Đảng Cộng sản Việt Nam thiếu độc lập sáng tạo

PV Quốc Doanh

Đầu năm mới, tôi suy nghĩ về Đảng Cộng sản Việt Nam như một lẽ đương nhiên, vì tôi là đảng viên của Đảng. Năm nay, càng suy nghĩ tôi càng thấy, Đảng của tôi hoá ra rất thiếu độc lập sáng tạo trong đường lối, nhất là về xây dựng đất nước, không phải như một số vị lãnh đạo Đảng thường nói “Đảng ta độc lập sáng tạo”.

Trước tiên, dù hơi dài dòng nhưng tôi xin trích dẫn bài viết của GS Phạm Duy Hiển đăng trên Vietnamnet vào năm 2006. GS Hiển viết: “Còn quá ít bài báo quốc tế có địa chỉ Việt Nam. Hiện nay, hàng năm ước tính có đến 800.000 bài báo thuộc 21 ngành KH&CN được công bố trên gần 6.000 tạp chí quốc tế […]. Đứng đầu là Mỹ, khoảng 300.000 (vì con số quá lớn nên không thể thống kê thật chính xác), sau đó đến Nhật (75.000), và các nước tiên tiến có nền khoa học lâu đời như Đức (66.000), Anh (59.000), Pháp (47.000) hoặc đông dân như Trung Quốc (57.000).

Mười năm qua (1995-2004), số bài báo khoa học có địa chỉ Việt Nam xuất hiện trên các tạp chí quốc tế tăng từ 204 bài năm 1995 lên 456 bài năm 2004, cả thảy có 3.236 bài. Nhưng trong số này, hơn 2.400 bài (quá 3/4) là của các tác giả Việt Nam đứng chung tên với người nước ngoài, chỉ có gần 800 bài là "thuần Việt", được thực hiện chủ yếu bằng nguồn nội lực. Số lượng quá ít ỏi này lại cứ dẫm chân tại chỗ quanh con số 80 bài mỗi năm suốt thời gian qua” (hết trích).

Cái con số gần 800 bài “thuần Việt”, trong bảng thống kê kèm theo, GS Hiển cho con số chính xác là 798 bài, chiếm gần 0,1% tổng số bài báo trên thế giới. Còn xét theo ngành, cũng bảng thống kê của GS Hiển, toán học đứng đầu với 300 bài, tiếp theo là các ngành khoa học tự nhiên, riêng ngành Khoa học Xã hội Nhân văn có 14 bài và 5 ngành mà GS Hiển gộp chung là “các khoa học khác” có 36 bài.

Rất tiếc, trong bảng thống kê, GS Hiển không phân tích tiếp những bài báo khoa học (thực chất là những công trình khoa học) ấy, bao nhiêu bài của những lĩnh vực có giá trị trực tiếp góp phần vào xây dựng đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chắc chắn các ngành như toán học, y học, hoá học, khoa học polyme… không trực tiếp góp phần vào xây dựng đường lối khoa học của Đảng. Nên tôi xin phép suy luận lối “vơ vào cho Đảng của mình”, là 14 bài “Khoa học Xã hội Nhân văn” và 36 bài “các khoa học khác” đều có giá trị góp phần vào xây dựng đường lối của Đảng, tổng cộng 50 bài, chiếm hơn 6,26% tổng số bài báo “thuần Việt”. Còn so với tổng số bài báo khoa học trên thế giới, sẽ là một con số vô cùng nhỏ bé.

Nhưng con số vô cùng nhỏ bé mà tôi “vơ vào cho Đảng của mình” ấy vẫn là con số vô cùng đáng phấn khởi nếu so với những gì thể hiện trong đường lối của Đảng. Các nghị quyết Đảng công bố sau các kỳ đại hội đại biểu toàn quốc kể từ năm 1976 đến nay, rất hiếm hoi nội dung riêng có của Đảng Cộng sản Việt Nam. “Tư tưởng Hồ Chí Minh” đấu tranh với nhau mãi mới đưa được vào thì thực tế cũng bị đè bẹp dưới “chủ nghĩa Mác – Lê Nin”. Mọi thứ “nền tảng”, “kim chỉ nam” đều rập khuôn hay bắt chước nước ngoài, cho đến “nền tảng kinh tế”, “hình thức kinh tế” thậm chí là “mô hình kinh tế” cũng bắt nguồn xa lạ.

Đọc hà sa báo và tạp chí của Đảng Cộng sản Việt Nam, cả những tạp chí gọi là lý luận của Đảng, tịnh không phát hiện được điều gì mới mẻ, chỉ có những tư tưởng ngoại lai, tư duy ngoại lai, từ ngữ ngoại lai đã được nhai đi nhai lại mấy chục năm qua. Có cái gì nhai đi nhai lại từ khoảng nửa thế kỷ trở lên, nhai quanh năm suốt tháng mà còn bổ béo? Tôi cất công hỏi một số người “có lý luận Đảng”, xin chỉ cho tôi những nội dung khoa học của riêng Việt Nam trong đường lối của Đảng, họ đều bẽn lẽn lảng tránh hoặc khinh khỉnh làm lơ. Có vị tiến sỹ ở một tạp chí lý luận của Đảng trả lời “tôi đã từng có ý kiến là dẹp bỏ tờ tạp chí này cho đỡ tốn tiền của dân”. Một vị hay viết cho tạp chí xây dựng Đảng thì sau thời gian, bỏ đi viết mạng “lề trái”.

Một nỗi buồn ghê gớm xâm chiếm lòng tôi. Tìm hiểu về nội dung khoa học trong đường lối của Đảng của tôi, mà sao ngày thêm cô đơn, hoang mang? Thỉnh thoảng, trên báo chí xuất hiện bài của các vị là “nhà lý luận của Đảng” thì ngay lập tức, trên mạng có nhiều phê phán mà không cãi lại được như bài của ông Hà Đăng viết về niềm tin với Đảng dịp Tết này. Các “nhà lý luận” của một Đảng lãnh đạo công khai mà cứ như lén lút, thậm thụt nói rồi buông, không có dũng khí đương đầu bảo vệ chính kiến. Hay họ vốn cũng không có dũng khí, không có chính kiến, thiếu độc lập sáng tạo quen rồi? Đảng của Bác Hồ sáng lập một thời “là đạo đức, là văn minh”, bao giờ có độc lập sáng tạo trở lại?

Tết Quý Tỵ

PV.Q.D.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn