Bài học lịch sử trên đường phố

Trần Hữu Khánh

Hồi còn bé xíu, Huy đã tỏ ra mê sách. Cây nhà lá vườn, có mẹ làm xuất bản nên quà sinh nhật hay phần thưởng cho cu cậu thường là những cuốn sách. Ban đầu thì mẹ đọc, Huy lắng nghe rồi thuộc nằm lòng, khách đến nhà chơi nhìn cu cậu lật từng trang đọc làu làu không sai một chữ, ai cũng đều tròn mắt ngạc nhiên.

Đặc biệt, Huy yêu thích lịch sử. Thánh Gióng bất tử, chiến thắng Bạch Đằng Giang oai hùng, ải Chi Lăng hiểm trở, danh tướng Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo bách chiến bách thắng… là những chuyện Huy có thể kể vanh vách, thỉnh thoảng còn bày trò đố vui để bắt bí mẹ. Bé thường thỏ thẻ, khi nào con lớn, con sẽ làm thầy giáo dạy Sử nha mẹ. Còn thầy chủ nhiệm lớp Năm của Huy có lần thân tình nói vui với tôi: “Kiến thức lịch sử của Huy “cứng” lắm đó chị, có khi còn vững hơn em nữa.”

Cũng nhờ đọc truyện lịch sử, Huy có thể kể tên rành rọt những triều đại phong kiến từ phương Bắc sang xâm lược Việt Nam: Tống, Nguyên, Minh, Thanh… Và trong tâm trí thơ ngây của đứa trẻ lên tám lên chín không ngờ lại sớm hình thành những suy nghĩ cực đoan.

…Hồi ấy, cơ quan tôi có chủ trương hằng năm tổ chức cho nhân viên đi nghỉ mát ở Trung Quốc, có hỗ trợ 50% kinh phí. Mặc dù thuộc diện lao động giỏi và nằm trong số ít người có thâm niên cao nhất cơ quan, nghĩa là đúng boong với tiêu chuẩn Công đoàn cơ quan đề ra ban đầu, nhưng tôi vẫn không được hưởng ân huệ ấy mà không có lấy một lời giải thích rõ ràng nào từ những người có trách nhiệm. Mãi đến mấy năm sau, tôi mới được duyệt vào danh sách. Mừng khấp khởi, tôi định bụng sẽ đóng tiền cho con trai cùng đi, Huy lúc ấy cũng đã đủ lớn để tham dự những chuyến du lịch dài ngày. Nhưng không ngờ khi tôi hào hứng thông báo thưởng cho Huy một chuyến du lịch hè ở Trung Quốc, cu cậu lại đùng đùng phản ứng: “Thằng Trung Quốc nó chiếm đảo của mình, nó giết dân mình với giết mấy chú bộ đội, Mẹ không biết sao mà Mẹ còn mang tiền qua đó làm giàu cho tụi nó hả?!!!”. Tôi chợt nhớ trước đó không lâu, báo đài đưa tin ngư dân ra khơi đánh cá ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa thường xuyên bị “tàu lạ” tấn công và bắt giữ, phá hỏng tàu cùng gây nhiều thương vong. Ra thằng bé không chỉ đọc truyện xưa tích cũ! Tẽn tò vì chờ đợi mãi mới được “đèn trời” rọi xuống ban bố cho một suất, chuyến này mà không đi thì uổng phí, tôi bèn cố vớt vát giải thích: “Tụi nó làm bậy thì đã có Đảng Nhà nước lo, còn mình tham quan Trung Quốc là để tìm hiểu nền văn hóa lâu đời của họ, đất nước họ có nhiều thắng cảnh và di tích lịch sử nổi tiếng lắm con à”. Không đủ lý để đấu khẩu với mẹ, Huy giận dỗi suýt khóc: “Vậy mẹ muốn đi thì cứ đi một mình, con dứt khoát không đi là không đi!”. Cu cậu nói vậy là giận ghê lắm, vì từ nhỏ đến lớn cậu bám mẹ không rời nửa bước; mới năm trước đó tôi có việc đi châu Âu nửa tháng, cậu ở nhà với Ba khóc suốt không chịu nín. Chuyến đi Trung Quốc năm đó của tôi đành phải hủy bỏ.

Sau này lớn hơn một chút, Huy đã bớt “yêu nước cực đoan”, không còn ghét hoặc tẩy chay tất cả những người Pháp, người Mỹ hay người Trung Quốc… như trước đây nữa. Cậu có cái nhìn thiện cảm hơn với các bác người Việt gốc Hoa là hàng xóm của nhà ngoại, với những người bạn Pháp, Mỹ của ba mẹ thường xuyên ghé thăm khi sang Việt Nam, có người còn ở lại trong nhà vài tuần lễ… Cũng nhờ đọc sách, Huy hiểu thêm rằng người dân Trung Quốc trong từng thời kỳ cũng bị chính nhà nước của họ bắt bớ, đàn áp, giết hại..., cháu đã biết phân biệt đâu là thằng Tàu bành trướng đâu là người dân Trung Quốc lương thiện và cam chịu. Nhắc đến việc đi du lịch, Huy cũng thay đổi cách nghĩ. Vì thế hè năm nay hai mẹ con tôi dự định sẽ đi tham quanTrung Quốc một chuyến cho thỏa mơ ước dở dang năm nào. Tiền tiết kiệm gom góp đã đủ, tour cũng xác định rồi, chỉ còn chọn ngày khởi hành thích hợp để lên đường ngay sau khi năm học kết thúc.

Đùng một phát, cái giàn khoan HD 981 từ Trung Nam Hải ngang nhiên lừng lững chọc vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước ta, đồng thời cũng phá hỏng kế hoạch ăn chơi ấp ủ lâu nay của tôi. Lần này, không cần con trai phản đối thì tôi cũng biết mình phải làm gì! Chỉ thở phào hú vía: May là mình chưa kịp đóng tiền!

Và thế đó, 8 giờ sáng nay 11.5.2014, mẹ con tôi đã có mặt trước Nhà hát lớn Thành phố. Một nữ phóng viên dễ thương nhanh chóng dúi vào tay chúng tôi hai tấm banner. Đoàn người đông đảo cuồn cuộn di chuyển từ Nhà hát lớn, ngược đường Đồng Khởi băng qua Phạm Ngọc Thạch, rẽ vào Trần Cao Vân rồi sang Hai Bà Trưng. Đoạn đường vào Tổng lãnh sự quán Trung Quốc bị phong tỏa, đoàn biểu tình lại chuyển hướng Nguyễn Đình Chiểu, vòng qua Phạm Ngọc Thạch đến Lê Duẩn, Đinh Tiên Hoàng… Đến đầu đường Võ Thị Sáu, dọc công viên Lê Văn Tám, tôi bước chậm nên bị tụt hậu, ngơ ngác nhìn quanh thấy còn có vài người, nhưng chỉ không đầy một phút sau lại xuất hiện hàng loạt khẩu hiệu, biểu ngữ cùng cờ đỏ sao vàng từ đâu đó đổ ra đường phía sau lưng tôi… Lại hình thành một đoàn mới. Những tiếng hô “Đả đảo Trung Quốc xâm lược”, “Hoàng Sa - Việt Nam, Trường Sa - Việt Nam”… vang lên từng chập, người này ngưng hô thì có ngay người khác tiếp tục. Người người chen chúc, hàng hàng lớp lớp bước đi san sát nhau, mặt đường giờ thành ra quá chật hẹp, đoàn biểu tình tràn cả lên vỉa hè. Những nhân viên công lực áo xanh và áo vàng tất bật điều khiển xe cộ đang lưu thông dạt sang bên đường nhường chỗ cho đoàn biểu tình đi qua.

Tôi không quen đi bộ đường dài, đến đây là muốn hụt hơi. Lúc này tôi nghe tin có một đoàn khác không đi tuần hành mà tổ chức mít tinh ở thềm Nhà hát lớn: Anh Huỳnh Tấn Mẫm thay mặt 54 nhân sĩ trí thức đọc Tuyên bố lên án Trung Quốc xâm lược. Khoảng 9g30 đoàn ấy đã “ hoàn thành nhiệm vụ” và đã tuyên bố giải tán. À, thì ra có nhiều đoàn khác nhau chứ không chỉ một. Tôi cố hít thở thật sâu, chạy lúp xúp theo cho kịp đoàn người đang di chuyển với tốc độ khá nhanh. Con trai cũng vượt lên phía trước, thỉnh thoảng ngoái lại chờ mẹ, vừa nhằn nhò: “Nhanh lên mẹ ơi, người ta đi hết trơn rồi.” Tôi nhìn sang con, chiếc áo sơ mi Huy mặc ban sáng giờ đã ướt sũng cả hai vạt, đầu tóc nhễ nhại mồ hôi, nhưng nét mặt lại tươi tắn rạng ngời như đang đi… lãnh thưởng vậy! Tôi vừa thở hổn hển vừa hỏi, con không mệt sao, bình thường đi bộ một chút con đã than van, giờ mẹ đuối quá rồi, đi vòng vòng như vầy hồi nữa chắc cũng về lại chỗ cũ rồi giải tán thôi, hay mình về luôn nghe con? Huy lắc đầu: “Không mẹ ơi, tự dưng con càng đi càng hăng, không mệt gì cả, chỉ khát nước thôi. Mẹ cũng cố gắng đi mẹ, để con kéo mẹ một đoạn nhen”. Nói rồi chú chàng xốc nách mẹ lôi đi. Á à, cái thằng bé mắc bệnh lười vận động và chuyên trị ngủ nướng, sáng Chủ nhật nào trưa trờ trưa trật vẫn còn dính lưng trên giường, chờ mẹ réo mỏi mồm mới chịu he hé mắt ra dòm rồi đóng lại cái phụp, là đây sao?! Tôi như được tiêm doping từ con trai, cố lê lết đôi chân mỏi nhừ và sưng phù rẽ vào đường Phạm Ngọc Thạch, qua Hồ Con Rùa rồi Nhà thờ Đức Bà, thẳng Đồng Khởi trở về Nhà hát lớn. Đồng hồ trên tay chỉ 10g25. Một vòng tuần hành quanh quận 1 trong gần hai tiếng rưỡi đồng hồ!

clip_image002

Mẹ và con cùng đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược

…Nhớ lại cách đây gần tròn hai năm, tháng 6/2012, tôi được chính quyền Thành phố mời làm việc vì có tên trong danh sách những công dân ký tên vào kiến nghị xin Ủy ban Nhân dân cho phép biểu tình để phản đối những hành động xâm lược của Trung Quốc. Khi nhân viên an ninh Trần Lê Tuấn đại diện PA 25 nửa thuyết phục nửa bắt ép tôi ký vào biên bản có ghi sẵn lời hứa “tuyệt đối không tham gia biểu tình”, tôi đã kiên quyết từ chối. Hôm ấy, tôi không ngại mất thì giờ quý báu của mình mà tâm sự với anh Tuấn và đồng sự của anh về câu chuyện gia đình tôi. Là cha ruột tôi, cựu tù Côn Đảo, nhiều lần vào tù ra tội cùng bản án sau cùng – 20 năm khổ sai cộng 10 năm biệt xứ. Là hai anh ruột tôi – một liệt sĩ thời chống Mỹ và một thương binh mù cả hai mắt hiện sống với đồng lương hưu chưa đầy hai triệu bạc mỗi tháng. Là ông nội chồng tôi, bị giặc Pháp tra tấn bằng cách cho chó săn cắn xé suốt đêm trước khi mang ra treo cổ sáng hôm sau. Là cha chồng tôi, cán bộ tiền khởi nghĩa; cái đầu của ông từng được chính quyền cũ ở Huế treo thưởng lên đến hàng triệu đồng vào thập niên 1960… Đó là chưa kể đến các bác dượng chồng của dì tôi và cô tôi, đều là liệt sĩ các thời kỳ.

Hôm đó thậm chí tôi còn bê luôn tấm bằng Huy chương kháng chiến của mình đến trình các anh. Tôi khai lý lịch cặn kẽ như vậy không phải để xin được ưu tiên hưởng cái chế độ chính sách gì (ở nước ta hay có màn đó!) dù trong suốt cuộc đời làm công chức nhà nước tôi chưa hề được hưởng bất cứ quyền lợi nào cho những năm tháng tham gia cách mạng của mình, đến một bậc lương cũng chưa từng! Tôi dông dài kể ra chỉ để các anh an ninh yên tâm rằng, cả dòng họ nhà tôi đã đổ xương máu vì sự nghiệp độc lập dân tộc thì không có lý gì hôm nay bản thân tôi lại phản bội quá khứ, đi ngược lại truyển thống yêu nước của gia đình! Và còn vì một lẽ, vào thời điểm đó, khi nghe Trung Quốc lấn chiếm vùng biển Hoàng Sa Trường Sa và khủng bố ngư dân Việt Nam, tình hình cả nước sôi sục, con trai tôi đã hỏi tôi: “Mẹ ơi, hồi đó Mỹ đánh nước mình, mẹ đi biểu tình phản đối, bây giờ Trung Quốc cũng đánh mình, mẹ có dám đi biểu tình không?”. Tôi kể với anh Tuấn điều đó và nói, tôi có con trai thì anh cũng có con trai, vậy chúng ta sẽ giáo dục con thế nào đây về lòng yêu nước?! Hôm nay nếu tôi ký vào biên bản hứa hẹn thề thốt không bao giờ đi biểu tình chống Trung Quốc, nghĩa là nhắm mắt làm ngơ trước những hành động xâm chiếm ngang ngược của chúng, thì tôi biết trả lời thế nào đây với con mình, làm sao tôi có thể dạy con tôi nên người, và hình ảnh người lớn hèn hạ khiếp nhược trước ngoại bang sẽ gây tổn thương và ảnh hưởng ra sao đối với việc phát triển và định hình nhân cách ở một đứa trẻ?!

Buổi nói chuyện của chúng tôi kéo dài suốt một buổi chiều, và sau hồi lâu giằng co hết dịu ngọt đến căng thẳng, qua nhiều lần bỏ ra ngoài gọi điện (có lẽ để xin chỉ thị cấp trên?!), cuối cùng biên bản thứ hai mới được viết ra thay cho biên bản cũ phải xé bỏ.

…Hôm nay, khi hai mẹ con ngồi nghỉ mệt ở vườn hoa trước Nhà hát lớn, câu chuyện cũ sống lại, lần này lại theo chiều hướng tích cực và làm dấy lên trong tôi niềm hy vọng lạc quan. Rằng chính quyền đã đến lúc thuận theo tiếng nói chính nghĩa và lòng dân trong cuộc chiến đấu chống bọn bành trướng Bắc Kinh đội lốt đồng chí “bốn tốt mười sáu chữ vàng” nhưng bụng dạ thì hung hiểm lăm le thôn tính người hàng xóm nhỏ bé hiếu hòa! Tôi muốn cám ơn các anh công an cảnh sát đã tích cực giữ trật tự để lộ trình của đoàn biểu tình được thông suốt (tất nhiên, trừ đoạn vào trụ sở Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc!). Cũng không có bất cứ biểu hiện “phá đám” nào như thổi kèn tò te tí te hay phát nhạc ầm ĩ qua loa nhằm át đi tiếng hô đả đảo xâm lược như những lần biểu tình trước đây. Tôi cám ơn các nhân viên mặc thường phục từng thường xuyên “chăm sóc” tôi tại khu chung cư nơi tôi trú ngụ, sáng nay đã lẳng lặng “hộ tống” tôi đến tận địa điểm tập trung mà không hề cản trở. Anh chàng trẻ măng đi xe Air Blade trắng ấy sau đó còn đề nghị mẹ con tôi dừng lại để chụp một bức ảnh với khẩu hiệu giương cao. Đồng thời cám ơn và hoan nghênh báo Tuổi Trẻ với sáng kiến quá tuyệt vời khi tặng độc giả báo sáng hôm nay một tờ poster màu có thể sử dụng làm khẩu hiệu biểu tình: “Trung Quốc rút ngay giàn khoan khỏi Việt Nam!”. Quá chuẩn! Quá chất!

Đồng bào có ý thức cao và nghiêm túc trong việc giữ trật tự và đưa cuộc biểu tình đi đúng hướng: chống Trung Quốc xâm lược, không chệch sang nội dung khác, nên càng lúc càng quy tụ đông đảo người tham gia. Một cuộc biểu tình hàng ngàn người, với nhiều nhóm nhiều cánh khác nhau, diễn ra hầu như gần hết buổi sáng, vậy mà vẫn trật tự không gây rối loạn. Đường phố tuy có gây tắc nghẽn trong phút chốc ở quận 1, nhưng rồi lại nhanh chóng thông thoáng trở lại.

Vâng, hôm nay tôi muốn gửi lời cám ơn đến anh Trần Lê Tuấn, và thông qua anh cám ơn các cấp trên của anh đã tạo điều kiện cho mẹ con tôi có cơ hội hòa chung nguyện vọng và ý chí với người dân Thành phố mang tên Bác, được công khai, đường hoàng, danh chính ngôn thuận bày tỏ tình yêu Tổ quốc và lòng căm phẫn sục sôi trước âm mưu đen tối của ngoại bang. Bởi nếu Đảng, Nhà nước nhắm mắt bịt tai mà làm ngơ trước nguyện vọng chính đáng của nhân dân, thì tôi biết ăn làm sao nói làm sao với con mình đây, khi một đứa trẻ ở cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới cũng phải sôi sục theo độ nóng của tình hình biển đảo?! Hoặc nếu hôm nay chính quyền ra lệnh giải tán hay đàn áp đoàn biểu tình, thì cậu bé mười sáu tuổi của tôi sẽ bị sốc đến mức nào?! Cậu sẽ lý giải ra sao khi lòng yêu nước ngây thơ nồng nhiệt của mình bị phủ nhận và dập tắt?!

Cũng may là môn thi cuối cùng của học kỳ hai vừa kết thúc ngày hôm trước, nên sáng nay Huy có thể an tâm tháp tùng mẹ mà không sợ ảnh hưởng đến bài vở. Và những điều mắt thấy tai nghe sáng nay sẽ là bài học lịch sử thiết thực nhất cho con trai tôi, có ý nghĩa hơn hẳn hàng chục trang sách giáo khoa Sử mà cứ vài năm lại được Bộ Giáo dục tuyên bố chỉnh sửa với cải cách một lần; sau khi ngốn tiền tỉ của dân rốt cuộc cũng chỉ dừng ở hàng loạt cái gạch đầu dòng liệt kê nào nguyên nhân nào ý nghĩa nào bài học kinh nghiệm, những cái gạch đầu dòng khô khan lạnh lẽo ấy nhanh chóng chuội ra khỏi đầu óc bọn học trò rồi dần dần làm thui chột niềm đam mê tìm hiểu lịch sử nước nhà ở những đứa trẻ hiếm hoi còn biết yêu thích môn học ấy như con trai tôi.

Ngày 11.5.2014, có một buổi học lịch sử đã diễn ra trên đường phố, một buổi học không có người giảng lẫn giáo án, nhưng nhất định sẽ để lại ấn tượng sâu sắc trong đời cậu con trai bé bỏng của tôi. Huy từ nay sẽ không còn băn khoăn chất vấn mẹ, mà đến lượt mình cháu đã biết cách bày tỏ lòng yêu nước như một công dân thực thụ.

Tận đến chiều, tôi vẫn còn nằm vùi trong phòng riêng vì đôi chân phản chủ hầu như mất cảm giác. Cu Huy từ phòng bên ùa vào cười giả lả: “Happy Mother’s Day, Mom già xấu xí. Con nhớ mà, nhưng con không gì quà tặng mẹ cả…”

Ôi con trai thân yêu, con không biết sáng nay con đã tặng mẹ một món quà quý giá lắm lắm đó sao?!

T. H. K.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn