Biển Đông và Hoa Đông – hai lối hành xử khác biệt

Diệu Thúy

clip_image003

 

Tàu tuần tra Nhật Bản sau vụ va chạm với tàu cá Trung Quốc. Ảnh: Reuters

 

Tại Biển Hoa Đông, sau khi Nhật bắt giữ thuyền trưởng tàu cá, Trung Quốc phản ứng rất giận dữ, cảnh báo Tokyo những hậu quả to lớn nếu không lập tức thả người. Tại Biển Đông, Trung Quốc bắt giữ tàu cá Việt Nam, yêu cầu nộp phạt mới thả tàu và ngư dân.

Hai vùng biển, hai vụ bắt giữ người, hai lối ứng xử khác biệt nhưng cùng khẳng định một thực tế mà giới phân tích bấy lâu nay đánh giá là, Trung Quốc ngày càng gây hấn hơn trong việc khẳng định chủ quyền tại các vùng biển tranh chấp.

Quan hệ Trung - Nhật trở nên căng thẳng khi Tokyo bắt giữ một tàu cá cùng thuỷ thủ đoàn Trung Quốc ngày 7/9 ở gần quần đảo tranh chấp Điếu Ngư (tên gọi Trung Quốc) hay Senkaku (tên gọi Nhật) tại Biển Hoa Đông. Bắc Kinh lập tức phản ứng. Sau 6 lần triệu tập Đại sứ Nhật để thể hiện sự phản đối, cảnh báo có các biện pháp đáp trả nếu Nhật tiếp tục "tạo ra sai lầm sau sai lầm", thông tin 4 người Nhật bị bắt tại Trung Quốc đã xuất hiện.

Phần lớn giới quan sát coi đây là hành động “ăn miếng trả miếng” của Trung Quốc với Nhật Bản.

Bốn người bị bắt là nhân viên của Fujita Corp., một công ty quy hoạch và xây dựng có trụ sở ở Tokyo. Họ được cho là đang chuẩn bị tham gia đấu thầu dự án xử lý các vũ khí hoá học quân đội Nhật bỏ lại tại Trung Quốc khi Thế chiến II chấm dứt. Trung Quốc bắt giữ họ với cáo buộc xâm nhập trái phép khu quân sự, người cuối cùng chưa được thả bị coi là quay phim trái phép các mục tiêu quân sự.

Nhưng tới thời điểm hiện tại, khi thuyền trưởng Chiêm Kỳ Hùng đã được thả tự do, Trung Quốc vẫn tiếp tục giữ lại 1 trong 4 người Nhật để tiếp tục thẩm vấn, đồng thời đòi hỏi Tokyo một lời xin lỗi cũng như bồi thường thiệt hại sau vụ va chạm tàu.

Một quan chức Mỹ đã đưa ra bình luận: “Nhật Bản đã làm những gì quan trọng để ngăn chặn sự việc đi quá mức, và hành động khá trách nhiệm. Chúng tôi không hiểu Trung Quốc muốn tìm kiếm điều gì nữa”.

Trong khi đó, liên quan đến Biển Đông, TTXVN cho biết hôm 11/9, phía Trung Quốc đã bắt giữ một tàu cá cùng 9 ngư dân Việt Nam tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa. Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đã gửi công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, nhấn mạnh, lực lượng ngư chính Trung Quốc đã bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam trong khi họ đang hoạt động nghề cá bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Hôm qua (5/10), Đại sứ quán Trung Quốc nói tàu cá của Việt Nam đã sử dụng thuốc nổ để đánh bắt cá nên các cơ quan chức năng của phía Trung Quốc quyết định xử phạt chủ tàu và đã thông báo cho gia đình những người bị bắt về quyết định nêu trên. Sau khi nộp phạt, phía Trung Quốc sẽ thả tàu và ngư dân. Điều đáng nói là, thông báo ngày 15/9 của Trung tâm chỉ huy ngư chính Trung Quốc gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã không hề đề cập đến việc tàu cá có mang theo chất nổ.

Tại Biển Hoa Đông, kể từ khi vụ va chạm tàu xảy ra, Nhật Bản đã phát hiện các tàu Trung Quốc chở thiết bị tới một trong số các mỏ khí, và ngày càng quan ngại rằng, Bắc Kinh có thể bắt đầu đơn phương thăm dò mỏ. Trả lời câu hỏi của Tokyo về động thái này, Trung Quốc nói họ mang thiết bị để "sửa chữa" một giàn khoan ở biển.

clip_image005

Hải quân Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật ở Biển Đông ngày 26/7. Ảnh: THX

Cùng với tốc độ phát triển bùng nổ kinh tế, Trung Quốc đã đưa ra triết lý “phát triển hòa bình”. Nhưng gần đây, từ “hòa bình” trong triết lý ấy khiến nhiều người hoài nghi khi Trung Quốc không ngừng gia tăng sức mạnh quân sự và ngày một quả quyết về vấn đề chủ quyền tại những vùng biển tranh chấp như biển Hoa Đông, Biển Đông.

Tờ Asahi Shimbun của Nhật cho rằng, chiến lược lâu dài của Trung Quốc với Biển Hoa Đông là thiết lập cái gọi là “chuỗi đảo thứ nhất” kết nối Okinawa, Đài Loan và Philippines như một “tuyến phòng thủ hàng hải”. Vùng biển trong chuỗi đảo này gồm cả những khu vực bao quanh các mỏ khí ngầm dưới biển, sẽ trở thành “biển nội địa” theo kiểu phân loại của Trung Quốc. Nước này sau đó sẽ tìm kiếm việc tạo ra một lực lượng hải quân biển khơi để có thể triển khai suốt tây Thái Bình Dương trong “chuỗi đảo thứ hai”. Vì lý do này, những căng thẳng xuất hiện trên Biển Đông gần như hàng ngày cũng sẽ bắt đầu xuất hiện tại Biển Hoa Đông.

Michael Auslin trong bài viết mới đây đăng trên nhật báo Phố Wall đánh giá, việc Bắc Kinh ngày càng quả quyết hơn khi khẳng định lợi ích tại những vùng biển tranh chấp, có thể dẫn tới kết luận không mấy lạc quan. Đó là quân đội Trung Quốc dường như sẽ được sử dụng theo những cách nhằm thể hiện rằng, các mục tiêu khu vực của họ không thích hợp với chuẩn mực quốc tế về ứng xử ngoại giao. Thái độ gần đây của Bắc Kinh cho thấy, những năm “kiên nhẫn ngoại giao” có thể bị lãng phí chỉ trong vòng vài tháng. Giới quân sự dường như đang dẫn dắt chính sách hơn là giới ngoại giao, khiến người ta không khỏi lo ngại về tiến trình tương lai của Trung Quốc.

Theo Michael Auslin, sự quả quyết của Bắc Kinh không phải không có những rủi ro. Họ có thể ngăn cản các quốc gia khác tham gia con đường ngoại giao của mình, khiến những nước ấy sẵn sàng đoàn kết chống lại các lợi ích của Trung Quốc.

Trong bài phát biểu trước dịp quốc khánh Trung Quốc hôm 1/10, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã tái khẳng định con đường mà Trung Quốc theo đuổi, đó là phát triển khoa học, cải cách và mở cửa, phát triển hòa bình. Ông nhấn mạnh: "Sự phát triển của Trung Quốc sẽ không gây tổn hại hay đe dọa bất kỳ ai”.

Ai cũng có thể hiểu rõ ràng là, ổn định trong khu vực chỉ thực sự có được khi các bên liên quan dùng hành động cụ thể để chứng minh cho những tuyên bố về hòa bình.

D. T.

Nguồn: Vietnamnet

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn