Sai phạm lớn trong đầu tư đường ống dẫn khí PM 3-Cà Mau

Mạnh Quân
BVN từng nhắc đến một trong những kẽ hở của nền kinh tế do Nhà nước ta quản lý là các Tập đoàn kinh tế đóng vai trò định hướng xã hội chủ nghĩa thực chất lại là những nơi phung phí tiền của của dân tệ hại vì tham ô, lãng phí, làm ăn thua lỗ, góp phần đẩy an sinh xã hội ngày một xuống dốc. Bài viết dưới đây của Mạnh Quân là một dẫn chứng cụ thể.

Bauxite Việt Nam


Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại lễ khánh thành PM3. Ảnh: Chinhphu.vn

Đã khá lâu, kể từ khi nhiều vụ sai phạm lớn trong các dự án đầu tư của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được phát hiện, khởi tố như: việc đấu thầu gói thầu số 1 dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, vụ án cung cấp thiết bị giàn block nhà ở ngoài khơi cho giàn khoan cho Vietsopetro …Người ta tưởng rằng, sau các vụ việc nghiêm trọng đó (nhiều cán bộ của ngành dầu khí đã bị truy tố, cách chức trong các năm 2004-2006), những quy định về đầu tư, xây dựng cơ bản sẽ được PVN và các đơn vị trực thuộc chấp hành nghiêm túc hơn. Tuy nhiên, theo kết quả kiểm toán mới đây tại dự án đầu tư đường ống dẫn khí PM3 –Cà Mau, một công trình quan trọng với số vốn đầu tư khá lớn (trên 3.545 tỷ đồng) do PVN làm chủ đầu tư đã lại báo động về việc thiếu nghiêm túc trong việc chấp hành chính sách về đầu tư, xây dựng cơ bản ở ngành dầu khí.




Công trình đường ống dẫn khí PM3-Cà Mau có thể nói là một công trình đặc biệt quan trọng với cả ngành dầu khí và ngành điện lực. Dự án này (nhóm A) do PVN làm chủ đầu tư được quyết định triển khai theo Quyết định 898/QĐ-TTg ngày 7.10.2002 của Thủ tướng Chính phủ với mục đích xây dựng đường ống dẫn khí có qui mô 2,3 tỷ m3 khí/năm cung cấp cho nhà máy điện có công suất lên tới 730 MW và nhà máy đạm công suất 800 ngàn tấn/năm. Cho đến 30.6.2008 thì giá trị thực hiện vốn đâu tư cho công trình được đề nghị đã lến tới trên 3.545 tỷ đồng.

Qua kiểm toán giá trị thực hiện đầu tư cho dự án theo nghiệm thu A-B, tính đến 30.6.2008, giữa con số đầu tư được báo cáo (3.545,5 tỷ đồng) và giá trị báo cáo dược kiểm toán (3.502,2 tỷ đồng) đã có sự chênh lệch lớn. Theo kiểm toán Nhà nước, chênh lệch này chủ yếu là việc kiểm toán đã làm rõ việc chi phí xây dựng thực tế giảm do: tính sai khối lượng 21,72 tỷ đồng; do sai đơn giá trên 2,2 tỷ đồng; do việc tính trùng chi phí giám sát của tổng thầu và ban quản lý dự án hơn 10,23 tỷ đồng và các sai phạm khác hơn 4 tỷ đồng. Nhóm kiểm toán cũng đã xác định chi phí mua sắm thiết bị cho dự án cũng phải giảm đi 11 tỷ đồng, trong đó, việc tính sai khối lượng thiết bị lắp đặt là gần 899 tỷ đồng, do việc tính trùng chi phí giám sát của tổng thầu và ban quản lý dự án là 10,16 tỷ đồng. Một loạt các chi phí khác cũng được kiểm toán yêu cầu giảm lên tới 18,25 tỷ đồng trong đó chủ yếu cũng do các sai phạm về tính sai khối lượng, sai về hệ số, định mức, tính trùng chi phí, tính toán sai giá trị đầu tư, mua sắm…

Kiểm toán hợp đồng trọn gói, kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện chênh lệch đáng kể giữa con số báo cáo và kết quả thực tế thực hiện, giúp làm giảm chi phí đầu tư hơn 3,24 tỷ đồng, giảm chi phí thiết bị 24,16 tỷ đồng và các chi phí khác cũng giảm tới 21,89 tỷ đồng.. Trong các nguyên nhân dẫn đến con số chênh lệch, chủ yếu vẫn do việc tính trùng, chi phí thiết bị giảm, do tính khống, tính sai khối lượng, đơn giá…

Những con số chênh lệch, phải cắt giảm hàng chục tỷ đồng ở mỗi khâu trên không phải do trình độ, năng lực năng lực kém của tổng thầu hay ban quản lý dự án trong việc “tính sai”, “tính trùng”… mà nó là kết quả của nhiều sai phạm trong việc chấp hành chế độ quản lý, đầu tư xây dựng công trình. Ví dụ, trong việc tính khối lượng trong dự án chi tiết các hạng mục thuộc gói thầu EPC số 8A được lập trên hồ sơ thiết kế tổng thể, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, nhiều nội dung đầu tư khối lượng trong dự toán lớn hơn so với khối lượng của hồ sơ thiết kế chi tiết và hồ sơ hoàn công được ban quản lý dự án ký với nhà thầu và đây cũng là cơ sở dể xác lập giá trị tổng dự toán và tổng mức đầu tư được phê duyệt của dự án với số tiền trên 138,2 tỷ đồng. Điều này là sai so với quy định về phương thức thanh toán trong nghị định số 16/2005/NĐ-CP.

Một số đơn giá chi tiết trong dự toán các hạng mục trên bờ của gói thầu 8A được xây dựng đã không hề theo quy định nào của Nhà nước về quản lý chi phí đầu tư, xây dựng và làm trái chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ. Các khoản tính sai về đơn giá cát san lấp mặt bằng, lắp đặt đường ống trên bờ, đơn giá xây dựng nhà điều hành, nhà quản lý các trạm…có số tiền 54 tỷ đồng là sai phạm không hề nhỏ.

Trong các khâu nghiệm thu, thanh quyết toán, ví dụ như ở gói thầu 8A của dự án, không thể coi đơn giản là lỗi kỹ thuật trong tính toán mà phải coi đó như sai phạm nghiêm trọng vì ban quản lý dự án đã thanh toán cho công việc mà nhà thầu thực tế không thi công (thanh toán khống). Cụ thể là ở việc lắp đặt hệ thống SCADA, nhà thầu được thanh toán 5,89 tỷ đồng cho một việc họ không hề làm. Kiểm toán còn làm rõ có việc thanh toán trùng chi phí giám sát chế tạo vật tư thiết bị lên tàu nước ngoài số tiền 11 tỷ đồng; việc áp dụng định mức, đơn giá chưa đúng số tiền hơn 4,1 tỷ đồng…Thậm chí, ban quản lý dự án còn rộng rãi mua bảo hiểm thay cho nhà thầu 844,7 triệu đồng.

Kết thúc cuộc kiểm toán, kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý về tài chính số tiền 116,8 tỷ đồng bao gồm các khoản chính: điều chỉnh giảm giá trị nghiệm thu, quyết toán A-B 67,56 tỷ đồng (thu hồi các khoản vốn đầu tư, thanh toán trái quy định số tiền hơn 26,2 tỷ đồng, giảm thanh toán 41,33 tỷ đồng); giảm giá trị hợp đồng trọn gói khi quyết toán dự án số tiền 49,3 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án còn phải kê khai, nộp thêm số tiền thuế 1,587 tỷ đồng.

PVN là tập đoàn lớn trong khối các tập đoàn, tổng công ty của nhà nước, hàng năm thu về hàng trăm ngàn tỷ đồng nhờ bán tài nguyên dầu khí. Nhưng không phải vì thế mà tập đoàn này lại được tùy tiện chi tiêu, sai quy định như đã nêu trên trong các công trình, dự án do mình làm chủ đầu tư. Bài học về những vụ việc sai phạm, nhiều quan chức, cán bộ trong ngành bị truy tố, vào tù, bị miễn nhiệm xảy ra trước đây trong ngành dầu khí dường như chưa được tiếp thu nếu nhìn vào những sai phạm xảy ra tại dự án này. Do đó, kết quả cuộc kiểm toán phải được cảnh tỉnh lãnh đạo ngành dầu khí một lần nữa để tập đoàn này chấn chỉnh sai phạm, chấp hành tốt hơn quy định của luật pháp về đầu tư, xây dựng công trình.

MQ

Nguồn: vn.360plus.yahoo.com/quan5791

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn