Tiếng oán thán trên đỉnh Tà Đùng

Phương Duy

clip_image002Chỉ còn chưa đầy 20m nữa là thủy điện Đồng Nai 3 đạt đến mực nước chết (570m). Nhà cửa của nhiều hộ dân đã bị nhấn chìm nhưng họ vẫn quyết bám trụ vì chủ đầu tư chưa trả tiền. Về Đồng Nai 3 những ngày này, khắp nơi người dân oán thán.

Nước đã nuốt làng

Chiều muộn, ông K’Nda vẫn ngồi đấy mắt đăm đăm nhìn về ngôi làng đang chìm dần vào biển nước. Sống 100 mùa rẫy hỏi còn đắng cay, ngọt bùi nào chưa nếm vậy mà chưa bao giờ lòng ông khắc khoải, đớn đau như lúc này.

Nhiều năm rồi, tai ông K’Nda không còn nghe rõ tiếng người. Thế mà vào một buổi trưa êm ả, ông bỗng giật mình bởi tiếng động gì to như hàng ngàn tiếng hú vang lên. Lập cập bước ra trước hiên, K’Nda bỗng quỵ xuống khi thấy cây dầu đầu làng, có tuổi gần gấp đôi ông, biểu tượng cho sức mạnh, chủ quyền của làng biến mất.  Một thế kỷ rồi, đấy là lần đầu tiên người ta thấy ông khóc, tiếng khóc của ông đớn đau như đứa bé lạc mẹ.

 

Mấy năm gần đây, làng ông K’Nda đã khá hơn nhiều. Bữa cơm con ông dọn cho đã có miếng thịt ngon, có bát canh ngọt. Mấy đứa cháu của ông được mang sách đến trường. Cuối đời, được chứng kiến cảnh sung túc như thế, ông K’Nda đã yên lòng chờ ngày về với tổ tiên. Thế mà giờ đây, ông không biết điều gì khiến dân làng hỗn loạn đến thế. Chúng nháo nhào ngược xuôi, hỏi, chúng nói gì ông chẳng nghe rõ. Chúng bỏ làng đi gần hết, mấy đứa con làm hiệu, ông biết được trong làng còn hơn 40 nóc nhà. Nhưng một tháng nay nước đang dâng lên. Nó không ồn ào hung dữ như thác lũ mà cứ lù lù, lặng lẽ dâng lên nuốt dần làng ông…

Chuyện của ông K’Nda bi đát nhưng dù sao ông vẫn còn có con cái lo lắng cho. Chứ như vợ chồng bà K’Quý ở thôn 5 xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh, Lâm Đồng thì thật đáng thương. Làng mất, nhà mất, đất cũng chìm trong nước. Người ta hứa trả tiền cho bà nhưng mãi đến nay vẫn chưa thấy đâu. Dắt 2 con bò, xua mấy con vịt vợ chồng bà đến ở trong cái chòi của đồng bào dùng để cất nông sản ngay bên mép nước.  “Nhiều người cũng như già vậy, chưa biết ở đâu. Nhưng họ khỏe cái chân nên chạy lên núi cao rồi. Già yếu quá, chạy đến đây đã mệt nên nghỉ tạm rồi tính tiếp”- Bà K’Quý nói với tôi mà mắt cứ đau đáu nhìn về ngôi làng đang chìm trong nước.

Những cái chết được báo trước

Hôm ghé xã Đăk P’Lao, huyện Đăk Glong, Đăk Nông, tôi gặp K’Srui đang say lướt khướt. Anh kể với tôi rằng buồn quá chẳng biết làm gì nên uống rượu thôi. Nhà cửa đã ngập hết rồi mà tiền họ chưa trả cho dân, biết phải đi đâu. Anh cùng hơn 40 hộ dân khác về dọc QL 28 trên núi Tà Đùng sống tạm. Bên này sông, anh có hơn 8 ha rẫy nhưng nước ngập hết rồi. Bên kia anh còn mấy sào cà phê nữa đang mùa thu hoạch nhưng không thể qua được vì không có tiền. Nếu trước đây, sang bên kia chỉ phải đi bộ mấy trăm bước chân thì bây giờ muốn sang lại bên đó phải có một trăm ngàn.

Không chỉ riêng K’Srui, hàng chục hộ dân khác ở Đăk Plao và cả Đinh Trang Thượng vẫn còn hàng trăm ha rẫy trên núi Tà Đùng. Do nước không ngập đến nên chính quyền các tỉnh Đăk Nông và Lâm Đồng không thu hồi diện tích đó. Đang mùa thu hoạch nhưng nước đã dâng cao,  người dân đành phải đóng bè tạm để sang. Vì  kiếm cái ăn, người dân Đăk Plao đã phải đặt cược tính mạng mình.

Ngày 28/10 là một ngày đại họa, khi  hai người con của làng đã bị dòng nước cuốn đi, đến nay vẫn chưa tìm thấy xác. Người biết chuyện kể rằng, hôm ấy anh Nguyễn Văn Minh ở thôn Lộc Đức, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng nhờ cậu ruột là Trần Văn Thắng và một người nữa tên Dương Văn Hiển, sang miếng rẫy gần giáp Đăk Plao để thu mì. Do đường đi lại khó khăn nên 3 người gắng nhổ xong đám mì, chất hết lên xuồng. Trên đường về họ còn tranh thủ chở giúp mấy tấm tôn cho một người quen vội “chạy lũ” chưa kịp mang theo. Thế nên họ về rất trễ. Đêm, giữa dòng nước mênh mông thuyền của 3 người bỗng dưng lật úp. Ông Thắng và anh Minh không đủ sức chống chọi với con nước…Hiển định quay lại cứu hai người nhưng trước dòng nước đen ngòm tối đen, anh cũng đành bó tay. Cả đêm co ro trên ngọn cây trong dòng nước, người Hiển cũng tím tái như người sắp chết.

 

Theo UBND huyện Di Linh, hiện trong lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 còn hơn 170 ha đất của dân chưa được kiểm kê, đo đạc. 127 hộ do một số lý do như: diện tích loại đất trong bản đồ khác với thực tế; chưa cung cấp được giấy xác nhận đất; thiếu các giấy tờ liên quan nên chưa được trình duyệt đền bù. Hiện rất nhiều diện tích cây trồng của người dân chưa được kiểm đếm, đo đạc nhưng đã ngập nước.

Cái chết của hai nông dân nghèo kia thực ra đã được người ta dự tính trước. Sau khi tích nước (17/9) khoảng 10 ngày, vì hàng chục hộ dân chưa di dời nên Ban Quản lý dự án thủy điện 6 đã thành lập đội cứu hộ để sẵn sàng …vớt dân. Thế nhưng lực lượng này chỉ hoạt động vài ngày rồi giải tán. Đúng hôm xảy ra vụ tai nạn, tôi đã gặp ông K’Wệ- Phó Chủ tịch xã Đinh Trang Thượng. Ông K’Wệ tỏ ra rất lo lắng về việc người dân đi lại trên sông. Ông cho biết, ngoài hàng chục hộ dân dùng thuyền tạm qua sông để chăm sóc, thu hoạch hoa màu thì còn khoảng 60 thuyền đánh cá của người dân nơi khác đến hoạt động trên sông. Nhưng nếu có xảy ra sự cố thì “xã không thể cứu người vì chẳng có phương tiện gì”.

Trở lại cái chết của hai người xấu số. Ngay sau khi biết tin, hàng chục người dân Đinh Trang Thượng đã hết sức đau lòng, họ đã ra tay cùng gia đình nạn nhân cố gắng tìm kiếm xác. Thế nhưng phía chính quyền địa phương thì đến sáng hôm qua (31/10), tức sau 3 ngày, mới triển khai lực lượng để tìm kiếm nạn nhân.

Khi sự việc xảy ra, tôi đã gọi điện cho ông Phạm Văn Cúc, Phó trưởng ban Quản lý dự án thủy điện 6, để hỏi xem liệu ban này có hỗ trợ gì cho gia đình nạn nhân. “Tôi có nghe nói việc này, nhưng họ là dân xã khác đến. Tôi đang ở thành phố”- Ông Cúc nói xong lập tức cắt máy.

P. D.

Nguồn: Nongnghiep

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn