Vi hành về miền Đông (1) - Kỳ I

Nguyễn Xuân Thọ

Chủ nhật, 12-5-2024

Mùa hè 1963, Tổng thống Ngô Đình Diệm bí mật vi hành ra miền Bắc, với tư cách là đi thăm cá nhân. Việc này được Hồ Chủ tịch và tướng Giáp ngầm chấp nhận, vì cả hai ông đều tôn trọng ông Diệm. Hai bên thỏa thuận sẽ không đón tiếp, không đưa tin, coi như không có chuyến đi này. Ông Diệm đi cùng hai vợ chồng ông Nhu và tài xế riêng. Trên đường ra Hà Nội họ ghé về Quảng Bình thăm quê. Ở Hà Nội, bà Nhu đã thỏa ước mơ được vào nhà hát lớn xem cải lương Bắc.

Công an Hà Nội được một phen khốn khổ. Một mặt phải lo bảo vệ cho đối phương mà không lộ diện, mặt khác không để cho dân chúng tiếp xúc với „địch“.

Chuyện tào lao. Đúng vậy, chỉ giả tưởng thôi. Điều không thể có ở xứ ta nhưng đã xảy ra ở nước Đức bị chia cắt trong chiến tranh lạnh. Chuyện thực 100%.

….

Sau khi cùng được thành lập năm 1949, nhà nước XHCN ở Đông Đức và Cộng hòa Liên Bang Đức ở miền Tây đều bị coi là hai khu vực chiếm đóng của Đồng minh nên không có chân trong Liên Hợp Quốc. Sau mấy chục năm xây dựng và phát triển theo cách khác nhau, cả hai đều trở thành những nền kinh tế đáng kể, đều có vai trò quốc tế. Ngày 18.09.1973, hai nước cùng được kết nạp vào LHQ. Ngay từ 1949 Tây Đức đã chủ trương thống nhất đất nước, tự gọi mình là „Nước Đức“ (Deutschland). Đông Đức thì đấu tranh đòi bên kia phải công nhận mình là nhà nước Đức thứ hai với cái tên Cộng hòa dân chủ Đức (DDR). Đó là mục tiêu „Chiến tranh lạnh“ ở Đức.

Khi Thủ tướng tây Đức Willy Brandt đưa ra „Chính sách phương Đông“ (Ostpolitik) vào năm 1969 thì cuộc chiến này xảy ra dưới một hình thức mới, tuy ngày càng gay gắt. Tôi từng là nhân chứng trong cuộc đi thăm Đông Đức tháng 3.1970 của Thủ tướng Tây Đức Willy Brand tại Erfurt [1], khi nhân dân Đông Đức bất chấp sự ngăn cản của công an, phá rào đến tung hô ông.

Tình báo Đông Đức đã thành công trong việc gài điệp viên Günter Guillaume vào chức thư ký cho Willy Brandt [2]. Sau khi Guilleaum bị phát hiện, ngày 24.4.1974 ông Brandt phải từ chức. Những người kế nhiệm ông là Helmut Schmidt và Helmut Kohl vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách phương Đông để tránh một cuộc chiến tranh nóng bằng vũ khí hạt nhân.

Ngày 07.09.1987 Chủ tịch Đông Đức Honecker đi thăm chính thức Tây Đức, được ông Kohl đón tiếp trọng thể với quốc ca, quốc kỳ của „Nhà nước công nông“. Đối với Honecker, đây là đỉnh cao chói lọi trong sự nghiệp của mình. Ông Honecker còn được về thăm làng cũ ở Neunkirchen. Mấy ông bà già bạn của bố ông vui vẻ bắt tay thằng bé hàng xóm ngày xưa, nay là nguyên thủ nước Đức khác.

Ông Honecker mời ông Kohl sang thăm Đông Đức. Ông Kohl nói là sẽ sắp xếp.

- Nhưng ông có cho phép ông bạn Ost của tôi, vốn là fan của đội bóng đá SC-Dresden sang xem một trận banh không? Ông Kohl vừa hỏi vừa nhìn sang người thư ký Friedhelm Ost ngồi bên cạnh.

- Làm gì còn SC-Dresden nữa, giờ nó là Dynamo Dresden rồi. Tất nhiên ông ấy có thể sang thăm đội nhà của ổng chớ - Ông Honecker vui vẻ trả lời.

Ở Đông Đức, các đội bóng đá của công an đều lấy tên là Dynamo (Dynamo Dresden, Dynamo Berlin…) giống như Liên Xô. Các đội này rất mạnh vì họ tuyển chọn được nhiều cầu thủ giỏi, mà công an gọi thì ai chả thích. Thời đó trên là trời, dưới là công an. Còn STASI (An ninh quốc gia) thì trên cả trời.

- Ồ hay quá, thế thì ông cho vợ chồng tôi đi ké với ông Ost nhé? Chúng tôi chỉ đi thăm cá nhân thôi.

Câu chuyện tán gẫu này được lễ tân hai nước chuẩn bị kỹ càng. Ông Kohl được bí mật vi hành Đông Đức mà không có báo chí và mật vụ đi kèm. Phía Đông Đức lo vệ sỹ, nhưng không được lộ diện, không được can thiệp nếu không có nguy hiểm tính mạng cho ông Kohl. Đó là quả đắng mà Honecker chấp nhận để đạt được những viện trợ kinh tế từ ông Kohl.

Ngày 27.05.1988 là một ngày Thứ Sáu đẹp trời, nhưng là một cơn ác mộng cho anh em STASI. Ông Kohl cùng vợ, cậu con trai út, ông Friedhelm Ost và cố vấn chính trị Wolfang Bergdorf đi trên hai chiếc xe Mercedes thiết kế chống đạn, tiến đến cửa khẩu Wartha. Biên phòng Đông Đức đã chuẩn bị sẵn và mời hai chiếc xe này sang luồng đặc biệt để làm thủ thục hộ chiếu ưu tiên. Họ xin phép cho một xe dẫn đường, nhưng ông Kohl không đồng ý. Thế là hai chiếc xe Mercedes lên đường tiến vào Đông Đức, theo sau là vài chiếc xe hộ tống của STASI mặc thường phục.

Ông Honecker giữ lời hứa, giao cho thiếu tá STASI Brückner, đội trưởng đội vệ sỹ của mình lo vụ này với chỉ thị, không để xảy ra bất cứ sự cố nào. Vụ dân chúng đón chào Willy Brand 1970 còn ám ảnh họ.

Sau ngày thống nhất nước Đức, ông Bernd Brückner trở thành một chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực „Bodyguard“. Ông thành công trong việc mở trường chuyên dạy vệ sỹ. Giờ đây ông về hưu và chủ yếu lo việc tuyển mộ lao động từ Việt Nam sang Đức.[3]

Kể chuyện với báo chí, ông Brückner vẫn nhớ đến nhiều chi tiết trong chuyến vi hành đặc biệt này của ông Kohl. Tất nhiên Brückner lên kế hoạch cặn kẽ, gài 1000 mật vụ ở tất cả các khách sạn, sân vận động, nhà thờ và nhà hát mà ông Kohl sẽ đến.

Ông Kohl biết vậy nên chủ động tránh những gì có thể tránh. Ông thay đổi lộ trình liên tục. Gặp chợ thì dừng lại thăm quầy hàng rau, gặp hàng kem thì vào mua kem ăn. Ông không ghé nhà thờ do STASI khuyên mà bất ngờ ghé nhà thờ lớn Erfurt khi đi bộ thăm nội thành. Sau khi nhận phòng khách sạn Bellevue Weimar, gia đình ông lập tức xuống phố đi dạo. Khi vào sân vận động xem Dynamo Dresden đấu với Jena, ông cũng bỏ phòng VIP, ra bên ngoài tranh thủ đi lại trò chuyện với các fan bóng đá. Tại nhà hát nhạc kich Dresden tối 28.5 cũng vậy. Đoàn ông Kohl được sắp xếp ngồi trong một lô bị bao quanh bởi các gia đình STASI. Mật vụ chiếm giữ mọi ngõ ngách của nhà hát. Vở nhạc kịch Tannhäuser của Wagner kéo dài 3 tiếng với 3 lần nghỉ giải lao khiến các chiến sỹ STASI lao đao. Vợ chồng ông Kohl tranh thủ cả ba lần ra hành lang nghỉ, chủ yếu là để gặp gỡ khán giả. Tất nhiên nhiều người bị bất ngờ không tin vào mắt mình.

Nhưng có một điều mà lúc đó chính ông Brückner, sỹ quan STASI phụ trách chuyên án „Kohl vi hành Đông Đức“ cũng không hiểu nổi là làm sao một phụ nữ lại đột nhập được vào nhà hát để trao cho ông Kohl một bức thư cầu cứu.

Bác sỹ Johannes Hellinger[4] là nhà khoa học về chấn thương chỉnh hình, đồng thời là một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng ở Đông Đức vì những đòi hỏi về tự do học thuật và ngôn luận. Nhà của ông luôn bị STASI canh gác 24/7. Vậy mà làm sao vợ ông ta, bà Gertraut Hellinger lại lội cạn qua „Bánh canh Đức“, ra được khỏi nhà, rồi còn lọt hàng rào của hàng trăm sỹ quan STASI đội lốt khán giả để vào tận nhà hát gặp vợ chồng ông Kohl.

(Còn tiếp)

....

[1] Sách Hai Quê Hương, trang 117 https://books.google.de/books?id=L9-0EAAAQBAJ

[2] https://en.wikipedia.org/wiki/G%C3%BCnter_Guillaume

[3] https://de.wikipedia.org/.../Bernd_Br%C3%BCckner...

[4] https://www.hellinger.net/vita-prof-dr-med-johannes.../

N.X.T.

Nguồn: FB Tho Nguyen

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn