Lại phải tranh luận với ông Tô Văn Trường

Hoàng Kim ( Đồng Tháp)

image Tôi nói “lại phải”, bởi vì trước đây trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, khi tôi đang tranh luận với ông Phó Chủ tịch VFA, về vấn đề lập liên doanh lúa gạo của Tổng công ty lương thực miền Nam với Campuchia, thì ông Tô Văn Trường nhảy vào dạy bảo tôi với bài viết “Một cái nhìn rộng mở” đăng trên báo Hội Nhà văn Việt Nam, sau đó, tôi đã viết bài “Phải hướng tầm nhìn về phía quyền lợi của nông dân”, để tranh luận với ông.

Nay, khi tôi viết bài: “Tại sao bỗng dưng nhảy tưng sang châu Phi lập liên doanh trồng lúa?” đăng trên Bauxite Việt Nam, ông Tô Văn Trường lại viết bài: “Giúp châu Phi trồng lúa: bài toán được và mất” đăng trên vncold.vn, chắc cũng với ý định giúp tôi mở rộng tầm nhìn.

Trong bài viết của mình tôi đã nêu rất rõ rằng việc từ thiện của các cá nhân (nhất là của GS-TS Võ Tòng Xuân), việc vì lợi nhuận của các doanh nghiệp, tôi không đặt thành vấn đề, mà vấn đề tôi muốn nói tới, là sự hợp tác cấp quốc gia, là việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn soạn dự án chi tiết để hợp tác với Bộ Nông nghiệp của Siera Leone.

Vì vậy, khi tôi nói rằng: “Các nhà khởi xướng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đặc biệt là Chính phủ Việt Nam, phải trả lời thỏa đáng…” thì “các nhà khởi xướng” ở đây là khởi xướng việc hợp tác cấp quốc gia, chứ không phải là những nhà khởi xướng có tính cách cá nhân như GS.TS Võ Tòng Xuân.

Thế nhưng, ông Trường lại nghĩ rằng tôi “đặt vấn đề rất cụ thể những nhà khởi xướng” là đặt vấn đề với GS Võ Tòng Xuân, cho nên ông Trường dài dòng giải thích việc ông và GS sang châu Phi hướng dẫn trồng lúa, rồi lại gởi email cho GS nói về bài viết của tôi, làm cho GS hiểu lầm rằng tôi công kích GS, điều này lẽ ra không có, nếu ông Trường đọc kỹ hơn bài viết của tôi.

Nên nhớ, chính Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp, Ngư nghiệp và An ninh lương thực Cộng hòa Sierra Leone đã phát biểu: “Việc quan trọng nhất là thành lập các liên doanh giữa Việt Nam và Sierra Leone để cùng khai thác thị trường tiềm năng và sản xuất sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu (tôi nhấn mạnh)…”.

Tôi nhấn mạnh hợp tác để làm lúa xuất khẩu, chứ không phải làm lúa để đủ ăn, vậy mà ông Trường đọc cũng không thấy.

Tôi đặt câu hỏi rất cụ thể: khi hợp tác lập liên doanh trồng lúa ở cấp quốc gia Việt Nam được lợi gì? Và việc phát triển cây lúa ở châu Phi có làm mất thị trường xuất khẩu gạo của nông dân Việt Nam, do tạo thêm cạnh tranh về xuất khẩu gạo hay không? Hai câu hỏi này ông Trường không hề trả lời.

Ông lại cho rằng: “Việt Nam đưa người đi giúp các nước trồng lúa là đúng đạo lý” vì “Nhìn lại lịch sử phát triển nông nghiệp của Việt Nam hầu hết giống cây trồng mới của VN đều có nguồn gốc nước ngoài như lúa, sắn…”.

Tôi biết rằng nông nghiệp Việt Nam được các nước giúp đỡ, nhưng phải xem họ giúp mình như thế nào.

Giúp cho nông nghiệp Việt Nam nhiều nhất là Viện nghiên cứu lúa gạo IRRI. Nhưng IRRI là một tổ chức phi lợi nhuận chứ không phải là một quốc gia, để trả ơn IRRI chúng ta hãy đóng góp tiền bạc để cơ quan này mở rộng nghiên cứu, chứ không phải đi dạy nước khác làm lúa.

Xin hỏi ông Trường: từ trước đến nay, ông có thấy nước nào trong 5 nước xuất khẩu gạo hàng đầu, cử chuyên gia sang Việt Nam lập liên doanh trồng lúa và dạy nông dân Việt Nam làm lúa hay không?

Nông dân chúng tôi không hề “mong muốn các nước châu Phi cứ đói nghèo hoài” để chúng tôi bán gạo cứu đói, nhưng thực trạng là người dân các nước châu Phi đang bị đói, để giúp nạn đói ở châu Phi, Chính phủ hãy mang gạo sang giúp, hãy mang hàng nhu yếu sang giúp, nhưng Chính phủ không được phép biến các nước châu Phi thành đối thủ cạnh tranh xuất khẩu gạo với Việt Nam, đây mới chính là đạo lý.

Giúp cho dân châu Phi hết đói là điều quá tốt, nhưng tại sao nhất thiết phải lấy nồi cơm của nông dân mà giúp (?!). Lấy nồi cơm của nông dân chúng tôi đi giúp, rồi nông dân chúng tôi lấy gì mà ăn?

Nông dân chúng tôi không mong thiên tai làm cho thế giới mất mùa, nhưng khi thế giới mất mùa vì thiên tai, nông dân chúng tôi bán được gạo nhanh với giá cao là điều đương nhiên, hợp đạo lý, không có gì phải mặc cảm cả.

Còn việc biến các nước châu Phi thành đối thủ cạnh tranh xuất khẩu gạo để “được ở vị thế, ở uy tín chính trị của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế”, thì cái “được” này nghe sao giống “bệnh sính thành tích” quá.

Nói về vấn đề được, mất khi liên doanh trồng lúa cấp quốc gia với châu Phi, mà ông Trường không đi vào phân tích được mất về quyền lợi, chỉ lan man với đạo lý, với uy tín chính trị, vậy mà báo Sài Gòn Tiếp thị Online lại rút ngắn bài viết này rồi đăng với tên là “Giúp châu Phi trồng lúa, được nhiều hơn mất”, tôi không biết được nhiều là được cái gì nhiều?

Tôi đã gởi mail cho phóng viên Hoàng Bảy của báo Sài Gòn Tiếp thị:

“Kính gởi anh Hoàng Bảy,

Hôm trước tôi có đọc bài "Sang châu Phi trồng lúa" nên tôi có viết bài "Tại sao bỗng dưng nhảy tưng sang châu Phi lập liên doanh làm lúa" đăng trên boxitvn.

Vấn đề tôi muốn lưu ý, là không nên lẫn lộn giữa việc từ thiện của một cá nhân, và việc hợp tác của hai quốc gia, lưu ý mọi người về quyền lợi của nông dân sẽ bị gây hại khi giúp châu Phi trồng được lúa.

Nay ông Tô Văn Trường cho rằng "Giúp châu Phi trồng lúa,được nhiều hơn mất", mà bài viết của ông không hề phân tích "được, mất", thì theo ý tôi quá hời hợt, không đúng là một bài viết tranh luận.

Tôi rất muốn tranh luận với ông Trường trên báo Sài Gòn Tiếp thị nhưng không biết có được hay không? Nhờ anh hỏi giùm. Xin cảm ơn”.

Đây là trả lời của anh Hoàng Bảy:

“Những bài kiểu ntn khó đăng trên sgtt lắm anh ơi, nên suy nghĩ rộng ra một chút, chuyển giao kỹ thuật hay hợp tác đầu tư cũng là hình thức kiếm ngoại tệ về, đó là có lợi chứ ko có hại. Suy nghĩ rằng khi giúp họ rồi mình mất thị trường, nông dân VN khó khăn là quá cạn, mình thử đặt vấn đề lại xem trong tương lai liệu vựa lúa ĐBSCL có còn màu mỡ, lợi thế sản xuất đc lúa như hiện nay nữa không khi mà mấy con đập trên thượng nguồn đc xây làm thủy điện, rồi nc biển ngập hết, lúc đó ngay cả nông dân cũng ko có gạo ăn chứ đừng nghĩ đến chuyện xuất khẩu. Đừng nên nghĩ quá hẹp, hãy mở rộng tầm ra”.

Thiệt là lạ quá, ông Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp, Ngư nghiệp và An ninh lương thực Cộng hòa Sierra Leone qua Việt Nam để yêu cầu: thành lập các liên doanh để sản xuất sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu (mà chủ yếu là lúa gạo), nông dân chúng tôi can ngăn rằng: đừng biến Sierra Leone nói riêng và châu Phi nói chung thành đối thủ cạnh tranh xuất khẩu gạo với Việt Nam, vì việc này gây hại cho nông dân, là điều hết sức đúng đắn và hợp đạo lý. Vậy mà anh Hoàng Bảy chê tôi suy nghĩ quá cạn, rồi bảo tôi “ Đừng nên nghĩ quá hẹp, hãy mở rộng tầm nhìn”, vậy không biết mở rộng tầm nhìn đến đâu, về phía nào? Đến lúc nồi cơm của nông dân bị đập bể chắc (?!).

Quyền lợi của nông dân có thể bị gây hại nếu lập liên doanh, nông dân chúng tôi lên tiếng là điều đương nhiên, quí vị là người ngoài cuộc, nếu công tâm, quí vị hãy chứng minh rằng việc lập liên doanh để xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp (mà chủ yếu là lúa gạo) với châu Phi, không gây hại cho nông dân Việt Nam, quí vị hãy chứng minh rằng Việt Nam được lợi to lớn khi lập liên doanh, vậy là xong, tôi sẽ công nhận quí vị đúng.

Không nên giải thích không đúng trọng tâm hoặc chê khen tùy tiện.

H.K.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn