Anh là ai, người chiến sĩ hay viên an ninh?

Phạm Kỳ Đăng

Nhà trường xây dựng trong tôi hình ảnh cho tới nay vẫn không mờ về người chiến sĩ an ninh vì dân một nắng hai sương nơi biên cương hải đảo. Lực lượng an ninh quốc gia có thể và có khi là một lực lượng mang vinh dự, nếu hoạt động của họ chỉ giới hạn mục đích bảo vệ các quan hệ cộng đồng được thoả thuận như là khế ước, công tác an ninh vô cùng quan trọng khi phên dậu nước nhà an nguy.

Cũng chính vào thời khắc sơn hà nguy biến thôi thúc người dân xuống đường, nhiều sự thật của một quốc gia đã được phơi bày.

Cho đến thời điểm bức tường Berlin bị giật đổ, người ta biết rõ thêm nhiều điều không ngờ tới về lực lượng an ninh. Trước khi thống nhất nước Đức, cứ 55 người dân CHDC Đức được một nhân viên nhân viên an ninh chăm sóc toàn nhật và bán nhật. Sĩ quan cấp trên, được tự do đi lại chỉ đạo, phối hợp các điệp vụ, hẳn là sáng sủa học thức hơn so với an ninh chân đất dò la dân, đa phần rất dễ nhận ra ở cử chỉ mờ ám, kém cỏi ngoại hình, bất thường về tâm lý và hạn chế về tinh thần. Hình như cơ quan an ninh CHDC Đức chuyên chiêu mộ những người đơn phác này ở cấp cơ sở, thành kẻ do thám dân tận tụy cho „Hãng Nhòm và Hóng“, như dân gian đùa cợt ám chỉ Bộ An ninh ngày ấy. Phương thức hoạt động của họ là nghe, rình, kiểm soát, bôi nhọ, vu khống, ly gián, làm tan rã đối tượng.

Ngày 13.11.1989, khi phong trào biểu tình lan ra rộng khắp, các nhóm mới thành lập trong phiên họp Quốc hội chất vấn ban lãnh đạo Đảng XHCN Thống nhất Đức và các nghị sĩ, trong số họ rất nhiều đảng viên trung thực, đã thảo luận thể thức hoá nhằm đặt hoạt động và quyền lực vô biên của Đảng Cộng sản dưới sự giám sát của Quốc hội. Việc gió gieo bão gặt định mệnh cũng bắt đầu từ phiên họp đó. Bộ trưởng Bộ An ninh Erich Mielke, năm ấy 82 tuổi, đứng lên đọc diễn văn báo cáo. Ông phê bình Đảng lơ là, đã không chú ý đúng mức đến những thông tin toàn diện và cập nhật về các lực lượng thù địch và phản động từng ngày cơ quan ông luôn cung cấp cho Đảng. Khán thính giả trong Quốc hội, trước đó vốn chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán cho những nhận định xa lạ với thời cuộc, chợt cười rộ lên. Ông Bộ trưởng sững người hoa tay lên và lắp bắp: “ Nhưng tôi yêu tất cả mọi người, thật mà”! Vâng, không chỉ ông, các đồng chí lãnh đạo của ông ở khắp nơi cũng có thể nói câu yêu người như vậy, bởi học thuyết của các ông theo tôn chỉ phụng sự những toàn thể nhân loại.

Sau này thế gian mới rõ, lịch sử của cơ quan an ninh là hồ sơ tội phạm chất cao như núi. Ở Liên Xô, các Dân ủy nội vụ, Bộ trưởng An ninh thanh toán lẫn nhau [[1]] sau những cuộc thanh trừng và tảo thanh „kẻ thù của nhân dân”, thực tế đánh thẳng vào nhân dân Xô-viết, giết nguyên soái công thần [[2]], tiêu diệt và cầm tù tinh hoa trí thức và, qua những chiến dịch đó, chặt cụt đầu quân đội trong đêm trước thế chiến.

Tại Việt Nam, ở một quy mô nhỏ hơn, ngành an ninh cũng nhiều năm hoạt động ngoài vòng cương toả. Những “chuyện ấu trĩ” qua đi, nhưng thảm kịch con tố bố, vợ ly khai chồng của những Cải cách ruộng đất, Nhân Văn, Chống Đảng vẫn lởn vởn như ác mộng còn đó đè lên tiềm thức. Sợ hãi thường trực rất lâu nay củng cố nền độc tài chuyên chế.

Nhưng mới đây, tập đoàn bá quyền Trung quốc (tôi không nói toàn bộ nhân dân Trung hoa) đã ra đòn công khai ăn cướp ở biển Đông. Sau nhiều thập kỷ kìm hãm khống chế, làm khánh kiệt tài nguyên nhân lực, chuỗi hành vi này hẳn là bạo lực nối dài bắt Việt Nam sau chiến tranh thực sự chảy máu.

Nỗ lực dồn công sức vào việc trấn áp người biểu tình đã góp phần vào sự phung phí năng lực của dân tộc, vào sự chảy máu trên.

Bởi vận nước nổi trôi, hôm nay và ngày mai, nhiều người dân và cả nhiều người đảng viên trung trinh nữa, sẽ xuống đường một lòng vì nước.

Anh đại uý nghĩ gì, tại cuộc biểu tình vừa qua, vì muốn thăng lon tiến chức, vì động cơ đê mạt nhỡn tiền nào anh giẫm lên mặt người dân, hạ nhục thể diện đất nước làm vậy? Chính cú đạp của anh sẽ ngăn đoàn kết và hòa giải trên vết thương chia cắt sao lâu quá chưa lành.

Tôi muốn nói với anh, trong những ngày chủ nhật tiếp đây, người làm công tác an ninh rất có thể chọn cho mình một chỗ đứng đẹp, lấy lại cho mình vị trí xứng đáng trong lòng nhân dân để khỏi hổ danh người chiến sĩ.

Thay vì đạp mặt, văng tục, xé cờ, anh hãy đứng chắn che, bảo vệ trật tự và bảo toàn nhân phẩm cho đoàn người ôn hoà phản đối xâm lăng phi nghĩa mang tinh thần kiềm chế dường như nhẫn nhục. Anh bảo vệ người yêu nước để tương lai chúng ta còn có tổ quốc mà yêu thương.

Thay vì tốn công hao của dàn dựng lên vụ án hai bao cao su, anh hãy truy tìm những kẻ đục bỏ văn bia Hồ Chí Minh, truy trách nhiệm những Việt gian tư tưởng.

Thay vì truy bức cầm tù Cù Huy Hà Vũ, linh mục Nguyễn Văn Lý và nhiều người khác chính kiến, anh hãy truy đuổi bầy sâu tham nhũng xanh lét máu Ích Tắc phản quốc hại dân.

Chắc máu người chiến sĩ trong anh, tôi chẳng muốn ngờ, cũng đỏ như máu Việt Nam, thịt Việt Nam thắm thiết.

Rồi mai đây đất nước luôn cần đến hoạt động hợp hiến, cần kinh nghiệm, sự tận tụy của các cơ quan võ trang, của quân đội, công an, và hẳn nhiên là an ninh nữa. Lịch sử không đặt ra những tiền đề ngớ ngẩn, thiển cận „còn Đảng còn mình“, mà chính nhân dân của đất nước này cần và trông chờ các anh, những lực lượng tinh nhuệ hoá giải những giáo điều gia công tệ hại và những thiết chế ngang ngược trói buộc. Như trong lịch sử hiện đại, song song với nhiều biến diễn xã hội, tại nước Đức từng xảy ra quá trình tẩy trừ nazi [[3]].

Khác hẳn với Trung Quốc của Đảng cộng sản Trung hoa, thế giới dân chủ đều muốn một Việt Nam phồn vinh và hùng mạnh, để cùng ghé vai đảm trách sứ mệnh quốc tế.

Thay vì cấm ký kiến nghị - một ứng xử công dân thông thường của một nhà nước pháp quyền, cưỡng bách họ ký hợp tác với cơ quan an ninh, anh hãy cùng khối đoàn kết dân tộc ký vào một khế ước cam kết chung xây tổ quốc dân chủ, đảm bảo nhân quyền và tự do ngôn luận, báo chí và tôn giáo.

Bằng không, an ninh văn hoá mãi duy trì ngu dân và lừa mị, lấy tuyên truyền của tuyên huấn tuyên giáo thay khoa học và công lý. Chính văn hoá chịu kiểm duyệt này sẽ chỉ tô son Mười sáu chữ vàng và Bốn tốt đểu, gieo gió độc trên đất nước Việt Nam.

P.K.Đ

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

[1] Genrich Jagoda (1981-1938; Dân uỷ nội vụ NKWD); Nikolai Jeschow (1895-1940, Dân uỷ Nội vụ, giết Jagoda, bị giết bởi bàn tay Beria); Lawrenti Beria (1899-1953; Dân ủy Nội vụ, giết Jeschow, sau này bị tử hình ), Wsewolod Nikolajewitsch Merkulow (1908-1954: Bộ trưởng Bộ An ninh - Chủ tịch Hội đồng tình báo, bị tử hình), Wiktor Semjonowitsch Abakumow (1908–1952; Bộ trưởng Bộ An ninh, bị tử hình).

[2] Ba trong số năm Nguyên soái trước thế chiến 2 bị tử hình trong cuộc Đại thanh trừng: Wassili Konstantinowitsch Blücher (1889–1938), Alexander Iljitsch Jegorow (1883–1939), Michail Nikolajewitsch Tuchatschewski (1893–1937).

[3] Chỉ nhiều biện pháp khác nhau của Tứ Cường tại các vùng chiếm đóng Đức sau 1945 nhằm giải thoát khỏi ảnh hưởng của Chủ nghĩa Xã hội Dân tộc (Nationalsozialismus) và Chủ nghĩa Quân phiệt (Militarismus) trong mọi lĩnh vực, chính trị, kinh tế báo chí và văn hoá.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn