Lão sơn thảm bại, Túc Nhung Sinh thăng quan

La Gia Bình (TQ)

Nguyễn Thị Anh Thư dịch

Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy đã gửi cho blog Phamvietdaonv bài: “Lão Sơn thảm bại, Túc Nhung Sinh thăng quan” của tác giả Trung Quốc La Gia Bình. Đây là bài viết của tác giả Trung Quốc đã cung cấp các bí ẩn về việc quân [1] 67 dưới quyền tướng Túc Nhung Sinh (con của danh tướng Túc Dụ) thảm bại trước quân Việt Nam trong trận ngày 31 tháng 5 năm 1985…

Blog Phamvietdaonv đã nhờ bạn Nguyễn Thị Anh Thư dịch giúp… Trước hết Blog Phamvietdaonv xin trân trọng cảm ơn bác Dương Danh Dy đã cung cấp và rất mong được bác tiếp tục mách bảo các tư liệu quý để hầu quý vị. Blog Phamvietdaonv cũng xin trân trọng cảm ơn bạn Nguyễn Thị Anh Thư đã dịch giúp tài liệu này và chắc chắn còn phiền bạn dài dài…

Vừa qua, rất nhiều độc giả đề nghị Blog Phamvietdaonv hệ thống lại 22 bài viết về Mặt trận Vị Xuyên-Hà Giang; Sắp tới Blog Phamvietdaonv sẽ tập hợp, đưa lại một cách hệ thống, từ bài 1 tới bài 22, các bài viết này sẽ được đưa trên trang blog tư liệu cá nhân tại địa chỉ: vn.myblog.yahoo.com/phamvietdao460…

Vậy quý vị nào quan tâm tới mảng đề tài này, xin chịu khó đợi một thời gian ngắn nữa…

Hiện nay mảng tư liệu này đang ngổn ngang, trong khi chủ blog lại bận nhiều việc, bị chi phối bởi nhiều đề tài, do đó đành phải đưa từ từ…

Có bạn phản hồi trên blog Phamvietdaonv cho rằng: gọi Mặt trận Vị Xuyên-Hà Giang trong cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung liệu có quá với sự thật lịch sử?

Theo nhà văn Đào Thắng, người đã có mặt tại mặt trận Hà Giang trong giai đoạn ác liệt dó, ông đã làm 3 bộ phim tài liệu và có phim đã đoạt giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim VN cho biết: Stalingrad là thuật ngữ được bộ đội hồi đó ví với mặt trận Hà Giang…

Tất nhiên mọi sự so sánh đều khập khiễng.

Xin trân trọng giới thiệu quý vị bài viết đáng chú ý này để chúng ta có thêm một góc nhìn…

Rất mong nhận được phản hồi của các cựu binh của Mặt trận Hà Giang từng tham gia trận 31/5/1985?

Blogger Phạm Viết Đào

clip_image001

clip_image003

Sau thảm bại ngày 31 tháng 5, quân 67 còn xảy ra một chuyện trước sau chưa từng có trong chiến tranh với Việt Nam. Một người chiến sĩ, vốn người  Táo Trang [18], từ trận đánh đồi 211 may mắn được sống quay về, vào giờ ăn cơm sáng, bước vào nhà ăn sở chỉ huy quân 67, nhằm Túc Nhung Sinh mà bắn, Túc Nhung Sinh nhanh nhẹn trốn xuống gầm bàn ăn, nên không bị thương. Nhưng người cảnh vệ của họ Túc thì bị giết chết, Quân trưởng Quân 67 Trương Chí Kiên bị thương xuyên bả vai, còn mười người gồm binh lính sĩ quan đang đứng tại hiện trường cũng trúng thương...

Đồi 211 trong bài viết này trên bản đồ phía trên có ký hiệu C...

Thời gian phát biểu: 03:14 Tác giả: La Gia Bình.   Độc giả bình luận: 1 điều kan zhong guo 15/2/2011

Đồi 211 ở chiến khu cửa khẩu Na Lạp tại tiền tuyến Lão Sơn là trận địa Quân 1 đoạt đựợc từ 11/2/1985, đến 18/5/1985 thì chuyển sang cho Quân 67 giữ và tiếp tục cố thủ trận địa này. 13 ngày sau, tức 31/5/1985, vào 5 giờ 10 phút buổi sớm, Quân khu 2 của Việt Nam  đột nhiên phát động (đợt công kích) “M-1” tấn công vào Quân 67 vốn còn chưa ổn định, pháo kích mãnh liệt toàn bộ chiến trường Lão Sơn. Hỏa lực đã được chuẩn bị để tập kích liên tục suốt 45 phút.

5 giờ 5 phút, lực lượng pháo binh của VN lại mở rộng hỏa kích, Doanh 4 Đoàn [2] 982 của quân Việt Nam chia hai đường, công kích ba đồi 211, 156, 166.  Đồng thời Doanh 5 Đoàn 982 thực thi dương công [3] vào các đồi 140, 142. Binh sĩ Việt Nam dưới sự yểm trợ rất chuẩn xác của hỏa lực pháo binh, cấp tốc chiếm lĩnh các cứ điểm[4]1, 2 trên  đồi 211, các binh sĩ (của TQ) có mặt trên [các cứ diểm này] hầu hết tử vong. Lí Lâm Hải, đóng tại cứ điểm 1 bị quân Việt bắt. Đây là binh sĩ duy nhất của quân đội Trung Quốc bị bắt trong thời kí “Lưỡng Sơn Luân chiến”[5]. Ban [6] trưởng Bảo Hổ Dân bỏ trận địa, chạy ven núi nấp vào các bụi cỏ mất 7 ngày rồi sau đó quay về trận địa Hữu Lân. Quân Việt có pháo kích yểm hộ nhiều lần công kích vào các đồi 140, 155, 166, đến 9 giờ 30 phút tối mới dừng tấn công. Đồi 211 không lớn, tiếp giáp với đồi 227 có quân Việt đồn trú. Trước mặt đồi 211 có bố trí ba cứ điểm, có thể nói, quân Việt đã chiếm lĩnh thành công đồi 211.

Ngày hôm đó, Quân 67  báo cho Quân khu Côn Minh và Bộ Tổng tham mưu (Tổng tham hối) là đồi 211 vẫn còn trong tầm kiểm soát, nhưng người đương nhiệm Bộ trưởng Bộ tác chiến của Tổng Tham hối là Trung tướng Ngôi Phúc Lâm đòi hỏi trực tiếp đến Lão Sơn kiểm tra tình hình, yêu cầu Quân 67 gửi chiến sĩ từ đồi 211 đến để hỏi chuyện.

Quân 67 thấy không còn cách nào khác, đành phải bằng mọi giá quyết đoạt lại các cứ điểm 1, 2 trên đồi 211.

Thiếu tướng Sư trưởng Trịnh Quảng Thần của Sư 199 (sau làm đến Phó tư lệnh Quân khu tỉnh Sơn Đông mới về hưu) phản đối mạo hiểm xuất kích, cho rằng nếu cứ cố tiếp thủ trận địa thì phía ta chưa thành thục tình huống, địa điểm và tình hình bên đối phương, nên giữ quân chờ đến lúc quân ta đã thành thục. Trịnh Quảng Thần nhận định, trận chiến đầu này rất quan trọng, không đánh thì thôi đánh thì nhất định phải thắng, phải có được cơ sở là đã nắm chắc mọi thứ thì mới nên tiến hành chiến đấu. Ý kiến của ông không được chấp nhận mà còn bị Tham mưu trưởng Túc Nhung Sinh cho là “sợ đánh”, “tinh thần dao động”. Túc Nhung Sinh đến gặp Quân trưởng báo cáo việc của Sư trưởng. Quân trưởng giận dữ cắt luôn quyền chỉ huy của Sư trưởng (tức ông Trịnh), cho phép Túc Nhung Sinh vượt thẩm quyền của Sư 199, trực tiếp nắm quân quyền tổ chức Đoàn 595 thuộc Sư 199 tiến hành phản kích.

(Lại nói thêm rằng, Túc Nhung Sinh là người mới được đề bạt lên Sư trưởng của Sư 200 được một năm, trước chiến tranh, nhờ công dẹp được mâu thuẫn ở cấp cao nên  được đề bạt lên làm Tham mưu trưởng Quân 67. Chỉ vì lần này ông ta chuộng hư danh ưa dối trá [7] mà khiến cho sĩ quan binh lính của Sư 199 đi đến cảnh ngộ bi đát. Sau khi Quân 67 thảm bại, Túc Nhung Sinh bị hãm ở cương vị Tham mưu trưởng suốt 5 năm. Đến năm 1990 , bị điều sang làm Phó bộ trưởng Bộ quân vụ.

Sau khi  “Dương gia tướng” [8] thôi chức, Sở Thanh [9]  nhờ cấp dưới cũ của Đại tướng Túc Dụ là Phó chủ tịch Quân ủy họ Trương, đề bạt Túc Nhung Sinh lên làm Quân trưởng đơn vị cũ của cha ông ta là Quân 24. Tháng 11 năm 1997 được đề bạt lên làm Phó tư lệnh Quân khu Bắc Kinh (chủ quản hậu cần, cơ quan, nội vụ, hoạt động đối ngoại). Năm 1999, sau 11 năm là Thiếu tướng, được phong lên hàm Trung tướng. Nghe nói, “xét đồng chí Túc Nhung Sinh, trong thực tế quá trình công tác xây dựng bộ đội và huấn luyện tác chiến, tích cực khai triển nghiên cứu khoa học,  được tặng giải thưởng (Vì) Sự tiến bộ của nền khoa học quốc gia bậc hai, giải thưởng (Vì) Sự tiến bộ của khoa học quân sự bậc nhất cùng các hạng mục khen thưởng khác. Cùng hơn mười hạng mục về kĩ thuật chuyên lợi quốc gia. Đồng chí Túc Nhung Sinh cũng kiêm chức Giáo sư Đại học Quốc phòng, thành viên Hội Úy viên chuyên gia kiến thiết tự động hóa chỉ huy toàn quân”).

1/6/1985, từ Quân 67, Túc Nhung Sinh tổ chức thành ra Doanh 1 Đoàn 595 nhằm đồi 255 tập kết rồi tìm cơ tiến hành phản kích đồi 211. Phó doanh trưởng Vương Triêu Lịch (Lao [10]) phụ trách chỉ huy toàn tuyến. Sáng sớm, gặp được trời mưa cực to, đội đột kích thứ nhất được chỉ đạo hướng về đồi 211 xuất kích. Cùng lúc, Bài trưởng Bài 2 Liên 1 Vương Trung Viễn [11] dẫn đội đột kích thứ nhì từ đồi 908 hướng về đồi 211 xuất kích. Để khỏi chịu thương vong quá lớn, bên ta dùng “chiến thuật thêm dầu [12]”, đi trước tuần tự là Đảng viên Cộng sản, Ban trưởng,  rồi đến Đoàn viên thanh niên, tổ chức thành các tổ chiến đấu nhỏ, lần lượt xuất kích. Hai đội đột kích thông qua một khoảng đất trũng, đánh thẳng vào các cứ điểm 1, 2 của đồi 211. Vào lúc đó, bọn quân Việt trên đồi phát hiện đội đột kích của bộ đội ta, ngay lập tức khai hỏa. Quân Việt ở trên cao hướng xuống, nhả đạn về phía quân ta. Đạn bay dày như mưa thoáng chốc đã tới, đồng thời chúng gọi pháo binh đến tiến hành dùng hỏa lực phong tỏa đoạn đường xung kích của quân ta, trong khi đó pháo binh ta cũng nhằm đồi 211 pháo kích gây áp lực.

Trước mặt đồi 211, 255, pháo binh hai bên dồn thành một khối, đạn xả như mưa. Trên con đường xung kích bùn lầy, hai Phó ban trưởng bị bắn trúng chết tại trận. Dưới chân đồi 211 có khối đá cao 5m, ở đó chết hơn mười người của các đội đột kích, máu tươi hòa với mưa tạo thành một vũng lầy, còn những thây chết đang cứng lại thì mưa tẩy rửa hết (máu).  Khối đá này cách cứ điểm 3 của đồi 211 do quân Trung Quốc cố thủ khoảng 15m. Những người còn sống chỉnh lại đội nghũ rồi từ cứ điểm 3 xuất kích hướng về cứ điểm 1, 2. Tại vùng tiếp nối trận địa 227 có quân Việt đóng với đồi 211, từ hai phía (quân đột kích) giáp công thành một khối. Sau một hồi chiến đấu thảm khốc kịch liệt, cứ điểm 1,2 đã được quân ta chiếm lại, quân Việt đóng trước mặt trận địa 227 lập tức tăng viện. Liền đó, đội đột kích vừa chiếm được cứ điểm 1 và 2 của đồi 211 liền bị bao vậy. Do hai bên lực lượng quá chênh lệch, đội đột kích bị ép vào thế hạ phong.

May sao còn 8 người quay về cứ điểm 3, trong số đó có 5 người đã bị thương. Hỏa lực của quân Việt vẫn rượt theo rất rát, đường thông từ đồi 255 đến đồi 211 bị phong tỏa hoàn toàn, mà quân tăng viện vẫn chưa thấy kéo đến. 8 người của ta ở phía trên không kéo xuống dưới được, sau mấy ngày cầm cự ngoan cường tại cứ điểm 3 đồi 211, năm người bị thương lần lượt tử vong. Trong đợt đụng độ sau đó, ở khối đá lớn phía trước cứ điểm 1, quân Việt đã treo ngược xác một người lính Trung Quốc để thị uy. Sau đó quân ta tra xét biết được rằng người bị phơi thây ấy là Phó liên [13] trưởng Giả Kha của Liên 1 Đoàn 595. Hành động này của quân Việt đã kích động lửa giận của cấp chỉ huy. Vậy là, hết một lượt đầu đội đột kích đã ngã xuống, thì lại đến lượt đội đột kích khác tiếp tục, trước sau (cấp trên) liên tục chỉ đạo cho Quân 67 yêu cầu bộ đội không được tiếc bất kỳ giá nào, nhất định công kích đồi 211.

Tại điện đài 861, không ngừng nghe tiếng bộ đội Trung Quốc xung phong để chiếm lĩnh lại các cứ điểm 1 và 2, nhưng sau mỗi đợt xung kích đó, đại bộ phận bộ đội không hy sinh thì cũng trọng thương. Trong khoảng thời gian đó, hỏa lực pháo kích của hai bên che trùm hai đồi 255, 211, cùng với âm thanh gầm xé của đạn pháo, đội xung kích hết lượt này đến lượt khác tràn lên. Hỏa lực thực quá ư mãnh liệt, mà quân Việt ở trên đồi 211 có lợi thế là từ cao đánh xuống thấp, thành thử phần nhiều quân đột kích phát động xung phong mà không sao tiếp cận được đồi 211, đành ngã xuống dưới trời mưa đạn. Tính ra, Liên 3 tổ chức 3 đội xuất kích xung phong lên phía trên, đến hôm sau, chỉ còn sống 2 người. Để bảo đảm trước khi Bộ trưởng Bộ tác chiến Ngôi Phúc Lâm đến nơi (sẽ có chứng cứ là) đã chiếm được đồi 211, đến thời khắc quyết định, ba vị Phó doanh trưởng được phái đi tăng viện của đoàn 595, dưới mệnh lệnh “không được tiếc bất cứ giá nào, phải thu lại đồi 211, có ba vị Phó tống lí [14] ở Trung Nam Hải đang đợi tin thắng trận của ta đó” của Tham mưu trưởng Quân 67,  đã mang cả những người lính liên lạc [15] cuối cùng lên tận đỉnh núi.

Từ mùng 2 thàng 6 đến ngày 11 tháng 6, sau 10 ngày hỏa lực pháo binh của 2 bên tập kích mãnh liệt, đội đột kích của bộ đội ta căn bản không có cách nào tiếp cận đồi 211. Nhưng vị chỉ huy vẫn phái bộ đội tiến lên. Trong tình cảnh không thể đoạt lại đồi 211, Quân 67 vẫn không tiếc bất cứ giá nào ném một lượng lớn binh sĩ đạn dược vào nhằm đoạt lại đồi cho bằng được. Trong trận này, do bị hỏa lực pháo binh cực kì mạnh mẽ của quân Việt phong tỏa, ta không có cách nào chở thi thể của những người tử vong tại trận về được, cảnh tượng thây chết đầy đồng cực kì thê thảm. Quân 67 lại ra mệnh lệnh tối hậu, bằng mọi giá phải lấy được xác binh sĩ trận vong về, do đó Sư 199 lại tiến hành vài đợt công kích với tính chất yểm hộ. Đến ngày chiến đấu thứ 11, Đoàn 595 Sư 199 Quân 67 tổn thất nghiêm trọng: 2 doanh bị quân Việt phá vỡ, các thiết chế đoàn-liên hoàn toàn bị phá, 3 Liên của Đoàn 597 vốn là đội dự bị đến tăng viện cho đoàn 595 đã bị tổn thất nghiêm trọng trong những đợt tiến công không có chút hy vọng thắng lợi. 120 tướng sĩ của đội đột kích vĩnh viễn nằm lại trên đồi 211, còn những người bị thương nặng và nhẹ thì không xiết kể. Trong khoảng trăm hang hốc phụ cận đồi 211, các chiến sĩ bị thương của các đội đột kích bên ta tạm trú lại, nhưng lúc dó bên ta không biết họ đang kiên trì chờ các Bác sĩ của ta đến cứu chữa. Sau đợt chiến đấu này, các chiến sĩ có thể tự mình quay về địa điểm xuất phát mười phần chẳng được lấy một….

Cả Đoàn 595 đã mất hết năng lực chiến đấu, không thể tiếp tục chấp hành nhiệm vụ tác chiến được nữa, bị điều khỏi tiền tuyến để chỉnh đốn. Để thay thế cho Đoàn 595, Quân khu Tế Nam ở Sơn Đông đã cấp tốc tổ chức lập Đoàn 598 (3 Doanh là từ Đoàn 598, Đoàn 599 và đoàn 600, còn liên pháo binh trực thuộc thì từ Sư 76).

Xem xét địa hình mà nói, đồi 211 chả có giá trị quân sự gì, nhưng vì đồi 211 là do Quân 67 tiếp nhận từ tay Quân 1 giao lại, nên thủ trưởng Quân 67 cho rằng không thể để mất được, thế là hết lần này đến lần khác đem số lượng lớn binh sĩ đẩy vào trận địa pháo kích của quân Việt, đó là nguyên nhân chính dẫn đến thua trận mất người ngày 11 tháng 6 vậy. Khi tin tức Đoàn 595 Sư 199 Quân 67 đánh đồi 211 thất lợi truyền ra ngoài, quân đội cả nước náo loạn cả lên! Nhưng đối với những chiến sĩ của Đoàn 595 tử vong trong chiến đấu ngày đó, cái nỗi tiếc hận còn để lại không chỉ đến thế mà thôi, bởi vì đối với những tướng sĩ đã tận trung báo quốc đó, đại bộ phận sau đó lại không được hưởng những vinh dự thích đáng. Trong danh sách mà Quân khu Tế Nam phong tặng danh hiệu anh hùng [16] bậc 1, bậc 2 và liệt sĩ công lao bậc 1 cho khoảng 100 bộ đội “luân chiến” [17], ngoại trừ Giả Kha ra, cũng ít thấy tên những sĩ quan binh lính của Đoàn 595 hy sinh trong ngày 11 tháng 6.

Toàn Sư 199, từ trên xuống dưới, đối với các thủ trưởng của Quân 67 cực kì phẫn nộ. Có một lần cán bộ chiến sĩ đã liên danh làm cáo trạng, báo lên Tổng bộ Quân ủy, chỉ trích Tham mưu trưởng quân 67 không nghe ý kiến của bộ đội, chỉ biết bàn việc binh trên giấy, gây nên tổn thất nghiêm trọng cho bộ đội trong chiến đấu. Tổng bộ trước sau lần lượt phái Bộ trưởng Bộ huấn luyện quân là Thạch Hiệp và một số người khác đến điều tra. Sau khi điều tra, khẳng định rằng tuyệt đối không phải lãnh đạo sư 199 sợ chiến đấu, mà do lúc đó thủ trưởng Quân 67 phán đoán không chính xác tình hình địch ta, chỉ huy vượt cấp, sau khi thất bại lại đổ trách nhiệm xuống cấp Sư, về lí không đúng, đối với Quân 67 cần phê bình nghiêm khắc. Túc Nhung Sinh lúc này cảm thấy mình rất là mất mặt, liền dẫn quan chức (cấp Quân) của quân 67 lui về quân Bộ. Sư trưởng Sư 199 Trịnh Quảng Thần được khôi phục quyền chỉ huy, những trận chiến sau này, đều do bộ phận (lãnh đạo cấp Sư)  của Sư 199 tự tổ chức chỉ huy.

Trịnh Quảng Thần tổ chức cho Sư 199 làm quen với chiến trường, làm quen với các đặc điểm về cách thức chiến đấu của quân Việt đối địch, chỉnh lí bộ đội, tủy thời triển khai phương pháp huấn luyện có mục tiêu cụ thể. Cứ thế ba tháng liền, đến mùng 8 tháng 9, Phó liên trưởng Liên trinh sát là Nguyên Minh, Phó chỉ huy là Hạ Quang Minh đã lấy17 người tổ chức thành đội đột kích, phát động tập kích ngay giữa ban ngày, vào mười giờ sáng men cứ điểm 3 bên trái sang trèo qua một đoạn vách núi lên cứ điểm 2 do quân Việt chiếm lĩnh, giết được 7 người lính Việt đóng trên đồi 211, đổi lại bên ta chỉ có hai người bị thương nhẹ. Sau đó quân Việt pháo kích trả thù, kết quả Phó liên trưởng Nguyên Minh mắt trái bị thương thành mù, hai vị Ban trưởng của đội đột kích bị thương, hy sinh trên đường đưa về trạm y tế cấp cứu.

Sau thảm bại ngày 31 tháng 5, Quân 67 còn xảy ra một chuyện trước sau chưa từng có trong chiến tranh với Việt Nam. Một người chiến sĩ, vốn người  Táo Trang [18], từ trận đánh đồi 211 may mắn được sống quay về, vào giờ ăn cơm sáng, bước vào nhà ăn sở chỉ huy Quân 67, nhằm Túc Nhung Sinh mà bắn, Túc Nhung Sinh nhanh nhẹn trốn xuống gầm bàn ăn, nên không bị thương. Nhưng người cảnh vệ của họ Túc thì bị giết chết, Quân trưởng Quân 67 Trương Chí Kiên bị thương xuyên bả vai, còn mười người gồm binh lính sĩ quan đang đứng tại hiện trường cũng trúng thương.

Cả hiện trường náo loạn, tất cả đều cho rằng đây là đội đặc công mà bên Việt Nam phái sang thâm nhập đánh úp, mấy ngày sau mà chưa làm rõ được đầu đuôi là chuyện gì. Mà người chiến sĩ ấy cũng an toàn trở về từ hiện trường. Mấy ngày sau, mới phát hiện anh ấy đã tự sát tại hầm nước phía sau sở chỉ huy Quân 67. Trong lòng còn ôm ngọn súng, do đã qua một thời gian dài nên xác đã bốc mùi. Thế là (sự việc xảy ra ở) Quân 67 lại một lần nữa bị thông báo trong toàn quân.

Sau khi sự việc phát sinh, Quân ủy trung ương, Bộ Công an, Bộ An ninh Quốc gia và Quân khu Tế Nam  liên tiếp phái người đến Quân 67 điều tra nguyên nhân sự việc. Trương Chí Kiên đang nằm viện, phải chịu việc điều tra, khóc mà nói rằng: “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến nông nỗi quân của mình lại cầm súng bắn vào Quân trưởng của họ như vậy!”

N.T.A.T.

Nguồn: 名将粟裕之子粟戎生67军对越作战中5.31败之谜

发表时间: 2011-02-14 03:14 作者: 罗家坪 看中国15/2/2011

[1] Quân là đơn vị ở trên “sư”

[2] “Doanh” tức Tiểu đoàn,  “Đoàn” tức Trung đoàn

[3] Nghĩa là triển khai mũi tấn công phụ để quân địch không biết chủ lực và phương hướng tiến công chính ở đâu mà tập trung quân lực

[4] Nguyên văn: Tiêu vị

[5] TQ goi giai đoạn chiến đấu với VN từ 84 đến 89 như vậy

[6] Ban tương đương với tiểu đội

[7] Nghuên văn “độ kim” tức “mạ vàng”, ý chỉ viẹc ông này chạy theo thành tích bề ngoài

[8] Là một dòng họ sinh ra nhiều danh tướng đời Tống, ở đây chỉ Dương Thượng Côn. Năm 1992-1993 ông thôi giữ các chức vụ Ủy viên Cục chính trị Trung ương, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, phó Chủ tịch thứ nhất quân ủy trung ương

[9] Phu nhân Đại tướng Túc Dụ

[10] Chữ có hai âm đọc

[11] Chỗ này ghi “Nhất liên nhị bài trưởng Vương Trung Viễn”. Bài là đơn vị ngay dưới Liên, Bài tương đương Trung đội.

[12] Thiêm du chiến thuật

[13] Liên, tức là tương đương với Đại đội

[14] Tổng lí tương đương Thủ tướng

[15] Nguyên văn: thông tấn viên

[16] Nguyên văn: “Anh mô”

[17] Tức viết tắt của “Lưỡng sơn luân chiến”, xem ở trên

[18] Thành phố Táo Trang, thuộc tỉnh Sơn Đông

Nguồn: pagewash.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn