Tiết kiệm và đánh úp

Đào Tuấn

1. Tiết kiệm

clip_image001

Quốc hội sáng nay đã không “ra chơi”. Chút ít thời gian tiết kiệm đó được dành để một vị Phó Thủ tướng trình bày báo cáo của Chính phủ liên quan đến hai vấn đề quan trọng: Điện hạt nhân và xử lý trách nhiệm trong vụ Vinashin. Không có tiếng ồ nào khi người bước lên bục lại là ông Nguyễn Thiện Nhân. Quốc hội cũng lặng ngắt sau khi Phó thủ tướng Nhân dành chỉ 1 phút rưỡi nói về việc xử lý trách nhiệm.

“Về vấn đề xử lý trách nhiệm trong vụ Vinashin, Thủ tướng Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra toàn diện làm rõ tình hình và sai phạm tại Vinashin. Đến nay, Thanh tra Chính phủ đã hoàn thành việc thanh tra, đang tổng hợp tình hình, số liệu, hoàn thiện báo cáo thanh tra để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Cá nhân nguyên là lãnh đạo Tập đoàn, Bộ CA và các cơ quan thi hành pháp luật đã tiến hành khởi tố, bắt tạm giam một số cá nhân vi phạm pháp luật, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế. Đến nay, cơ quan điều tra đang tiếp tục củng cố chứng cứ để xử lý nghiêm minh, kịp thời, khách quan theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi có báo cáo của Thanh tra Chính phủ thì Chính phủ sẽ xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật và có báo cáo QH. Đại biểu có quan tâm xin gửi yêu cầu cụ thể Chính phủ sẽ có văn bản trả lời. Xin cảm ơn các đại biểu QH.

Tất cả chỉ hơn 200 chữ, kể cả 8 chữ dành để cảm ơn. Đang thời bão giá có khác, đến báo cáo cũng phải tiết kiệm giấy mực.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu sau đó, cũng rất tiết kiệm, nói vắn tắt, rằng: Một số vị đại biểu QH đã đề nghị thành lập Ủy ban lâm thời điều tra vụ Vinashin. UBTVQH đã họp chiều qua, 28-3 và cho rằng : Vấn đề đã và đang được các cơ quan chức năng xem xét. UBTVQH đề nghị không lập Ủy ban lâm thời để điều tra. Cũng chỉ vài chục chữ và không giải thích nhiều. Chắc ông muốn tiết kiệm, muốn dành thời gian cho các vị đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Như vậy, có thể hiểu là việc xem xét trách nhiệm trong vụ Vinashin đã chính thức khép lại.

Thực ra, vụ này đã khép lại từ sau Hội nghị TƯ 14 khi báo chí kháo nhau “xong rồi, xong rồi”. Khi Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đăng đàn để thông báo lại quyết định của “bê xê tê” thì đến anh dân ngu cu đen ngoài đường cũng hiểu là Chính phủ đã khó chịu lắm, đã muốn xếp hồ sơ vụ này lại rồi. Cho nên, chả ai tin là Chính phủ sẽ “xử lý nghiêm minh” sau khi có báo cáo của Thanh tra Chính phủ.

Có 3 cái lý ông Mèo xung quanh câu chuyện Vinashin. Khi Đảng đã bảo không, có nghĩa là không, thanh tra gì thì cuối cùng cũng là không cả. (Ai bảo: Đảng kết luận khi thanh tra còn chưa kết luận thì dứt khoát chả hiểu gì, tốt nhất lên Quản Bạ mà uống rượu ngô). Đây là nguyên lý đảng lãnh đạo. Thứ hai, dù tuyên bố như đinh đóng cột sau khi được QH bầu, rằng: “Làm tới nơi, tới chốn các vụ việc, lĩnh vực nổi cộm”, rằng “sẽ rà soát lại các vụ việc nghiêm trọng nhằm sớm giải quyết, không để dân hoài nghi, cho rằng chìm xuồng”, nhưng bác Truyền sẽ phải gãi tróc đầu ngay trước khi, hoặc nếu muốn hạ cánh an toàn. Liệu có thể tin rằng Thanh tra Chính phủ, một cơ quan thuộc Chính phủ, chịu sự chỉ đạo của Chính phủ, kinh phí cho Chính phủ phân bổ, nhân sự do Chính phủ giới thiệu bầu, có thể có kết luận về trách nhiệm của Chính phủ? Và thứ ba, Chính phủ hứa xử lý nghiêm sau kết luận thanh tra thì là xử lý nghiêm ai? Ai xử lý? Và còn xử lý gì nữa?

Cho nên, tiết kiệm nhất là không nói về vụ đắm tàu Vinashin nữa, để chờ một vụ Vinashin khác.

2. Đánh úp

clip_image002

Tối khuya, quyết định tăng giá xăng dầu mới được Bộ Tài chính đưa ra và có hiệu lực sau đó chỉ chưa tới 2 tiếng đồng hồ, tức lúc 22h ngày 29-3. Một quyết định bí mật, ban hành bất ngờ, chỉ hơn 1 tháng sau khi xăng tăng giá kỷ lục (thêm 2.900 đồng/lít vào 24-2), chỉ 3 ngày sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính đăng đàn Quốc hội nói về việc kiểm soát giá cả, và chỉ 4 tiếng sau khi QH bế mạc. Rồi ngay sau đó, ngày 30-3, Chính phủ tổ chức họp, chắc thế nào cũng có phần giải thích nguyên nhân và kêu gọi nhân dân bớt ra đường.

Ừ thì sự bí mật của quyết định tăng giá đã loại bỏ hoàn toàn các yếu tố đầu cơ, tích trữ, găm hàng vẫn tồn tại mà ví dụ điển hình có thể nhìn lại ngay trong tháng 2. Ừ thì sự bất ngờ, nhất là quyết định được công bố về đêm, đã tránh được nạn… kẹt xe khi hàng đoàn dân chúng, chỉ vì muốn tiết kiệm 10-20 ngàn, đã rồng rắn xếp hàng mua xăng nom rất… mất mỹ quan. Nhưng một quyết định hành chính liên quan đến sản xuất và đời sống của đất nước có nên chơi kiểu đánh úp như vậy?

Phản ứng đầu tiên ngay sau khi xăng tăng giá là thị trường chứng khoán đỏ lòm dù chưa đến mức bán tống bán tháo các bluechips. Còn người dân thì mang tâm lý của kẻ bị đánh úp. Phản ứng thứ hai là các DN vận tải đã kịp thời có phản ứng về việc tăng giá vé. Phản ứng thứ ba là giá cả ngoài chợ kịp thời được “điều chỉnh” mà câu thanh minh cửa miệng vẫn là “Điện tăng, xăng lại vừa tăng”. Sáng nay, cô bán bánh PappaRoti ở đối diện 103 Quán Thánh đã kịp thay bảng giá, sửa từ 12 lên 14 ngàn. Hỏi thì được cô đãi lại bằng một nụ cười: Xăng tăng giá đêm qua rồi anh ạ. Còn những phản ứng gì? Còn những gì tăng giá nữa thì trời mới biết.

Còn nhớ, phát biểu trước QH, chỉ 4 ngày trước khi xăng tăng giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh than vãn: Giá xăng hiện Nhà nước không thu thuế 20% và “mới điều chỉnh một phần”. Ông nói, rằng: mặt bằng giá xăng ở VN hiện vẫn thấp hơn Lào và Campuchia từ 3,2 ngàn cho đến 5 ngàn đồng/lít. Rằng: Nếu tới đây giá xăng dầu thế giới tăng thì sẽ phải tiếp tục điều chỉnh giá trong nước. Còn giá thế giới giảm thì sẽ… khôi phục thuế. Nhưng Bộ trưởng Ninh nói về giá xăng dầu trong bài phát biểu chung về việc kiềm chế đà tăng giá và tăng cường quản lý giá. Không ai nghĩ ông phê cho giá xăng tăng chỉ 4 tiếng sau khi QH bế mạc. “Chúng ta theo thị trường từ 2009 và giờ phải quay lại theo thị trường” - ông nói. Quay lại theo thị trường, có nghĩa là do thị trường quyết định, tức là có tăng, có giảm theo sự tăng giảm mang tính thời điểm của thị trường. Nhưng thị trường kiểu Việt Nam đã cho thấy sự điều tiết mang khuynh hướng thành tích, mang dấu ấn ý chí cá nhân hơn là theo quy luật.

Một bằng chứng là để đảm bảo kiềm chế lạm phát trong năm tài khóa 2010, Chính phủ đã lắc đầu với mọi đề nghị tăng giá xăng dầu để chỉ số cá nhân người lãnh đạo Chính phủ không quá thấp trong dịp đại hội Đảng (Chính Bộ trưởng Ninh cũng nói: “Đầu vào của một số mặt hàng phải kìm nén để đạt được mục tiêu ngắn hạn”). Giá xăng bị buộc dây suốt qua ĐH Đảng, buộc cho đến 24-2 và khi các cây xăng buộc phải đóng cửa, cột chó, trùm mền, thực chất cũng là một hình thức đình công - vì lỗ đến hàng ngàn đồng mỗi lít bán ra. Nhưng việc buộc dây giá xăng hôm qua, đã trở thành cái lò xo giá hôm nay khi xăng lại tăng liên tục, và cũng liên tiếp lập kỷ lục về giá xăng dầu ở Việt Na

“Sẽ không có chuyện trình QH điều chỉnh chỉ tiêu lạm phát” - Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố hồi đầu tháng 3. Năm ngoái, chỉ tiêu lạm phát được xác định là 7%. Tháng 5-2010, Chính phủ xin “nới” lên 8%. Kết quả lạm phát 11,37%. Năm nay, chỉ tiêu cũng vẫn là 7% trong khi 3 tháng đầu năm, CPI đã lên tới 3,7%. Cú tăng giá thứ hai, một kỷ lục mới, sau đợt tăng giá kỷ lục cũ chỉ hơn 1 tháng đã làm gần hơn câu chuyện xin nới chỉ số lạm phát. Mà lạm phát chính là cú đánh vào bữa cơm của dân chúng.

ĐT

Nguồn: quechoa.info

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn