Nhìn về Trung Quốc (kì 1)


Phạm Hy Sơn
Lời nói đầu: Từ khi ông Đặng Tiểu Bình đảo ngược chủ thuyết kinh tế Cộng sản để mời gọi tư bản vào đầu tư năm 1989, nước Trung Hoa đã phát triển và trở thành nền kinh tế có tổng sản lượng quốc gia (GDP) đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ. Nhưng dù thất bại nặng nề trong việc áp dụng 40 năm chủ nghĩa Cộng sản tại Trung Hoa (1949 – 1979), Đảng Cộng sản còn ngự trị với bao nhiêu quyền hành, đặc quyền, đặc lợi. Chủ quyền quốc gia và quyền sống của người dân vẫn do Đảng Cộng sản nắm chặt không khác gì dưới thời Mao Trạch Đông. Người dân không thể hiện được quyền làn chủ đất nước và làm chủ cuộc sống của mình, có nghĩa vẫn bị đàn áp, vẫn bị nghèo khổ vì nông dân thì bị cướp đoạt ruộng đất, công nhân thì bị bóc lột công sức, cùng với nạn tham ô, cường hào ác bá trải rộng khắp nước từ Trung ương tới địa phương.
Đã có những đòi hỏi hay kiến nghị cải cách chế độ nhưng đều bị đàn áp, bác bỏ. Cách nay hơn một năm, Trung tướng Lưu Á Châu, giáo sư Viện Đại học Quân sự, con rể cựu Thủ Tướng Lý Tiên Niệm đã cảnh cáo nếu chế độ không được thay đổi thì chỉ trong vòng 10 năm nữa sẽ sụp đổ.
Có thể ông đã tiên đoán sai về thời gian, vì những tháng gần đây giai cấp công, nông nổi lên liên tiếp, không phải chỉ vài chục, vài trăm người mà hàng chục ngàn người ở cảng Đại Liên ngày 14-8-2011; không phải chỉ đòi hỏi quyền lợi hay khiếu nại mà còn giương cao biểu ngữ đòi “Giết chết bọn quan chức tham ô”, “Đả đảo chế độ độc tài”, “Nợ máu phải trả bằng máu” (Huyết trái, huyết hoàn), lật đổ chính quyền cũ, lập chính quyền mới ở xã Ô Khảm, tỉnh Quảng Đông mới đây. Những tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản như Nhật báo Nhân Dân, Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) không còn có thể im tiếng nữa mà thảng thốt la lên: “Tín nhiệm dành cho giới lãnh đạo Đảng bị lật nhào” (Global Times 25-9-2011), “Dân chúng càng ngày càng bất mãn với chính phủ” (Nhật báo Nhân Dân 03-11-2011). Nhiều học giả và các giáo sư Đại học chuyên nghiên cứu về Trung Quốc tiên đoán có thể nước này sẽ gặp đại loạn trong thời gian sắp tới.
Để có một cái nhìn tổng quát hơn về những diễn biến có thể sẽ xẩy ra, chúng ta cùng lướt qua về bối cảnh xa xưa của đất nước có 1.300 triệu dân với nền văn hóa lâu đời này, tiếp đến là nói về Mao Trạch Đông và nội tình Trung Quốc hiện nay.

I - Trung Quốc ngày xưa: Khổng Tử
Dân tộc Trung Hoa khởi đầu sinh sống ở phía Tây Bắc Hoàng Hà rồi dần bành trướng về phía Đông xuống phần hạ lưu và phía Nam con sông này. Đầu óc phong kiến đã sớm phát triển rất mạnh trong con người Trung Hoa. Vì thế mà nạn tranh giành quyền lực liên tục xẩy ra làm cho người dân vô cùng lầm than vì bị các lãnh chúa đè nén, bóc lột qua sưu cao, thuế nặng và nhân lực để phục vụ chiến tranh do họ gây ra. Đất nước Trung Hoa có những giai đoạn suy tàn vì chiến tranh nên bị các nước nhỏ xung quanh như Kim, Mông, Mãn... xâm chiếm và đô hộ. Vào đầu đời nhà Chu - Tây Chu (1.135-770 trước Tây lịch), chư hầu có tới 3.000 nước. Những đám phong kiến này luôn tranh chiếm tiêu diệt lẫn nhau và vào thời Đông Chu còn khoảng vài trăm nước. Thời Chiến quốc còn lại thất hùng gồm Tề, Hàn, Ngụy, Triệu, Tần, Sở, Yên. Nước nào cũng nhân danh nhà Chu (như thời Trịnh, Nguyễn của Việt Nam nhân danh nhà Lê) để gây chiến với nước khác. Cuối cùng thì Tần, với Tần Thủy Hoàng, toàn thắng vào năm 221 (trước Tây lịch) lập ra nhà Tần. Đây là lần đầu tiên Trung Hoa được thống nhất sau hàng ngàn năm chinh chiến, nhưng nhà Tần chỉ kéo dài được 15 năm. Hạng Võ diệt được Tần thì lại có cuộc tranh hùng với Lưu Bang. Lưu Bang thắng Hạng Võ lập ra nhà Hán tương đối ổn định được hơn 300 năm thì xảy ra loạn Hoàng Cân, tức giặc Khăn Vàng, đưa nước Tàu đến loạn Tam quốc (Ngụy, Thục, Ngô) với ba nhân vật nổi tiếng là Tào Tháo, Khổng Minh, Ngô Quyền quyết sống chết với nhau hơn 40 mươi năm trời. Tư Mã Ý từ Ngụy diệt được Thục, Ngô lập ra nhà Tấn (năm 265 sau Tây lịch) cũng chỉ ổn định được hơn 50 năm lại xảy ra loạn Ngũ Hồ gồm 16 nước chiến tranh liên miên và với những cuộc thay bậc đổi ngôi trong khoảng 300 năm cho đến năm 618 (sau Tây lịch) Lý Uyên chiến ngôi nhà Tùy lập ra nhà Đường....
Đầu óc phong kiến, đã có từ mấy ngàn năm, ăn sâu vào xương tủy người Trung Hoa nên luôn luôn xảy ra chiến tranh giữa những lãnh chúa khi họ nắm quyền trong tay. Thời cận đại và hiện nay, dù thế giới đã tiến tới thời đại dân chủ, đầu óc phong kiến của người Trung Hoa hình như lại càng tăng chứ không giản. Mao Trạch Đông và chế độ cộng sản sẽ được nói đến sau. Cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911 mệnh danh là cách mạng dân chủ lập ra Trung Hoa Dân Quốc và tôn Tôn Dật Tiên lên hàng quốc phụ, thực chất chỉ là lập ra một chế độ phong kiến mới. Quốc Dân Đảng chưa làm chủ hoàn toàn đã chia làm hai: phe Vũ Hán ủng hộ Lê Nguyên Hồng; phe Nam Kinh, Thượng Hải ủng hộ Tôn Dật Tiên; chưa hết, tiếp theo là cuộc tranh quyền giữa Quốc Dân Đảng và Viên Thế Khải, một người có mộng lên ngôi hoàng đế Trung Hoa!
Đầu óc phong kiến của Tôn Dật Tiên cũng không kém! Khi làm Tổng thống lâm thời ông đã bổ quá nhiều người tỉnh Quảng Đông vào chính phủ. Gia đình bên vợ ông lũng đoạn nền kinh tế quốc gia, sáu người con trong gia đình Tống Giáo Nhân người nào cũng là triệu phú Mỹ kim thời ấy (bây giờ là tỷ phú). Tiêu biểu là Tống Tử Văn từng là Tổng thủ quỹ Hỏa Xa, Bộ trưởng Tài chánh, Bộ trưởng Ngoại giao...; Tưởng Giới Thạch, em rể, người kế vị ông là một người có đời sống xa hoa. Khi Tưởng Giới Thạch của Quốc Dân Đảng bị Mao đánh bại phải chạy qua Đài Loan năm 1949 thì đầu óc phong kiến của Tưởng nổi bật không thế chối cãi: Tưởng Giới Thạch làm Tổng thống suốt đời trên đảo quốc này và trước khi nhắm mắt truyền ngôi cho con trai là Tưởng Kinh Quốc. Chỉ sau khi Tưởng Kinh Quốc chết, Đài Loan mới mang màu sắc dân chủ, chứ chưa thực sự là dân chủ, vì cứ Tổng thống sau tìm cách bỏ tù Tổng thống trước. Năm 2009, cựu Tổng thống Trần Thủy Biển bị kết án 17 năm tù vì tham nhũng, rửa tiền và gian lận; ngày 30-6-2011 đến lượt cựu Tổng thống Lý Đăng Huy bị truy tố và kết án tù vì biển thủ hơn 5 tỷ euro (hơn 7 tỷ USD). Ông trước ông sau, dù ai phải ai trái, cũng biểu lộ đầu óc phong kiến hoặc là coi quốc gia thuộc quyền sở hữu của mình nên tha hồ vơ vét, hoặc là một hình thức thanh toán nhau để tranh giành quyền lực!
Nhìn xa hơn sang hòn đảo nhỏ bé xa xôi Singapore, nơi đây so với Đại Lục chẳng đáng gì về dân số, chỉ có một nhúm người Trung Hoa sinh sống (khoảng 3,5 triệu năm 2007) và bị Anh đô hộ 150 năm. Tiếng Anh là ngôn ngữ chính, tất nhiên phải chịu ảnh hưởng văn hóa Tây phương, nhất là giới có học thức, nhưng đầu óc phong kiến vẫn tồn tại trong tiềm thức của họ, chờ có dịp là trỗi dậy.
Singapore độc lập năm 1965, lãnh tụ là Lý Quang Diệu tốt nghiệp Đại học Cambridge tại nước Anh lên làm Thủ Tướng từ đó đến 1990 (25 năm). Trong thời gian này, những lãnh tụ đối lập bị Lý dùng tòa án đàn áp đến thân tàn ma dại: bản thân đi tù, toàn bộ tài sản bị tịch thu để bồi thường danh dự cho ông ta vì tội công kích Lý khi tranh cử hoặc có những lời tố cáo chế độ. Hoa Lục hiện áp dụng triệt để phương sách này đối với nghệ sĩ Ngải Vị Vị và những người hoạt động đấu tranh cho dân chủ. Năm 1990 Ngô Tác Đống (Goh Chok Tong) lên thay, làm chỗ đệm cho dòng họ Lý. Năm 2004 “Thái tử” Lý Hiển Long chính thức lên ngôi nối nghiệp cha cho đến nay là 8 năm. Lý Quang Diệu chỉ rời khỏi nội các của chính quyền Singapore ngày 14-5-201 sau khi cuộc Cách Mạng Hoa Lài hay Mùa Xuân Ả Rập đã lật đổ hai nhà độc tài lâu năm ở Tunisia và Ai Cập và những chế độ độc tài khác ở Lybia, Syria, Yemen... đang lung lay. Trên thực tế, Lý Quang Diệu cai trị Singapore 46 năm (1965-2011), hết làm Thủ tướng thì làm Bộ trưởng Cao cấp trong nội các. Có thể nói chế độ Lý Quang Diệu là chế độ gia đình trị vì ông ta, vợ ông ta, 3 người em trai, 2 người con trai, 1 con gái đều nắm những chức vụ quan trọng trong chính quyền hay làm chủ những đại công ty ở Singapore! Như vậy dù đi đến đâu, đầu óc thống trị, phong kiến của người Trung Hoa cũng không thay đổi.
Những nhà Nho, với sự tán đồng của các vua chúa đã tôn Khổng Tử là đấng “Vạn thế sư biểu” (ông thầy vạn đời) vì có lợi cho cả hai: một đằng là con đường tiến thân đem lại quyền hành, danh lợi; một đằng dùng chủ thuyết của Khổng Tử mê hoặc dân chúng để thống trị muôn đời! Thực ra thuyết tôn quân có trước Khổng Tử hàng ngàn năm, từ thời Tây Chu đặc biệt với Chu Công Đán (Chu Công) là con thứ của Chu Văn Vương đã đúc kết kinh nghiệm trị nước các triều đại trước thành một học thuyết chính trị rất có lợi cho vua chúa (Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, trang 476). Khổng Tử chỉ là người san định, giải thích, bổ khuyết và sắp xếp thành hệ thống chặt chẽ thôi.
Bất cứ học thuyết chính trị hay chế độ độc tài nào, người ta cũng đều đề cao nhân nghĩa, đạo đức để che đậy những điều khắc nghiệt, tàn ác ẩn giấu bên trong. Thuyết Đại Đông Á của Nhật đề cao sự hùng mạnh, thịnh vượng cho các nước vùng Đông Nam Á để lối kéo những dân tộc Đông, Nam châu Á đang bị thực dân phương Tây đô hộ hồi đầu thế kỷ 20; thuyết dân tộc chủ nghĩa của Hitler đề cao huyết tộc Đức.... Khổng Tử đề cao cái Đức lớn của vua chúa, lấy Đức trị dân, lấy nhân, nghĩa, lễ, trí, tín mà hành xử trong thiên hạ tạo nên “tứ hải giai huynh đệ”, nghĩa là muôn dân trên thế giới nhờ cái đức lớn của thiên tử trở thành anh em “bốn bể một nhà” thân ái!
Cạo bỏ lớp sơn hào nhoáng bên ngoài đó,trên thực tế con người dưới học thuyết Khổng Tử – trừ vua chúa và quan lại – đều là tôi mọi và nô lệ vì ông vua là con trời (Thiên tử) có toàn quyền cai trị muôn dân. Vua bảo chết phải chết, không chết là bất trung (quân sử thần tử, thần bất tử bất trung); những hình phạt như xẻo thịt (lăng trì), tứ mã phanh thây, voi giày, vứt vào vạc dầu sôi, tru di tam tộc... dành cho tội khi quân hay nổi loạn chống vua! Những bậc quân tử, tức những người theo Nho học đỗ đạt ra làm quan là cha mẹ, dân là con cái (dân chi phụ mẫu). Họ thuộc giai cấp sĩ, giai cấp cao quý nhất, dân chúng còn lại tất cả đều là tiểu nhân. Theo lệnh Thiên tử, họ thống trị 3 giai cấp dưới trong xã hội Trung Hoa là nông, công, thương. Người dân, dưới mắt Khổng Tử là đám ti tiện, khó dạy, trộm cướp, bất nhân. Người quân tử không muốn ở chung với bọn chuyên làm tội ác đó. Khổng Tử ví người quân tử như gió, gió thổi tới đâu cỏ rạp tới đó (người quân tử như gió, kẻ tiểu nhân như cỏ). Người quân tử, theo Nho học, phải tu thân để tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, nghĩa là làm một kẻ thống trị. Trong gia đình thì thống trị vợ con, trong quốc gia thì thống trị dân chúng, trên thế giới thì thống trị những dân tộc khác. Nên chúng ta không lạ gì nước Tàu không mấy khi được thống nhất dù là theo thuyết tôn quân vì đầu óc phong kiến nên người nào cũng muốn tề gia, trị quốc cả. Khi được thống nhất thì phần lớn lại do các bạo chúa như Tần Thủy Hoàng hay Mao Trạch Đông thực hiện bằng những biện pháp tàn ác, sắt máu. Đối với những nước khác, khi nước Tàu đã trở nên cường thịnh thì đem quân đi xâm lăng, đó là chủ thuyết “bình thiên hạ” của Khổng Tử.
Một hạng người nữa bị nhà nho miệt thị là phụ nữ. Phụ nữ bị xếp ngang hàng với bọn tiểu nhân: “Chỉ hạng đàn bà và tiểu nhân là khó dạy. Gần thì họ nhờn, xa thì họ oán. Luận Ngữ, Dương Hóa” (Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, trang 483). Các triều đại vua chúa thời Nho giáo coi người phụ nữ không có tư cách pháp nhân, họ bị giám sát chặt chẽ như một đứa trẻ con: Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử (ở nhà phục tùng cha, lấy chồng phục tùng chồng, chồng chết phục tùng con trai). Họ không có quyền về tài sản, tất cả tài sản họ kiếm được và con cái do họ sanh ra đều thuộc quyền người chồng. Kể cả bản thân họ người chồng có thể cho, bán, sang nhượng cho người khác khi cần. Chúng ta đang nói về tương quan giữa người chồng và người vợ Trung Hoa, riêng những người đàn bà bị mua về làm nàng hầu, thê thiếp thì bị xếp vào hàng súc vật.
Câu nói nổi tiếng nhất của Khổng Tử khi nói về phụ nữ: “Nữ nhân nan hóa” (đàn bà khó dạy). Văn hào Trung Hoa, Lỗ Tấn hỏi lại rằng Khổng Tử có nói câu đó với mẹ ông không? Theo Khổng Tử, phụ nữ chỉ là hạng người phục vụ cho đàn ông với tứ đức (công, dung, ngôn, hạnh), phải lo trau chuốt để làm vừa lòng chồng. (Đàn bà ở nông thôn, những người nghèo khó (chiếm tới 98%, 99% phụ nữ Trung Hoa) đầu tắt mặt tối chưa đủ ăn lấy tiền đâu mua son phấn? Thì giờ đâu mà thêu thùa? Nên những lời dạy này của Khổng Tử chỉ áp dụng cho một số nhỏ phụ nữ thuộc giới vua chúa, quan quyền thôi). Cao điểm của học thuyết này là người đàn bà bị bó chân từ lúc 6,7 tuổi để hiến thân cho vua, chúa và những kẻ quyền thế khi đã khôn lớn! Nhân, Nghĩa, Đạo Đức... chỉ là chiêu bài cho một chủ thuyết bất nhân, chuyên thống trị con người.
Nhà văn Trung Hoa Cao Hành Kiện, đoạt giải Nobel văn chương năm 2.000, nhận xét: “Khổng giáo phát triển qua các triều đại, xây dựng lên hệ thống đạo đức trong xã hội phong kiến Trung Quốc. Thế nên Khổng giáo là để phục vụ cho quyền lực, nó là một hệ thống được tận dụng để hậu thuẫn cho quyền lực. Nếu chúng ta vứt bỏ quyền lực này đi, Khổng giáo chẳng còn gì ngoài lý thuyết.” (Web site BBC ngày 8 tháng 1 năm 2010).
Nhận xét trên tưởng còn nhẹ.
Trong truyện ngắn Nhật ký người điên, văn hào Lỗ Tấn gọi nhà Nho là lũ ăn thịt người. Ông viết: “Ta mở sử ra tra – pho sử này không ghi năm tháng, trang nào cũng thấy vẹo vẹo, xiêu xiêu mấy chữ: nhân, nghĩa, đạo, đức. Ta không sao ngủ được, tỉ mỉ đọc đến nửa đêm, mới nhận thấy giữa các khe chữ, nhan nhản toàn thị hai chữ “ăn người”, và: “Đã có thể đổi con mà ăn được, thì gì cũng đổi được hết. Trước kia ta chỉ nghe ngài giảng đạo lý, thì ta cũng à uôm, ỡm ờ bỏ qua; bây giờ mới biết, ra lúc ngài giảng giải, chẳng những mép ngài nhờn mỡ người, mà lòng ngài cũng đầy ý muốn xơi người”! (Lỗ Tấn, Tuyển tập, Giản Chi dịch, Nhà xuất bản Tổng Hợp Hậu Giang 1987, trang 17, 18).
Tóm lại, mục đích chính của đạo Khổng là tạo ra một tầng lớp cai trị với đầu óc tự tôn, đặc quyền, đặc lợi và tạo ra mặc cảm thấp hèn cho những kẻ bị trị để làm tê liệt đầu óc chống đối của họ.
P. H. S.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn