Nhân ngày Thương binh Liệt sĩ 27-7: Hai lần cưỡng chế mấy lần đau

Đức Thành

Chúng tôi về thăm gia đình bà mẹ Việt Nam Anh hùng Hạ Thị Tý, tình cờ được biết gia đình đang chuẩn bị ngày giỗ thứ 14 cho Mẹ. Thắp nén nhang lên bàn thờ mẹ chúng tôi cầu mong dưới suối vàng linh hồn mẹ được siêu thoát. Nhưng thực lòng chúng tôi vẫn còn ngổn ngang bởi những tài sản hợp pháp của mẹ để lại chưa biết đến bao giờ mới được Đảng và Nhà nước trả lại cho gia đình mẹ…

clip_image002

Ảnh và bàn thờ Mẹ Việt Nam Anh hùng Hạ Thị Tý

NHỮNG TÀI SẢN BỊ LẤY ĐI LẦN THỨ NHẤT

Ngôi nhà cũ lợp ngói 5 gian do Mẹ Việt Nam Anh hùng Hạ Thị Tý xây dựng nay là nơi thờ cúng mẹ và là nơi sinh sống duy nhất của con cháu chắt Mẹ, đã ngập bóng thời gian. Ông Lưu Quốc Láng là cháu đích tôn của Mẹ, cho biết nay đã có cháu gọi bằng ông nhưng ông vẫn phải ở trong ngôi nhà này vì không có điều kiện xây dựng mới. Ông là người năng nổ, hoạt bát, có tư chất thông minh – ông vẫn thường giải toán cấp III giúp các cháu trong xóm mỗi khi các cháu gặp phải những bài toán khó. Bà con trong xóm, thậm chí cả hộ nghèo nhờ nhà nước hỗ trợ, ai cũng xây được nhà mới, chúng tôi mạo muội hỏi ông về gia cảnh. Ông nghẹn ngào kể lại trong khi hai giọt nước mắt cứ từ từ lăn trên hai gò má hốc hác của ông. Tiếng kể đứt quãng bởi ông nhiều lần phải lấy khăn chấm mắt…

Đó là vào năm 1995. Ông bỗng nhiên bị công an huyện gọi lên gọi xuống để giải trình về việc “lập phương án giả thu thuế và sản phẩm”. Ngay sau đó ông bị đình chỉ công việc kế toán ở Hợp tác xã nông nghiệp Chi Đông. Ông nghĩ đơn giản mình là nông dân làm gì chẳng được, không làm việc này thì làm việc khác nhưng bà con trong thôn xóm nghe nói rằng có tham ô thuế ở HTX Nông Nghiệp. đã khiếu kiện đông người nhiều lần trong các năm 1996, 1997, yêu cầu xã, huyện trả phần thóc thừa của dân. Khoảng cuối năm 1996 ông tình cờ xem được bản kết luận số 415/BC ngày 15/12/1995 của Công an huyện Mê Linh kết luận ông là kế toán đội cùng với đội trưởng đội 1 đã bàn nhau nâng phương án giả để ăn chia chênh lệch tại đội 1 với số lượng là 4,6 tấn thóc vụ mùa 1995 và công an huyện đã đề xuất UBND Huyện và Huyện uỷ chỉ xử lý hành chính chứ không xử lý hình sự đối với ông vì ông đang nuôi bà Mẹ Việt Nam Anh hùng (ông không được nhận cái công văn này). Quá bất ngờ về việc này vì ông làm theo sự chỉ đạo của UBND xã, Ban chủ nhiệm HTX và phương án mà ông đã lập được áp dụng cho 8 đội sản xuất khác nên nếu là phương án giả thì cả toàn bộ 9 đội sản xuất đều thu theo phương án giả và các kế toán khác cũng phải nghỉ việc. Tại sao lại chỉ có ông và đội trưởng đội 1 phải nghỉ việc?

Ông Nguyễn Văn Ngọc người cùng xóm với ông Láng cho biết là HTX nông nghiệp Chi Đông vẫn thu theo phương án mà Công an Mê Linh kết luận là phương án giả, đến hết năm 1999. Do đó ông đã tố giác HTX Chi Đông thu thừa và tham ô 754 tấn thóc nhưng không được Công an huyện Mê Linh và Công an tỉnh Vĩnh Phúc xử lý theo thủ tục tố tụng hình sự.

Chuyện đến tai bà nội ông. Ông bị cụ bắt nằm xuống nền nhà dùng gậy vạng cho hai nhát gậy vào mông rồi cụ khóc…, rồi cụ bắt con cháu chở cụ xuống xã, lên huyện để hỏi “Nếu cháu đích tôn của cụ có sai trái gì thì yêu cầu nhà nước bắt nó đi tù để cải tạo nó trở thành người tốt, Còn nó không sai trái thì cũng trả lời để cụ biết đường dạy cháu chắt cụ”.

Những tưởng đề nghị cuối đời của một bà mẹ Việt Nam Anh hùng rất chính đáng đó sẽ được các cơ quan chức năng của huyện của xã trả lời một cách rõ ràng đúng pháp luật, nhưng không, UBND xã Quang Minh lại trả lời cụ bằng cách khác: Chủ tịch UBND xã Quang Minh ra Quyết định số 102/QĐ-UB cưỡng chế những hộ dân “cố tình không đóng thuế sử dụng đất nông nghiệp” vụ xuân năm 1997 trong đó có gia đình Lưu Văn Quang (em ruột ông Láng) và thành lập đoàn cưỡng chế do Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng Công an xã làm trưởng đoàn.

Vụ cưỡng chế này được UBND xã Quang Minh tổ chức thực hiện vào Chủ nhật ngày 31/8/1997, có lực lượng Công an huyện cùng tham gia. Đoàn đến gia đình ông Lưu Văn Quang “cưỡng chế” một bộ gỗ hậu sự của bà mẹ Việt Nam Anh hùng Hạ Thị Tý. Ông Quang và mẹ ông đã trình bày rõ: “Đây là gỗ hậu sự của bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các anh không được lấy đi. Tôi đã đóng thuế đầy đủ rồi có phiếu thu đây các anh hãy xem cho rõ”. Đoàn cưỡng chế vẫn không thèm xem và còn tịch thu một cái quạt cây của gia đình.

- Không có căn cứ pháp lý để khẳng định ông Quang còn nợ đọng thuế sử dụng đất nông nghiệp

- Việc UBND xã Quang Minh cưỡng chế thu giữ tài sản là không đúng

- Yêu cầu UBND huyện Mê Linh và UBND xã Quang Minh tổ chức xin lỗi gia đình.

- Đây là văn bản giải quyết cuối cùng có hiệu lực thi hành

(Trích thông báo 08/TB-ĐCT Đoàn công tác liên ngành của Chính phủ)

Tuổi cao, sức yếu, Mẹ Việt Nam Anh hùng Hạ Thị Tý phải lặn lội lên huyện, lên tỉnh để hỏi bộ gỗ hậu sự do Cụ tự mua sắm cho mình khỏi phiền lụy đến con cháu nay ở đâu và tại sao anh Quang cháu Cụ lại nợ thuế. Để nếu thiếu thì Cụ đóng cho chứ là gia đình chính sách không thể vì có công với nước mà chây ỳ thuế của Nhà nước được. Con cháu Cụ đã gàn Cụ không cho Cụ đi nhưng Cụ vẫn căn dặn con cháu còn sống ngày nào Cụ phải làm rõ để dạy con cháu. Do quá đau khổ và chờ đợi một cách mỏi mòn các cơ quan của Đảng và nhà nước trả lời cho Cụ, cộng với tuổi cao sức yếu Cụ đã tạ thế vào ngày 22/2/1998. Gia đình họ tộc phải mua sắm cho Cụ một bộ hậu sự khác. Như vậy lúc ra đi bà mẹ Việt Nam Anh hùng Hạ Thị Tý đã không được nằm trong bộ gỗ do mình tự sắm.

Ông Lưu Quốc Láng người trực tiếp nuôi dưỡng Cụ và là người thờ cúng Cụ đã tiếp nối con đường của Cụ đi hỏi và yêu cầu cơ quan chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc trả lời em ông – Lưu Văn Quang – có nợ thuế không và gỗ hậu sự là tài sản của mẹ Việt Nam Anh hùng Hạ Thị Tý hiện ở đâu. Những câu hỏi này đều không được các cơ quan chức năng của tỉnh và của huyện trả lời và làm rõ.

Khi đọc kết luận 08của Đoàn công tác Chính Phủ một số nông dân thắc mắc tại sao ông Nguyễn Minh Hải Chủ Tịch UBND Xã Quang Minh – người ký quyết định khẳng định ông Quang nợ thuế và ký quyết định thành lập đoàn cưỡng chế để thu thuế không bị xử lý kỷ luật gì mà còn được lên chức làm Bí thư Đoàn Huyện, rồi cán bộ Ban tuyên giáo Huyện Uỷ nay đương chức chủ nhiệm UBKT Huyện Uỷ Mê Linh. Còn ông Thuyết Phó chủ tịch Xã chỉ là người thực hiện quyết định của ông Hải lại một mình bị xử lý kỷ luật thì kỷ cương phép nước nằm ở đâu?

Phải hơn ba năm sau ngày Cụ Tý mất, Đoàn công tác Chính phủ mới có thông báo kết luận số 08/TB-ĐCT ngày 17/4/2001 gửi cho gia đình với nội dung anh Lưu Văn Quang không nợ đọng thuế sử dụng đất nông nghiệp do đó việc cưỡng chế thu giữ tài sản là không đúng.

Nhận được văn bản này ông Láng đã dâng lên bàn thờ Cụ để báo cáo. Rằng ông đã làm được phần việc Cụ đã trăng trối để lại cho ông, là phải làm rõ ông Quang em ruột ông có nợ thuế hay không.

Giờ ông chỉ việc chờ đợi tỉnh, huyện, xã thực thi kết luận này của Đoàn công tác Chính phủ. Nhưng, lại một chữ nhưng hết sức ngỡ ngàng và bàng hoàng, không biết bộ gỗ hậu sự do bà nội ông tự sắm cho mình từ ngày xưa có phải là gỗ Sưa quý giá mấy chục triệu đồng 1kg hay không mà không thấy cơ quan nào của tỉnh, huyện, xã về trả cho gia đình ông. Và không thấy họ trả gỗ hậu sự và quạt nên ông cũng chẳng hy vọng họ tổ chức xin lỗi theo kết luận có hiệu lực kể trên của Đoàn công tác Chính phủ. Nhưng ông đã phần nào yên tâm phấn khởi, yên tâm làm ăn phát triển kinh tế gia đình vì sự việc về em ông đã rõ.

VÀ LẦN THỨ HAI BỊ LẤY TÀI SẢN

Vẫn giọng kể chầm chậm buồn buồn, thỉnh thoảng phải ngắt quãng vì nghèn nghẹn nơi cổ, ông Láng vẫn tiếp tục câu chuyện gia đình mình trong lần thứ hai tài sản của bà nội ông bị một số cán bộ xã Quang Minh “cướp trắng” tài sản là đất của bà nội ông.

Theo luật sư Quản Văn Minh và luật sư Nguyễn Bích Lan văn phòng luật sư số 5. Đoàn luật sư Hà Nội thì việc lập di chúc miệng này là phù hợp với Bộ luật Dân sự 1995

Cuối năm 1996 ông được Cụ Hạ Văn Tồ, em mẹ Việt Nam Anh hùng Hạ Thị Tý, cùng ông Hạ Văn Sử con trai cụ Hạ Văn Bổn và là chú của ông giao cho ông một bản di chúc với nội dung Chuôm Đồng Gồng (còn gọi là Hồ hoặc Ao Đồng Gồng) là tài sản của bà nội cháu Láng nay giao trả cho cháu Láng.

Cùng với việc giao tờ di chúc này Cụ Tồ, ông Sử còn giao một giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất được cấp năm 1956, một giấy hợp đồng thầu khoán giữa gia đình Cụ Bổn là người giao thầu và bên nhận thầu là ông Nguyễn Xuân Tỵ, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Chi Đông.

Khi luật sư hỏi đại diện UBND Xã Quang Minh là có chứng cứ nào để chứng minh Chuôm Ao Đông giống đó đã được công hữu. Đại diện UBND Xã đã không trả lời được.

Thực hiện di chúc này ông Láng đã lập tờ khai diện tích đóng thuế có xác nhận của HTX nông nghiệp Chi Đông. Căn cứ tờ khai thuế này UBND xã Quang Minh đã lập sổ bộ thuế để thu thuế đối với các diện tích mà ông đã khai.

Năm 2002 ông huy động toàn bộ gia đình tiến hành cải tạo nạo vét mảnh Chuôm Đồng Gồng (thửa đất mà Cụ Tý đã để lại) để thả cá và trồng cây, làm lều trông cá thì bị UBND huyện Mê Linh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với nội dung là ông đã lấn chiếm đất công (?!) và quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình trên đất công.

Theo ông Láng thì Day là tài sản hợp pháp của bà nội ông, ông được thừa kế hợp pháp, được UBND xã Quang Minh thừa nhận nay lại bị chính UBND xã Quang Minh và UBND huyện Mê Linh coi đó là đất công để ngăn chặn việc sử dụng hợp pháp của gia đình ông trên mảnh đất đó. Ông cho biết thêm ông thả cá thì bị bỏ thuốc sâu cá chết hết, đổ đất lấp ao làm vườn cây thì bị đình chỉ. Năm 2010 ông có đơn trình bày và cung cấp cho UBND thị trấn Chi Đông (UBND thị trấn Chi Đông được tách ra từ UBND xã Quang Minh từ tháng 5/2008) toàn bộ giấy tờ để chứng minh thửa ao này thuộc tài sản của bà nội ông – Mẹ Việt Nam Anh Hùng Hạ Thị Tý – nhưng vẫn không được đáp ứng. Ông cho biết thửa ao này đang bị một số cá nhân là người thân thích ruột thịt của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND thị trấn chiếm dụng trái phép làm bến bãi tập kết buôn bán vật liệu xây dựng. Quá bức xúc, ông đã nhiều lần gửi đơn đến Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội để đề nghị giải quyết cho ông nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm.

clip_image009

Đất của Mẹ Việt Nam Anh hùng Hạ Thị Tý đang bị chiếm dụng trái phép

Theo một số người dân Chi Đông cho biết cùng một dải đất với Chuôm Đông gồng này có người đã bán đến 35 triệu đồng một mét vuông. Nên nếu hợp thức được Chuôm Đồng Gồng này thì một số cá nhân chiếm dụng được nó bỗng nhiên có trong tay nhiều chục tỷ đồng.

Với trách nghiệm là người thờ cúng bà mẹ Việt Nam Anh hùng Hạ Thị Tý và là người có trách nhiệm gìn giữ và tôn tạo những tài sản của bà nội ông để lại, ông vẫn mong mỏi các ngành chức năng của thành phố Hà Nội sớm giải quyết cho ông để tài sản của một bà mẹ Việt Nam Anh hùng sớm trở về đúng chủ sở hữu của nó.

Nghe xong câu chuyện buồn về những tài sản có giá trị của bà mẹ Việt Nam Anh hùng Hạ Thị Tý bị lấy đi bởi các cán bộ đương chức của thị trấn Chi Đông, huyện Mê Linh, chúng tôi càng buồn hơn, lòng thầm ước những tài sản chính đáng của Mẹ sớm được trả về cho gia đình Mẹ.

Chúng tôi thiết nghĩ rằng khi công dân có đơn thư kiến nghị phản ánh, các cơ quan chức năng. UBND thành phố cần có cách thức giải quyết phù hợp khách quan đúng tinh thần của luật pháp. Nhất là những gia đình có công với Cách mạng như trường hợp gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng Hạ Thị Tý, để đảm bảo công bằng kỷ cương của luật pháp.

Điện thoại của ông Láng (người thờ cúng Mẹ Việt Nam Anh hùng Hạ Thị Tý): 01652320351

Đ. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn