Lâm Đồng: Đổi 50.000ha đất rừng cho 57 dự án thủy điện

Quang Sáng

clip_image002

Cuộc sống của hơn 200 hộ dân ở xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh vẫn lênh đênh, cơ cực sau hơn 2 tháng kể từ ngày thủy điện Đồng Nai 3 đóng đập tích nước. Ảnh: Quang Sáng

 

SGTT.VN - Ông Lương Văn Ngự, phó giám đốc sở Tài nguyên và môi trường Lâm Đồng, tính toán: “Để có được 1MW điện, phải mất từ 10 -16 ha đất”. Theo quy hoạch, các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai, trong đó phần lớn ở Lâm Đồng sẽ đạt tổng công suất lên đến gần 3.300MW, như vậy phải “hi sinh” từ 33.000 đến 52.300ha đất rừng và sản xuất nông nghiệp.

Đánh đổi

Ngoài các công trình thủy điện lớn như: Đa Nhim, Đại Ninh, Hàm Thuận - Đa Mi, Đồng Nai 2, 3, 4… theo quyết định số 3476, ngày 24.12.2008 của UBND tỉnh Lâm Đồng, tỉnh này đã quy hoạch tới 57 dự án thủy điện vừa và nhỏ. Theo ông Ngự, công trình thủy điện có công suất càng nhỏ, diện tích đất sản xuất nông nghiệp và đất rừng bị mất lại càng lớn. Cụ thể: đối với công trình thủy điện Hàm Thuận - Đạ Mi có công suất 300MW, thì chiếm hơn 2.800ha; thủy điện Đại Ninh 300MW chiếm gần 2.700ha; trong khi các thủy điện nhỏ như thủy điện Đa Khai chỉ có công suất 8MW, thì đã đổi lấy 256ha đất rừng; thủy điện Đa Kai 3MW cũng buộc phải mất 112ha rừng.

Trong số 57 dự án thủy điện vừa và nhỏ đã được tỉnh Lâm Đồng quy hoạch, tuy mới có 20 công trình đã và đang triển khai, nhưng đã khiến hơn 3.150ha rừng tự nhiên bị mất. Nếu tính cả những công trình thủy điện lớn đã xây dựng trên địa bàn, diện tích rừng của Lâm Đồng đã mất đi xấp xỉ 15.000ha.

Việc phát triển thủy điện dầy đặc đã và đang trở thành mối lo ngại lớn của nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Bà Ka Phờm, chủ tịch UBND xã Lộc Lâm, huyện Bảo Lâm cho rằng, phải xem xét kỹ tính khả thi của các dự án thủy điện. “Thủy điện Đồng Nai 3 vừa hoàn thành đã lấy một phần diện tích của xã, nay trên địa bàn lại xây thêm thủy điện Đa Kai, khiến nhân dân lo lắng vì sẽ ảnh hưởng đến đời sống và mất diện tích đất rừng khá lớn,” bà Ka Phờm nói. Ông Nguyễn Công Vinh, ở xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh nói: “Ở thủy điện Đồng Nai 3, mặc dù công trình đã đóng đập tích nước hơn 2 tháng, nhưng công tác đền bù giải phóng mặt bằng đến nay vẫn chưa xong. Hiện trên 200 người dân ở xã Đinh Trang Thượng vẫn đang sống trong cảnh lênh đênh, cơ cực chưa biết đến khi nào mới được ổn định”.

Nguy hại khôn lường

Theo quy định tại khoản 5, Điều 29, Nghị định số 23, ngày 3.3.2006 của Chính phủ về thi hành luật Bảo vệ và phát triển rừng, các công trình chiếm dụng đất rừng, các chủ dự án đều phải cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc cam kết bảo vệ môi trường sẽ trồng bù lại rừng với diện tích tương đương với diện tích rừng bị mất do dự án. Tuy nhiên, thực tế chưa có dự án thủy điện nào ở Lâm Đồng thực hiện cam kết này; mặt khác, dự án cũng không có đủ quỹ đất để trồng bù rừng trong khu vực dự án.

Theo sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng, hiện tỷ lệ che phủ rừng Lâm Đồng là 61,5%, nhưng chất lượng rừng và đa dạng sinh học ngày càng giảm do việc quản lý và khai thác tài nguyên rừng chưa tốt, trong đó có sự tác động tiêu cực của các công trình thủy điện.

Theo ông Mai Nam Dương, phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng, những bức xúc của người dân là có cơ sở, bởi lẽ lâu nay các thủy điện chỉ tính đến lợi ích kinh doanh, mà chưa đảm bảo các mục tiêu như: cắt lũ, cấp nước sản xuất nông nghiệp, môi trường dân sinh… Ông Dương đề nghị: cần phải nghiêm túc đánh giá toàn diện công tác quy hoạch về phát triển thủy điện, nhất là các dự án thủy điện vừa và nhỏ tại địa phương.

Thuỷ điện nhỏ ảnh hưởng môi trường

Theo ông Lương Văn Ngự, phó giám đốc sở Tài nguyên và môi trường Lâm Đồng, thời gian qua, việc triển khai ồ ạt các công trình thủy điện (nhất là thủy điện vừa và nhỏ) đã ảnh hưởng lớn đến môi trường tự nhiên - xã hội. Lâm Đồng là tỉnh có quy hoạch thủy điện bậc thang khá phổ biến, thực tế hiện nay các cơ quan liên quan chưa kiểm tra việc xả nước cho dòng chảy môi trường của các dự án thủy điện. Đặc biệt là những công trình thuỷ điện chuyển nước sang lưu vực khác mà không trả lại cho dòng sông cũ, từ đó tạo nên các dòng sông “chết” phía sau đập, làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái phía sau đập và hạ lưu.

Q. S.

Nguồn: SGTT

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn