Mọi điều bạn tưởng bạn biết về Trung Quốc là sai lầm

(Có phải chúng ta quá bị ám ảnh về sự trỗi dậy của TQ trong khi lẽ ra chúng ta phải lo lắng về sự suy sụp của nó)

Minxin Pei, Foreign Policy, 29-8-2012

Trần Ngọc Cư dịch

Trong 40 năm qua, người Mỹ thường chậm chạp trong việc nhận ra vận nước đang đi xuống của các đối thủ bên ngoài. Trong thập niên 1970 họ coi Liên Xô cao hơn họ một cái đầu – đang ở thế đi lên, mặc dù nạn tham nhũng và tình trạng thiếu hiệu năng đang phá hủy những cơ quan trọng yếu của một chế độ cộng sản đang suy tàn. Vào cuối thập niên 1980, người Mỹ sợ Nhật Bản đang qua mặt Hoa Kỳ về sức mạnh kinh tế. Nhưng chủ nghĩa tư bản thân hữu (crony capitalism), cơn điên đầu cơ, và nạn lạm quyền chính trị biểu hiện suốt thập niên 1980 đã dẫn đến sự suy sụp của kinh tế Nhật Bản năm 1991.

Có thể người Mỹ đang mang một bệnh tưởng tương tự khi nghĩ đến Trung Quốc hiện nay chăng? Những tin tức gần đây nhất từ Bắc Kinh cho thấy sự suy yếu của Trung Quốc (TQ): tăng trưởng kinh tế liên tục chậm lại, hàng hóa ứ đọng vì sản xuất ra mà không bán được, số nợ xấu ngân hàng đang gia tăng, bong bóng đầu tư bất động sản đang theo nhau nổ, và một cuộc tranh giành quyền lực thô bạo đang diễn ở chóp bu, cùng với những xì-căng-đan chính trị xảy ra gần như bất tận. Nhiều yếu tố từng thúc đẩy sự trỗi dậy của Trung Quốc, như lợi thế dân số, thái độ coi thường môi trường, lao động siêu rẻ, và khả năng tiếp cận các thị trường nước ngoài gần như bất tận, hoặc đang thu hẹp hoặc đang biến mất.

Nhưng ngay cả các giới chóp bu Mỹ cũng không ghi nhận được thế đi xuống của  Trung Quốc, nói chi đến công chúng Mỹ. Chiến lược “xoay trục qua châu Á” (pivot to Asia) của Tổng thống Barack Obama, được công bố vào tháng 11 năm ngoái và thường được đề cao, xây dựng trên tiền đề là Trung Quốc liên tục đi lên. Lầu Năm góc tuyên bố rằng vào trước năm 2020 khoảng 60% hạm đội của Hải quân Mỹ sẽ được đóng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Washington cũng đang cân nhắc triển khai các hệ thống hải vận chống tên lửa (sea-borne anti-missile sytems) tại Đông Á, một động thái phản ánh những lo lắng của Mỹ về các lực lượng tên lửa đang gia tăng của Trung Quốc.

Trong cuộc vận động dẫn đến ngày bầu cử Tổng thống, 6 tháng 11 sắp đến, cả phe Dân chủ lẫn phe Cộng hòa đều nhấn mạnh sức mạnh bên ngoài của TQ vì những lý do vừa nhân danh an ninh quốc gia vừa tùy tiện chính trị. Phe Dân chủ dùng sức mạnh kinh tế đang lên của Trung Quốc để kêu gọi Chính phủ đầu tư thêm nữa vào giáo dục và công nghệ môi trường. Vào cuối tháng Tám, Trung tâm Vì tiến bộ Mỹ (the Center for American Progress) và Trung tâm Vì thế hệ mai sau (the Center for the Next Generation), hai cơ quan nghiên cứu chính sách tả khuynh, đã đưa ra một báo cáo tiên đoán rằng Trung Quốc sẽ có 200 triệu người có trình độ đại học trước năm 2030. Bản báo cáo (cũng dự đoán tiến bộ của Ấn Độ trong việc tạo vốn con người/human capital) đã vẽ một bức tranh ảm đạm về sự suy yếu của Mỹ và đòi hỏi những hành động cương quyết. Phe Cộng hòa thì bênh vực cho việc gia tăng ngân sách quốc phòng trong một thời kỳ mà những con số thâm thủng đã cao ngất trời, một phần bằng cách trích dẫn những tiên đoán cho rằng các khả năng quân sự của Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng khi kinh tế nước này bành trướng. Chương trình tranh cử 2012 của Đảng Cộng hòa, được đưa ra vào cuối tháng 8 tại Đại hội Quốc gia Đảng Cộng hòa, nói: “Đối diện với việc Trung Quốc tăng tốc xây dựng các lực lượng quân sự, Mỹ và đồng minh phải duy trì các khả năng quân sự thích ứng để ngăn cản hành vi xâm lược và o ép của Trung Quốc đối với các nước láng giềng”.

Sự không ăn nhập (disconnect) vẫn tiếp tục tồn tại, giữa một bên là những rối loạn đang sôi sục tại Trung Quốc và bên kia là cảm thức có vẻ chắc nịch của Mỹ về sức mạnh TQ, mặc dù các phương tiện truyền thông Mỹ mô tả tình hình TQ rất chính xác, nhất là về những suy yếu nội lực của nước này. Một lối giải thích cho sự không ăn nhập này là, giới tinh anh cũng như người dân bình thường tại Mỹ không được thông tin đầy đủ về Trung Quốc và về bản chất của những thách thức kinh tế mà TQ sẽ gặp phải trong những thập kỷ tới. Những tệ nạn kinh tế của Trung Quốc có gốc rễ sâu xa hơn thế nữa: đó là một nhà nước đồ sộ đang phung phí tiền vốn và đang chèn ép để đẩy khu vực tư ra ngoài sinh hoạt kinh tế, đó là sự thiếu hiệu năng và thiếu sáng kiến có tính hệ thống, đó là một giai cấp thống trị ở chóp bu tham lam vô độ chỉ biết vinh thân phì gia và duy trì đặc quyền đặc lợi, đó là một khu vực tài chính kém phát triển đến thảm hại, và đó là những sức ép môi trường và dân số chồng chất lên nhau. Nhưng ngay cả những người có theo dõi tình hình Trung Quốc, tư duy nổi bật vẫn là, mặc dù Trung Quốc đã đi vào một giai đoạn gập ghềnh, những yếu tố kinh tế cơ bản vẫn còn mạnh.

Những cảm thức của người Mỹ về tình hình trong nước mình đã ảnh hưởng cách nhìn của họ đối với các địch thủ bên ngoài. Chẳng phải là một sự trùng hợp tình cờ mà giai đoạn thuộc thập niên 1970 và thập niên 1980, khi người Mỹ không nhận ra những dấu hiệu suy yếu của các nước thù địch, cũng là giai đoạn mà dân Mỹ rất bất mãn với các thành tích của nước mình (chẳng hạn được phản ánh trong “bài diễn văn về căn bệnh của Mỹ” của Tổng thống Jimmy Carter, năm 1979). Ngày nay, một Trung Quốc có mức tăng trưởng kinh tế giảm sút từ 10% xuống 8% một năm (như hiện nay) vẫn còn trông sáng sủa so với một nước Mỹ có mức tăng trưởng èo uột dưới 2% và tỉ số thất nghiệp trên 8%. Trong con mắt của người Mỹ, mặc dù tình hình bên kia có thể xấu đi, nhưng tình hình ở đây còn tồi tệ hơn nhiều.

Sở dĩ những cảm thức về một Trung Quốc hùng cường và hãnh tiến vẫn tồn tại là do các hành vi hiện nay của Bắc Kinh. ĐCSTQ đang cầm quyền tiếp tục khai thác những tình cảm dân tộc chủ nghĩa để nâng cao uy tín của mình như là những chiến sĩ bảo vệ danh dự Tổ quốc. Báo đài nhà nước và sách giáo khoa môn lịch sử đã nhồi nhét vào đầu óc thế hệ trẻ một món ăn tinh thần gồm những sự kiện bị bóp méo nhằm đề cao niềm tự hào dân tộc, những láo khoét trắng trợn, và những huyền thoại về lòng yêu nước, dễ dàng kích động những tình cảm bài phương Tây và bài Nhật. Thậm chí đáng lo ngại hơn nữa là lập trường không khoan nhượng của Bắc Kinh về các tranh chấp lãnh thổ với các đồng minh chính của Mỹ tại châu Á, như Nhật Bản và Philippines. Một cuộc tranh chấp lãnh hải, đặc biệt tại Biển Đông Việt Nam, có thể dẫn đến xung đột vũ trang. Đây là một mối nguy đã thực sự khiến nhiều người Mỹ tin rằng họ không thể để mất cảnh giác đối với Trung Quốc.

Điều đáng tiếc là, sự chênh lệch giữa cảm thức của người Mỹ về sức mạnh TQ và hiện thực yếu kém của TQ có những hậu quả tai hại trên thực tế. Bắc Kinh sẽ lợi dụng những luận điệu bài Trung Quốc và sự tăng cường thế phòng thủ của Mỹ tại Đông Á như một bằng chứng hùng hồn về thái độ thù nghịch của Washington. Đảng Cộng sản sẽ đổ lỗi cho Mỹ về những khó khăn kinh tế và thất bại ngoại giao của họ. Óc bài ngoại có thể trở thành một lợi khí cho một chế độ đang vùng vẫy để sống còn trong thời kỳ khó khăn. Nhiều người TQ đã quy trách nhiệm cho Mỹ về những hành động leo thang gần đây trong cuộc tranh chấp Biển Đông, và họ đã cho rằng Mỹ đã xúi giục Hà Nội và Manila lao vào một cuộc đối đầu với Trung Quốc.

Hậu quả nghiêm trọng nhất của tình trạng sai biệt giữa cảm thức và thực tế này là việc Mỹ mất một cơ hội để duyệt xét lại chính sách đối với Trung Quốc và để chuẩn bị cho khả năng, theo đó hướng đi lên của TQ có thể bị gián đoạn trong vòng hai thập niên tới. Cột trụ chính trong chính sách TQ của Washington là duy trì nguyên trạng (the status quo), một thế giới trong đó sự cai trị của ĐCSTQ được giả định là sẽ tồn tại hàng chục năm. Những giả định tương tự đã làm cơ sở cho các chính sách của Washington đối với Liên Xô cũ, với Indonesia dưới thời Suharto, và gần đây với Ai Cập dưới thời Hosni Mubarak và Libya dưới thời Muammar al-Qaddafi. Thái độ coi thường khả năng thay đổi chế độ tại các nước độc tài bề ngoài có vẻ ổn định đã trở thành một lề thói ăn sâu vào não trạng của các quan chức tại Washington.

Mỹ phải đánh giá lại những tiền đề cơ bản trong chính sách Trung Quốc của mình và nghiêm chỉnh cân nhắc một chiến lược thay thế, một chiến lược đặt cơ sở trên giả định về sự suy yếu của Trung Quốc và khả năng ngày một gia tăng về một cuộc chuyển đổi dân chủ bất ngờ trong vòng hai thập niên tới. Nếu một sự thay đổi như thế diễn ra, quan cảnh địa chính trị châu Á sẽ biến chuyển đến mức không thể nhận ra. Chế độ Bắc Triều Tiên sẽ sụp đổ một sớm một chiều, và Bản đảo Triều Tiên sẽ được thống nhất. Một làn sóng gồm những chuyển biến dân chủ sẽ cuốn qua khu vực, lật nhào các chế độ cộng sản tại các nước châu Á. Nhưng, ẩn số lớn nhất và quan trọng nhất có liên quan tới bản thân Trung Quốc: Liệu một nước suy yếu hay đang suy yếu với dân số 1,3 tỉ người có thể quản lý một chuyển đổi hoà bình sang chế độ dân chủ hay không?

Hẳn nhiên, vẫn còn quá sớm để ta loại bỏ khả năng thích nghi và đổi mới của ĐCSTQ. Trung Quốc cũng có thể phục hồi mạnh mẽ trong vài năm tới, và Mỹ không nên coi thường khả năng này. Nhưng sự sụp đổ của ĐCSTQ cũng là một khả năng không thể loại trừ, và những dấu hiệu bất ổn hiện nay tại Trung Quốc đang cung cấp những chỉ dấu vô giá về một biến chuyển long trời lở đất rất có thể xảy ra. Những nhà hoạch định chính sách Mỹ chắc chắn sẽ phạm thêm một sai lầm chiến lược có tầm vóc lịch sử nếu họ không đọc được hoặc đọc sai những dấu hiệu này.

T.N.C.

Minxin Pei là Giáo sư môn chính phủ tại Đại học Claremongt McKenna và là một nhà nghiên cứu cao cấp không thường trú tại Quỹ Marshall Đức của Mỹ.

Nguồn: http://www.foreignpolicy.com

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn