Làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”: Không thể xuyên tạc và chia rẽ Quốc hội với Chính phủ

Đỗ Phú Thọ

image “Quốc hội là cơ quan tối cao đại diện cho quyền lực của nhân dân. Để tôn trọng quyền lực ấy của Quốc hội, Đảng chỉ thống nhất về chủ trương để Chính phủ trình dự án ra Quốc hội, còn quyền quyết định giao cho đại biểu đại diện cử tri cả nước.

Thực tế xã hội Việt Nam đã chứng minh hùng hồn rằng, cả hệ thống chính trị của Việt Nam hiện nay đều vì dân vì nước. Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đều đồng hành cùng dân tộc”.

Chưa nên nói trước một điều gì bởi vì đây hầu như mới là một hiện tượng duy nhất cho thấy ít nhiều tinh thần độc lập và dân chủ của QH trước uy quyền của Đảng, mà chỉ mới một hiện tượng thì tuyệt nhiên không thể vin vào đấy để nói ngay rằng đó đã là bản chất. Cư dân mạng có thể có ý kiến thế này và thế khác, đó mới là quyền tự do dân chủ, có chê bai dè bỉu thì cũng có hại gì đâu. Chỉ nên thuyết phục họ bằng hành động của chính mình thôi (mà từ trước tới nay cứ thử điểm mà xem, hành động của mình có chuyện gì là không nói một đằng làm một nẻo?), chứ cần gì quy chụp họ khơi khơi như vậy? Có thể niềm tin bắt đầu được nhen nhóm đấy, nhưng nếu dài mồm và nhiều lời quá thì tự nó đã “lạy ông tôi ở bụi này” và ngọn lửa chưa kịp nhen đã tắt.

Bauxite Việt Nam

Trước khi các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh, một số người đã tung tin trên mạng Internet rằng, đây là dự án mà Chính phủ Việt Nam đã “quyết” rồi, các đại biểu Quốc hội chỉ “tranh luận cho vui mà thôi” và “chắc chắn sẽ bấm nút thông qua”. Thế nhưng, đến khi Quốc hội chưa thông qua dự án thì chính những người đã lớn tiếng phê phán đại biểu Quốc hội là “nghị gật” lại quay ngoắt 180 độ, phán bừa rằng: “Quốc hội và Chính phủ mâu thuẫn, nội bộ lãnh đạo Việt Nam mất đoàn kết”…

Dự án đường sắt cao tốc  (ĐSCT) Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh đã được Bộ Giao thông Vận tải (GT-VT) và ngành đường sắt chuẩn bị từ lâu. Theo khẳng định của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và ngành đường sắt với các nhà báo theo dõi kỳ họp Quốc hội thì “việc đề xuất xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc Bộ GT-VT không phải chịu bất cứ một sức ép gì”. Trước khi trình Quốc hội,  dự án đã được Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Khi đó đã có hai luồng ý kiến khác nhau. Những người ủng hộ dự án mong muốn đường sắt Việt Nam sẽ đi thẳng vào hiện đại, để thế hệ con cháu được hưởng thành quả của quyết định quan trọng hôm nay, không phải loay hoay tìm cách phát triển giao thông đường sắt tiến kịp thiên hạ. Còn ý kiến phản biện lại lo dự án với vốn đầu tư quá lớn, phải vay là chính, hiệu quả kinh tế hạn chế, sẽ để lại gánh nặng nợ nần cho con cháu mai sau.

Đến khi dự án chính thức được trình Quốc hội, các ý kiến tranh luận giữa các đại biểu Quốc hội về việc nên hay không nên xây dựng ĐSCT Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh càng gay gắt, nhưng đều có chung mục tiêu vì lợi ích chung của đất nước, vì lợi ích chính đáng của nhân dân. Sự tranh luận giữa các đại biểu Quốc hội là cần thiết bởi đây là một siêu dự án, lớn về quy mô, tầm vóc, diện tích đất, thời gian làm, vì thế phải cân nhắc cái hơn, cái thiệt. Các đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân cả nước nên lại càng phải thận trọng. Nhiều đại biểu đã thức trắng cả đêm để  nghiên cứu kỹ các báo cáo, tờ trình Chính phủ; dành thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi để lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia về dự án này. Đại đa số các cơ quan báo chí trong và ngoài nước đều đã phản ánh trung thực các cuộc tranh luận của các đại biểu Quốc hội. Thế nhưng lại có những thông tin phát tán trên mạng Internet cho rằng: “Đây là dự án đã được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam quyết rồi, Quốc hội chỉ tranh luận cho vui mà thôi”. Thậm chí có người còn xuyên tạc và phán như đinh đóng cột rằng, các đại biểu Quốc hội chỉ là “nghị gật”, rồi sẽ phải “bấm nút” thông qua.

Thế nhưng, trước vấn đề hệ trọng của đất nước, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đông đảo cử tri, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, dự án mà Chính phủ trình chưa đủ “độ chín” nên đã yêu cầu Chính phủ phải chuẩn bị kỹ, xem xét đến tính khả thi, trình độ kinh tế - xã hội, mối quan hệ của dự án với chiến lược quốc phòng - an ninh. Bởi nhìn chung, ai cũng tán thành chủ trương chiến lược, song quan trọng là phải tính toán rất kỹ điều kiện làm, cũng như hiệu quả. Vì những lý do này mà khi biểu quyết, nhiều đại biểu đã không bấm nút thông qua.

Việc Quốc hội biểu quyết chưa thông qua dự án ĐSCT cho thấy, các đại biểu Quốc hội thật sự ý thức được trách nhiệm trước những vấn đề trọng đại của đất nước và khẳng định tinh thần thực sự dân chủ trong hoạt động của Quốc hội Việt Nam. Quốc hội là cơ quan tối cao đại diện cho quyền lực của nhân dân. Để tôn trọng quyền lực ấy của Quốc hội, Đảng chỉ thống nhất về chủ trương để Chính phủ trình dự án ra Quốc hội, còn quyền quyết định giao cho đại biểu đại diện cử tri cả nước. Lịch sử Quốc hội Việt Nam đã từng có những lần Quốc hội không tán thành với đề nghị của Chính phủ. Điều này xuất phát từ chức năng của Quốc hội và Chính phủ trong bộ máy Nhà nước thông qua mối quan hệ giữa hai hoạt động lập pháp và hành pháp ở Việt Nam theo quy định của Hiến pháp.  Điều đó cũng khẳng định một thực tế là, trong điều kiện một Đảng cầm quyền ở Việt Nam, việc hoạch định chính sách cũng như xây dựng, ban hành các dự án luật, pháp lệnh, quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia không phải chỉ có một cơ quan duy nhất, mà là sản phẩm của mối quan hệ mang tính chất “cộng đồng trách nhiệm” giữa các chủ thể trình (trong đó có Chính phủ) và chủ thể ban hành là Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Có thể nói, việc Quốc hội chưa thông qua dự án ĐSCT đã giúp cho cả hai thiết chế là lập pháp và hành pháp mạnh hơn lên trong việc hoàn thành nhiệm vụ của mình. Thế nhưng, vẫn có những ý kiến lạc lõng phát tán trên mạng Internet cho rằng, “như thế là Quốc hội không nghe theo sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”, “Quốc hội và Chính phủ Việt Nam mâu thuẫn với nhau”… Có điều vô lý là chính những người phát tán các thông tin trên đây lại là người mà hôm trước quả quyết rằng Quốc hội chắc chắn thông qua dự án ĐSCT bởi “Đảng và Chính phủ Việt Nam đã quyết rồi”.

Sự thật bao giờ cũng là sự thật. Thực tế xã hội Việt Nam đã chứng minh hùng hồn rằng, cả hệ thống chính trị của Việt Nam hiện nay đều vì dân vì nước. Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đều đồng hành cùng dân tộc. Ông Nguyễn Đình Xuân, đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, một người phát biểu rất thẳng thắn và mang tính phản biện cao trong Quốc hội đã từng nhận xét, "Quốc hội  các nước đó nhiều đảng và có khi người ta đánh nhau là do họ đấu tranh vì đảng mình, chứ không chắc đã vì nhân dân". Còn ở Việt Nam, sự tranh luận giữa các đại biểu Quốc hội và thành viên Chính phủ đều xuất phát từ lợi ích của dân tộc, của nhân dân.

Hiến pháp, luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã khẳng định: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức. Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Như vậy, việc các đại biểu Quốc hội tranh luận gay gắt và chưa thông qua dự án ĐSCT theo tờ trình của Chính phủ càng thể hiện vai trò của Quốc hội, vai trò của nhân dân trong xã hội. Cả Quốc hội và Chính phủ đều đồng hành cùng dân tộc, đều vì nước, vì dân.

ĐPT
Nguồn: QDND

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn