báo Tin Sáng được xem như đã xong "trách nhiệm lịch sử", chính ông Sáu Dân đã đặc biệt chú ý đến việc bố trí cho những nhà báo tâm huyết và có trình độ nghiệp vụ về làm việc tại các báo Sài Gòn Giải phóng, Tuổi Trẻ, Phụ Nữ... Chú ý đến điều này, vì ông Sáu Dân biết rất rõ vai trò của báo chí trong đời sống đô thị, "tấm gương tinh thần trong đó nhân dân nhìn thấy bản thân mình"[5], có lẽ ông đã thấu hiểu được sứ mệnh của báo chí và mong mỏi “báo chí sống trong nhân dân và trung thực chia sẻ với nhân dân niềm hy vọng và nỗi lo lắng của họ, tình yêu và lòng căm thù của họ, niềm vui và nỗi buồn của họ[6]. Để thực hiện được điều đó, người làm báo tâm huyết với đất nước, với nhân dân của mình phải có trình độ chuyên môn và thành thạo nghiệp vụ, chứ không đơn thuần chỉ cần "lập trường quan điểm vững vàng". Vì vậy, "bố trí công việc xong cho các anh chị "Tin Sáng" cũ, thỉnh thoảng ông lại mời các anh Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận để hỏi thăm tình hình, xem các anh chị về nơi mới có làm việc "êm" không, có khó khăn gì cần ông tác động giải quyết không"![7]

Một nhà trí thức Việt Nam sống ở nước ngoài có một đôi lần gặp ông, đã hiểu ra được một điều rất giản dị nhưng thật độc đáo: "Tại sao ông Sáu Dân để lại nhiều tình cảm đặc biệt nơi người trí thức? Chỉ đứng trên lĩnh vực trí thức mà thôi, câu trả lời là: Tại vì, ở cương vị quyền hành, ông đã biết nhìn và nhận người trí thức như vậy. Và tại vì, ở cuối đời, khi chỉ còn cây bút và hai bàn tay không, ông đã làm nhiệm vụ của một người trí thức – một người trí thức như thế". Và rồi, với Cao Huy Thuần, vị giáo sư đang giảng dạy tại Đại học Paris ấy thì "một người trí thức như thế" là người "không đánh mất khả năng tự phê phán, để biết tự mình khai phóng, tự mình đổi mới, tự mình phát triển, tự mình mở cửa cho tiến bộ, để trật tự và ổn định không đồng nghĩa với bất biến, ù lì".

Từ cách suy nghĩ và cách hành động của ông Sáu Dân nổi rõ một chân lý: Có phát huy dân chủ mới phát hiện và quy tụ được hiền tài, làm bừng nở trí tuệ và tài năng của mỗi người Việt Nam trong và ngoài nước, trước hết là của thế hệ trẻ, nguồn sinh lực của Tổ quốc. Có vậy mới tìm ra được giải pháp cho mọi tình huống. Từ cuộc sống nhẫn nại và quyết liệt của đồng bào mình, ông tiếp thu những nét thâm thúy và mộc mạc hòa quyện trong sự thông tuệ dân gian thấm đẫm chất văn hóa. Cùng với cái đó là những cố gắng tự làm giàu trí tuệ của mình bằng sự học hỏi và lắng nghe chuyên gia, những trí thức mà ông thật lòng quý trọng. Đó là suối nguồn bất tận làm nên một nhân cách văn hóa Sáu Dân, vừa có sự dung dị nhưng không kém sâu lắng, vừa bộc trực, hồn nhiên nhưng không thiếu phần minh triết và tế nhị trong ứng xử, trong quyết sách, những điều thể hiện một tầm vóc Võ Văn Kiệt.

Nhờ coi trọng dân, chân thành lắng nghe ý chí và nguyện vọng của dân, khởi động và phát huy đến mức cao nhất sức mạnh của dân mà ông Sáu Dân có được tầm nhìn vượt xa lên phía trước. Cho nên, "chỉ cần một chữ, chữ dân", hiểu thật rõ "ý dân là ý trời", chắc rằng mọi diễn biến phức tạp trong đời sống đang hàng ngày hàng giờ đặt ra một cách bức xúc như chuyện đất đai và khiếu kiện, cho đến chuyện Quốc hội bàn thảo những đạo luật như Luật biểu tình, Luật phòng chống tham nhũng... thì "mọi trao qua đổi lại, mọi xem xét đánh giá đều vẫn rõ ràng như bày ra trước mắt, rành rọt như trỏ bàn tay vậy".

Không dựa vào dân, lấy ý chí và nguyện vọng của dân làm thước đo cho mọi đúng sai của đường lối chính sách, của chủ trương giải pháp, không biết hoặc không dám phát huy sức mạnh của dân, lấy đó làm điểm tựa cho cuộc chỉnh đốn Đảng và cơ cấu lại nền kinh tế đang đứng trước những thách đố nghiệt ngã, mà chỉ dừng lại những lời rao giảng đạo đức hoặc những khẩu hiệu suông thì "mọi trao qua đổi lại, mọi xem xét đánh giá" sẽ chỉ lãng phí sức người, sức của, vừa cản trở sự phát triển, vừa xói mòn niềm tin của dân. Đó là lý do để tôi mạo muội đưa ra đôi điều vừa viết.

T. L.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

[1] Hồ Chí Minh. Toàn tập, tập 12. Chính trị Quốc gia: Hà Nội. 1996, tr.505.

[2] Hồ Chí Minh. Toàn tập, tập 4. Chính trị Quốc gia: Hà Nội. 1996, tr.1.

[3] Lê Quý Đôn. Quần thư khảo biện. Khoa học Xã hội: Hà Nội. 1995, tr.465.

[4] Võ Văn Kiệt. Người thắp lửa. Trẻ: TP HCM. 2010, tr.310.

[5] C. Mác và Ph. Ang-ghen. Toàn tập, tập I. Chính trị Quốc gia: Hà Nội. 1995. tr.99.

[6] C. Mác và Ph. Ang-ghen, Toàn tập, tập I. Chính trị Quốc gia: Hà Nội. tr.237.

[7] Võ Văn Kiệt. Người thắp lửa. Trẻ: TP HCM. 2010, tr.193.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn