Kiểm soát lợi ích nhóm trong quản trị tài nguyên

Thanh Tuyền

clip_image002

Khai thác titan tại Bình Định, nguồn "vàng đen" này chủ yếu để xuất khẩu thô. Ảnh: Phan Quang

 

SGTT.VN - Số giấy phép cấp cho các địa phương khai thác mỏ tăng nhanh “bất thường”, người khai thác không quan tâm đến môi trường bị tàn phá, sông suối bị đầu độc…, nếu Nhà nước không giám sát chặt chẽ, thì “khối tài sản khổng lồ” của đất nước sẽ bị những sở hữu nhóm gây thảm hại.

Một số ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo “Lựa chọn chính sách quản trị tài nguyên khoáng sản” do trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNature) và viện Tư vấn phát triển (CODE) tổ chức ngày 14.10 tại Hà Nội, đã cảnh báo về tai hại của lợi ích nhóm trong khai thác tài nguyên khoáng sản.

Lấy nhiều, trả không mấy

Tính đến năm 2007 có khoảng 1.692 doanh nghiệp (DN) khai thác khoáng sản, gấp bốn lần năm 2000 (427 DN), số lượng DN tăng bình quân 21,7% năm. Các loại khoáng sản được khai thác nhiều nhất gồm than, dầu khí, apatit, titan, sắt, đồng, kẽm... Đặc biệt là than, sa khoáng titan bị khai thác quá nhanh. Thành phần tham gia khai thác gồm: hợp tác xã, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty liên doanh có vốn nước ngoài, “khai thác thổ phỉ”, bà Nguyễn Thị Lài (trung tâm Môi trường công nghiệp – viện Khoa học và công nghệ mỏ – luyện kim) cho biết.

Theo số liệu của viện Tư vấn phát triển (CODE), mặc dù được đầu tư cao – đứng thứ năm) nhưng hiệu quả đầu tư của ngành khai khoáng đóng góp vào tăng trưởng GDP thấp hơn nhiều ngành kinh tế khác. Cụ thể năm 2000, tỷ lệ này là 1/4,44 lần, năm 2008 là 1/2,59 lần, chỉ đứng thứ sáu năm 2000 và đứng thứ tám năm 2008 so với hiệu quả đầu tư của các ngành kinh tế và lĩnh vực khác.

Bên cạnh đó, việc khai thác thường chiếm dụng và làm xáo trộn một diện tích đất lớn, làm ô nhiễm môi trường, biến dạng địa hình.

Hạn chế “quyền” địa phương

Theo TS Lê Đăng Doanh (nguyên viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – CIEM), những “giấy phép ngoài quy hoạch” này đã tàn phá môi trường, để xuất khẩu thô khoáng sản chủ yếu sang Trung Quốc trong khi đóng góp vào ngân sách, tạo việc làm, đổi mới công nghệ hoàn toàn không tương xứng. Đã đến lúc phải thay khái niệm “sở hữu toàn dân” bằng “sở hữu quốc gia” do nhà nước trung ương, tỉnh, huyện, thị xã, phường được phân công, phân cấp thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ, minh bạch. Cần ngăn chặn, kiểm soát lợi ích nhóm trước khi các nhóm lợi ích này chi phối bộ máy, chính sách, dự án của nhà nước, TS Doanh nhấn mạnh.

Dự thảo luật Khoáng sản sẽ được trình Quốc hội vào tháng 11 tới. Một số điểm mới như việc xác lập quyền sở hữu nhà nước, quy định về đấu giá trong hoạt động khoáng sản, đảm bảo lợi ích hài hoà giữa DN và người dân.

Cần phải “định giá” những tài nguyên này xem giá trị nó là bao nhiêu? Để nhà nước quản lý “tài sản” của mình một cách chặt chẽ, ông Nguyễn Chí Quang (đại học Mỏ – Địa chất) chia sẻ.

Theo dự thảo luật Khoáng sản, trong thời gian tới các địa phương sẽ được phân cấp, không được khai thác trong khu vực quy hoạch chung cả nước, chỉ được khai thác than bùn, khoáng sản thông thường, khu vực nhỏ lẻ được giao, ông Lê Quốc Dung, phó chủ nhiệm uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết.

Cần một cơ quan giám sát độc lập

“Nếu để lợi ích nhóm phát triển: nhà quản lý chỉ nghĩ làm thế nào thu cho nhiều, DN chỉ tính để lãi thật lớn, dân yêu cầu có tiền nhưng không được xáo trộn cuộc sống thì sẽ rất khó để phát triển, nên cần thiết phải có một cơ quan giám sát độc lập. Cơ quan này sẽ kiểm soát từ quy hoạch đến cấp phép”, ông Vũ Mạnh Hùng (phó giám đốc TKV) nói.

Vẫn theo ông Hùng, hiện nay, DN ngoài phải nộp thuế tài nguyên ra thì không phải nộp thêm gì trong khi được giao khai thác và sử dụng toàn bộ, không có sự cân bằng về lợi ích.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, hiện còn có sự chưa ăn khớp giữa các luật có liên quan như luật Khoáng sản, luật Thuế tài nguyên và luật Đấu thầu, luật Bảo vệ môi trường với sự phân công, phân cấp giữa các cấp chính quyền trung ương và địa phương. Do đó, cần phải có hành động không chậm trễ trong việc sửa đổi luật, cấp bách ngăn chặn nạn tàn phá môi trường, nạn bán giấy phép khai thác cũng như giám sát quy định trách nhiệm với từng cá nhân.

T. T.

Nguồn: SGTT

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn