Nâng cấp các tuyến giao thông vận chuyển bauxite: TKV không chi tiền

Thế Kha

Điều không bình thường

Đường vận chuyển bauxite ở Tây Nguyên đang rơi vào tình trạng nước đến chân mới nhảy. Chỉ còn khoảng một tháng nữa là nhà máy bauxite tại Lâm Đồng sẽ vận hành nhưng đường vận chuyển nguyên vật liệu vẫn bùng nhùng trong tranh cãi.

Bộ GTVT và tỉnh Đồng Nai cho rằng Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) phải có trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn cho con đường vận chuyển. Trách nhiệm đó là việc bỏ tiền đầu tư nâng cấp cầu, đường để bảo đảm cho hàng đoàn xe tải trọng lớn chở nguyên vật liệu của TKV nối nhau đi qua một cách an toàn, không làm xáo trộn nhiều tới cuộc sống người dân địa phương cũng như việc đi lại bình thường trên tuyến giao thông vận tải vốn có.

TKV lại cho rằng họ không có trách nhiệm đầu tư nâng cấp đường sá bởi việc vận chuyển đã thuê doanh nghiệp vận tải và đi lại, vận chuyển ra sao là chuyện mà doanh nghiệp phải lo. TKV còn cho rằng nếu cộng cả tiền nâng cấp đường vận chuyển thì dự án khai thác bauxite sẽ không hiệu quả kinh tế.

Không ai chịu ai nên cuối cùng việc được đẩy lên trình Thủ tướng.

Nhìn vào chuyện tranh cãi quanh con đường vận chuyển bauxite có thể thấy những điều không bình thường đến từ phía TKV. Là một tập đoàn lớn và có nhiều dự án khai thác khoáng sản lớn, TKV chắc thừa biết quy định của Chính phủ và Bộ GTVT là đơn vị nào sử dụng các phương tiện quá tải trọng cầu đường và thường xuyên khai thác các tuyến đường phải bỏ tiền ra sửa chữa, nâng cấp nhằm bảo đảm tiêu chuẩn, không gây hư hỏng đường.

Nhưng sao TKV lại không đưa việc đầu tư nâng cấp tuyến đường vận chuyển vào dự án khai thác bauxite? Câu trả lời đã có khi trong văn bản gửi tới Tổng cục Đường bộ Việt Nam thuộc Bộ GTVT, TKV khẳng định: “Nếu đưa chi phí này vào dự án thì dự án bauxite không còn hiệu quả kinh tế”.

Vấn đề hiệu quả kinh tế của dự án khai thác bauxite Tây Nguyên đã được đặt ra từ khi dự án này được đưa ra bàn thảo tại Quốc hội. Nay TKV mới chính thức khẳng định rằng dự án không hiệu quả kinh tế nếu phải bảo đảm đường vận chuyển nguyên vật liệu theo như quy định.

Thừa nhận của TKV lúc “nước đến chân” đẩy dự án khai thác bauxite vào thế kẹt. Nếu buộc TKV phải bỏ tiền đầu tư nâng cấp đường vận chuyển thì dự án không hiệu quả. Song nếu Nhà nước bỏ tiền làm thì TKV hưởng phần “hiệu quả”, còn phần “không hiệu quả” đẩy cho ngân sách Nhà nước mà suy cho cùng là người dân chịu.

Vì thế, có lẽ chẳng phải ngẫu nhiên mà dự án khai thác bauxite rơi vào cảnh “nước đến chân mới nhảy” bởi đã thấy khá rõ ai sẽ được lợi trong thế chẳng đặng đừng này.

Phạm Dương

Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam cho rằng nếu phải bỏ cả ngàn tỉ đồng làm đường vận chuyển thì dự án khai thác bauxite sẽ không còn hiệu quả kinh tế

clip_image001

Quốc lộ 20 rất hẹp, khi ô tô chở bauxite trọng tải 40 tấn chạy qua sẽ tạo ra nguy hiểm cho người và các phương tiện lưu thông. Ảnh: Như Phú

Văn bản mới được gửi tới Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) do Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) Dương Văn Hòa ký cho biết hàng hóa của dự án alumin Lâm Đồng là hàng hóa thông dụng, có thể sử dụng các phương tiện vận tải thông thường để vận chuyển.

Thuê chứ không sắm phương tiện

Trước những luồng ý kiến gần đây cho rằng TKV đã nhập các dòng xe có trọng tải lớn (cả hàng hóa là 40 tấn), vượt quá giới hạn cầu đường, ông Dương Văn Hòa khẳng định TKV không trực tiếp đầu tư phương tiện mà thuê các doanh nghiệp vận tải hàng hóa để vận chuyển. Phương tiện vận tải của các doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu về trọng tải cầu, cống; nếu vượt quá trọng tải quy định thì doanh nghiệp phải tự kiểm định, xử lý.

TKV cho biết chỉ trực tiếp thuê vận tải hai loại hàng hóa là than và sản phẩm alumin; các nguyên vật liệu khác TKV sẽ mua theo hình thức nhà thầu cung cấp nguyên vật liệu, tự thuê vận chuyển và giao tại kho hàng của nhà máy alumin.

Đối với các xe chở than xuất phát từ cảng Gò Dầu (Đồng Nai), khi quay về cảng sẽ kết hợp chở alumin (do alumin là hàng rời đóng bao chuyên dụng, khoảng 1 tấn/bao). Xe chở đá vôi, vôi sống và các nguyên vật liệu khác cũng có thể kết hợp chở alumin theo chiều về.

Đối với hai loại kiềm lỏng và kiềm rắn phục vụ nhà máy alumin, TKV cho biết xe chở kiềm rắn có thể kết hợp chở alumin chiều về cảng Gò Dầu, riêng xe chở kiềm lỏng là các xe téc chuyên dùng nên chỉ chở một chiều từ cảng lên nhà máy alumin.

Mặc dù biết rằng về nguyên tắc, xe vận tải có trọng tải càng lớn thì giá cước càng rẻ nhưng TKV khẳng định sẽ sử dụng các xe  bảo đảm  yêu cầu về tải trọng cầu đường, chấp hành các quy định về  bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn giao thông… khi vận chuyển alumin.

Theo tính toán của TKV, việc sử dụng các loại xe 25 tấn sẽ khiến cước phí vận tải cao hơn nhưng không phải cải tạo cầu, đường trên tuyến đồng thời đáp ứng được yêu cầu tiến độ vận chuyển alumin của dự án.

Hai đề nghị của TKV

Trong văn bản mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam còn đề nghị TKV xác định cơ chế ứng vốn cho Bộ GTVT triển khai một số dự án cấp bách để kiểm tra, gia cố các cầu, xây dựng các đường trên tuyến và chuẩn bị đầu tư 210 km đường, với tổng số tiền là 67 tỉ đồng. Đồng thời, Tổng cục Đường bộ cho rằng với các tiểu dự án đầu tư Tỉnh lộ 725, Tỉnh lộ 769 và 2 cầu La Ngà, Gia Đức, Quốc lộ 20 sẽ được đầu tư bằng vốn của TKV với khoảng kinh phí 1.015,76 tỉ đồng.

Đối với phương án mà TKV đưa ra là sử dụng dòng xe 25 tấn để vận chuyển alumin, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho rằng TKV phải bỏ ra 482,476 tỉ đồng để đầu tư nâng cấp, sửa chữa cầu đường. 

Tuy nhiên, TKV lại cho biết đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị Thủ tướng chỉ đạo sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn ODA, vốn vay… để thực hiện.

Giải thích điều này, TKV đưa ra khá nhiều lý do, trong đó có việc tổng mức đầu tư được duyệt của dự án alumin Lâm Đồng và Nhân Cơ không có chi phí cho việc cải tạo, nâng cấp các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ (do các tuyến này nằm ngoài hàng rào nhà máy).

“Nếu đưa chi phí này vào dự án thì dự án bauxite không còn hiệu quả kinh tế và TKV cũng không thể vay vốn để cải tạo hệ thống đường bộ quốc gia” - văn bản của TKV khẳng định.

Bên cạnh đó, TKV cho rằng việc vay vốn đầu tư cho dự án alumin Lâm Đồng và Nhân Cơ (theo tổng mức đầu tư) đang rất khó khăn và cơ quan này đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị chấp thuận cấp bảo lãnh vay vốn nước ngoài cho 2 dự án alumin. Đến nay Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đang xem xét.

Cần tính phương án thay thế

Trao đổi với báo chí mới đây sau buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng không thể chậm trễ hơn trong việc vận chuyển bauxite từ Lâm Đồng qua tỉnh Đồng Nai rồi về Bình Thuận.

Tuy nhiên, theo ông Thăng, nếu cầu, đường chưa bảo đảm an toàn thì chủ đầu tư phải có kế hoạch khác, như việc thay đổi phương thức vận chuyển bauxite an toàn mà không làm xáo trộn cuộc sống của người dân, không gây ô nhiễm môi trường và bảo đảm an toàn giao thông cho người tham gia giao thông trên các tuyến tập trung đông dân cư ở hai bên Quốc lộ 20, Tỉnh lộ 769 và Quốc lộ 51.

T. K.

Nguồn: nld.com.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn