Tại sao thế giới coi “Made in China” là nhãn hiệu của sự khinh bỉ?

Paul Midler
BVN đăng lại dưới đây 2 bài viết có mối quan hệ liền mạch với nhau, nó là chỉ báo tâm lý sợ và ngán Trung Quốc của cộng đồng nhân loại hiện nay. Người ta ngán sợ Trung Quốc trong hình hài một con rồng đang ra sức dương vây múa vuốt với thế giới bằng sự hăm hở muốn leo lên vị trí siêu cường thì cũng có nhưng chưa trực tiếp lắm, mà ngán sợ vì những việc làm bất minh trong hầu hết các quy trình công nghệ của nó để dân chúng Trung Quốc và thế giới ăn quả lừa giá rẻ đến không ngờ nhưng sản phẩm thì lại tồi tệ hết chỗ nói, thậm chí một số loại hàng thực phẩm nào đấy còn có khả năng giết lần giết mòn dân số của chính Trung Quốc và thế giới, thì đó mới là nỗi ám ảnh thường xuyên đối với mọi người. Người ta bỗng nhận ra một thứ "thâm nho" kiểu Tàu truyền kiếp - ngọt hơn mía lùi để rồi cuối cùng là bồ hòn chứ không phải mía - mà hế tiếp xúc một lần là nhớ đời. Chính vì thế, ở các thị trường chợ cóc Việt Nam gần đây có hiện tượng nhiều hoa quả nhập từ Trung Quốc đã được các nhà buôn dán nhãn mác Việt Nam để người dân đỡ… nhìn vào mà giật thót. Việt Nam, xứ sở chưa có luật lệ nghiêm ngặt trong quản lý sản xuất công nghệ thực phẩm nên mặc ai nấy lừa, qua mắt ngành kiểm tra như bỡn, vậy mà vẫn còn chưa làm người mua kinh hoàng bằng hai chữ “hàng Tàu”. 

Bauxite Việt Nam

VIT – Chỉ đến khi công chúng đồn nhau về sự ghê tởm của “Made in China” – như là nhãn hiệu của sự yếu kém, hỏng hóc thì người ta mới bắt đầu hiểu ra rằng ở đâu đó đang tồn tại một vấn đề nghiêm trọng – một vũng bùn nghê tởm đã khiến họ ngã vào – vũng bùn “Made in China”. Người đời vẫn nói “một lần ngã là một lần bớt dại”, vậy thì nhận diện cái vũng bùn ấy thế nào? Tại sao các nhà sản xuất Trung Quốc lại có hành động quá xấu xa như vậy? Có phải là các nhà nhập khẩu Phương Tây không hay biết gì về hiện trạng “Made in China” không?


Chúng ta nên bắt đầu tìm hiểu sự việc từ mối quan hệ giữa các nhà cung cấp Trung Quốc và các nhà nhập khẩu Phương Tây. Các nhà sản xuất của Trung Quốc là cứ “tiền trao cháo mới múc” – họ nhận tiền trước để sản xuất những mặt hàng mà các công ty nước ngoài yêu cầu. Đây chính là điểm mấu chốt để các nhà sản xuất của Trung Quốc có cơ hội “cắt xén”.

Chỉ sau khi các lô hàng “Made in China” được đưa đến nơi thì các công ty Phương Tây mới vỡ lẽ vì hàng hóa có chất lượng kém. Việc kiện các nhà máy của Trung Quốc ra tòa là không đơn giản, vì các đối tác Phương Tây sẽ vấp phải một hệ thống pháp luật Trung Hoa phức tạp một cách có tính toán.

Sự thực, các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ làm bất cứ điều gì mà họ cho là cần để bắt mối kinh doanh; nhưng ngay sau khi nhận được tiền, mối quan hệ này liên tục xuống dốc, từng tí, từng tí một. Đi cùng với sự coi thường bạn hàng là chất lượng sản phẩm sẽ giảm dần, giảm dần và mất hẳn theo thời gian một cách lặng lẽ.

Các nhà sản xuất Trung Quốc thừa biết rằng từng chi tiết cũng như tổng thể cả sản phẩm của “Made in China” chỉ có thể sản xuất tại Trung Quốc, và như vậy – một khi các đối tác Phương Tây đã đặt hàng – thì sẽ không thể có sự lựa chọn nào khác là phải tiếp tục đặt hàng. Các nhà sản xuất Trung Quốc cứ việc thoải mái mà gặm nhấm chất lượng sản phẩm hàng hóa. Hậu quả là sản phẩm bị lỗi, bị hỏng hóc, không đạt chất lượng là kết quả của một trò “đã chót thì chét” mà các công ty Phương Tây tại Trung Quốc phải chịu đòn.

Bản chất đầu tiên của sự việc “Made in China” là bắt nguồn từ văn hóa của dân tộc Trung Hoa ngàn đời nay. Người Trung Hoa tin rằng họ sẽ không bị trừng phạt nếu họ lừa người khác. Họ tự ý thay đổi thông số kỹ thuật sản phẩm mà không cần hỏi ý kiến đối tác – bởi họ cho rằng “thà xin lỗi còn hơn xin phép”. Người Trung Hoa xem việc giảm chất lượng sản phẩm như là một yếu tố quyết định để thu lợi nhuận lớn hơn, chính vì vậy họ thường “lèm nhèm tối đa” khi thảo luận về vấn đề chất luợng.

Bản chất tiếp theo của vấn đề “Made in China” là ở thể chế chính trị. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tạo ra một vương quốc cho các loại mèo – “mèo trắng, mèo đen, miễn bắt được chuột”. Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ “thưởng” cho nhà sản xuất nếu họ giúp mang ngoại tệ về cho đất nước này thông qua thương mại. Có đôla mang về sẽ chỉ có vị ngọt của củ “Cà Rốt” mà không bao giờ có vị đòn roi – cho dù các công ty Trung Quốc có tiến hành công việc kinh doanh của họ một cách phi đạo đức đến mức nào.

Người đời tâm niệm “gieo gió có ngày gặp bão”, quả báo đã xảy ra ngay tại xứ mèo – hàng trăm ngàn trẻ em Trung Quốc bị bệnh vì sữa melamine “Made in China”. Đúng là “chó dữ cắn chủ”, và cho dù Chính phủ Trung Quốc có ra tay trừng trị hàng chục doanh nghiệp melamine nhưng điều này xem ra chưa đủ hiệu lực với đàn chó dữ của họ.

Phải chăng xã hội Trung Quốc đã đến thời điểm mà các biện pháp cực đoan “Thiên An Môn” vẫn không thể ngăn cản được các doanh nghiệp của họ phạm tội ác? Phải chăng đã đến lúc các doanh nghiệp trên thế giới “không nên có ý định ngã để rút kinh nghiệm, mà nên học khôn trên cái ngu của kẻ khác”.

Trần Nguyễn Hữu Tuấn dịch

Paul Midler là tác giả của cuốn Poorly Made in China, một trong số 10 quyển sách về kinh tế bán chạy nhất trong năm 2009 By Paul Midler

Nguồn: thegioinguoiviet.net



Thật cẩn thận với gạo biến đổi gene Trung Quốc

Bee.net.vn – Theo thông tin mới nhất được đăng tải trên tạp chí Beijing review của Trung Quốc, gạo từ hai giống lúa biến đổi gene do nước này nghiên cứu và sản xuất đang đe dọa gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người dân cũng như có thể phá hủy sự cân bằng sinh thái ở trong nước.

Vào năm 2009, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã ban hành giấy chứng nhận an toàn sinh học cho hai loại gạo từ hai giống lúa được biến đổi gene Huahui 1 và Bt Shanyou 63,
đều cùng được trồng thí nghiệm ở vựa lúa gạo Hồ Bắc của Trung Quốc và tháng 10/2009 đã có mặt trên thị trường. Đây là hai giống lúa được cho là có khả năng kháng bệnh rất cao. Dự tính tới năm 2011, Trung Quốc sẽ cho trồng rộng rãi trên toàn quốc.

Tuy nhiên, theo các nhà sinh học, sản phẩm gạo mới từ hai giống lúa này lại có mối đe dọa cao đối với sức khỏe con người trong khả năng truyền tải thông tin di truyền ở cấp độ gene cho các sinh vật khác. Các gene được biến đổi khi được phân tán sẽ ảnh hưởng tới cả động vật và thực vật.

Sản phẩm gạo mới từ hai giống lúa này lại có mối đe dọa cao đối với sức khỏe con người."

“Nếu những sản phẩm này có khả năng diệt côn trùng thì không loại trừ khả năng nó sẽ gây hại đối với sức khỏe của con người khi họ sử dụng chúng lâu dài” – Giáo sư Jiang Gaomin, nhà thực vật học của Viện Khoa học Trung Quốc cho hay.

Theo Fan Lifen, đại diện của Greenpeace tại Trung Quốc, các thí nghiệm của ông trên các động vật thí nghiệm cho thấy chúng có biểu hiện bị dị ứng và giảm khả năng miễn dịch khi ăn hai loại gạo biến đổi gene này. Và không loại trừ khả năng phản ứng này cũng sẽ xảy ra với con người.

Nhà lai tạo hàng đầu của Trung Quốc Yuan Lunpin cũng tham gia phản đối việc sản xuất hàng loạt các sản phẩm gạo từ giống lúa biến đổi gene Huahui 1 và Bt Shanyou 63.

“Những loại sản phẩm đã được biến đổi vẫn có khả năng phát tán trong tự nhiên khi chúng lai với giống khác. Và khi đó, việc mở rộng di truyền của chúng sẽ trở nên mất kiểm soát và có thể gây ô nhiễm di truyền ở quy mô lớn”.

Đặc biệt, giống lúa biến đổi gene có khả năng tự điều chỉnh di truyền với các giống lúa khác thông qua thụ phấn và gây biến gổi gene tới loại gạo mới 18%. Vì vậy, các gene đã được đột biến của giống lúa Huahui 1 và Bt Shanyou 63 có thể phá hủy tất cả sự đa dạng của các giống lúa khác ở Trung Quốc, nơi có hơn 75.000 giống lương thực các loại và sản xuất lượng lúa gạo hàng năm chiếm tới 1/3 sản lượng của thế giới.

Thêm vào đó, gạo cũng được coi là loại lương thực chính, được sử dụng trong 3 bữa ăn hàng ngày của hơn 1 tỷ người dân Trung Quốc. Sự biến dạng của các loại cây trồng cũng có thể sẽ ảnh hưởng tới vật nuôi thông qua quá trình cho gia súc ăn phải các thực vật bị lai tạo với thực vật bị biến đổi gene.

Nó cũng sẽ ảnh hưởng tới ngành xuất khẩu lương thực và các ngành kinh tế khác của Trung Quốc bởi các nước phương Tây áp đặt các hạn chế rất nghiêm ngặt về việc nhập khẩu các sản phẩm biến đổi gene.

Trước đó, việc cấp phép cho sản xuất giống lúa biến đổi gene trong tự nhiên cũng đã gây nhiều tranh cãi ở Trung Quốc. Trong khi sự an toàn của hai giống lúa mới này vẫn chưa được kiểm định chặt chẽ và chưa có quy chế nghiêm ngặt để bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất thì nó đã được tung ra thị trường. Thêm vào đó, giấy phép sản xuất và kinh doanh hạt giống lại được cấp phép trước khi chúng được phép cho sản xuất thương mại hóa đã khiến nhiều học giả nước này bất bình.

Nguyễn Hường (theo Rian)

Nguồn: bee.net.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn