Trung Quốc: Cuộc trả lời phỏng vấn đầy tiên tri của Ngải Vị Vị

Emily Lodish

Đỗ Quyên dịch

imageMột trong những tiếng nói bất đồng chính kiến quan trọng nhất ở Trung Quốc, một người đàn ông vốn thể hiện sự can đảm đáng chú ý và công khai thách thức chính quyền Trung Quốc, và cũng là một người có tên tuổi, đã đột nhiên mất tích. Tên ông là Ngải Vị Vị, và mặc dù các bạn có thể không biết ông ta, nhưng các chính quyền phương Tây, giới quan sát tình hình Trung Quốc, cùng các nhà hoạt động ở nước này, lo sợ rằng vụ bắt giữ ông cho thấy Chính phủ Trung Quốc đang đi theo một hướng mới.

“Tôi nghĩ công cụ mạnh nhất đối với xã hội này là để cho sự thật được bộc lộ”.

Cuộc phỏng vấn này diễn ra 10 ngày trước khi Ngải bị bắt. Phóng viên kiêm quay phim Dan Report đã gặp Ngải tại Bắc Kinh để điều tra về chế độ kiểm duyệt Internet ở Trung Quốc.

“Sử dụng Internet vẫn bị coi là một lĩnh vực nhạy cảm, thậm chí nguy hiểm”.

Ngải là nhà bất đồng chính kiến gần đây nhất bị bắt trong một cuộc trấn áp toàn quốc nhằm vào các nhà hoạt động chống chính quyền. Kể từ khi các cuộc nổi dậy bắt đầu lan rộng, chính quyền Trung Quốc ngày một cảnh giác. Trong vài tuần qua, hàng chục nhà hoạt động nổi tiếng ở Trung Quốc đã mất tích trong những trường hợp bị coi là do Chính phủ tiến hành bắt bớ. Có điều gì đó rất giống như sự lo ngại, hiện diện trong Ngải Vị Vị khi chúng tôi nói chuyện với ông.

“Thật đáng sợ. Rất nhiều người trong những năm qua, tôi biết họ, những người ấy là cây viết, là nghệ sĩ, sử dụng Internet, và họ bị bắt đi”.

Một số phận có vẻ như đã được an bài, mà giờ đây rơi vào chính Ngải Vị Vị: biến mất không để lại dấu vết.

Internet đã tạo điều kiện cho người Trung Quốc lên tiếng phê phán chính quyền họ; nhưng Internet bị chính quyền theo dõi và kiểm duyệt rất chặt chẽ.

“Họ có thể khóa (shut up) Internet bất cứ lúc nào”.

Ngải đã trở thành một lãnh tụ tinh thần Internet trong phong trào chống đối trên mạng ở Trung Quốc, cho thấy công nghệ có thể được sử dụng như thế nào để làm nổi bật sự lạm dụng (quyền lực) của một chính quyền tham nhũng.

“Thường thường tôi trả lời những câu hỏi…”.

Ông lên mạng trao đổi với hàng nghìn người Trung Quốc mỗi ngày trên mạng Sina.

“Tôi dùng nick name để chui vào Sina này”.

Ông sử dụng biệt hiệu (bí danh) để tránh bị Chính phủ kiểm duyệt. Nhưng đó là trò mèo đuổi chuột, và khi chính quyền phát hiện ra, họ lại đá văng Ngải ra khỏi mạng, cho đến khi ông lại xuất hiện ở đâu đó.

“Tôi nghĩ ý niệm về sự thay đổi đã hình thành trên mạng rồi. Tôi thấy rất nhiều người trẻ tuổi sôi nổi”.

Lý do vì sao việc Ngải bị bắt đã trở thành một tin quan trọng trên toàn thế giới là bởi vì ông không phải là một blogger vô danh ở Bắc Kinh. Ông là một nghệ sĩ nổi tiếng thế giới, từng được mệnh danh là “Andy Warhol của người Trung Quốc”. Kể cả nếu bây giờ bạn vẫn chưa biết ông thì bạn có lẽ cũng đã nghe nói tới một số tác phẩm của ông. Chính Ngải là người thiết kế công trình ấn tượng “Sân vận động Tổ chim” trong Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Nó được coi là thành tựu đáng tự hào của Trung Hoa hiện đại. Nhưng đến giờ phút khai mạc, Ngải tung ra một bài phê phán công khai, nói rằng ông sẽ không tham dự bởi vì ông thiết kế sân vận động là để làm biểu trưng cho tự do chứ không phải cho sự toàn trị của chính quyền Trung Quốc.

Nghệ thuật của Ngải Vị Vị hoàn toàn phản ánh quan điểm chính trị của ông. Không bao giờ ngại chia sẻ cảm nghĩ của mình về chính quyền. Một trong những dự án gây tranh cãi nhất của ông – trong mắt chính quyền Trung Quốc – diễn ra sau thảm họa động đất Tứ Xuyên, tháng 5/2008. Hàng nghìn trẻ em chết trong những ngôi trường xây tệ hại, và chính quyền không công bố thậm chí cả tên những đứa trẻ thiệt mạng. Thế là Ngải quyết định hành động.

“Tôi đưa ra rất nhiều, rất nhiều lập luận, tôi nói “đó là sự thật mà chúng tôi phải được biết bởi vì nếu không chúng tôi sẽ không thể tin vào số liệu của các vị”. Thế là, cuối cùng họ từ chối, họ nói là “OK, chúng tôi sẽ tiến hành điều tra sâu”. Tôi bèn viết một entry trên blog, tôi nói, bây giờ, với tư cách một nghệ sĩ, tôi quyết định cố gắng tìm tên những người đã chết”.

“… Khoảng 5.000 nhân mạng”.

Các nghệ phẩm cùng những hoạt động trên mạng của Ngải đi cùng nhau, đã như một lời đe dọa trực tiếp tới chính quyền Trung Quốc. Những người hâm mộ ông (follower) trên mạng đưa tên tuổi và thông tin nhân thân của các nạn nhân lên Internet.

“Con gái, sinh năm 1994”.

Câu chuyện ấy đã đưa tới tác phẩm nghệ thuật này, được trưng bày tại Bảo tàng Munich ở Đức. Đó là một tác phẩm đầy màu sắc, gồm hàng trăm chiếc ba-lô học sinh giống như những chiếc ba-lô mà các nạn nhân trẻ em đã để lại trong đám đổ nát của trận động đất. Chúng xếp thành hình một dòng chữ, đó là những lời mà một người mẹ đau khổ đã kể cho Ngải nghe về con gái của bà: “Em chỉ tồn tại trên trái đất có 7 năm”.

“Đối với tôi, đó là một thông điệp rất, rất mạnh mẽ. Bạn biết đấy, bao nhiêu cuộc đời và bao nhiêu người, quyền con người đã bị phớt lờ ở đất nước này, và không một ai quan tâm. Chúng ta phải nhắc nhau nhớ điều ấy, bởi vì cuộc sống thật sự là một tài sản của tất cả. Tất cả chúng ta đều chia sẻ những giá trị chung khi nói về cuộc sống, về nhân phẩm, về quyền sống”.

“Và những gì tôi đã làm chỉ là hành động như một con người, bạn biết đấy. Tôi không nghĩ tôi dũng cảm hay là… hay là không có ý định điên rồ thách thức xã hội. Nhưng tôi thật sự muốn là chính mình – chỉ để nói với người khác rằng “bạn cũng có thể làm như thế”. Hãy là chính mình, hãy nói rõ suy nghĩ của mình, điều ấy giúp mọi người hiểu ra cái đúng cái sai”.

“Không ai đàn áp được xu hướng – mọi người đều đòi hỏi được hạnh phúc và tận hưởng cuộc sống. Không quyền lực nào ngăn chặn được điều ấy. Chỉ là vấn đề thời gian”.

Cần nhớ là cuộc phỏng vấn diễn ra 10 ngày trước khi Ngải bị bắt, và ông hoàn toàn ý thức được về rủi ro mà ông đang đối mặt.

Ông có sợ điều gì không? Sợ rằng họ sẽ bắt ông, mang ông đi đâu đó?

“Tất nhiên là có chứ. Bạn biết đấy, là con người, tôi cũng khá yếu đuối… Bạn phải không ngừng tự hỏi mình liệu bạn có đủ khỏe mạnh về thể chất, tinh thần để tồn tại không. Tôi phải luôn luôn, hàng ngày, tự hỏi mình: “Tôi sẽ tồn tại được bao lâu, nếu tôi phải ở trong những điều kiện khủng khiếp như nhà tù?””.

Đ.Q.

Nguồn: Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011 10/4/2011

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn