Trao đổi nhân đọc bài "Điều kiện tăng trưởng để bền vững" của GS Hoàng Tụy

http://www.cutudc.com/pasquin/ficheiros/f_1system_error_.jpgPhú Quân

Mở đầu bài viết, GS Hoàng Tụy nêu lên bốn định đề về ĐẶC ĐIỂM THẾ GIỚI NGÀY NAY. Rất đúng đắn và rất có ý thức.

Mọi kế sách phát triển quốc gia, mọi chương trình kinh bang tế thế dứt khoát phải tính trên bốn đặc điểm này, và dĩ nhiên , theo từng mốc thời gian, từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể sẽ kèm theo những điều kiện những yếu tố a, b, n, v.v.

Ở phần hai của bài viết, GS H.T. đề cập đến tham nhũng như là một lực âm làm triệt tiêu sự phát triển - "Rất rõ ràng chừng nào tham nhũng còn nặng thì không thể nói đến phát triển bền vững". Chính xác và chân thực như tấm lòng yêu nước của một trí thức chân chính.


Lập luận tiếp theo của tác giả là: tham nhũng là hệ quả của "nghịch lý lương/thu nhập trong bộ máy hành chánh sự nghiệp", "theo một lược đồ lặp khá đơn giản". Đây là phần mà người viết bài này muốn trao đổi và đề nghị BVN mở diễn đàn để có một cuộc mạn đàm rộng rãi theo một cách nhìn, cách đặt vấn đề hoàn toàn khác với "công cuộc chống tham nhũng" của "lề phải".

http://pourquedemainsoit.files.wordpress.com/2008/04/newbribe.jpg

Trước tiên chúng ta hãy nhắc lại một điều hiển nhiên mà tất cả đều đồng thuận là:

* Tham nhũng lúc nào cũng có kể từ khi xã hội loài người được tổ chức thành hệ thống quốc gia, chế độ xã hội... ngay cả "vào năm Gia Tĩnh triều Minh/ Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng".

* Tham nhũng ở đâu cũng có bất kể nơi đó xã hội được tổ chức theo mô thức nào - Ở Mỹ, ở Tàu, ở Anh, ở Nhật, ở Việt Nam, ở châu Phi và muôn nơi vân vân...

Chỉ có điều là ở nơi nào mà chế độ xã hội được tổ chức dân chủ hơn, xã hội dân sự lành mạnh hơn, luật pháp có điều kiện tốt hơn dể áp dụng một cách công bằng hơn, nghiêm minh hơn thì nơi đó, xã hội đó tham nhũng không thể lớn mạnh, không thể biến thành một con quái vật nghìn miệng nghìn tay nuốt hết vét hết mọi thành quả của phát triển và của cải của xã hội.

Một khảo sát giản lược xã hội Việt Nam trong khoảng 50 năm qua. Tham nhũng ngày càng lớn, càng nhiều và rộng khắp, đến độ "trảm hết người "làm sai" thì bổ sung sao kịp". Bảo đảm "làm sai" có 90% dính dáng đến tham nhũng. Có người sẽ bảo rằng, bởi vì xã hội ta đang phát triển, của cải trong xã hội sinh ra ngày càng nhiều. Chưa bao giờ đất nước ta có nhiều của cải và ngày càng nhiều như 50 năm qua và đặc biệt là 30 năm trở lại đây. Không có của cải lấy gì tham nhũng? Đồng ý. Nhưng tham nhũng là ăn cắp, là tội lỗi, là phải bị pháp luật trừng trị và xã hội lên án.

Tất cả viên chức, quan chức trong hệ thống công quyền Việt Nam - kể cả nhân viên ngành Y tế và Giáo dục - nếu xét trên mặt bằng kinh tế xã hội nước ta họ đều có hai điều căn bản trong cuộc sống là:

1 - một công việc tốt hơn;

2 - thu nhập ổn định khá hơnso với đại bộ phận dân chúng còn lại trong nước tức là nhóm (ước chừng) 50 - 60 triệu nông dân phía dưới họ.

Nếu họ (nhóm có điều kiện tham nhũng) biết và lo sợ rằng nếu dính vào tham nhũng, họ sẽ bị trừng trị, bị xã hội lên án, họ sẽ bị mất đi "công việc tốt hơn", mất đi "thu nhập ổn định khá hơn" đại bộ phận dân chúng còn lại trong xã hội, họ sẽ bị rơi xuống bậc thấp nhất theo các chuẩn về kinh tế và các giá trị khác trong xã hội, thì họ sẽ không sục sạo tìm cách tham nhũng, hoặc phải e dè ngay cả khi nghĩ đến tham nhũng chứ không phải hoành hành một cách tự tung tự tác như hiện nay.

Tại sao họ không e dè và lo sợ khi tham nhũng? Rất đơn giản. Bởi họ nghĩ rằng HỌ CÓ THỂ LÁCH ĐƯỢC, CÓ THỂ CHẠY ĐƯỢC, CÓ NGƯỜI BAO CHE CHO HỌ ĐƯỢC. Thực tế này mấy chục năm qua đã cho thấy đó là một chân lý - và cũng là nghịch lý - ngày càng đúng dắn, tỷ lệ "hiệu quả" ngày càng cao và rộng khắp hơn.

Lại thêm một câu hỏi tại sao nữa để trả lời cho cái tại sao vừa nêu trên. Chắc chắn nhiều người sẽ đồng thuận rằng:

a - Đó là do luật pháp không nghiêm minh, không công minh. Luật pháp có thể tùy nghi diễn giải theo nhiều ý đồ khác nhau, phục vụ nhiều lợi ích khác nhau, thông qua những chỗ đứng và cách nhìn bất nhất.

b - Chúng ta chưa có một xã hội dân sự căn bản minh bạch để mọi quyền lợi và sai lầm tội lỗi được xác định một cách rõ ràng nhằm bảo vệ lợi ích công và tư và trừng trị một cách hữu hiệu các tội phạm. Và điều càng nguy khốn hơn là triết thuyết xây dựng định chế xã hội của chúng ta gần như không nhằm hướng tới một xã hội dân sự minh bạch hay chí ít thỏa thuận từng phần một chiều hướng như thế.

c - Định chế xã hội của ta thiếu dân chủ, bưng bít, không rõ ràng, chưa chịu gọi đúng tên của từng sự việc, từng vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống. Định đề này không cần chứng minh; cứ lục giở tất cả báo chí lề phải, báo in, báo mạng, đọc các bài của các đảng viên cao cấp từng 50, 60 năm tuổi đảng là rõ.

Cộng a+b+c lại ta hình dung được gì? Đằng sau nó là một cái gì đó lộn xộn, tù mù, thiếu rõ ràng, không hợp lô gích - của các phạm trù về hình nhi
thượng học và hình nhi hạ học cũ như lô gích thực tiễn của đời sống. Nó mang dáng dấp ngày càng rõ nét, và giờ này đã có thể khẳng định chăng: Đó là một hệ thống lỗi.

Một hệ thống lỗi sẽ không tạo ra bất cứ một công năng hữu dụng nào. Dù có trút vào nó bao nhiêu là nhiên liệu, năng lượng (năm năm, mười năm, năm mươi năm hoặc lâu hơn nữa; bốn triệu, tám triệu, mười sáu triệu hoặc nhiều hơn nữa) nó cũng sẽ chẳng tạo ra một hiệu quả nào hết.

Một hệ thống lỗi chỉ gây nên sức phá hoại. Tham nhũng chỉ là một trong nhiều sức phá hoại mà hệ thống lỗi đó sản sinh trong chính sự tồn tại của nó ./.

13-7-2010
PQ

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn