Luận cứ cơ bản bảo vệ quyền của người dân bị thu hồi đất một cách bất công

Luật sư Hà Huy Sơn

Đất đai là một loại của cải. Nguyên tắc chung của của cải là thuộc về toàn xã hội. Mọi hình thức tư hữu về của cải đều có giới hạn tương đối, tư hữu của cải không phải là tuyệt đối. Của cải thuộc về toàn xã hội là một giá trị tự nhiên và là một định chế tiến bộ. Mặt khác của cải không phải là không có người quản lý, không có người sử dụng.

Của cải xã hội phải được sử dụng vì lợi ích của toàn xã hội và bảo đảm công bằng.

Hiến pháp năm 2013, quy định:

Điều 53.

Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Điều 54.

1. Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ.

3. Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật.

4. Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết do luật định để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.

Luật đất đai 2013, quy định:

Điều 4. Sở hữu đất đai

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này.

Như vậy, pháp luật quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Quy định này tuân theo giá trị phổ quát – của cải thuộc về xã hội. Đất đai do nhà nước đại diện chủ sở hữu, nhà nước có quyền thu hồi đất đai của mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội. Nhưng nhà nước hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Vì vậy, nếu chỉ phụ thuộc vào một phía là nhà nước thì không thể đảm bảo được công bằng xã hội trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai; không đảm bảo đất đai sẽ được sử dụng vì lợi ích chung của toàn xã hội. Thực trạng này chính là nguyên nhân phát sinh mọi bất công xã hội trong lĩnh vực đất đai hiện nay.

Tôi cho rằng để hạn chế bất công đó thì nhà nước cần phải bổ sung, thừa nhận quyền tư hữu về đất đai bên cạnh quyền sở hữu toàn dân về đất đai. Người dân sẽ có thêm công cụ pháp lý mạnh mẽ để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình trong lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên tư hữu về đất đai vẫn có giới hạn khi nhà nước thu hồi đất và phải bồi thường theo giá thị trường.

Theo pháp luật hiện nay: Khung giá đất do chính phủ quy định và căn cứ vào giới hạn đó UBND các tỉnh hàng năm ban hành giá đất tại các địa phương (Điều 112, 113, 114 - Luật đất đai 2013). Nhưng có một thực tế là giá đất do chính phủ, UBND quy định luôn thấp hơn giá thị trường nhiều lần. Khi thu hồi đất nhà nước bồi thường cho dân theo giá nhà nước quy định nhưng khi bán đất thì nhà nước không có quy định nào mà bán theo giá thị trường. Vì vậy, ngay về mặt lý thuyết người dân khi bị thu hồi đất là đồng nghĩa bị đối xử bất công là bị tước đoạt tài sản một cách hợp pháp. Lợi ích thu hồi đất do chênh lệch giá như trên không phải luôn luôn thuộc về nhà nước, thuộc về toàn xã hội.

Trong khi nhà nước chưa thừa nhận hình thức tư hữu về đất đai thì người dân và các luật sư cần căn cứ vào quy định của Hiến pháp 2013 và Luật đất đai 2013 lấy làm luận cứ cơ bản để bảo vệ lợi ích hợp pháp cho các đối tượng bị thu đất bất công:

Điều 3.

Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. (Hiến pháp 2013)

Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật. (Khoản 3 điều 74 Luật đất đai 2013)

Nhà nước khi thu hồi đất của người dân phải đảm bảo ngang bằng giữa giá trị tài sản bị thu hồi và giá bồi thường theo thị trường. Các văn bản pháp luật như nghị định của chính phủ, thông tư của bộ, quyết định của UBND các cấp phải tuân thủ nguyên tắc công bằng được quy định bởi Hiến pháp 2013 và Luật đất đai 2013. Mọi văn bản dưới luật trái với Luật đất đai, trái với Hiến pháp đều không có giá trị pháp lý phải thi hành.

Hà Nội, ngày 30/10/2015

H. H. S.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn