Hoa Kỳ chỉ trích Trung Quốc làm lu mờ Hội nghị An ninh châu Á

Daniel Ten Kate

(Bloomberg) Ngày 16 tháng 7  - Hoa Kỳ chỉ trích việc mở rộng quân sự của Trung Quốc có thể làm lu mờ diễn đàn an ninh lớn nhất châu Á vào tuần tới sau việc đánh chìm tàu chiến của Nam Hàn, cho thấy khả năng về cuộc xung đột trên biển quan trọng đối với thương mại thế giới.

Ngoại trưởng Hillary Clinton và Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì được dự kiến tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN tại Hà Nội ngày 23 tháng 7, nơi mà họ sẽ gặp các nhà ngoại giao từ 24 quốc gia và Liên minh châu Âu. Cuộc họp của các nước Châu Á - Thái Bình Dương xảy ra khi các câu hỏi của Hoa Kỳ về động cơ Trung Quốc qua việc gia tăng các lực lượng vũ trang của họ, với cố vấn quân sự hàng đầu của Tổng thống Barack Obama nói hồi đầu tháng trước rằng ông "thực sự có quan tâm".

Ông Roger Cliff, phân tích gia của Rand Corporation, một nhóm nghiên cứu chính sách phi lợi nhuận, có trụ sở tại Arlington, bang Virginia. “Chắc chắn có nhiều mối quan tâm về các khả năng gia tăng của Trung Quốc. Đến năm 2015, mọi thứ có thể trở nên khá nguy hiểm cho Hoa Kỳ”.

Khả năng gia tăng cuộc xung đột ở vùng biển ngoài khơi của 18.000 km (11.184 dặm) bờ biển Trung Quốc đi vào tâm điểm hồi tháng 3, khi ngư lôi đã đánh chìm một tàu chiến của Nam Hàn, giết chết 46 thủy thủ. Sau một cuộc điều tra độc lập tìm thấy Bắc Hàn đằng sau cuộc tấn công, Hoa Kỳ và Nam Hàn tuyên bố sẽ tiến hành tập trận chung ở vùng biển Hoàng Hải.

China Daily, tờ báo của Chính phủ [Trung Quốc] đã viết trong bài xã luận ngày 13 tháng 7: “Việc luyện tập này là mối đe dọa cho an ninh của Trung Quốc và nguy cơ leo thang căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên. Hành động của Mỹ sẽ là một rào cản mới để nối lại quan hệ quân sự bình thường giữa Bắc Kinh và Washington”.

Đình chỉ các mối quan hệ

Trung Quốc – cắt đứt các trao đổi quân sự cấp cao với Hoa Kỳ trong tháng Giêng về việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan – đã từ chối khiển trách Bắc Hàn về việc đánh chìm tàu [Nam Hàn]. Bắc Hàn phủ nhận có vai trò trong sự cố ngày 26 tháng 3.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, ông Robert Gates đã nói tại Singapore hồi tháng trước rằng, Trung Quốc đình chỉ giao lưu quân sự “không có lý chút nào” và đe dọa an ninh khu vực.

Đô đốc Mike Mullen, cố vấn quân sự hàng đầu của Tổng thống Obama và là Chủ tịch Tham mưu trưởng Liên quân, đã nói hồi tháng trước về “khoảng cách” mà Trung Quốc đã tuyên bố và thực tế các chương trình quân sự của họ.

Thật vậy, tôi đã chuyển từ tò mò sang thực sự quan tâm”, ông Mullen nói.

Trung Quốc tuyên bố Đài Loan và toàn bộ Biển Ðông là của riêng mình và hỗ trợ chế độ Kim Jong Il của Bắc Hàn, đi ngược lại ý muốn của các nước láng giềng, những nước phụ thuộc vào Hải quân Hoa Kỳ về an ninh. Ước tính trữ lượng dầu lửa và khí đốt trên biển khác nhau, với một số nghiên cứu tử Trung Quốc cho thấy, [Biển Đông] có chứa dầu nhiều hơn Iran và có nhiều khí đốt tự nhiên hơn so với Arab Saudi, theo Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ.

Trừng phạt các công ty

Hồi tháng Giêng, Trung Quốc cũng cho biết sẽ trừng phạt các công ty tham gia trong hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan, gồm Lockheed Martin Corp, United Technologies Corp và Boeing. Việc đe dọa này vẫn chưa thực hiện, thể hiện một sự leo thang trong thuật hùng biện so với việc bán vũ khí trước đó hồi năm 2008, ông Bonnie Glaser, chuyên gia về quan hệ Trung - Mỹ, thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Washington, nói.

"Nếu hiện tại chúng tôi ở vào thời điểm sáu tháng tới, chúng tôi vẫn không có chuyến thăm của ông Gates và chúng tôi vẫn còn bị đình chỉ giao lưu quân sự, lúc đó tôi sẽ nói, đó là một phản ứng nghiêm trọng hơn rất nhiều", ông Glaser nói.

Mỹ đã gửi ba tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, mỗi tàu có khả năng mang theo 154 tên lửa hành trình Tomahawk vào khu vực hồi đầu tháng này, báo South China Morning Post đưa tin ngày 4 tháng 7.

Cùng lúc, Hoa Kỳ đã gia tăng ràng buộc với cựu thù trong khu vực. Tuần này, Hoa Kỳ đồng chủ trì cuộc tập trận quân sự với quy mô lớn đầu tiên tại Campuchia liên quan đến lĩnh vực huấn luyện các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình và hoan nghênh chuyến thăm cấp cao nhất của một viên chức chính phủ Lào đến Washington trong 35 năm. Hoa Kỳ cũng đã tìm cách trẻ hóa quan hệ quân sự không hoạt động trong thời gian dài với Việt Nam và Indonesia.

Gia tăng quân sự

Trung Quốc đã tăng cường quân sự trong thập kỷ qua, nâng cao năng lực ngăn chặn các tàu của Hoa Kỳ và thực thi việc đòi chủ quyền lãnh thổ của mình ngoài khơi. Năm ngoái, tàu đánh cá Trung Quốc quấy rối hai tàu hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông, khu vực mà lực lượng Mỹ bắt đầu tuần tra kể từ Đệ nhị Thế chiến.

Ông Gates gọi vùng biển này là "khu vực gia tăng mối quan ngại" tại một diễn đàn an ninh ở Singapore hồi tháng trước và cảnh cáo [Trung Quốc] đe dọa các công ty Mỹ hoạt động trong khu vực. Exxon Mobil Corp và BP Plc nằm trong số các doanh nghiệp đã ngưng các dự án trên biển vì sự phản đối của Trung Quốc, theo các cơ quan Chính phủ Hoa Kỳ.

"Khi Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự lên tương xứng với sức mạnh kinh tế và văn hóa, khả năng họ sẵn sàng ngồi lại và chờ đợi trở nên ít hơn" trong tranh chấp lãnh thổ được giải quyết, ông Richard Bitzinger, thành viên cao cấp của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore.

Tranh chấp lãnh thổ

Trung Quốc chính thức tranh chấp với Việt Nam và Malaysia một phần quần đảo Trường Sa trên Biển Đông khi Trung Quốc gửi một bản đồ lên Liên hiệp quốc năm ngoái, khẳng định quyền sở hữu phần lớn vùng biển. Brunei, Philippines và Đài Loan cũng đòi chủ quyền tất cả hay một phần chuỗi đảo, nơi có thể chứa dầu lửa và khí đốt.

Các viên chức Trung Quốc nói với những người đồng nhiệm Hoa Kỳ hồi tháng 3 rằng, Trung Quốc xem Biển Đông là "lợi ích cốt lõi", ngang hàng với Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương, báo Kyodo News đưa tin ngày 3 tháng 7, dẫn lời các quan chức giấu tên. Điều đó sẽ làm cho vấn đề không thể thương lượng và cho phép Trung Quốc sử dụng vũ lực để duy trì tuyên bố của mình, ông Ian Storey, thành viên của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, nói.

"Sự cân bằng sức mạnh quân sự trên Biển Đông đang tới hồi dứt khoát" đối với Trung Quốc, ông nói. "Điều đó cho thấy việc giữ nguyên hiện trạng là không vững chắc".

Ngọc Thu dịch

Dịch từ: Businessweek

HT Mạng Bauxiite Việt Nam biên tập

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn