Outlier trong khoa học và ngoài xã hội

http://fuzzyco.com/outliers/images/outliers.gif

Nguyễn Văn Tuấn

 Ở một nơi không xa mà cũng chẳng gần đất nước, đọc những tin tức về cuộc biểu tình ủng hộ luật biển và chống bành trướng của China mà tôi thấy lòng nao nức, và có khi hồi tưởng lại những ngày sôi động trước 1975. Nhưng đọc qua bài tường thuật của Đỗ thi sĩ, trong đó có một đoạn viết về một người văng tục, khi nghe người khác hô khẩu hiệu “Đả đảo China” làm tôi liên tưởng đến hiện tượng outlier (số liệu hay dữ kiện ngoại vi) trong khoa học thực nghiệm.  Càng nghĩ về hiện tượng outlier trong khoa học, tôi càng thấy một sự tương đồng đến ngạc nhiên về outlier trong xã hội.


Bài tường thuật của Thi sĩ Đỗ Trung Quân có đoạn viết như sau: “Đoàn tuần hành tiến về phía đường Hai Bà Trưng nơi là Tổng lãnh sự quán Trung Quốc thu hồi từ tòa Đại sứ Đài Loan trước 1975. Hàng rào không cho đoàn tuần hành áp sát, đám đông dừng lại dương cao cờ tổ quốc hét "Hoàng sa – Trường sa là của Việt Nam" một anh đứng tuổi đeo cà vạt nóng máu “Đả đảo China.” Tay an ninh chìm còn trẻ đứng bên lề lầm bầm vừa đủ nghe “đả đảo cái con c…”. Lập tức nhiều gương mặt trẻ đứng cạnh quay phắt lại. Nó chuồn vào đám đông mất dạng.”

Thật ngỡ ngàng! Không thể nào hiểu nổi một người Việt Nam mà có thể nói như vậy.  Càng ngỡ ngàng hơn khi biết luật biển được Quốc hội thông qua với một phiếu chống.  Một phiếu duy nhất trong số 496 đại biểu. Ai cũng ngạc nhiên muốn biết người không bỏ phiếu thông qua là ai, người đó có phải là người Việt Nam, và nếu là người Việt Nam thì người đó có bình thường không? Tại sao người đó lại có thái độ đi ngược lại nguyện vọng của tuyệt đại đa số dân tộc? Hàng loạt câu hỏi được đặt ra. Nhưng chúng ta cần phải định danh, nên gọi những người này là gì. Trong khi chờ đợi một cái tên thích hợp, tôi nghĩ đến hiện tượng outlier (tiếng Anh đọc là ao-lai-ơ).

Trong khoa học thực nghiệm cũng có những hiện tượng như Đỗ thi sĩ mô tả trên, và thường được gọi là outlier. Tôi chưa biết dịch outlier sang tiếng Việt là gì cho hợp lí. Có lẽ là giá trị ngoại vi, ngoại lai, ngoại biên. Nhưng dù dịch là gì đi nữa thì ý nghĩa của outlier đã rõ: outlier là một giá trị nằm ngoài phạm vi đo lường mà chúng ta kì vọng bình thường. Chiếu theo định nghĩa này, cũng có thể xem outlier như là giá trị bất bình thường. Chẳng khác gì trong một rừng táo xanh, đột nhiên xuất hiện một trái táo màu đỏ.

clip_image002
Outlier (ngoại vi): trong rừng táo xanh có một quả táo đỏ.  

Hiểu theo nghĩa trên, người hay kẻ outlier trong xã hội là những kẻ có suy nghĩ, hành vi, thái độ đi ngược lại ý nguyện và đạo lí ứng xử của tuyệt đại đa số. Trong khi mọi người chung quanh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để bươn chải sống hàng ngày, sống chui rúc trong cái không được gọi là nhà, mà có những kẻ xây vila bạc triệu USD, thậm chí xây nhà cho chó ở, là outlier.  Những bệnh hiếm gặp cũng được gọi là outlier. Tương tự, những kẻ có suy nghĩ và hành động đi ngược lại truyền thống yêu nước của dân tộc cũng có thể (chỉ có thể thôi) xem là outlier và bất bình thường về mặt tinh thần.

Trong khoa học, outlier có thể là những giá trị cực kì thấp, nhưng cũng có thể cực kì cao, một cách bất bình thường, ngoài sự kì vọng của chúng ta. Trong xã hội cũng có những outlier là những tài năng xuất chúng trong xã hội, nhưng cũng có những outlier là những kẻ xấu xa, sống bên lề xã hội. Ở đây, chúng ta tạm thời chỉ bàn đến outlier loại thứ hai vì thú vị hơn. 

Làm sao chúng ta phát hiện outlier? Trong khoa học, có khá nhiều phương pháp để phát hiện ra giá trị nào là outlier. Phương pháp đơn giản nhất là tìm ra vài thông số chung, và ước tính cự li 99.9% (hay cỡ đó), và xác định giá trị nào nằm ngoài khoảng giá trị đó thì có thể là outlier.  Trong một cộng đồng mà 99.9% ăn tô phở 20-30 ngàn đồng mà có người bỏ ra 800 ngàn đồng để ăn tô phở thì đó là kẻ outlier.  Do đó, trong xã hội, có lẽ cách nhận dạng những người outlier đơn giản nhất là trước hết phải xác định chuẩn mực ứng xử, chẳng hạn như lòng yêu nước và chống xâm lăng (giống như thông số trong khoa học).  Sau đó, nghe họ nói, đọc qua những gì họ viết, và xem những gì họ làm, rồi đối chiếu lại với chuẩn mực là biết ngay họ là outlier hay không.  Chẳng hạn như trong một cộng đồng mà ai cũng quan tâm chống ngoại xâm (như trong cuộc biểu tình vừa qua) mà lại có những kẻ chống lại lợi ích của dân tộc thì quả là bất bình thường.  Thật ra, những đợt biểu tình là dịp công chúng phát hiện ra những kẻ outlier trong xã hội.
Tác động của outlier xấu ở mức độ nào còn tuỳ thuộc vào tình huống và điều kiện.  Trong khoa học, sự hiện diện của các giá trị outlier gây khó chịu và phiền toái cho nhà khoa học. Phiền toái là vì sự hiện diện của chúng có thể làm ảnh hưởng đến kết quả chung của thí nghiệm.  Trong một cộng đồng mà đại đa số có thu nhập 1000 USD, nhưng chỉ cần một vài đại gia có thu nhập bạc triệu USD thì sẽ làm cho thu nhập trung bình cao một cách phi thực tế.  Outlier còn gây ảnh hưởng đến kết quả ảo của phân tích, nhất là phân tích các mối tương quan. Chẳng hạn như trong biểu đồ dưới đây, chỉ vì một giá trị nằm ngoài tất cả các giá trị khác, nên gây ra ấn tượng có một mối tương quan dù trong thực tế thì không có mối tương quan đó.

clip_image004
 Ảnh hưởng của outlier tạo nên một mối tương quan ảo 

Trong xã hội, những kẻ outlier cũng gây ra phiền toái cho cộng đồng.  Sự hiện diện của họ trong cộng đồng cũng giống như ruồi muỗi kiến gián, tuy có thể không gây chết người, nhưng có thể làm ảnh hưởng đến vài người chung quanh. Trong khi người ta đang sôi sục với kẻ thù đang đe dọa mình, mà kẻ outlier lại đứng ngoài thờ ơ, thậm chí còn tung ra những lời bình phẩm bất lợi cho việc chung thì chẳng khác nào là giặc.  Nhìn như thế sẽ thấy có khi outlier là một loại giặc nội xâm.
Cũng như trong khoa học outlier làm tác động xấu đến mô hình khoa học, sự hiện diện của những kẻ outlier còn gây tác hại đến những mối quan hệ trong xã hội, bởi mọi người đều có thể nghi kị lẫn nhau, không biết ai là thù và ai là bạn. Nhìn như thế mới thấy những kẻ outlier cũng có khi nguy hiểm cho cộng đồng và xã hội.

Người ta phân biệt outlier với các giá trị ảnh hưởng (influential observation). Có những giá trị outlier không gây ảnh hưởng đáng kể đến kết quả thí nghiệm, nhưng có outlier có thể làm cho các thông số trong một mô hình khoa học bị “nhiễu”.  Cũng như trong xã hội, có loại người outlier lải nhải chống lại chính nghĩa của dân tộc nhưng chẳng làm hại ai.  Tuy nhiên, cũng có loại outlier nắm trong tay quyền lực và vũ khí, và loại này thì có thể có ảnh hưởng nguy hiểm cũng giống như influential observation trong khoa học vậy.

Tại sao có outlier? Có vài lí do giải thích sự xuất hiện của outlier trong nghiên cứu khoa học, nhất là nghiên cứu lâm sàng. Nhưng tựu trung lại lí do kĩ thuật là chủ yếu. Có thể do phương pháp đo lường chưa được chuẩn hóa kĩ lưỡng, nên khi đưa vào ứng dụng thực tế thì cho ra kết quả không nằm trong phạm vi đo lường. Cũng có thể vì kĩ thuật viên khi đo lường không cẩn thận và gây ra kết quả lệch lạc. Cũng có thể do đột biến, nhưng lí do này thì không mấy phổ biến.

Trong xã hội, sự xuất hiện của những kẻ outlier có nhiều nguyên nhân hơn là trong khoa học. Vì không phải là người làm về khoa học xã hội, nên tôi không nghĩ ra hết được những nguyên nhân, chỉ tạm đưa ra vài suy đoán chính.

Nguyên nhân thứ nhất có thể là do giáo dục. Những kẻ outlier có thể không nhận được sự giáo dục tốt trong nhà trường nên có những suy nghĩ lệch lạc và biểu hiện thành thái độ…vô giáo dục.  Cũng có thể do thiếu giáo dục trong gia đình, nên khi tiếp xúc với cộng đồng, họ có những thái độ và hành vi phản xã hội và phản qui ước đạo đức xã hội. Tuy nhiên, những kẻ được học hành đàng hoàng và nhận được sự giáo dục gia đình tốt, nhưng khi tiếp xúc với môi trường chung quanh thì cũng có thể trở thành outlier trong cộng đồng dân tộc, như một ý thức hệ outlier như Nazi hay tương tự.  Một ý thức hệ outlier nếu tiêm nhiễm cho một nhóm người bình thường có thể biến họ thành một tập thể outlier trong xã hội.  Những băng đảng như mafia là một ví dụ cho sự outlier tập thể. 

Còn một lí do cho sự xuất hiện của outlier nữa, đó là ảnh hưởng của di truyền. Nhiều hành vi con người là do gene quyết định một phần. Do đó, cũng có thể do đột biến gene dẫn đến thái độ ngược ngạo và phản bội dân tộc, phản bội đất nước. Nhưng tôi nghĩ lí do liên quan đến khả năng đột biến gene là rất thấp; đột biến tư tưởng có lẽ cao hơn.

Vấn đề đặt ra là xử lí outlier như thế nào. Trong khoa học có vài phương pháp ứng phó với các giá trị outlier.  Phương pháp thứ nhất là hoán chuyển chúng sang một đơn vị khác và phân tích lại xem chúng có ảnh hưởng đến kết quả chung. Chẳng hạn như nếu đơn vị đo lường gốc là đồng tiền (như USD) thì chúng ta có thể hoán chuyển sang đơn vị logarít trước khi phân tích.  Phương pháp thứ hai là sử dụng các thuật toán phân tích tinh vi để ước tính thông số của mô hình tương quan.  Phương pháp thứ ba là khử bỏ chúng (còn gọi là winsorizing) và phân tích lại.  Thật ra, còn vài phương pháp khác nữa, nhưng nói chung 3 phương pháp trên thường rất có hiệu quả.

Cách xử lí trong khoa học cũng có thể áp dụng cho đối phó với những kẻ outlier trong xã hội. Cách thứ nhất là “hoán chuyển” họ, tức là thuyết phục họ từ những người outlier trở thành những người gần gũi hơn với cộng đồng dân tộc. Triết lý Phật giáo có câu “quay lại là bờ” rất thích hợp cho biện pháp này.  Tương ứng với phương pháp xử lí thứ hai trong khoa học có lẽ là can thiệp bằng giáo dục. Tức là giáo dục họ về những qui tắc đạo đức xã hội, kể cả lòng yêu nước.  Phải cho họ biết, lòng yêu nước là rất thiêng liêng với người Việt Nam. Phải giáo dục họ là giữa chúng ta có thể khác nhau về ý thức hệ, nhưng kẻ nào không yêu nước thì kẻ đó phải được gọi như là phản bội. Phương pháp thứ ba (khử bỏ), nhưng phương pháp này chỉ có thể ứng dụng trong khoa học chứ trong xã hội thì chắc không thực tế. Thay vì khử bỏ họ, có lẽ nên cho họ một nơi biệt lập nào đó để sinh sống quãng đời còn lại. Nếu họ có nguyên quán đâu đó ở phương Bắc thì có lẽ nên khuyến khích họ về đó sinh sống và không nên quấy nhiễu Việt Nam.

Outlier là một thực tế trong khoa học mà chúng ta ít khi nào xóa bỏ được vì khoa học không có những phương pháp đo lường hoàn hảo. Tương tự, trong bất cứ xã hội nào, cộng đồng nào, và thời điểm nào, cũng có vài kẻ có thái độ và hành vi outlier, vì không có một xã hội nào được xem là hoàn chỉnh.  Vấn đề đặt ra, do đó, không phải là tránh hay trừ khử outlier, mà là nhận diện và ứng phó với outlier một cách logic và tình nghĩa.  Cái nguy hiểm của outlier trong xã hội là họ có thể kết thành bè cánh dưới chiêu bài của một ý thức hệ ngoại biên nào đó, và trong điều kiện thuận tiện họ có thể nhân rộng thành một tập thể chính thống.  Ai cũng biết chứng giả dối là một outlier nhưng ngày nay nó đã thành một lối sống nguy hiểm.  Outlier trong khoa học là đề tài nghiên cứu"nóng" hiện nay (đã có vài cuốn sách về outlier).  Chúng ta rất cần nghiên cứu hiện tượng outlier trong xã hội không chỉ ở những cá thể như Đỗ thi sĩ mô tả, mà còn ở những tập thể outlier xuất hiện dưới mĩ từ “nhóm lợi ích”.  Tôi nghĩ kết quả của những nghiên cứu như thế sẽ rất có ích cho việc bảo tồn lòng yêu nước và tự trọng dân tộc.

N.V.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn