Phóng viên BBC phỏng vấn Tiến sĩ Trần Công Trục về vấn đề Biển Đông

'Quan tâm của Hoa Kỳ là rất tốt'

clip_image001

Ông Trần Công Trục có quá trình 30 năm làm việc trong Ban Biên giới Chính phủ

Biên giới lãnh thổ là chủ đề quan tâm hàng đầu của dư luận người Việt trong và ngoài nước, nhất là trong bối cảnh gia tăng căng thẳng xung quanh tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

Đài BBC vừa có cuộc nói chuyện với Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ (1995-2004):

BBC: Thưa ông, chúng tôi từng nghe một số ý kiến chỉ trích rằng Chính phủ Việt Nam luôn phản ứng chậm và yếu ớt trước các động thái của Trung Quốc, thí dụ ở Biển Đông. Ông nghĩ sao về chỉ trích này?

TS Trần Công Trục: Tôi nghĩ là khi có bất kỳ hành động nào xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, thì Nhà nước Việt Nam đều có tiếng nói kịp thời kể cả về ngoại giao, pháp lý lẫn hành động trên thực tế.

Thí dụ khi Trung Quốc ngăn cấm đánh bắt ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa hay đưa tàu ngư chính tuần tra ở Trường Sa thì Việt Nam đều có thái độ phản ứng rất quyết liệt và rõ ràng. Cho nên nói như thế là chưa đúng lắm.

BBC: Người quan sát tình hình Biển Đông lâu nay có quan ngại về khả năng xảy ra xung đột, nhất là xung đột vũ trang, tại Biển Đông. Theo ông, khả năng đó có nhiều hay không và kịch bản sẽ là như thế nào ạ?

TS Trần Công Trục: Đứng trên quan điểm của Việt Nam và một số nước Đông Nam Á, thì tôi nghĩ chúng tôi đều có nguyện vọng và trách nhiệm để không xảy ra xung đột vũ trang, thể hiện bằng những thỏa thuận mà thế giới đã biết, như thỏa thuận giữa các nước với nhau, hay giữa Asean với Trung Quốc v.v.

Tuy nhiên, để duy trì ổn định trong khu vực thì không chỉ phụ thuộc vào chúng tôi mà còn phụ thuộc người khác, đối tượng khác nữa.

Dù sao thì tôi cũng cho rằng trong tình hình hiện nay khó có thể xảy ra xung đột vũ trang. Lý do là vì trong trường hợp đó tất cả mọi người, tất cả các nước đều bị ảnh hưởng, trực tiếp hay gián tiếp.

BBC: Thưa ông gần đây giới quan sát nói tới thái độ rất mạnh mẽ của Hoa Kỳ trong quan hệ với Trung Quốc về khu vực Biển Đông. Theo đánh giá của ông, sự tham gia của Hoa Kỳ liệu có làm phức tạp thêm tình hình ở khu vực, hay là sẽ giúp giải quyết phần nào căng thẳng Biển Đông?

Trung Quốc thì luôn luôn dùng các thủ thuật, thủ đoạn để gán ghép các sự kiện lại với nhau nhằm giành lấy một sự công nhận mặc nhiên về chủ quyền ở đây. Họ đã làm thế nhiều lần chứ không chỉ một lần.

TS Trần Công Trục

TS Trần Công Trục: Không chỉ Hoa Kỳ mà các nước có lợi ích kinh tế ở khu vực này đều rất quan tâm tới vấn đề Biển Đông vì nếu đụng độ xảy ra thì quyền lợi của họ bị ảnh hưởng.

Quan tâm của họ là hoàn toàn đúng và hết sức chính đáng, chúng tôi hết sức hoan nghênh.

Sự quan tâm này sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam và các nước có liên quan đưa ra được những biện pháp hữu hiệu nhất để giữ ổn định.

Vừa rồi, Hoa Kỳ cũng bắt đầu có những quan tâm, đánh giá và thái độ rất tích cực trong vấn đề Biển Đông.

Đó là điều rất tốt, vì rõ ràng Hoa Kỳ họ có những lợi ích rất quan trọng ở đây, đặc biệt là về hàng hải.

Từ Đại Tây Dương hay Ấn Độ Dương, qua Thái Bình Dương, các vùng kinh tế trung tâm Đông Bắc Á, nếu khu vực này xảy ra đụng độ thì chắc chắn các tuyến hàng hải qua eo biển Malacca lên phía Đông Bắc sẽ bị cản trở. Nền kinh tế hiện tại vốn đang gặp nhiều khó khăn sẽ lại càng khó.

Tiếng nói quan tâm của các nước sẽ góp phần tạo đoàn kết vì mục tiêu giữ ổn định trong khu vực.

Thế giới ngày nay đã khác xưa, ngày nay cộng đồng quốc tế đã có tiếng nói chung, gắn bó lợi ích của các nước khác nhau.

Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng

BBC: Chúng tôi muốn đề cập một vấn đề mà đã nhiều lần nổi lên trong các cuộc tranh luận về chủ quyền biển. Đó là bản công hàm mà Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng đã ký với Trung Quốc năm 1958. Bản chất của tờ công hàm này như thế nào, thưa ông?

TS Trần Công Trục: Điều này các kênh chính thức của Chính phủ Việt Nam đã trả lời rõ rồi, nên tôi chỉ xin nói với tư cách một người nghiên cứu.

Việc Trung Quốc cứ luôn luôn mang công hàm đó ra để nói rằng phía Việt Nam, đại diện là Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, là hoàn toàn không đúng sự thật. Tôi xin khẳng định điều này.

Trong công hàm đó, Việt Nam chỉ ủng hộ tuyên bố lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc thôi, không hề nhắc tới chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này.

Phía Trung Quốc thì luôn luôn dùng các thủ thuật, thủ đoạn để gán ghép các sự kiện lại với nhau nhằm giành lấy một sự công nhận mặc nhiên về chủ quyền ở đây. Họ đã làm thế nhiều lần chứ không chỉ một lần.

BBC: Thưa, ông làm công tác biên giới 30 năm, tham gia nhiều cuộc đàm phán. Khi đàm phán biên giới với các nước, nhất là Trung Quốc, thì khó khăn nhất là công việc gì ạ?

TS Trần Công Trục: Mọi người giữ trách nhiệm đàm phán thì đều phải xuất phát từ lợi ích của đất nước mình, làm sao để giành lợi ích tối đa cho quốc gia. Đó là điều cơ bản và rõ ràng.

Khi đàm phán chắc chắn sẽ có các quan điểm không giống nhau vì nếu thống nhất rồi thì chắc hẳn chẳng ai đàm phán làm gì. Mỗi người một quan điểm thì sẽ khó khăn.

Nhưng tôi cho rằng cái khó nhất là khi những người ngồi đàm phán lại có lập trường quan điểm xuất phát từ ý kiến chủ quan, thiếu khách quan, thiếu cơ sở khoa học và không cầu thị. Nếu cứ khăng khăng ý kiến của mình hoàn toàn đúng, không có gì thay đổi cả, lại thiếu thiện chí, thì đó là điều khó khăn.

Nguồn: BBC

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn