Vài dòng tưởng nhớ bà mẹ BS Thùy Trâm (*)

Nguyễn Xuân Thọ

21-4-2024

Sau tết Kỷ Hợi năm 2019 tôi đến thăm bà Doãn Ngọc Trâm, mẹ bác sỹ Đặng Thùy Trâm. Quyển “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” đã khiến tôi bằng mọi cách gặp bà. Ở Việt Nam sách này được bán ra 500.000 lần. Nó được dịch ra 16 ngôn ngữ và xuất bản trên 20 nước. Bản tiếng Anh có tên là: “Last night, I dreamed of peace” (Đêm qua em mơ thấy hòa bình). Người ta gọi cuốn sách này là “Nhật ký Anne Frank” của Việt Nam.

Khác với „Nhật ký Anne Frank“, những quyển sổ của Đặng Thùy Trâm được phát hiện, lưu giữ, và được trả về với gia đình bà Ngọc Trâm bởi những người lính từng là kẻ thù của chị. Những trang nhật ký tràn ngập lý tưởng cộng sản, hừng hực khí thế “căm thù Mỹ-Ngụy” được cả những người lính Mỹ và Việt Nam Cộng hòa trân trọng, nâng niu vì bên trong những lời lẽ bồng bột của tuổi trẻ là một tâm hồn trong sáng, bình dị và chân thật.

Vì trong sáng, bình dị và chân thật nên nó khiến những ai có đạo đức và lòng cao thượng khi đọc được đều muốn làm quen với người viết. Những người nhặt được quyển sổ, anh hạ sỹ Quân lực VNCH Nguyễn Trung Hiếu, anh trung úy quân báo Frederic Whitehurst đều là những người như vậy. Vì thế tập nhật ký sống sót qua cuộc chiến đẫm máu nhất thế kỷ 20. Và sau 35 năm chúng được họ đưa về với gia đình tác giả. Tôi coi đó là điều kỳ diệu.

Tập nhật ký được hàng triệu người Việt đọc, đã được tuyên truyền rầm rộ trên truyền thông nước nhà nên tôi không cần phải viết nhiều về nó. Tôi không muốn quảng cáo cho quyển sách, cũng không khuyên ai phải đọc nó. Tôi thích đọc vì cùng chia sẻ cách nhìn đời của người viết. Nhưng người khác thì chưa chắc.

Tôi đã tìm hiểu khá lâu về “Điều kỳ diệu” xảy ra quanh bộ nhật ký. Đối với tôi, bộ nhật ký tồn tại được chính là một kiệt tác của tình người. Mà tình người là giá trị phổ quát, không phụ thuộc vào thế giới quan, nhân sinh quan. Vì vậy tôi kết bạn với Kim Tram Dang, em gái chị Thùy và xin đến thăm bà Ngọc Trâm trong một ngõ nhỏ ở Đội Cấn.

Trước mặt tôi là một bà cụ nhỏ bé có khuôn mặt phúc hậu. Mặc dù năm đó đã 94 tuổi nhưng bà vẫn rất minh mẫn, đi lại nhanh nhẹn trong nhà. Bà cùng tuổi với má tôi và cũng từng tần tảo chăm nuôi người chồng ốm đau hàng chục năm nên tôi lường được những gì bà đã trải qua. Vốn được học tiếng Pháp từ thời con gái trong trường của các bà xơ Pháp ở Thanh Hóa và sau này giảng dạy ở Đại học Dược nên bà vẫn đọc báo chí nước ngoài qua cái iPad nhỏ, vẫn có danh khoản Facebook riêng. Trong phòng khách đơn sơ, tôi nhận ra một số bức ảnh và kỷ vật của chị Thùy. Bà mời tôi uống trà và thong thả tâm sự bằng một giọng nói nhỏ nhẹ, nhưng mạch lạc.

Ngày 28 tháng 4.2005 đó là một bước ngoặt trong đời bà, khi nhận được chiếc CD có in các trang nhật ký từ tay Ted Engelmann, một cựu binh Mỹ. Hơn ai hết, bà biết rõ mọi thói quen của con gái, trong đó có việc chăm chỉ viết nhật ký. Sau ngày hòa bình lập lại, bà đã có dịp về Đức Phổ tìm, gặp lại nhiều đồng đội và bệnh nhân cũ của chị Thùy. Họ đã giúp bà tìm mộ Chị, đưa ra Bắc. Nhưng việc hai cuốn nhật ký được lưu giữ nâng niu bởi các kẻ thù cũ, được một người lính trong đó dịch ra tiếng Anh, rồi dù bản dịch đó tuy chưa xuất bản rộng nhưng người Mỹ nào đọc chuyền tay cũng ngưỡng mộ, rồi cuộc lần mò tìm kim đáy bể của họ suốt 35 năm, tất cả những điều đó bà chưa bao giờ tưởng tượng nổi.

Bà đã nuốt nỗi đau từ cái chết của con gái vào trong lòng suốt mấy chục năm, đã chấp nhận nó như số phận mà người công giáo đã được chúa an bài hoặc như một phật tử phải chấp nhận cái nghiệp của kiếp trước để lại. Khi nhận lại nhật ký của con gái, nỗi đau đó quay lại, lẫn lộn trong các cảm xúc mừng vui, biết ơn… Sau nhiều đêm mất ngủ bà mới dám dần dần đọc các trang nhật ký trên màn hình. Mọi suy tư, trăn trở, những dòng thổn thức của con gái đã làm bà đau đớn, xúc động đến mức bà không thể đọc chúng lần thứ hai.

Sinh ra trong một xã hội phong kiến Á Đông, sống trong lòng một xã hội mà số phận cá nhân hầu như bị che phủ, nhưng bà rất coi trọng nỗi niềm riêng tư của con gái. Khi được hỏi xin phép phát hành tập nhật ký tại Mỹ, bà viết thư cho hai anh em Whitehurst mà bà đã coi là con.

“Nhật ký của một người là một điều gì đó rất thầm kín, riêng tư. Mẹ luôn ý thức được điều này và chúng ta không nên nhìn vào những suy nghĩ sâu kín nhất của người khác, ngay cả khi có thể. Chị ấy viết những suy nghĩ của mình vào nhật ký chỉ nhằm giải tỏa cá nhân. Mẹ rất biết ơn những người đáng kính như hai con và Nguyễn Trung Hiếu đã bảo vệ và lưu giữ những bài viết máu thịt của Thùy trong nhiều năm để rồi chúng được về nhà với mẹ và các em. Không biết tâm hồn Thùy có muốn bộc bạch lòng mình hay không”… “Hãy cho mẹ lời khuyên, lời khuyên từ một người đàn ông có lòng cảm thông và trí tuệ, cũng như của một đứa con trai “.

Trăn trở của bà để bảo vệ miền riêng tư của con gái là tình yêu hiếm có. Điều này khiến tôi vô cùng ngưỡng mộ.

Tháng 10.2005 bà sang Mỹ thăm gia đình người lính đã lưu giữ tập nhật ký. Khi anh đưa bà đi thăm đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam ở Washington, bà cụ 80 tuổi đi bộ gần một tiếng đồng hồ trước những tảng đá granito dài để đọc tên những người Mỹ đã chết. Khi đọc hết những cái tên ở cuối bức tường, bà bước đi chậm dần, chậm dần và cuối cùng bà dừng lại nắm chặt tay anh. Bà cũng đau nỗi đau của các bà mẹ Mỹ.

Bà gặp những người Mỹ từng chuyền tay nhau đọc tập nhật ký từ khi mới sơ dịch. Họ đều mong muốn nhật ký được công bố để các thế hệ sau đọc. Có người nói: Bác sỹ Thùy Trâm khi sống thì chữa trị các vết thương cho bênh nhân. Khi qua đời, nhật ký của Chị giúp chữa lành các vết thương của chiến tranh và hận thù. Một cựu binh Mỹ được trích dẫn trên tờ Guardian: Giá như mình biết câu chuyện của Thùy Trâm nhiều năm trước. Vì nó có thể giúp cá nhân vượt qua chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương của chính mình.”

Tất cả những thiện nguyện này khiến bà đồng ý cho xuất bản tập nhật ký của con gái ở Mỹ. Bà quyết định để bản gốc lưu giữ tại thư viện đại học Texas. Bà biết là chúng được gửi gắm vào tay những con người đáng tin tưởng.

Bà mẹ miền Bắc này cũng dành tình cảm biết ơn vô hạn đến anh lính Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Trung Hiếu. Ngay sau khi biết chính anh là người đã cứu cuốn nhật ký khỏi bị đốt, bà lo cho số phận của anh: Không biết Trung Hiếu còn sống không? Giờ anh ta sống ra sao? Chia sẻ nỗi đau của bà mẹ miền Nam, bà nói các con bà phải tìm bằng được anh ấy.

Bà không nói về “Hòa giải”, “Xóa bỏ hận thù” mà lẳng lặng làm điều đó. Với bà, hành động của Nguyễn Trung Hiếu và anh em Whitehurst chứng tỏ con người dù bị xua đẩy từ phía nào của lịch sử để thù ghét nhau, vẫn có thể yêu mến nhau.

Còn rất nhiều điều mà tôi muốn viết về bà mẹ này. Tôi dự định trong chuyến đi Việt Nam tới đây sẽ đến thăm bà. Nhưng bà đã ra đi ngày 16.4 vừa qua. Hôm nay, sau khi bà đã yên nghỉ nơi vĩnh hằng, tôi chỉ xin viết vài dòng tưởng nhớ đến bà.

N.X.T.

Nguồn: FB Tho Nguyen

(*) Đầu đề do BVN đặt

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn