Dân chủ thụt lùi

(ôn lại cuộc tranh luận Tư pháp năm 1948)

Bài 1. TRANH LUẬN VỚI QUANG ĐẠM

Báo Sự thật đăng số 98 (19 – 8- 1948) và số ( 2 – 9 - 1948)

Vũ Trọng Khánh

VẤN ĐỀ TƯ PHÁP

Sau bài về Tư pháp đăng trên báo Sự thật số 91 và 93 không chờ bạn Quang Đạm trình bày hết ý kiến, các bạn đọc, nhất là những bạn trong giới Tư Pháp đã gửi qua chúng tôi nhiều bài hoặc tán thành, hoặc phản đối những điểm bạn Quang Đạm nêu ra đó là một triệu chứng chỉ rằng dư luận của Quốc dân ta đã chú trọng đến vấn đề Tư pháp, một trong những vấn đề cần phải cải tạo và phát triển dưới chế độ dân chủ cộng hòa. Chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh tất cả các ý kiến của các bạn. Luôn luôn trung thành với nguyên tắc dự do ngôn luận và nguyên tắc phê bình để tiến bộ, chúng tôi lần lượt lục đăng từ số này những bài bạn đọc gửi đến. Bạn Quang Đạm sẽ thảo luận trên báo này với các bạn về những điểm cần thiết để mở rộng tư tưởng pháp lý dân chủ của Nước nhà. Và chúng tôi cũng xin các bạn hiểu cho rằng sở dĩ trong các số trước chúng tôi chưa đăng được những bài gửi sớm, là do khuôn khổ tờ báo chật hẹp và chúng tôi cần phải giành chỗ đăng những bài về những vấn đề bức thiết hơn.

Dưới đây là nguyên văn bài của ông VŨ TRỌNG KHÁNH.

***

Sở dĩ một số anh em có trách nhiệm về Tư pháp ủy cho tôi trả lời bài “Tư pháp với Nhà nước” là vì bài ấy có hại về chính trị. Trong lúc các người phụ trách về hành chính và Tư pháp mới bắt đầu điều hòa được các Tòa án và Ủy ban, nhất là ở cấp huyện bằng cách giải thích cho bên nọ hiểu rõ nhiệm vụ và cách tổ chức của bên kia, thì ông Quang Đạm lại nhắc lại những ý kiến chỉ trích rất tầm thường khiến cho những mầm hiểu nhầm và chia rẽ giữa các Ủy ban với Thẩm phán lại có thể nhóm lên. Ông quên rằng Tư pháp cũng là một cơ quan chính quyền do Chính phủ dân chủ Cộng hòa thiết lập đồng thời với các Ủy ban hành chính, vậy thì khi ta không được vạch lên báo những khuyết điểm của Ủy ban hành chính, sợ mất uy tín của Chính quyền, ta cũng nên dè dặt trong lời chỉ trích Tư pháp trên mặt báo – nhất là trên tờ báo Sự thật.

Tôi nói ý kiến của ông Quang Đạm rất tầm thường và sẵn sàng nhận một cuộc tranh luận công khai với ông trong một Hội nghị hay một buổi diễn thuyết nào, vì tranh luận bằng lời viết, sọ không nói đủ và thiếu thì giờ.

Dưới đây tôi chỉ nhắc từng lý lẽ của ông Quang Đạm rồi trả lời rất vắn tắt:

1/Từ khi xã hội chia thành giai cấp, Tư pháp xuất hiện để bảo vệ thế lực kẻ thống trị và đàn áp đối phương.”

Tôi muốn nói khi điều 712 Dân luật bắt kẻ nào làm thiệt hại đến người khác phải bồi thường cho người ấy, và bộ Hình luật làm tội những kẻ đánh nhau hay giết người không phải vì cớ chính trị thì là bảo vệ ai và đàn áp giai cấp nào?

2/ “Trên tiền đồ tiến bộ sau này, một khi xã hội loài người đã xóa hết dấu vết giai cấp, bộ máy Nhà nước được cất vào viện bảo tàng, thời Tư pháp cũng chỉ còn giá trị một món đồ cổ mà thôi”.

Ta cũng mong rằng Tư pháp, hành chính và quân sự cũng được xếp vào kho đồ cổ đi.

Nhưng thời kỳ ấy còn xa lắm thay: Hiện nay ta vẫn còn cần đến Quân sự, Hành chính và Tư Pháp. Hiện nay nước Nga vẫn còn có Luật pháp và Tòa án. Vả lại theo đúng biện chứng pháp, chưa chắc cái xã hội Cộng sản đã lại không chứa những mối mâu thuẫn khiến cho nó lại phải biến chuyển đi nữa. Thái độ khoa học hơn cả là nghĩ rằng ta chưa có thể nhận định được xã hội cộng sản sẽ chứa những động cơ gì, vậy ta cũng chưa nên hấp tấp nói rằng lúc ấy quân sự, hành chính, tư pháp sẽ mất hẳn. Có khi nó chỉ biến hình thức, biến cách tổ chức mà thôi. Dù sao tranh luận về điểm này cũng như đi tìm quả đất ở đâu sinh ra và sẽ đi đến đâu.

3/ “Bộ Hình của Gia Long không giống bộ hình của Hồng Đức. Bộ máy Tư pháp Dân chủ Cộng hòa Việt Nam không thể y như bộ phận Tư pháp trước ngày 2 – 9 –1945”.

Luật pháp là những thể lệ linh hoạt như sự sống của quần chúng, sự sống ấy thay đổi thì luật pháp mới thay đổi. Luật pháp nếu lùi lại hay tiến lên xa quá với mức văn hóa của quần chúng thì chỉ là những thể lệ chết.

Bởi vậy không phải là sáng hôm 3 – 9 – 1945, bừng mắt dậy là thấy luật pháp thay đổi như phong cảnh rạp hát: Luật pháp chỉ có thể thay đổi hẳn đi khi Chính thể mới đã tạo được ra một đời sống mới của nhân dân khác hẳn xưa. Thí dụ: Luật pháp chỉ tuyên bố chế độ độc thê khi phong tục dư luận, điều kiện kinh tế ở các thôn quê đã chín để bài trừ chế độ đa thê.

4/Ông Quang Đạm nêu lên thuyết phân quyền của Mông-têt-ki-ơ rồi cho rằng độc lập, phân quyền, tự do, bình đẳng, bác ái là một luận điệu duy tâm”.

Thú thực rằng các anh em Tư pháp quên cái thuyết Mông-têt-ki-ơ từ ngày còn đi học rồi và bây giờ mới nghe thấy nhắc lại như một tiếng hoài cổ. Lúc đặt cơ sở mới cho nền tư pháp Việt Nam, các anh em đã nghĩ đến những lý do thực tế, những kinh nghiệm thiết thực, chứ không mất thời giờ vào những lý thuyết xa xôi. Còn duy tâm với duy vật, nếu ông xét về mặt duy tâm thì danh từ độc lập, phân quyền, tự do, bình đẳng, bác ái kia hóa ra duy tâm. Nếu ông xét về phương diện lịch sử hay duy vật thì lại thấy những danh từ ấy duy vật ngay.

5/Độc lập đưa đến phản tiến hóa... ở bên Pháp vô tư và độc lập của Tư pháp chỉ là một sự giả vờ, chứng cớ là những vụ án áp chế đại chúng cần lao, ở Việt Nam cũng thế, sau cuộc đại chiến thứ nhất; thực dân Pháp đưa ra chế độ phân quyền giữa hành chính với tư pháp và trưng bày tư pháp độc lập nhưng hàng ngàn vụ án thảm khốc chống Cách mạng...”.

Trước hết, ông Quang Đạm tưởng rằng công việc Tòa án chỉ là xử mấy vụ án chính trị mà thôi.

Sau nữa, ông không phân biệt được luật pháp và Tòa án, và không có ý niệm về chữ Tư pháp.

Luật pháp là những thể lệ do cơ quan chính trị như quốc hội, Chính phủ đặt ra. Tòa án chỉ là những cơ quan áp dụng các luật pháp ấy. Nếu luật pháp cấm bãi công, cấm lập nghiệp đoàn thì Tòa án sẽ trừng trị những kẻ làm reo, vào nghiệp đoàn. Một khi luật pháp cho phép bãi công, biểu tình, lập nghiệp đoàn, thì dù ai kiện những người bãi công, đi mít tinh, vào nghiệp đoàn đi nữa, Tòa án cũng tha bổng, không sợ ai uy hiếp hay để ai mua chuộc.

Tính cách vô tư và độc lập của Chính phủ ta muốn đào tạo cho các Thẩm phán là thế: Hễ luật bảo đen thì Tòa án xử đen, dù có trái ý một cá nhân, một đoàn thể, một quyền hành nào đi chăng nữa, Tòa cũng không xử trắng.

Mà nếu luật pháp lạc hậu thiên vị về một giai cấp này, hay giai cấp khác thì tức là trách nhiệm của cơ quan lập pháp, trách nhiệm của những nhà chính trị đã được dân bầu vào những cơ quan ấy. Các vị đó không thay đổi luật pháp cho kịp thời để Tòa án áp dụng cho kịp thời là lỗi của họ, chứ không phải lỗi của Tòa án.

Công việc Tư pháp và công việc Hành chính giao cho hai cơ quan khác nhau, và cấm cơ quan nọ không được len vào cơ quan kia là một điều kiện bảo đảm cho người công dân khỏi bị nhà cầm quyền ức hiếp, trong bất cứ chính thể dân chủ nào.

Hễ hai công việc ấy giao cho một cơ quan là có sự lạm dụng lợi cho kẻ cầm quyền và hại cho người dân.

Cùng vì thế mà thực dân Pháp trước kia không chịu để tư pháp biệt lập với hành chính mà lại tập trung hai quyền ấy vào tay các viên công sứ người Pháp không lúc nào chịu phân quyền hành chính và tư pháp để cho Tư pháp độc lập, như ông Quang Đạm nói, đây là một điều nhầm lẫn nặng nề của ông.

6/ “Nhiều phần tử tri thức giành tự do cá nhân, độc lập bộ phận và quyền thế về chức vụ, thất bại trước Nhà nước cũ, họ toàn chiến thắng Nhà nước mới”. Thực ra, ở dưới Nhà nước cũ họ đã được thấy những điều khốc hại cho nền tảng Nhà nước mới, họ tranh đấu để tránh những điều khốc hại ấy để cùng với mọi người tạo nên một xã hội tốt đẹp mà thôi.

7/ Sau khi nói rằng: “Cách mạng tháng Tám bùng nổ, các phần tử tri thức được bổ dụng” ông Quang Đạm gán cho các phần tử ấy một ít đức tính “tốt đẹp”, buộc tội rằng họ đã ngăn trở “công việc tiêu diệt các lực lượng phản động” rồi hô to “không thể như thế được”.

Thực ra cả ông và tôi đều không có quyền phán xử. Chỉ nhân dân là được quyết đoán. Vậy xin ông hỏi nhân dân xem có nên giao quyền Tư pháp cho các Ủy ban hành chính như ở chế độ ủy viên tư pháp lúc đầu tiên không? Có nên bãi bỏ Tòa án đi không? Có nên hợp nhất quyền hành chính và Tư pháp như khi cón ở chế độ Pháp bảo hộ không? Tư pháp có thể dung túng các lực lượng phản động không? Sự bắt bớ và làm tội rất thận trọng và có phương pháp của Tòa án còn gọi là ngăn trở công việc tiêu diệt phản động không? Các phụ Thẩm nhân dân (lấy cả ở trong các tỉnh bộ và trong các đoàn thể cứu quốc) có công nhận rằng Thẩm phán xử một cách thực vô tư và độc lập không?

8/ “Trạng thái độc lập chuyển thành trạng thái đối lập, thủ tục phân quyền hóa ra thủ tục độc quyền”.

Khi một người nào muốn ra lệnh cho Tòa án phải xử thế này thế khác mà Tòa án không nghe theo thì chúng tôi cho rằng đấy là giữ quyền độc lập.

Nếu ông Quang Đạm cho như thế là một thái độ đối lập thì tôi muốn hỏi khi các Thẩm phán can thiệp vào việc hành chính hay chính trị, các Ủy ban sẽ cư xử như thế nào để cho khỏi thành ra “đối lập”?

Ông Quang Đạm trách Tòa án có thủ đoạn độc quyền tuy rằng Chính phủ chỉ đặt ra thủ tục phân quyền. Có lẽ ông muốn trách rằng khi Nhà nước giao việc hành chính cho Ủy ban và việc Tư pháp cho Tòa án: tại làm sao Tòa án lúc xử an lại cứ khư khư làm một mình, cũng như Ủy ban lúc làm việc hành chính và chính trị lại không sang thảo luận với Tòa án.

9/ Ông Quang Đạm khuyên rằng: “Tư pháp phải kết hợp với Nhà nước mà đối lập với các lực lượng phá hoại Chính quyền. Không một bộ phận nào được tách mình ra khỏi khối đoàn kết”.

Đáp lại lời kỳ quặc ấy, tôi chỉ hỏi: Các Thẩm phán đứng trong hàng ngũ kháng chiến từ trước đến nay gọi là ở trong hay ở ngoài khối đoàn kết? Khi Tư pháp trừng trị những kẻ bắt người trái phép, tha bổng cho những kẻ bị bắt vô chứng cớ thì là phá hoại chính quyền hay củng cố chính quyền? Khi Tư pháp phản đối những sự giam cầm vô tổ chức có phải là đi ngược quyền lợi của nhân dân, làm giảm uy tín Nhà nước nhân dân không?

10/ Ông Quang Đạm còn khuyên: “phân quyền phải phối hợp với tập quyền nghĩa là phân quyền theo lối phân công phụ trách trong phạm vi chuyên môn dưới sự chỉ huy tập đoàn về nguyên tắc căn bản”.

Tôi lại phải hỏi ông hai điều:

Một là theo ý ông hiểu thì có lẽ khi nào xử án ông Chánh án phải bàn về nguyên tắc với Ủy ban hành chính rồi mới ra Tòa ngồi xử, vậy khi làm các việc hành chính và chính trị thì các Ủy ban có sang bàn với ông Chánh án trước đã rồi mới về thi hành không?

Hai là, khi ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tư pháp ngồi trong Chính phủ để cùng cả Hội đồng bàn định những chính sách thì có gọi được là : “Một sự chỉ huy tập đoàn về nguyên tắc căn bản không?”. Rồi sau khi Chính phủ giao việc hành chính cho các Ủy ban, việc Tư pháp cho các Tòa án thì có gọi được là: “phân quyền theo lối phân công phụ trách trong phạm vi chuyên môn không?”.

Nếu được thì chính là cách tổ chức chính quyền hiện giờ. Vậy ông bất tất phải đặt thành vấn đề.

Thực ra, những ý kiến của ông Quang Đạm không làm cho người dân nghi ngờ sự ích lợi thiết thực của Tòa án, không làm cho các anh em hành chính quên rằng các tòa án đã giúp cho anh em rất nhiều. Bên hành chính biết rằng Tòa án đã giúp nhiều trong việc bắt mọi người phải tôn trọng thể lệ của bên hành chính đặt ra, trừng trị những kẻ làm rối cuộc trị an, không tuân lệnh của Chính phủ, tóm lại đã giúp cho sự củng cố Chính quyền một cách đắc lực. Ở nhiều nơi, Ủy ban và Tòa án đã hiểu rằng uy tín của Chính quyền là trách nhiệm chung tất cả, chứ không phải rằng khi uy tín của một bên bị thương tổn là làm tăng thế lực của bên kia đâu.

Vũ Trọng Khánh

***

Vị Luật sư có công lớn giúp Hải Phòng “tay không“ giành chính quyền

Cập nhật 14/02/2013 07:54 (GMT+7)

.

Vũ Đình Hòe

Trong số di cảo của cụ Vũ Đình Hòe- nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp - có bài viết về người tiền nhiệm của mình ở Bộ Tư pháp là Luật sư Vũ Trọng Khánh. Đây là một trong số 11 bài viết cụ Hòe kịp hoàn thành trong tổng số 21 bài dự kiến đưa vào quyển sách "Gương mặt những người cùng thời".

Nhân sắp đến ngày Giỗ hết của cụ Vũ Đình Hòe (ngày 26 tháng Chạp, tức ngày 6/2/2013), chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết này, do trưởng nam của cụ Hòe là ông Vũ Thế Khôi, gửi tới…

clip_image001

Ảnh do gia đình cung cấp

Cùng cầm tinh con chuột (Nhâm Tý), nhưng tôi xuất thân bần nho, anh sinh ra trong một gia đình tiểu thương khá giả ở làng Cự Đà tấp nập trên bến dưới thuyền, với tương nếp Cự Đà nổi tiếng, với những doanh nhân tư sản dân tộc lớp đầu, từng tạo ra các thương hiệu chữ “CỰ” Việt Nam lừng danh khắp Đông Dương: Cự Doanh, Cự Phát…

Nhà có điều kiện nên anh được cho ăn học trường Tây Albert Sarraut từ nhỏ, suốt 10  năm, trong khi tôi phải chật vật kiếm sống, mẹ vay nợ trả góp, mới chen ngang vào được một năm học thi “tú tài Tây” ở ngôi trường danh tiếng nhất và cũng đắt nhất Đông Dương này.

Chúng tôi gặp nhau năm trung học cuối cùng, khi cả hai đã 21 tuổi, là những thanh niên trưởng thành, mỗi người một tính cách do hoàn cảnh sống, nhưng điều này không cản trở chúng tôi kết bạn. Tôi nhớ một Vũ Trọng Khánh hay cười, ít nói, khi nói thì chậm rãi, nhỏ nhẹ. Anh thường xuyên có mặt tại “Khách thỉnh” (một hình thức sinh hoạt câu lạc bộ văn hóa thời ấy) tại tư gia của tôi trong một ngõ phố Hàng Đẫy.

clip_image003

Trong khi tôi, Thế Lữ, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Đỗ Cung… tranh luận, đọc thơ, diễn kịch và cả đùa nghịch những khi không có phụ nữ tham dự, thì anh Khánh chỉ cười hiền lành ngồi nghe, thảng hoặc hai bên bàn cãi gay gắt quá, anh lại ôn tồn hòa giải. Anh tham gia hoạt động của Tổng hội sinh viên cũng như vậy, không tranh phần nổi, xuất đầu lộ diện, lẳng lặng hoàn thành những phần việc được giao.

Mãi sau này, được đọc bản thảo hồi ký chính tay anh đưa, tôi mới biết là sự kín đáo của anh có lý do: Thời gian học ở  trường Luật, anh đã bí mật liên hệ với chiến sĩ Cộng sản Nguyễn Thế Rục từng học ở Đại học Đông phương tại Nga, đã dự nhóm nghiên cứu chủ nghĩa Mác của Phan Tử Nghĩa, cùng sinh hoạt nhóm Thanh niên dân chủ với Đào Duy Kỳ, Vũ Đình Huỳnh…

Thời còn cùng sinh hoạt “Khách thỉnh”, cùng hoạt động trong Tổng hội sinh viên, tôi gọi đùa anh trong nhóm bạn thân là “trang công tử phong lưu”, có cảm giác anh kín đáo, khó hiểu.

Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh sinh năm 1912, xuất thân gia đình tiểu thương ở làng Cự Đà, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, nay thuộc Hà Nội.

Ông học trường Albert Sarraut, sau khi đỗ tú tài Tây, vào Luật khoa Đại học Đông Dương.

Trong những năm học ở đây, ông làm quen với đảng viên Cộng sản Nguyễn Thế Rục, hoạt động trong Tổng hội sinh viên, tham gia nhóm nghiên cứu chủ nghĩa Mác, làm tổ trưởng tổ Thanh niên Dân.

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, ông nhận lời mời của chính phủ Trần Trọng Kim đảm đương chức vụ Đốc lý (như Thị trưởng) thành phố Hải Phòng.

Sau Cách mạng tháng 8/1945 được cử làm Bộ trưởng Tư pháp trong Chính phủ Nhân dân lâm thời, rồi Chưởng lý Tòa thượng thẩm (như Viện trưởng Viện Công tố), ủy viên Ban dự thảo Hiến pháp 1946 do cụ Hồ Chủ tịch đứng đầu.

Trong thời Kháng chiến chống Pháp làm Giám đốc Tư pháp khu X. Năm 1954 tham gia tiếp quản Hải Phòng, làm Phó thị trưởng cho đến khi về hưu, mất năm 1996.

Ông được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân chương cao quý khác.

Sau khi tốt nghiệp Luật khoa, anh Khánh đi tập sự tại văn phòng của một luật sư người Pháp ở Hải Phòng, rồi được công nhận luật sư chính thức, hành nghề ở đó, nên chúng tôi ít gặp nhau.

Đùng một cái, sau ngày Nhật đảo chính Pháp, chúng tôi nghe tin anh nhận lời đề nghị của Chính phủ Trần Trọng Kim, ra làm Thị trưởng thành phố Hải Phòng. Bạn bè không hiểu. Tôi cũng thắc mắc, vì ngay trong nhóm Thanh Nghị tôi cùng Đỗ Đức Dục, Nghiêm Xuân Yêm chủ trương ủng hộ nhưng giữ tư thế độc lập, nên phản đối việc Phan Anh, Vũ Văn Hiền tham gia Nội các Trần Trọng Kim.

Đến khi nổ ra Tổng khởi nghĩa và tất cả cơ cấu của Chính phủ Trần Trọng Kim nhanh chóng bàn giao chính quyền cho Việt Minh, tôi mới hiểu ra ý đồ của họ và bạn mình: Lấp một khoảng trống quyền lực nguy hiểm, không cho thực dân Pháp lợi dụng để trở lại.

Lần đầu tiên tôi nhận ra bản lĩnh của người bạn hiền lành: Dám đi trên đe, dưới búa! Đương đầu với Nhật là kẻ thù đã đành, còn phải biết mềm dẻo ứng phó với không ít các “ông tướng Việt Minh con” quá khích ở cơ sở nữa chứ: Họ coi toàn bộ Chính phủ Trần Trọng Kim là “bù nhìn ôm chân Nhật lùn” mà. Xơi phát đạn từ sau lưng dễ như chơi! Đến ông Việt Minh cộng sản tầm cỡ như Lê Văn Hiến, còn bị dân quân Quảng Nam quê mình bắt trói “dựa cột”, may mà công văn giải thoát đến kịp!

- Có ai đảm bảo an toàn cho anh không? – Tôi hỏi ngót nửa thế kỷ sau, trong lần xuống Hải Phòng đến căn nhà cũ kỹ ở phố Lạch Tray thăm vợ chồng anh và kiếm thêm tài liệu viết hồi ký.

Anh cười hiền lành đáp:

- Cách mạng. Và cái trần nhà. – Anh chỉ ngón tay lên trần.

Tưởng anh đùa, hóa ra là thật! Về đến Hà Nội tôi đọc được trong mấy trang hồi ký anh đưa: “Kế hoạch tự bảo vệ khá ngây thơ của Thị trưởng chỉ là chuẩn bị một chỗ trốn trên trần nhà”!

Trong tay không một tấc sắt, Vũ Trọng Khánh đã khôn khéo kết hợp cái danh vị hợp pháp là người của chính phủ “thân Nhật” với cái thế đang lên của cao trào Việt Minh để ép quân Nhật tôn trọng nhà đương cục Việt Nam nhằm đổi lấy an toàn cho bản thân họ; mặt khác, lợi dụng được sự có mặt của lực lượng quân sự Nhật để ngăn giặc Pháp đổ bộ chiếm lại thành phố, tự mình tranh thủ chiếm lĩnh các vị trí chủ chốt trong bộ máy chính quyền, bảo vệ dân, bảo vệ lực lượng Việt Minh.

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hải Phòng không tốn một viên đạn, không đổ một giọt máu, phần công lao không nhỏ thuộc về Thị trưởng Vũ Trọng Khánh.

Ngay sau khi từ căn cứ Việt Bắc về đến Hà Nội, Hồ Chủ tịch đã mời Vũ Trọng Khánh vào Chính phủ cách mạng, giữ chức Bộ trưởng Tư pháp.

clip_image004

Từ phải sang: Chủ tịch Hồ Chí Minh , Bộ trưởng Trần Huy Liệu (đeo kính đen), Bộ trưởng Đặng Thai Mai (complet trắng), cố vấn Vĩnh Thụy (sơ mi cộc tay trắng), Luật sư Vũ Trọng Khánh (complet đen)

Phong cách làm việc ôn hòa, khôn khéo bảo vệ chính nghĩa của Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh được anh Lê Giản - Tổng giám đốc Nha Công an những năm đầu Cách mạng - kể lại với tôi như sau:

“Mấy tháng cuối năm 1945, thời gian Vũ Trọng Khánh làm Bộ trưởng Tư pháp, quân lính mình (tức cán bộ Công an của anh Lê Giản) bắt giam bừa bãi bọn Việt Quốc, Việt Cách (chúng cũng quậy lắm cơ, ỷ vào quân Tầu Tưởng). Vũ Bộ trưởng – nguyên luật sư có khác, khôn khéo, mềm dẻo – tự thân sang mình giảng giải phải trái, lợi hại, bầy cho mưu mẹo hợp thức hóa. Nhờ vậy không những mình làm “được việc” mà còn học thêm được những bài cơ bản về pháp lý công an tư pháp”.

Anh Vũ Trọng Khánh chỉ làm việc ở Bộ Tư pháp 181 ngày, sau đó do tình hình và nhiệm vụ chính trị, Hồ Chủ tịch điều tôi sang thay anh. Anh Khánh vui lòng rút lui theo sự xếp sắp của chính người đã mời anh từ Hải Phòng lên đảm nhiệm cương vị khó khăn đó trong những bước đầu xây dựng chính quyền cách mạng.

Tôi ngỏ ý mời anh Khánh ở lại giữ vai trò phù trợ cho tôi, nhưng anh cho rằng sẽ bất lợi cho cả hai, trước hết là cho công việc, vì lúc ấy một số phần tử QZD (Quốc dân đảng) trong Văn phòng Bộ đang chĩa mũi dùi vào anh, Cụ Hồ rút anh đi chính là để khiến họ hụt mất mục tiêu.

clip_image005

Đến thăm vợ chồng Vũ Trọng Khánh tại nhà riêng ở phố Lạch Tray – Hải Phòng, 1993 Ảnh: VTK

Anh xung phong giữ chức Chưởng lý Tòa thượng thẩm, giúp Bộ quản lý các Tòa án về mặt hành chính và để động viên tôi, anh còn vui vẻ nói đùa là tự nguyện làm “đầu chầy đít thớt”, sẵn sàng chịu “trên đe dưới búa”:

- 49 ngày làm Thị trưởng Hải Phòng mình được tôi luyện rồi mà!

Bắt tay vào việc ở Bộ Tư pháp, tôi thấy ngay là Vũ Trọng Khánh dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hồ Chủ tịch đã bỏ nhiều tâm sức xây dựng nền tảng đầu tiên của nhà nước pháp quyền và chế độ tư pháp nhân dân: Hơn ba chục sắc lệnh trong 181 ngày, trung bình 6 ngày 1 sắc lệnh. Tôi nhấn mạnh vế thứ nhất vì một thời gian dài do những lý do “tế nhị” người ta nói nhiều đến những văn bản xây dựng cơ cấu tư pháp mà hầu như “quên” những sắc lệnh anh Khánh cùng Bộ Nội vụ đã chuẩn bị và trình Hồ Chủ tịch ký, mang tính chất đặt nền tảng cho nhà nước pháp quyền và trị nước bằng pháp luật:

18 ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập đã ra Sắc lệnh lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp; mọi công dân, kể cả những công dân phạm pháp phải được bênh vực trước pháp luật, vậy phải quy định ngay về tổ chức và hoạt động của các đoàn luật sư (Sắc lệnh 46 ngày 10/10/1945); trong khi chờ đợi ban bố những luật mới, để các cơ quan chính quyền khỏi tùy tiện điều hành, ra Sắc lệnh (số 47 ngày 10/10/1945) tạm giữ lại các luật lệ hiện hành của chính quyền Pháp, “nếu những luật ấy không trái với chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và không phương hại đến nền độc lập” (luật tồi vẫn hơn không có luật!); tạo ngay căn cứ pháp lý để ngăn chặn sự lộng hành của các “quan cách mạng” (lời Hồ Chủ tịch) quá say mê quyền lực mới, bằng Sắc lệnh 64 ngày 23/11/1945 thành lập một Ban Thanh tra đặc biệt, “với nhiệm vụ giám sát tất cả các công việc và các nhân viên của các Ủy ban Nhân dân và các cơ quan Chính phủ.

Ban Thanh tra đó có thẩm quyền đình chức, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong Ủy ban Nhân dân hay của Chính phủ đã phạm lỗi, trước khi mang ra Hội đồng Chính phủ hay Tòa án đặc biệt xét xử”.

Ôn hòa và dễ nhân nhượng trong những việc cụ thể, Vũ Trọng Khánh không thỏa hiệp trong những vấn đề nguyên tắc. Bằng chứng rõ ràng nhất là vụ tranh luận năm 1948 với ông Quang Đạm ở báo Sự Thật, khi anh thay mặt các luật gia đang công tác trong các cấp chính quyền nhân dân kiên quyết bảo vệ trên trang báo Độc Lập “nguyên lý tư pháp độc lập với hành chính”, có ghi trong Hiến pháp 1946 đã được Quốc hội khóa I thông qua. Việc này tôi không nhắc lại nữa vì đã thuật tỉ mỉ trong sách Pháp quyền Nhân nghĩa Hồ Chí Minh (tập I). Chính ông Quang Đạm bốn chục năm sau đã thừa nhận rằng quan điểm pháp lý của ông lúc ấy về lý thuyết “có phần giản đơn và siêu hình”.

Dưới ánh sáng của công cuộc Đổi mới hôm nay mà Đảng lãnh đạo khởi xướng năm 1986 và vẫn đang phấn đấu thực hiện, quan điểm của luật sư Vũ Trọng Khánh không phải là “pháp lý tư sản” mà là chân lý và vẫn đang nóng bỏng tính thời sự…

V.Đ.H.

Nguồn: phapluatvn.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn