Quả của Mohammed

Mathieu von Rohr

Phan Ba dịch

Có lẽ không ai không nghĩ rằng Châu Phi của năm đầu thập niên thứ hai thế kỷ XXI sẽ là một cột mốc lớn trong lịch sử nhân loại sau hai cột mốc vĩ đại: Cách mạng Hoa Kỳ và Cách mạng Pháp khoảng ba thế kỷ trước đây. So với nó, cuộc cách mạng Tân Hợi của Châu Á nổ ra cũng vừa tròn 100 năm không phải là không lớn, nhưng hơi tiếc, nó đã sớm bị một đám mây đen dày đặc trong gần suốt thế kỷ XX vây phủ mà mãi đến nay mới tan được một phần. Đương nhiên, con đường đi dến dân chủ của Châu Phi sẽ không dễ dàng. Còn phải trải qua nhiều thể nghiệm mà khốn thay, loài người là một giống khác loài vật ở chỗ thích tranh khôn nhau bằng hết thể nghiệm này đến thể nghiệm khác, thể nghiệm nào cũng trả giá đắt.

Nhưng miễn là không có những băng đảng cứ muốn đem những “ánh sáng chói lòa” của các thứ tôn giáo cực đoan hoặc những hệ ý thức từ lâu đã bị tôn giáo hóa, để làm lóa mắt người dân hiền lành về một viễn ảnh không có thực, rồi khi dân chúng đã say men ảo tưởng, lên cơn vĩ cuồng tập thể, thì lập tức chúng cùm họ lại trong một sợi dây xích còn khủng khiếp hơn mọi gánh nặng độc tài cá nhân mà họ vừa hất được khỏi cổ mình.

Vâng, miễn không quàng phải cái rớp “tử vì đạo” mà đúng ra là “tử cho một thiên đường ảo giác” rất bi hài, do những kẻ bạo hành “bị thay mất trái tim” (Bulgacov) dắt mũi như đã nói, thì những bà mẹ, ông cậu, cô em gái Mohammed Bouazizi - kể cả người nữ cảnh sát hiện đang bị giam giữ trong nhà tù vốn là nguyên nhân gián tiếp gây ra cái chết của người thanh niên Tunisia nhưng thực tế vẫn là con người có những giọt nước mắt nóng hổi nhân tính (chứ không bao giờ thoáng một chút ý nghĩ bẻ gãy cổ người dân) - sẽ sớm tìm thấy hương vị đích thực của mấy chữ dân chủ tự do.

Châu Phi mà ta từng định kiến là đang ở vào thời đại bộ lạc lạc hậu so với cả 5 châu lục, có ai ngờ lại may mắn hơn nhiều dân tộc đã từng được nếm chút ít văn mnh, đã hăng hái gia nhập vào công cuộc toàn cầu hóa lần thứ nhất từ hơn một trăm năm nay. Những biến động bất ngờ của thế giới hiện đại quả tình không thể nào lường trước được.

Hy Tuệ

Vào ngày 17 tháng 12, người bán trái cây Mohammed Bouazizi đã tự thiêu sau lần cãi nhau với một nữ nhân viên nhà nước. Hành động này là nguồn gốc của cuộc cách mạng Ả Rập. Tại sao nó lại xuất phát từ một thành phố nhỏ của Tunesia? Và người dân nhận thấy gì từ sự tự do mới? Tường thuật của Mathieu von Rohr.

clip_image002

Tồng thống Ben Ali (trái), nạn nhân Bouazizi trong bệnh viện ở Tunis vào ngày 28 tháng 12 năm 2010: Một cái tát tai đại diện cho một nhà nước độc tài làm nhục người công dân của mình. Ảnh: Der Spiegel.

Bà ấy quỳ xuống cạnh ngôi mộ của người con trai, trong bụi của thảo nguyên Tunesia, bộ quần áo màu đem trùm kín người viền lấy gương mặt nhăn nheo, bà ấy đu đưa người và tự nói to với chính mình.

"Thượng Đế, xin hãy nhân từ với linh hồn của con tôi, cầu cho máu của nó đã không đổ một cách vô ích". Một người phụ nữ tiến đến gần bà ấy và nói. "Bà đã cho chúng tôi người con trai của bà, người đã giải phóng tất cả chúng ta".

Đó là một ngôi mộ đơn giản, một khối xi măng màu xám ở rìa của nghĩa trang gia đình. Mộ hướng về Mecca, một lá cờ Tunesia phất phới ở bên cạnh.

Chồng của bà, gầy và thầm lặng, đã trộn xi măng, ông ấy dựng một tấm bia trên ngôi mộ, trên đấy có dòng chữ: "Người tử vì đạo Mohammned Bouazizi, sinh ngày 19 tháng 3 năm 1984, mất ngày 4 tháng 1 năm 2011".

clip_image004

Bouazizi, người hùng của nhân dân (trên một tấm biểu ngữ trong một cuộc biểu tình vào ngày 28 tháng 1 ở Tunis): Hình tượng của tự do. Ảnh: Der Spiegel.

Người thanh niên được chôn cất ở đây, Mohammed Bouazizi, một người Tunesia bán trái cây, đã tự thiêu và qua đó đã đốt cháy cả thế giới Ả Rập.

Người mẹ và chồng của bà đã đến đây để ghi tên và sơn trắng ngôi mộ của anh ấy, đấy là phong tục vào ngày thứ 40 sau khi chết. Họ đến muộn mất ba tuần, đã xảy ra quá nhiều việc trong những tuần trước đó.

Một nhóm phóng viên truyền hình đã lái xe đưa ông bà đến mộ. Bây giờ hiếm khi người mẹ ra khỏi nhà mà không có một máy quay phim đi theo bà. Cứ mỗi ngày bà lại ít giống một con người thật đi một chút, bà ấy đang biến mình thành một tượng đài của đau buồn, như mẹ của Chúa Trời.

Gương mặt của con trai bà được mang trên biểu ngữ đi khắp đất nước, như hình tượng của tự do, như cội nguồn của cuộc cách mạng, cái đầu tiên đã lật đổ nhà độc tài Tunesia và ngay sau đó là nhà độc tài Ai Cập, cái đã tạo nên những cuộc nổi dậy ở Algeria và Yemen, ở Bahrain, Jordan và Lybia.

Những ai đi theo Manoubia Bouazizi, mẹ của người bán trái cây đã chết, hy vọng có được trả lời cho những câu hỏi mà tất cả những hình ảnh của những trận hỗn chiến trên đường phố và của những người nổi dậy đang reo mừng không thể đưa ra được. Tại sao tất cả lại bắt đầu chính từ ở một nơi đầy bụi bặm ở Tunesia? Và cuộc cách mạng đã làm gì với những người mà nó đã bắt đầu ở đó? Nó thay đổi cuộc sống của họ ra sao? Nền dân chủ vừa mới bắt đầu trông ra sao?

Người bán trái cây Mohammed Bouazizi đã sống tại Sidi Bouzid, một thị trấn nhỏ trên vùng đất cao của thảo nguyên, 200 km về phía Nam của Tunis, 40.000 dân cư, nó trải dọc theo bên trái và bên phải của con đường lớn duy nhất xuyên qua thị trấn. Người dân của nó than phiền rằng Sidi Bouzid còn chẳng được vẽ trên tấm bản đồ thời tiết của truyền hình, họ cảm thấy đất nước họ và thế giới đã lãng quên họ.

Không có gì ở Sidi Bouzid khiến cho Mohammed hy vọng vào một tương lai được toại nguyện. Những ai có mối quen biết trong thành phố của anh ấy, người đó nhận được một chỗ làm trong nhà máy sản xuất bột cà chua, vài người nào đấy bán xăng mang lậu từ Lybia vào, chỉ còn lại công việc nặng nhọc ở chợ hay hái quả ô liu cho những người còn lại, nhiều người trong số đó, những người làm việc trong các đồn điền, đã tốt nghiệp đại học. Ở đây có nhiều người trẻ tuổi và có ít việc làm.

Mohammed 26 tuổi, đồng lứa tuổi với phần lớn những người sống ở đây. Họ mơ về một chuyến sang châu Âu, và cho đến lúc đấy họ sống nhờ vào những phần thừa của Phương Tây. Họ mang "frip", quần áo cũ được đóng thành kiện chở đến. Thỉnh thoảng, Mohammed nhìn thấy những chiếc ô tô mà trên đó có dòng chữ DHL hay chi nhánh Citroën ở Hamburg-Papenreye. Những chiếc ô tô này thuộc về những người đã từng ở châu Âu, họ cứ để bảng số nước ngoài của họ trên xe như một vật kỷ niệm chiến tích, cái nói rằng: Tôi đã thành công.

Mohammed không biết nhiều về tình hình thế giới. Anh ấy không biết rằng giá một vài thứ trên sàn chứng khoán ở London và Chicago đã tăng gần gấp đôi từ nửa năm nay. Anh ấy không biết rằng một giạ lúa mì, cái trong tháng 6 còn được mua bán với giá 4,30 dollar, giờ đây trong tháng 12 được chào với giá 12 dollar, và một cân đường, cái trong mùa hè có giá 15 cent, bây giờ là 30 cent. Khi anh ấy kéo chiếc xe bán trái cây của mình qua chợ, anh ấy chỉ thấy rằng thực phẩm ngày càng đắt hơn và với những gì anh ấy kiếm được, anh ấy mua được ngày càng ít thức ăn hơn cho gia đình.

Đó là ngày 17 tháng 12, khoảng 11 giờ 15, khi Mohammed Bouazizi gặp người nữ nhân viên giữ trật tự Faida Hamdi ở ngay giữa thị trấn.Với chiếc xe gỗ của mình, anh ấy bán quít, táo, lê, như mọi ngày, không có giấy phép của nhà nước. Faida Hamdi là nhân viên của Sở Cảnh sát, cô ấy nổi tiếng là sẽ thực hiện những gì mà Nhà nước yêu cầu cô. Khi cô ấy phát hiện ra Mohammed, cô ấy quyết định tịch thu hàng hóa của anh ấy, như cô đã từng làm nhiều lần rồi.

Không thể nói một cách chắc chắn những gì đã xảy ra sau đó. Phần lớn người dân của Sidi Bouzid đều kể rằng đã có một cuộc cãi vã to tiếng và giằng co vì những thùng hàng, rằng các nhân viên đã tịch thu chiếc cân điện tử của Mohammed. Và rằng Faida, người nữ nhân viên, đã bạt tai anh bán trái cây. Nhưng người ta không tìm thấy ai không chỉ nghe mà còn cũng nhìn thấy. Chủ các tiệm xung quanh thuật lại rằng tất cả những người bán trái cây đã chạy trốn khi cảnh sát đến.

Chắc chắn là việc rằng Mohammed Bouazizi đã đến Sở Cảnh sát để yêu cầu trả lại chiếc cân của anh ấy, rằng anh ấy đã bị từ chối, rằng anh ấy đã yêu cầu cho gặp Thị trưởng và lại bị từ chối. Và chắc chắn là gần hai tiếng sau đó, khoảng 13 giờ, anh ấy đã đặt chiếc xe gỗ trên đường phố trước trụ sở của Thị trưởng, đổ một chai chứa chất cháy được, có lẽ là xăng, lên đầu mình và đã tự thiêu với một que diêm.

Mohammed Bouazizi và Faida Hamdi gặp nhau vào ngày 17 tháng 12 cứ như là định mệnh. Lần gặp gỡ của họ đã trở thành câu chuyện của một cái tát tai, khiến cho người dân xuống đường; câu chuyện đại diện cho một Nhà nước độc tài, làm nhục người công dân của mình, một Nhà nước mà còn chẳng để cho họ lao động nữa. Cây chuyện đã làm cho Mohammed, người bán trái cây, trở thành người anh hùng, và Faida, người nữ nhân viên, trở thành kẻ xấu của một cuộc cách mạng.

Khi Mohammed đứng trong lửa, mẹ của anh ấy đang hái ô liu, bốn dinar một ngày, tương đương với hai euro. Khi sếp của bà đến chỗ bà và nói rằng con trai của bà đang ốm, bà ấy biết rằng đã xảy ra chuyện không hay.

Ridha, cậu của Mohammed, ông ấy cũng bán trái cây, đã đặt chiếc xe của mình ở rìa thành phố, ông bị liệt một chân và không thể chạy khi cảnh sát đến, vì thế mà ông tìm những nơi vắng. Khi ông nghe rằng đã xảy ra chuyện gì đấy, ông ấy đi đến Văn phòng Thị trưởng, nhưng khi ông đến thì mọi chuyện đã qua rồi. Ông gọi một chiếc taxi và đi đến bệnh viện.

Vào ngày đấy, người anh của cô nhân viên Nhà nước đang ở nhà của mình gần trung tâm thành phố. Khi người em gái trở về nhà, cô ấy khóc. "Mohammed đã tự thiêu", cô ấy nói, lại chính là anh ấy, người lúc nào cũng điềm tĩnh. Faida thuật lại cho anh cô nghe về vụ việc vào buổi sáng, cô ấy hoàn toàn không nói gì đến một cái tát tai.

Anh của cô tên là Faouzi Hamdi, ông là thầy giáo dạy lịch sử và địa lý, một người đàn ông 52 tuổi mang áo len thô, tóc bạc cắt ngắn và có râu mép. Ông xuất thân từ một gia đình lúc nào cũng đứng về phía của Nhà nước, cha của ông là Cảnh sát trưởng của vùng này, phục vụ cho Nhà nước cũng như em của ông.

clip_image002[7]

clip_image004[7]

Ridha, cậu của Bouazizi, Faouzi, anh của Hamdi: Người hùng nằm trong ngôi mộ của mình, kẻ xấu xa vẫn còn sống. Ảnh: Der Spiegel.

 

Chính ông thì lại là người của Công đoàn, và vì vậy mà ở Sidi Bouzid, ông thuộc vào phe đối lập được [Nhà nước] khoan dung. Ông chưa từng bao giờ là một người chống chế độ cực đoan, nhưng ông thường hay xuống đường để đưa ra những yêu cầu về xã hội, thỉnh thoảng cũng là những yêu cầu về chính trị. Có đôi lúc ông kể cho học trò của ông nghe về nhân quyền và dân chủ, những đề tài không có trong kế hoạch giảng dạy. Có đôi lúc ông ấu đả với Cảnh sát.

Rồi cha của ông nói với ông: "Con làm việc chống lại em gái của con".

Khi em của ông đứng khóc trong nhà, Faouzi Hamdi phải quyết định. Vì hay chống lại em gái mình, ông quyết định đến Văn phòng Thị trưởng, ông muốn biết rõ những gì đã xảy ra. Khi ông đến đã có một đám đông đứng trước đó, có lẽ là hàng trăm người, họ cố xông vào trụ sở.

Em gái của anh gây ra đấy, người ta nói với ông. Tốt hơn là nên đi về nhà đi, một cảnh sát nói với ông.

"Tại sao em lại làm như vậy?", ông hỏi em gái mình khi trở về nhà. Cô ấy thề: Em không hề đánh Mohammed.

Ông mang cô đến chỗ cha mẹ mình, ở nơi cách đó 30 km. Vào buổi tối, ông xuống đường đi biểu tình.

Bây giờ, những trận đánh nhau trên đường phố diễn ra hàng ngày, trong những khu dân cư, hàng nghìn thanh niên kéo nhau mang đá chọi lại với cảnh sát, và Tổng thống Zine el-Abidine Ben Ali, nhà độc tài, gửi quân lính mới đến Sidi Bouzid mỗi ngày.

Vào ban ngày, Faouzi Hamdi xuống đường, cùng với những đồng chí của mình trong Công đoàn, vào ban đêm, ông cung cấp lương thực và nước uống cho thanh niên trên đường phố, vài người nào đấy là học trò của ông.

Vào ngày 28 tháng 12, nhà độc tài Ben Ali nhượng bộ trước áp lực của đường phố, lần đầu tiên. Ông đến thăm người bán trái cây Mohammed Bouazizi trong bệnh viện và mời mẹ của anh ấy vào dinh. Đồng thời, ông gửi một đơn vị đặc biệt từ Tunis đến Sidi Bouzid để điều tra lại về vụ việc này. Faida, người nữ nhân viên, được cho là đã tát tai người khác trong lúc thi hành công vụ, bị bắt giữ, và bị nhốt vào tù ba ngày sau đó. Nhà độc tài muốn xoa dịu người dân, ông ấy mang ra cho họ một vật tế lễ. Vài ngày sau đó, Mohammed Bouazizi chết trong bệnh viện. Mười ngày sau đó, vào ngày 14 tháng 1, nhà độc tài Ben Ali cùng gia đình chạy trốn ra nước ngoài.

Giờ đây, người hùng nằm trong ngôi mộ của mình và kẻ xấu xa còn sống, bị giam trong một xà lim tập thể của nhà tù Gafza, cách Sidi Bouzis 89 km.

Nhà tù được bao quanh bởi những bức tường trắng và cao, và sáu tháp canh. Họ đến trên một chiếc xe hiệu Volkswagen, người anh Faouzi, ba anh chị em khác và người cha, cựu Cảnh sát trưởng.

Ông ấy thuộc giới tinh hoa cũ, ông không còn quyền hành gì nữa. Ông buộc phải nhìn người con gái của mình ngồi trong tù, không có hỏi cung, không có quan tòa, cô ấy ngồi ở đây từ hai tháng nay, vì một cái tát tai mà có thể có, cũng có thể không. Ông ấy nói rằng có lẽ cô ấy là người tù chính trị cuối cùng của Tunesia.

Cô chỉ được phép nhìn gia đình, cô không được phép nói cô sống trong tù như thế nào, chia sẻ phòng giam với bao nhiêu người.

Họ đã mang đến cho cô hai túi đồ ăn, mì, táo và món couscous. Họ đi qua một cái cửa nhỏ, sau mười phút họ lại bước ra. Ông không thể chịu đựng được khi nhìn thấy người em gái khóc, người nữ cảnh sát đầy tự hào, Faouzi Hamdi nói.

Faouzi Hamdi không biết là ông đã thắng hay đã bại. Là người của Công đoàn, ông ấy nói, ông ấy cảm thấy hạnh phúc vì cuộc cách mạng đã thành công. Là người anh, ông tự hỏi rằng những gì mà em gái của ông bây giờ đang phải trải qua liệu có thuộc về tự do hay không, cái tự do mà ông đã đấu tranh cho nó như là người của Công đoàn. Và là người anh, ông cũng nói rằng ông cảm thấy đau đớn khi cuộc cách mạng đã dựa trên một lời nói dối.

"Và tôi biết ai đã đưa lời nối dối ra thế giới", ông ấy nói. "Đó là Ali Bouazizi."

Ali Bouazizi, chủ nhân của một siêu thị, nhận được thông tin, rằng người bán trái cây Mohammed đã tự thiêu, qua một cú điện thoại. Mohammed là em họ của ông ấy, ngay lập tức Ali chạy băng qua vài trăm mét đến ngay trụ sở của Thị trưởng. Ông còn nhìn thấy thân thể cháy thành than của Mohammed được lôi vào một chiếc xe cứu thương ra sao. Ông lôi chiếc điện thoại di động Samsung của mình ra và quay phim. Có thể sẽ lớn chuyện đây, Ali nghĩ thầm. Thế nào đi nữa thì ông cũng sẽ làm mọi việc để nó trở thành chuyện lớn.

clip_image010

Người anh họ Ali. Ảnh: Der Spiegel.

Cho tới đêm, ông quay phim giới thanh niên đang phản đối trên đường phố. Một người bạn xử lý đoạn video, lồng thêm nhạc buồn vào và rồi đưa lên Facebook. Ali gọi điện cho đài Al Jazeera, và ngay tối hôm đấy, đài truyền hình này đã phát đi những hình ảnh đó. Ali Bouazizi tường thuật qua điện thoại, ông ấy nói với tên thật của mình.

Ông nói rằng Mohammed đã bị cảnh sát đánh, ông cũng nói rằng Mohammed có bằng đại học.

Điều thứ nhì được chứng minh là không đúng, Mohammed còn chẳng có bằng tốt nghiệp phổ thông nữa. Nhưng nó làm cho việc này càng to hơn, vì nhiều người tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm ở Tunesia.

Ali lại đưa đoạn video của lần ông xuất hiện trên đài truyền hình Al Jazeera lên Facebook. Ngay ngày hôm sau, cả giới trẻ trong những thành phố khác cũng xuống đường, và cuối cùng, khi có người chết, cuộc nổi dậy bao trùm lấy Tunis và cả nước.

Đầu tháng 3, 11 tuần sau đó, họ ngồi trong cửa hàng bán điện thoại di động của một người bạn thân, Ali và bạn của ông ấy, Rochi, trước cái máy tính mà họ đã dùng nó để đưa đoạn video đầu tiên lên Facebook. Đài truyền hình Al Jazeera đang tường thuật trong chiếc ti vi lớn ở phía sau họ, những hình ảnh mới nhất từ Lybia, những trận đánh vì cảng dầu, không kích, người tị nạn ở biên giới Tunesia. Họ cảm thấy một cách chắc chắn rằng những hình ảnh này có liên quan như thế nào đấy với họ, với Sidi Bouzid, họ cũng cảm thấy như thế cách đây một tháng, khi họ nhìn đám đông trên quảng trường Tahrir ở Cairo.

Rochdi nói rằng bất kỳ ai mà nói về một cuộc cách mạng Facebook, người đấy đều hoàn toàn không hiểu gì cả. "Chúng tôi đã bị hơi cay phủ mù mịt suốt cả hai tuần liền đấy!" Ali nói: "Cảnh sát chính trị biết từng người một ở đây. Để đưa một đoạn video như thế lên Facebook cần phải có can đảm. Không có can đảm thì chúng tôi không bao giờ có được cuộc cách mạng này."

Vào ngày tự thiêu, ông ấy chỉ tình cờ có mặt ở quê hương Tunesia của ông, Rochdi nói, ông sống ở Thụy Sĩ từ 16 năm nay và có một tiệm bánh ở Lausanne. Thật ra ông đã muốn trở về từ nhiều tuần nay rồi, nhưng ông nhận ra ngày một nhiều hơn, rằng ông đang được cần đến ở đây.

Ông có thể tự do tiếp tục làm công việc mà trước đây vài tuần Ali đã còn làm dưới sự nguy hiểm đến tính mạng. Ông đã vào bệnh viện của Sidi Bouzid với một máy quay phim, và đã quay lại sự dơ bẩn, những người nữ y tá tuyệt vọng trong khu trẻ sơ sinh, ông đã quay những thiết bị y khoa nhiều chục năm tuổi. Ông đã đưa đoạn video lên Facebook, ông muốn làm điều gì đó cho quê hương của ông, ông mang nhà báo đến những đồn điền ô liu để họ gặp những người tốt nghiệp đại học mà không tìm được việc làm.

clip_image012

Manoubia, mẹ của Bouazizi (trái): "Bà đã cho chúng tôi người con trai của bà, người đã giải phóng tất cả chúng ta." Ảnh: Der Spiegel.

Thỉnh thoảng ông còn nghĩ đến việc đầu tư ở đây, trồng ô liu theo kiểu sinh thái, xuất khẩu sang châu Âu, kinh doanh lớn, ông ấy nói, nhưng rồi tự hãm mình lại: "Còn quá sớm. Bây giờ chưa phải là lúc chi tiền ra ở đây."

Ông ấy đang chậm chạp dò dẫm bước đến dân chủ, cũng như cả thị trấn, thị trấn mà mọi việc đã bắt đầu từ đấy. Hầu như không còn cảnh sát trong Sidi Bouzid, chỉ có một vài nhân viên nhà nước đứng trước Sở Cảnh sát, để bảo vệ những người lính đóng quân ở đây.

Ở phía bên kia của con đường, trước cửa trụ sở của Thị trưởng, vẫn còn được bao kín bằng dây thép gai, có hàng trăm người tụ tập mỗi ngày, họ muốn nói chuyện với Thị trưởng, về tiền bạc, việc làm, nhà ở, và người Thị trưởng, người thứ tư trong vòng ba tháng, có lúc cầm loa bước ra ngoài. Ông ấy nói rằng người dân cần phải bình tĩnh, ông không thể tiếp được tất cả mọi người. Nhưng họ không bình tĩnh, họ chỉ lại càng giận dữ hơn.

Có những người phụ nữ hét cuồng lên và lao mình xuống đất, có những người đàn ông hét to lên mà dường như không có lý do gì. Thỉnh thoảng, khi không còn chịu được nữa, những người lính bắn chỉ thiên. Rồi lại yên lặng được một lúc.

Thỉnh thoảng người bán trái cây Ridha cũng đến đây, người cậu bị liệt của Mohammed Bouazizi. Bây giờ ông được phép đặt chiếc xe gỗ của ông ở nơi đã từng là chỗ của Mohammed. Cho tới nay, dân chủ không mang lại cho ông điều gì nhiều hơn thế.

clip_image014

Ngôi mộ của Mohammed ở Sidi Bouzid: Đền bù 20.000 dinar. Ảnh: Der Spiegel.

Không còn nhìn thấy nhân viên của thị trấn nữa, họ để yên cho những người bán dạo, đã trở thành những người không được động đến trong khắp nước. Bây giờ ở Tunis họ bày bán trên con đường mua sắm chính, và những người chủ cửa hàng đã kêu gọi đình công, vì hàng hóa đẹp của họ bây giờ đã bị hàng lậu từ Lybia che khuất mất.

Vào ban ngày, Ridha đứng với hàng hóa của ông dưới hàng cây chà là được cắt vuông vức cạnh con đường mà bây giờ có tên là Avenue Mohammed Bouazizi, cách nơi cháu của ông tự thiêu chỉ có 200 mét. Ông có những thùng cam, táo, quít, chà là, và ở nơi mà xe của ông đã từng có tấm bạt che, ông cột dây để treo chuối.

Ông là một người đàn ông nhỏ bé với một gương mặt cởi mở, sạm nắng. Ông đứng chéo chân ở đấy, chân trái của ông ngắn hơn chân phải 10 cm. Lợi nhuận của ông nằm ở khoảng 50 đến 100 millime cho một kí lô, đó là ba đến sáu cent, và ngày nào mà ông thu nhập được 15 dinar, tám euro, thì đấy là một ngày tốt đẹp. Bây giờ không còn những nhân viên thị trấn muốn được hối lộ nữa, những người tịch thu hàng hóa hay phạt tiền, đó là sự tiến bộ.

Nhược điểm của cuộc cách mạng là không ai có đủ tiền. Giá cam đã tăng gấp đôi, chuối đắt thêm một phần ba, giá cho sữa và đường hầu như không giảm, bánh mì vẫn đắt như cũ, thay vào đấy những ổ bánh mì bây giờ nhỏ hơn.

Có lần, khi ông suy nghĩ rất lâu về Mohammed Bouazizi và về chân ông, Ridha nói: "Đúng thôi, người nào mà không cứng rắn như tôi thì sẽ dễ tự tử nếu có tình cảnh như tôi".

Vào chiều tối ông đẩy chiếc xe của mình xuống cuối phố, ông kéo nó vào một cái chòi bằng ván và mang các thùng hàng xuống, tất cả chỉ trên một chân. Rồi ông kẹp cái cân điện tử dưới cánh tay, nó là cái đắt tiền nhất mà ông sở hữu được. Ông lê người vào căn hộ nhỏ của ông, nơi có hai tấm đệm và một máy truyền hình gắn với vệ tinh. Ông đặt cái cân xuống đệm và sạc điện cho nó.

Thỉnh thoảng Mohammed cũng qua đêm ở đây, anh ấy cũng với cái cân điện tử cạnh giường, cái đắt tiền nhất mà anh ấy có được và người ta đã lấy đi, ngay trước khi anh ấy tự thiêu.

Việc họ là một gia đình, Mohammed, hình tượng của cuộc cách mạng, và Ridha, người bán trái cây liệt chân, không làm cho cuộc sống nhẹ nhàng hơn. Thỉnh thoảng, khi Ridha đứng trước chiếc xe của mình, những người bán hàng khác đến, họ nói anh kiếm được khối tiền với câu chuyện của cháu anh, chúng tôi đã thấy nhà báo mời anh vào khách sạn và cho anh tiền, bây giờ rốt cuộc thì anh cũng có tiền để mua một cái chân giả.

Một bầu không khí mới đã về đến Sidi Bouzid, một bầu không khí của sự ganh tị và nói xấu. Những người quen biết Mohammed được xem là những người hưởng lợi từ cuộc nổi dậy, những người không quen biết anh ấy tự hỏi không biết bao giờ mới được hưởng lợi từ cuộc nổi dậy. Ridha là người bị nghi ngờ và đồng thời cũng là người nghi ngờ. Khi phải chống đỡ, ông ấy kể về người em gái của ông ấy, người mẹ của nạn nhân, ông kể về một người phụ nữ đã kiếm tiền từ cái chết của con trai mình.

Ông không còn nói chuyện với em gái của mình nữa, kể từ khi bà ấy được nhà độc tài Ben Ali mời tới. Ông không được phép đi cùng, ông không đủ tầm quan trọng. Cái chết của Mohammed đã mang lại cho ông một chỗ mới cho chiếc xe trái cây của ông và 20.000 dinar cho em gái của ông, số tiền mà nhà độc tài đã hứa như một sự đền bù. Ridha không nhìn thấy sự công bằng trong dân chủ.

Bây giờ, em gái của ông là giới tinh hoa mới của thị trấn, cũng có thể nhận thấy qua lời nói xấu không muốn chấm dứt. Chuyện về những người giàu cho tiền từ các quốc gia vùng Vịnh được kể vòng quanh, chuyện kể về những lần xuất hiện kiêu căng trong siêu thị và trong ngân hàng.

Manoubia Bouazizi, người em gái và mẹ của Chúa Trời, ngồi ở sân trong của ngôi nhà chật hẹp của bà, ba phòng, một phòng bếp, một gian phòng đầu có chiếc ghế dài mà bà ngồi ở đấy để sưởi ấm đôi tay cạnh một cái nồi. Bà nói bà không hề nhận được tiền của bất cứ ai cả. Ở trong một gian phòng có một cái máy tính mới, có kết nối Internet, và ngồi trước cái máy tính đấy là Basma, người em gái 15 tuổi của người đã chết, và lướt qua thế giới mới.

Bây giờ em ấy là thành viên của Facebook.

Phan Ba dịch từ http://www.spiegel.de/spiegel/print/d-77435198.html

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn